Mạng Internet nhanh nhất thế giới đạt băng thông lên đến 46 Terabits mỗi giây

    Đông Phong, Theo Trí Thức Trẻ 

    (Tổ Quốc) - Tốc độ này nhanh hơn khoảng 46.000 lần so với Internet phổ thông.

    ESnet (Mạng Khoa học Năng lượng) - mạng Internet nhanh nhất của Mỹ mới đây đã được nâng cấp lên ESnet6 với băng thông đáng kinh ngạc là 46 Terabits mỗi giây (Tbps).

    Tuy nhiên, mạng ESnet hiện tại hoàn toàn dành cho các nhà khoa học, để kết nối nhiều phòng nghiên cứu khác nhau của Bộ Năng lượng Mỹ nằm rải rác khắp nơi trên nước Mỹ. ESnet cho phép các nhà khoa học chia sẻ một lượng lớn dữ liệu được tạo ra từ các thử nghiệm khoa học. Trong năm 2021, mạng internet này đã truyền tải 1,1 exabyte dữ liệu. 1 exabyte (EB) tương đương 1 tỷ gigabyte (GB). 

    ESnet6 được tạo thành từ 24.000 km cáp quang chuyên dụng trải khắp nước Mỹ, cho phép truyền dữ liệu ở mức từ 400 Gbps đến 1 Tbps. Mạng Internet này trước đây đã là mạng Internet nhanh nhất thế giới rồi nhưng nay nó đã có một bước nhảy vọt mới, với tốc độ 46 Tbps.

    Mạng Internet nhanh nhất thế giới đạt băng thông lên đến 46 Terabits mỗi giây - Ảnh 1.

    Dù đã đạt tới tốc độ “chóng mặt” nhưng ESnet6 vẫn chưa phải là kỷ lục tốc độ truyền dữ liệu. Vào cuối tháng 5/2022, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (NICT) ở Nhật Bản đã thực hiện một thử nghiệm và thiết lập kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu với 1 Petabit mỗi giây (Pbps), tương đương 1.000 Tbps. Tuy nhiên, tốc độ này mới chỉ ở dạng thí nghiệm chứ chưa áp dụng vào thực tế. Vậy nên ESnet6 hiện vẫn là mạng Internet nhanh nhất thế giới.

    Để so sánh, ESnet6 có tốc độ khoảng 46 triệu Mbps trong khi mạng Internet gia đình hay công ty mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày có tốc độ vào khoảng vài trăm Megabit mỗi giây (Mbps). Mạng Internet nhanh nhất hiện nay dành cho người dùng phổ thông mới đạt tới tốc độ 10 Gbps, ESnet vẫn nhanh hơn 46.000 lần.

    Mạng Internet nhanh không tưởng này không chỉ giúp truyền tải lượng dữ liệu lớn mà còn giúp các ngành dựa vào dữ liệu làm việc trơn tru hơn, như nghiên cứu vũ trụ, lập mô hình thời tiết, nghiên cứu gene...

    (Theo QTM)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày