Mặt tối của Instagram: điện thoại bảo mật dành cho giới tội phạm được bán công khai mà chưa bị cảnh sát "sờ gáy"
Nhiều năm qua, ngành công nghiệp điện thoại bảo mật - vốn đôi lúc có mối liên hệ với các loại tội phạm có tổ chức - đã thiết lập một thị trường ảo trên mạng xã hội Instagram.
Hôm thứ 7 vừa qua, FBI đã bắt giữ CEO của Phantom Secure - một công ty được cho là đã cung cấp các điện thoại bảo mật cho các tập đoàn tội phạm có tổ chức quốc tế, trong đó có cả cartel ma tuý Sinaloa. Một điểm mấu chốt trong vụ án này là liệu có phải Phantom Secure tạo ra các sản phẩm của họ một cách có chủ đích nhằm giúp thực hiện các hành vi phạm tội hay không?
Hoá ra, một tài khoản Instagram có liên kết với Phantom, chủ yếu được dùng để quảng cáo các sản phẩm của công ty này, lại chẳng hề tỏ ra ngượng ngùng khi nhắc đến mối liên hệ với tội phạm. Đây là một xu hướng chung có thể thấy trên toàn ngành công nghiệp điện thoại bảo mật.
Nếu xem tài khoản Instagram Phantom PGP - một reseller của Phantom, bạn sẽ thấy hình ảnh với dòng chữ "Snitches get stitches" - một thành ngữ trong từ điển hiện đại với ý nghĩa "dằn mặt" rằng "kẻ nào chỉ điểm sẽ bị đánh bầm dập". Hiện vẫn chưa rõ reseller này hay nhiều tài khoản Instagram khác đang quảng cáo các điện thoại của Phantom có dính líu đến các cáo buộc gần đây chống lại công ty chính của Phantom và chủ nhân của nó hay không.
Một số bài đăng trên tài khoản Twitter Phantom PGP
Phantom và một lượng lớn các công ty khác trong lĩnh vực này được biết đến khi bán các thiết bị BlackBerry hay Android đã tuỳ biến, trong đó cụm camera và microphone đã bị tháo bỏ, còn riêng Phantom thì hãng này tháo luôn bộ định vị GPS và các chức năng lướt Internet thông thường khác. Để gọi điện hay nhắn tin, các điện thoại Phantom sẽ điều hướng các tin nhắn đã mã hoá thông qua cơ sở hạ tầng của chính công ty.
"Đã được kiểm chứng. Đáng tin cậy. Không thể bẻ khoá. Đã đánh giá hiệu năng. Đơn giản là bảo mật" - đó là nội dung một bài đăng khác trên Instagram Phantom PGP, cùng hình ảnh một trong những chiếc điện thoại được rao bán với hình nền là nội thất một chiếc xe hơi Bentley. Phantom PGP cố tạo dựng hình tượng sang trọng và hoa mỹ, lôi cuốn, với các cô đào thiếu vải, những khung cảnh từ các khách sạn được dàn dựng, và những con thú cưng nhập từ nước ngoài. Dù nhiều bức ảnh có vẻ như được "chôm chỉa" từ các nguồn khác và được Phantom PGP tải lên như hình của chính mình, nhiều bức ảnh khác rõ ràng là do tài khoản này tự thực hiện và có các hình ảnh điện thoại mà họ đang bán.
Thế nhưng những hình ảnh liên quan đến tội phạm trên trang Instagram của tài khoản này mới là thứ đáng nói. Chúng là một tập hợp đủ loại hình ảnh súng ống, tiền mặt, ma tuý, và các meme. Một trong số chúng ghi rằng "Hai người có thể giữ một bí mật, nếu một trong hai chết đi".
Tài khoản này thậm chí còn lấy hình ảnh về những tội ác điển hình từ phim và TV, như Scarface, Walter White từ phim Breaking Bad, và Tony Soprano. Những thứ này cũng chẳng có vấn đề gì nếu CEO Phantom đang không phải đối mặt với cáo buộc âm mưu tống tiền, âm mưu phân phối - trợ giúp và tiếp tay phân phối ma tuý. Theo đơn tố cáo thì Vincent Ramos - chủ nhân của Phantom - đã nói với các đặc vụ ngầm rằng "Chúng tôi làm nó dành riêng cho việc này (việc phân phối ma tuý)". "Nó" ở đây chính là các điện thoại của Phantom Secure.
Một số hình ảnh khác trên Instagram của Phantom PGP
Tất nhiên, khi được email hỏi về bình luận liên quan vụ việc, Phantom PGP chẳng hề hồi đáp.
Hai tài khoản Instagram khác cũng chia sẻ các bài quảng cáo của Phantom, nhưng lại không hoàn toàn đi theo phong cách lối sống thượng lưu như vậy. Một tài khoản khác thì quảng cáo một thiết bị BlackBerry tuỳ biến do một công ty tên là Sky ECC thực hiện, với hình ảnh một người đàn ông cầm một nắm tiền mặt ngồi trong xe hơi thể thao cùng chiếc điện thoại của anh ta.
Nhiều công ty khác trong lĩnh vực điện thoại bảo mật, bao gồm Sky ECC và MPC, đã quảng cáo các sản phẩm của mình trên các website tin tức tội phạm (Sky cho biết quảng cáo không phải do họ tự thực hiện). Một tài khoản Twitter thì đăng nhiều hình ảnh của một thiết bị tương tự do hãng EncroChat thực hiện cùng một xấp tiền mặt xoè ra.
Hình ảnh điện thoại và tiền mặt của tài khoản Twitter Misdaadnieuw2
Nói một cách rõ ràng thì vẫn có những khách hàng hợp pháp của một số công ty sản xuất điện thoại bảo mật hay các reseller. Nhưng trong trường hợp của Phantom, đơn tố cáo đã nêu rõ rằng các nhân viên của lực lượng hành pháp chẳng nêu được tên vị khách hàng nào như vậy.
Dù rất khó để xác định liệu các tài khoản Instagram nêu trên có thực sự giúp bán được một món hàng nào không, nhưng Phantom đã bị cáo buộc cung cấp "hàng" của họ cho giới tội phạm ngầm. Theo bản báo cáo của đặc vụ đặc biệt của FBI Nicholas Cheviron, "các thành viên cấp cao" của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đã mua các điện thoại của Phantom, và một nguồn tin thân quen với công ty này cho biết các thiết bị của họ đã được bán sang Mexico, Cuba và Venezuela, cũng như băng đảng xe đạp Hells Angels.
Dù sao thì chúng ta cũng chỉ nên... đọc cho biết mà thôi. Bởi một bài đăng trên Instagram Phantom PGP đã ghi rằng: "Không phải việc cá nhân đâu. Công việc kinh doanh làm ăn cả".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng