Mạnh tay với mạng xã hội
Một số ý kiến lo ngại việc cấm sử dụng mạng xã hội có thể đẩy người trẻ vào những góc tối hơn, không được kiểm soát trên môi trường trực tuyến
- Vì sao meme 'Chill guy' gây sốt điên đảo trên mạng xã hội?
- Một số mạng xã hội lập lờ thuật toán, đẩy nội dung độc hại lên xu hướng
- Australia: Quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm trẻ dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trao đổi vợt Pickleball trên mạng xã hội
- Những trường hợp sẽ bị khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn từ 25/12
Quốc hội Úc ngày 29-11 đã thông qua luật cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Qua đó, Úc trở thành một trong những quốc gia mạnh tay nhất đối với các nền tảng như Facebook, TikTok… trong bối cảnh nhiều chính phủ đang tìm cách bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại.
Một số quốc gia khác, như Mỹ, Pháp, Anh… cũng thực hiện hoặc xem xét các bước đi như tăng giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội hay tăng cường giám sát nội dung.
Theo trang NBC News, luật mới của Úc tác động đến một loạt nền tảng mạng xã hội như X, Facebook, Instagram, TikTok, Snapchat và Reddit nhưng danh sách này không có YouTube. Những góc tối của mạng xã hội, như nội dung tiêu cực và nạn bắt nạt, đã góp phần dẫn đến động thái mạnh mẽ này.
Khi công bố thông tin chi tiết về lệnh cấm nói trên vào đầu tháng 11, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng đã trích dẫn những rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em do lạm dụng mạng xã hội. Trong khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nước, lệnh cấm này cũng dẫn đến làn sóng chỉ trích từ các công ty công nghệ lớn.
Mạng xã hội X - thuộc sở hữu của tỉ phú người Mỹ Elon Musk - đặt câu hỏi liệu lệnh cấm này có hợp pháp hay không, qua đó báo hiệu cuộc chiến pháp lý chờ đợi phía trước. TikTok, thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc), cho rằng luật này được thông qua "vội vã", "không khả thi" và còn những mối lo ngại chưa được giải quyết.
Riêng Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook và Instagram) lưu ý lệnh cấm của Úc "bỏ qua thực tế về công nghệ xác minh độ tuổi" và không giúp người trẻ an toàn hơn trên mạng.
Các công ty này càng có lý do lo lắng khi mô hình kinh doanh của họ có thể bị đe dọa khi mất đi một nhóm người sử dụng quan trọng, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và được các nhà quảng cáo săn đón.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cảnh báo về những tác động ngoài ý muốn của một lệnh cấm cứng nhắc, như luật có nguy cơ phản tác dụng khi đẩy người trẻ tuổi vào những góc tối hơn, không được kiểm soát trên môi trường trực tuyến. Một nỗi lo khác là luật có nguy cơ xâm phạm quyền trẻ em và cắt đứt khả năng tiếp cận thông tin quan trọng đối với phúc lợi của các em.
Dù nhìn nhận việc thực hiện luật này là không dễ, Thủ tướng Úc nhấn mạnh đây là điều đúng đắn cần làm. Các biện pháp thực thi bắt đầu được thử nghiệm từ tháng 1-2025 trước khi luật mới chính thức có hiệu lực sau một năm. Các nền tảng mạng xã hội phải có biện pháp giới hạn độ tuổi người dùng, nếu không sẽ đối mặt mức phạt lên tới 49,5 triệu AUD (hơn 816 tỉ đồng).
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các nền tảng sẽ xác minh độ tuổi như thế nào sau khi Chính phủ Úc đã loại trừ việc sử dụng các loại giấy tờ tùy thân để xác minh tài khoản do lo ngại về quyền riêng tư. Ngoài ra, trẻ em tìm cách "lách luật" cũng như cha mẹ các em sẽ không bị phạt.
Nhiều nước siết quản lý
Trung Quốc được biết đến với một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm bảo vệ trẻ em khỏi tác hại do nghiện internet và trò chơi điện tử gây ra. Năm 2023, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới công bố kế hoạch cho phép trẻ em sử dụng internet trên điện thoại thông minh không quá 2 giờ mỗi ngày.
Trước đó, Bắc Kinh hồi năm 2019 giới hạn thời gian chơi game trực tuyến hằng ngày của trẻ vào các ngày trong tuần là 90 phút. Trẻ cũng bị cấm chơi game trực tuyến từ 22 giờ đến 8 giờ. Đến năm 2021, thời gian được phép chơi game trực tuyến đã giảm xuống chỉ còn 1 giờ mỗi ngày vào các ngày thứ sáu, cuối tuần và ngày lễ. Trong khi đó, mạng xã hội Douyin chỉ cho phép người dưới 14 tuổi dùng ứng dụng này 40 phút mỗi ngày.
Hàn Quốc hồi năm 2011 ban hành quy định cấm trẻ dưới 16 tuổi chơi trò chơi trực tuyến sau nửa đêm trước khi luật này đã bị bãi bỏ vào năm 2021. Việc chơi game trực tuyến quá mức được quản lý bằng cách cho phép cha mẹ và người giám hộ sắp xếp thời gian chơi đã được phê duyệt.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý truyền thông Singapore có quyền yêu cầu các nền tảng công nghệ chủ động phát hiện và gỡ bỏ nội dung có hại, như khuyến khích tự tử và khủng bố, nếu không sẽ bị phạt. Hồi tháng 7-2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Josephine Teo công bố quy định mới, theo đó yêu cầu các cửa hàng ứng dụng di động hạn chế độ tuổi nhằm ngăn trẻ em tải các ứng dụng không phù hợp với độ tuổi.
Còn tại nhật Bản, Kagawa vào năm 2020 trở thành tỉnh đầu tiên thông qua các quy định nhằm đối phó tình trạng nghiện trò chơi trên điện thoại thông minh và máy tính ở người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, người dưới 18 tuổi bị cấm chơi game trực tuyến quá 1 giờ mỗi ngày (90 phút vào ngày cuối tuần). Quy định cũng cấm trẻ trong độ tuổi trung học cơ sở hoặc nhỏ hơn sử dụng điện thoại thông minh hay chơi game sau 21 giờ. Học sinh trung học phổ thông được phép làm điều này đến 22 giờ.
Xuân Mai
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Trên tay Galaxy S25 và Galaxy S25+: Vẫn thiết kế quen thuộc nhưng nâng cấp bên trong mới đáng chú ý, giá từ 22,99 triệu đồng, đặt trước được tặng nhiều quà