Manh mối từ tiến hóa cho biết cách cơ thể đốt calo và tập thể dục chưa chắc đã có tác dụng giảm cân như bạn nghĩ

    Long.J,  

    Để giảm cân, dinh dưỡng mới là yếu tố chính chứ không phải việc tập thể dục.

    Có một quan điểm tồn tại từ trước đến giờ, được ủng hộ bởi những chuyên gia dinh dưỡng và thể hình, đặc biệt là những công ty thực phẩm và nước giải khát như Coca-cola và Pepsi: Bạn có thể ăn uống thoải mái mà vẫn xuống cân, miễn là tập thể dục chăm chỉ.

    Mỗi tập thể dục không có tác dụng giảm cân như bạn nghĩ

    Quan điểm này không chỉ sai mà còn khiến loài người thất bại trong cuộc chiến chống béo phì. Điều này được khẳng định qua 60 nghiên cứu khoa học về thể dục và béo phì, được tổng hợp bởi chuyên gia dinh dưỡng Julia Belluz.

    Manh mối từ quá trình tiến hóa cho biết cách cơ thể đốt calo

    Khi nhà nhân chủng học Herman Pontzer (Đại học Hunter, Mỹ) cho rằng ông sẽ tìm thấy những "cỗ máy đốt calo", khi tới Tanzania để nghiên cứu về một trong số ít những bộ lạc nguyên thủy vẫn săn bắt, hái lượm trên trái đất: người Hadza.

     Hadza - một trong số ít những bộ lạc nguyên thủy vẫn săn bắt, hái lượm trên trái đất

    Hadza - một trong số ít những bộ lạc nguyên thủy vẫn săn bắt, hái lượm trên trái đất

    Không như người phương Tây vốn ngày càng dành nhiều thời gian ngồi một chỗ, người Hadza gần như di chuyển và vận động cả ngày. Đàn ông trong bộ tộc có trách nhiệm phải làm những việc nặng như săn bắt, leo cây tìm mật ong rừng. Phụ nữ thì nhẹ nhàng hơn, tìm rau, đào củ và hái quả.

    “Họ là những người có mức hoạt động thể chất cao hơn con người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới,” Pontzer cho biết.

    Khi nghiên cứu đời sống của người Hadza, Pontzer cho rằng ông sẽ tìm được bằng chứng để củng cố về lý do vì sao béo phì lại trở thành một vấn nạn toàn cầu. Nhiều người cho rằng một trong những lý do khiến con người tăng cân nhiều đến vậy trong 50 năm gần đây là vì ta hoạt động ít hơn nhiều so với tổ tiên.

    Pontzer cho rằng dĩ nhiên người Hadza phải đốt trung bình nhiều calo hơn người phương Tây, chắc chắn họ sẽ cho thấy cơ thể con người ở thế giới hiện đại đã trở nên chậm chạp đến mức nào.

    Trong vài chuyến đi vào năm 2009 và 2010, ông và cộng sự đã tiến vào giữa thảo nguyên, chất lên chiếc Land Rover đầy đồ cắm trại, máy tính, pin năng lượng mặt trời, ni-tơ lỏng để làm đông các mẫu nước tiểu và các máy đo hô hấp.

    Ở địa hình phẳng và khô, họ tìm được đối tượng nghiên cứu từ vài gia đình người Hadza. Trong 11 ngày, họ theo dõi hoạt động và mức tiêu hao năng lượng của 13 đàn ông và 17 phụ nữ có độ tuổi từ 18 - 75, sử dụng các phương pháp hiện đại để đo lượng carbon dioxide thải ra khi cơ thể đốt calo.

    Khi tổng hợp các số liệu nghiên cứu, kết quả rất đáng kinh ngạc:

    “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy mức tiêu hao năng lượng của người Hadza không cao hơn người ở châu Âu và châu Mỹ,” Pontzer nói, ông đã công bố những kết quả này trong tạp chí PLoS One vào năm 2012. Dù người Hadza có cơ thể cân đối và tỉ lệ mỡ thấp, thực ra lượng calo mà họ đốt chỉ ngang với người Mỹ, kết quả đáng tin cậy vì đã áp dụng cả những phương pháp so sánh trọng lượng cơ thể.

    Tuy nhiên, nghiên cứu của Pontzer mang tính cá thể và chưa hoàn chỉnh, chỉ gồm 30 đối tượng từ một cộng đồng nhỏ.

    Từ đây có một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào những người Hadza săn bắt-hái lượm lại tiêu hao cùng mức năng lượng với những người phương Tây lười vận động?

    Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng mức tiêu hao năng lượng - hoặc số calo được đốt mỗi ngày bao gồm không chỉ gồm năng lượng khi vận động, mà còn cả năng lượng cho các chức năng giúp chúng ta tồn tại.

    Đốt calo cũng có vẻ là một đặc điểm của con người đã tiến hóa theo thời gian mà ít liên quan đến lối sống. Pontzer cho rằng có thể là người Hadza tiêu hao cùng mức năng lượng với người phương Tây vì cơ thể họ tiết kiệm năng lượng cho những hoạt động khác.

    Hoặc có thể là người Hadza nghỉ ngơi một cách triệt để sau khi lao động cả ngày, từ đó sẽ làm giảm mức tiêu hao năng lượng tổng.

    Nghiên cứu này cho ta cách nhìn nhận mới về mối liên quan giữa mức tiêu hao năng lượng và việc tập thể dục.

    “Người Hadza đốt cùng mức năng lượng nhưng họ không bị béo phì [như người phương Tây],” Pontzer nói. “Họ không ăn quá nhiều nên không bị tích mỡ.”

    Khái niệm cơ bản này là một phầ trong việc lý giải cho một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu đã tổng hợp trong nhiều năm: một khi đã tăng cân, con người rất khó giảm cân chỉ bằng cách tập thể dục "thật lực".

    Dù sao tập thể dục vẫn rất tốt cho sức khỏe

    Trước khi đi sâu vào lý do vì sao tập thể dục không có tác dụng thần kỳ trong việc giảm cân, ta cần làm rõ một điều: Dù vậy, tập thể dục vẫn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe và tâm trí của bạn.

    Dù tập thể dục chỉ giúp giảm cân chút ít, những đối tượng nghiên cứu nào tập thể dục nhiều hơn (thậm chí không thay đổi chế độ ăn uống) cũng cho thấy nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm giảm huyết áp và chất béo trung tính (triglyceride) trong máu. Tập thể dục giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

    Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng những ai tập thể dục cũng giảm nguy cơ bị suy giảm khả năng tư duy do bệnh Alzheimer và chứng mất trí gây ra. Họ cũng đạt điểm cao hơn trong những bài kiểm tra khả năng tư duy. Đó là một trong số rất nhiều lợi ích khác.

    Nếu bạn đã giảm cân, tập thể dục cũng có thể giúp duy trì cân nặng khi kết hợp với phương pháp dinh dưỡng và kiểm soát lượng calo nạp vào một cách hợp lý. Tóm lại, tập thể dục là phương pháp không thể bác bỏ để duy trì sức khỏe, gia tăng tuổi thọ.

    Nhưng chỉ tập thể dục thôi thì không thể giảm cân

    Lợi ích của việc tập thể dục là có thật. Cũng có vô vàn tấm gương "vượt khó" để giảm cân nhờ thể dục, tuy nhiên đó không phải toàn bộ những gì bạn được biết.

    Để tìm hiểu tác động của việc tăng tập thể dục lên cân nặng, các nhà nghiên cứu đã theo sát đủ mọi nhóm người, từ người tập chạy marathon đến cặp sinh đôi trẻ lười vận động, đến những phụ nữ trung niên bị thừa cân và béo phì đang tăng cường hoạt động thể chất bằng cách chạy bộ, đạp xe hoặc thuê huấn luyện viên riêng. Hầu hết đối tượng trong những nghiên cứu này thường chỉ giảm tối đa vài kg, ngay cả trong tình huống kiểm soát gắt gao để duy trì chế độ ăn uống của họ.

    Những phân tích tổng hợp khác xem xét nhiều nghiên cứu về thể dục cũng đưa ra kết luận gây chán nản tương tự về tác động của thể dục lên việc giảm cân.

    Nhà nghiên cứu về chứng béo phì David Allison của Đại học Alabama tóm tắt lại nghiên cứu như sau: mức tác động của thể dục với cân nặng nhỏ hơn mức bạn dự đoán.

    Từ lâu ta đã xem giảm cân là việc “nạp calo, đốt calo” đơn giản. Trong một nghiên cứu năm 1958 được nhiều nguồn trích dẫn, nhà nghiên cứu Max Wishnofsky đã đưa ra một quy tắc mà nhiều tổ chức vẫn dùng để dự đoán vấn đề giảm cân: "500g mỡ người đại diện cho khoảng 3.500 calo; do đó mỗi ngày giảm 500 calo bằng ăn kiêng hoặc tập thể dục thì sẽ làm ta giảm nửa ký mỗi tuần. Tương tự, thêm 500 calo mỗi ngày sẽ làm tăng khoảng nửa ký."

    Ngày nay, các nhà nghiên cứu thấy quy tắc này quá đơn giản. Bởi khả năng trao đổi chất của con người là “ hệ thống năng động và thích ứng theo nhiều điều kiện” . Để giảm cân, dinh dưỡng mới là yếu tố chính chứ không phải việc tập thể dục.

    Theo Vox

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày