Màn hình IGZO đã tác động mạnh mẽ đến iPad Air như thế nào?
(GenK.vn) - iPad Air nhanh chóng trở thành mẫu máy tính bảng cỡ lớn được ưa chuộng nhất trên thị trường.
Bạn cần một chiếc tablet cỡ lớn để giải trí, rất khó cái tên nào có thể vượt qua iPad Air ở thời điểm này. Không chỉ hội tụ đủ những yếu tố ăn tiền ở hệ sinh thái mạnh mẽ, phần cứng chất lượng cao mà thiết kế của iPad Air cũng thực sự đáng nể. Với độ dày chỉ 7,5 mm và trọng lượng 469 g, iPad Air trở thành chiếc tablet 10 inch nhẹ nhất thế giới. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào Apple có thể tạo ra iPad Air nhẹ hơn và mỏng hơn so với người tiền nhiệm trước đó của nó? Và câu trả lời chỉ có thể là: IGZO, công nghệ màn hình của Sharp là yếu tố quan trọng để "vát mỏng" chiếc tablet mới đến từ Apple.
IGZO có tên gọi đầy đủ là “indium gallium zinc oxide” sở hữu những ưu điểm đáng giá của một chiếc màn hình chất lượng cao như độ phân giải lớn và tiêu thụ ít điện năng. Công nghệ này đã nhiều lần được ấp ủ phát hành trên các sản phẩm thương mại giống như các công nghệ mới nổi khác trong quá khứ. Và cuối cùng, nhận thấy tiềm năng to lớn mà IGZO mang lại, Apple đã quyết định sử dụng IGZO như là một phần quan trọng trên iPad Air.
Tất cả các loại màn hình phẳng hiện nay, cho dù chúng là OLED hay LCD thì đều bao gồm nhiều lớp khác nhau. Chẳng hạn, trên màn hình LCD của máy tính hay TV thường có ít nhất 5 lớp mỏng, ánh sáng được phát ra từ một đèn nền, có vô số phương phân cực như các ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng này được cho lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ nhất, trở thành ánh sáng phân cực phẳng chỉ có phương thẳng đứng. Ánh sáng phân cực phẳng này được tiếp tục cho truyền qua tấm thủy tinh và lớp điện cực trong suốt để đến lớp tinh thể lỏng. Sau đó, chúng tiếp tục đi tới kính lọc phân cực thứ hai; có phương phân cực vuông góc với kính lọc thứ nhất, rồi đi tới mắt người quan sát. Mỗi lớp trong số chúng, ngoại trừ lớp LCD/OLED đều trong suốt để ánh sáng có thể truyền ra và nhờ đó, bạn quan sát được các nội dung hiển thị trên màn hình. Thật khó tin, nhưng một lớp thủy tinh trong suốt có chứa hàng triệu điện cực nhỏ ở phía trước và phía sau lớp LCD/OLED. Nó vượt qua ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, thật khó hình dung là các nhà sản xuất làm thế nào có thể nhồi nhét hàng triệu điện cực kim loại trên một bề mặt diện tích nhỏ như vậy. Bên cạnh đó, mỗi điểm ảnh cũng đi kèm với một bóng bán dẫn (nhờ vậy nó có thể được bật và tắt) và đặc biệt các bóng bán dẫn này cũng trong suốt. Về cơ bản, hiệu suất và chất lượng của màn hình sẽ có mỗi liên hệ chặt chẽ với hiệu suất và kích thước của các bóng bán dẫn. Từ đây, chúng ta sẽ tìm hiểu để thấy được tính ưu việt của công nghệ màn hình IGZO.
IGZO (hợp chất của gali, indi và ôxit kẽm) là một chất bán dẫn không chỉ được dùng để chế tạo các bóng bán dẫn trong suốt mà còn giúp cho các hạt điện tích di chuyển nhanh hơn trước từ 20 đến 50 lần. Từ đó, cho phép nhà sản xuất có thể tạo ra các bóng bán dẫn nhỏ hơn, bóng bán dẫn nhỏ hơn sẽ cho phép tạo ra các điểm ảnh (pixel) nhỏ hơn, điểm ảnh nhỏ hơn giúp nhà sản xuất có thể đặt nhiều pixel hơn trên cùng một kích cỡ màn hình. Kết quả của quá trình này là sự ra đời của các màn hình có độ phân giải siêu cao, thậm chí lên tới 1600 x 2560 pixel, đi kèm với đó là khả năng hiển thị cực kỳ mịn màng nhờ kích thước điểm ảnh đã bị thu nhỏ.
Mặt khác, cũng nhờ các điện tích di chuyển nhanh hơn mà các pixel sẽ có thời gian phản hồi (Response Time) ngắn hơn. Đặc biệt, công nghệ IGZO không đòi hỏi phải có một dòng điện lớn liên tục chạy qua màn hình, vì vậy, khi thể hiện các hình ảnh tĩnh, nó sẽ giảm số làn làm tươi hình ảnh (Refresh Rate) xuống nhiều lần. Chẳng hạn, đối với màn hình công nghệ AS cũ, hình ảnh sẽ được làm tươi mỗi 1/60 đến 1/30 giây một lần, kể cả khi đó là ảnh tĩnh, không chuyển động. Trong khi đó với màn hình IGZO, nếu chỉ hiển thị ảnh tĩnh thì tần số làm tươi được giảm xuống còn 1/5 đến 1/2 giây một lần, số lần làm tươi ít hơn thì sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn.
Thêm nữa, Sharp cũng chia sẻ rằng các điểm ảnh nhỏ hơn đồng nghĩa với việc ánh sáng sẽ lọt qua chúng dễ dàng hơn, như vậy tấm nền của màn hình LCD không cần phải chiếu sáng quá nhiều, từ đó giúp nó có thể tiêu hao ít năng lượng hơn tới 33%. Theo kiểm chứng của DisplayMate thì màn hình IGZO làm giảm điện năng tiêu thụ của màn hình iPad Air xuống 57% so với người tiền nhiệm iPad 4. Đây là lý do để Apple có thể tự tin tuyên bố rằng iPad Air đủ sức hoạt động trên 10 tiếng thậm chí hơn nhiều nữa trước khi cạn pin.
Một ưu điểm khác của IGZO mà Apple đã tính tới đó là công nghệ màn hình này dễ sản xuất và có giá thành rẻ hơn so với các công nghệ khác có mặt trên thị trường. Nhờ vậy, Apple có thể tiếp tục giảm chi phí sản xuất cho iPad Air.
Thực sự, tương lai của công nghệ màn hình IGZO đang khá sáng sủa. Theo kế hoạch của Sharp, trong tương lai gần, IGZO sẽ được sử dụng phổ biến hơn trên smartphone và tablet, sau đó là nhân rộng tới các thiết bị điện tử khác như laptop, desktop và TV.
Tham khảo: Extremetech.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng