Và cả các sản phẩm làm từ nhựa đen khác cũng chứa chất gây ung thư. Chúng xuất hiện đầy rẫy ngay trong ngôi nhà của bạn.
- Cấm bán thuốc lá cho thế hệ 2K có thể cứu sống 1,2 triệu người, tiết kiệm được 120 nghìn tỷ tiền mua thuốc ung thư phổi
- Đúng 20 năm về trước, hạt vi nhựa đầu tiên được phát hiện, hơn 7.000 nghiên cứu đã được thực hiện kể từ đó, kết quả chỉ ra điều gì?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu nhựa chưa từng được phát minh?
- Lần đầu tiên phát hiện vi nhựa xâm nhập vào não người!
- Cuối cùng khoa học cũng tìm ra cách tái chế mấy cái hộp xôi, thứ rác nhựa khó tái chế nhất hành tinh
Có lẽ tất cả chúng ta, ai cũng đã từng ít nhất một lần thử ăn sushi giá rẻ bán trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Chúng hấp dẫn quá mà. Những miếng sushi và cơm cuộn đầy màu sắc, nổi bật trên nền của những chiếc hộp màu đen, với nắp bóng kính.
Hơn nữa, giá thành của chúng lại quá rẻ và dễ tiếp cận. Chỉ từ 5-10.000 VNĐ cho mỗi miếng sushi, so với giá vài chục ngàn trong một cửa hàng sushi truyền thống. Bỏ ra chưa tới 100.000 VNĐ là bạn đã có một bữa ăn vừa miệng cho hai người.
Thế nhưng, những chiếc hộp sushi này là minh chứng rõ ràng nhất cho việc không có thứ gì trên đời vừa ngon, vừa rẻ lại vừa bổ.
Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Chemosphere cho biết những chiếc hộp đựng sushi màu đen trong siêu thị đang phát tán các hóa chất chống cháy, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Các nhà khoa học tìm thấy nồng độ một chất chống cháy gây ung thư cao gấp hơn 1.000 lần trong hộp nhựa đựng sushi màu đen
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Toxic-Free Future, một cơ quan nghiên cứu và vận động chính sách môi trường, trong một dự án hợp tác với Viện Amsterdam về Sự sống - Môi trường thuộc Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, Hà Lan.
Trong đó, họ đã kiểm tra nồng độ của một số hóa chất độc hại gốc Brom có trong 203 sản phẩm được làm từ vật liệu nhựa màu đen, bao gồm đồ chơi trẻ em, hộp đựng thực phẩm và dụng cụ nhà bếp. Kết quả cho thấy sự hiện diện của một số hóa chất đáng lo ngại được gọi là decabromodiphenyl ether (decaBDE), với nồng độ rất cao.
DecaBDE là một hợp chất thuộc nhóm polybrominated diphenyl ether, hay PBDE, được thêm vào đồ nhựa để chống cháy. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Network Open hồi tháng 4, tiếp xúc với PBDE có thể khiến hợp chất này nhiễm vào máu. Và những người có nồng độ PBDE cao trong máu cũng có nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn 300% so với người bình thường.
Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường nước này đã cấm hoàn toàn việc sử dụng DecaBDE vào năm 2021, sau khi phát hiện nó có liên quan đến bệnh ung thư, các vấn đề về nội tiết và tuyến giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ em, cũng như gây độc tính với hệ thống thần kinh, hệ sinh sản và miễn dịch.
Bất chấp những điều đó, DecaBDE vẫn được tìm thấy trong 85% các mẫu sản phẩm nhựa màu đen được khảo sát từ nghiên cứu. Nồng độ hợp chất chống cháy này cao hơn từ 5 đến 1.200 lần so với giới hạn 10 phần triệu (ppm).
Các sản phẩm có tỷ lệ DecaBDE cao nhất là hạt cườm trong đồ chơi trẻ em, thìa nhựa màu đen dùng trong nhà bếp và hộp đựng sushi bằng nhựa màu đen thường thấy trong siêu thị. Trong đó, các khay nhựa màu đen đựng sushi có thể chứa tới 11.900 ppm DecaBDE, tương đương với 1,5% trọng lượng và gấp hơn 1.000 lần giới hạn cho phép.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại, bởi DecaBDE có thể xâm nhập vào thực phẩm và đi vào máu của chúng ta, khi chúng ta ăn sushi từ những hộp đựng bằng nhựa đen đó.
Không chỉ hộp đựng sushi, mối lo ngại đến từ các đồ dùng nhựa màu đen nói chung
Có những lý do tại sao các siêu thị lại lựa chọn hộp đựng sushi được sản xuất từ nhựa màu đen. Thứ nhất, đó là chúng có thể làm nổi bật màu sắc của những miếng sushi, làm chúng trở nên bắt mắt và trông ngon miệng hơn.
Thứ hai, những chiếc hộp nhựa màu đen có giá thành rẻ hơn nhựa trắng, vì chúng thường được làm từ nhựa tái chế. Và thứ ba, loại nhựa này cực kỳ thích hợp dùng cho sản phẩm đông lạnh.
Một số nhà cung cấp hộp nhựa đựng thực phẩm thường quảng cáo rằng hộp của họ sử dụng nhựa PET, giống với loại nhựa dùng làm nước đóng chai, vì thế an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhựa PET trong suốt chỉ được sử dụng làm phần nắp đậy bóng kính phía trên của hộp sushi. Còn phần lót bằng nhựa đen bên dưới là nhựa PS, một loại nhựa gốc styrene chứa hàm lượng chất chống cháy cao hơn nhựa PET rất nhiều.
Thông thường, các chất chống cháy này chỉ được thêm vào các sản phẩm như đồ điện tử, như tivi, điện thoại thông minh, máy tính. Bên cạnh đó, là các đồ dùng nội thất dễ cháy như ghế sofa, ghế văn phòng, ghế bọc ô tô, đệm, thảm yoga…
Không có lý do gì để các nhà sản xuất thêm chất chống cháy vào các sản phẩm đựng thực phẩm như chai nước, hộp đựng sushi, hay hạt cườm trong đồ chơi trẻ em. Trừ khi các sản phẩm này được làm từ nhựa tái chế, trước đó đã được sử dụng làm đồ điện tử, chúng mới có nồng độ chất chống cháy cao như đồ điện tử.
Và chất chống cháy lúc này từ có lợi sẽ trở thành có hại.
Erich Shea, giám đốc của Liên minh Chất chống cháy Bắc Mỹ (NAFRA) cho biết: "Việc sử dụng chất chống cháy trong thiết bị điện tử và đồ gia dụng đã đóng vai trò quan trọng giúp làm giảm các vụ thương tích và tử vong liên quan đến hỏa hoạn, cũng như ngăn ngừa tài sản bị hủy hoại. Tái chế nhựa từ rác thải điện tử cũng là một phần quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn, giúp bảo tồn tài nguyên và giảm tác động của rác thải nhựa đến môi trường".
Thế nhưng theo Linda Birnbaum, một nhà độc chất học đồng thời là nguyên giám đốc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ, các loại nhựa chứa nồng độ cao chất độc hại không nên được tái chế, nhất là để dùng làm đồ chứa thực phẩm hoặc đồ chơi trẻ em.
"Mối quan ngại mới được nêu ra trong nghiên cứu này là: "Hãy xem, nhựa đen không nên được tái chế và không nên xuất hiện trong đủ các loại sản phẩm có thể gây hại cho con người như hiện nay", Birnbaum nói.
"Cá nhân tôi khuyên bạn không nên sử dụng các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm hoặc đồ chơi trẻ em được làm bằng nhựa đen".
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Theo trang web của Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ (ACC), trung bình, một ngôi nhà của chúng ta có ít nhất từ 20 vật phẩm được làm từ nhựa màu đen trở lên. "Những thiết bị này đã được nhúng vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng có thể gây ra rủi ro về mặt an toàn nếu không có chất chống cháy", ACC cho biết.
Thế nhưng, các sản phẩm này có thể "làm rò rỉ chất chống cháy vào không khí, sau đó bám vào bụi, thức ăn, nước uống và có thể được cơ thể tiêu hóa hấp thụ", theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ.
"Đã có những nghiên cứu trước đây được thực hiện ở nhiều quốc gia, trong đó họ thấy cùng một vấn đề về nhựa đen bị nhiễm chất chống cháy, cũng như các nghiên cứu cho thấy chất chống cháy có thể rò rỉ từ đồ dùng nhà bếp vào thực phẩm và vào nước bọt của trẻ em thông qua việc ngậm đồ chơi", Megan Liu, nhà quản lý khoa học và chính sách của Toxic-Free Future, cho biết.
Vậy người tiêu dùng có thể làm gì để hạn chế rủi ro từ các vật phẩm nhựa màu đen?
Liu cho biết: "Hãy thay thế đồ dùng nhà bếp bằng nhựa bằng các lựa chọn bằng thép không gỉ hoặc chọn các mặt hàng không chứa nhựa để giúp giảm thiểu tổng lượng tiếp xúc với các chất phụ gia và nhựa có hại".
Theo nghiên cứu của Toxic-Free Future, sử dụng các dụng cụ nhà bếp bằng nhựa đen có thể khiến bạn bị phơi nhiễm trung bình 34,7 ppm chất decaBDE gây ung thư mỗi ngày.
Nếu bạn có ý định sử dụng đồ dùng nhà bếp bằng nhựa, hãy đảm bảo bạn chọn chúng từ các nhà sản xuất uy tín, những hãng làm đồ gia dụng đã cam kết loại bỏ chất chống cháy ra khỏi sản phẩm của mình.
Tuyệt đối không mua các sản phẩm nhựa nhà bếp, nấu ăn từ các nhà sản xuất không tên tuổi, ngay cả khi chúng có giá rẻ, bởi giá rẻ thường đồng nghĩa với việc sản phẩm đó được làm từ nhựa tái chế, không được kiểm soát chất lượng.
Ngoài ra, bởi chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn chất chống cháy ra khỏi các đồ dùng thiết yếu khác như điện thoại, tivi, lò nướng, lời khuyên của Liu là hãy thường xuyên lau sạch chúng, hút bụi trong nhà để loại bỏ chất chống cháy rò rỉ mà bạn có thể ăn phải hoặc hít phải. Rửa tay thường xuyên và giữ nhà cửa thông gió, thoáng mát cũng có thể giúp ích.
Đối với Birnbaum, nhà độc chất học tới từ viện Khoa học Sức khỏe Môi trường, lời khuyên của ông là tuyệt đối không dùng những chiếc hộp nhựa màu đen để đựng thực phẩm.
"Nhiều người còn rửa và tái sử dụng hộp nhựa đen đựng thực phẩm đó", Birnbaum nói. "Tôi thường bảo họ phải ngay lập tức lấy thực phẩm ra khỏi hộp nhựa đen và cho vào đĩa thủy tinh, thép không gỉ hoặc đĩa sứ".
Cuối cùng, Birnbaum cho biết bạn tuyệt đối không nên hâm nóng những chiếc hộp nhựa đen đựng thực phẩm trong nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng, vì nhiệt độ cao sẽ khiến hóa chất ngấm vào thực phẩm dễ dàng hơn.
Nhưng Liu cho biết các biện pháp kể trên chỉ giúp giảm thiểu phần nào nguy cơ tiếp xúc của chúng ta với các chất độc hại.
"Chúng ta cần các chính sách của chính phủ và doanh nghiệp nhằm hạn chế việc sử dụng các hóa chất độc hại như chất chống cháy và các loại nhựa nguy hiểm", cô nói. Tốt nhất là không nên tái chế các sản phẩm và dùng các sản phẩm được làm từ nhựa đen, hoặc phải tìm cách loại bỏ được các chất độc hại như chất chống cháy ra khỏi đó.
Từ giờ cho tới lúc có các chính sách cụ thể về loại nhựa này, bạn hãy luôn cảnh giác với chúng, những sản phẩm nhựa màu đen, đặc biệt là chiếc hộp đựng sushi hay thấy trong siêu thị và trung tâm thương mại.
Lời khuyên là nếu muốn ăn, hãy lấy sushi ngay ra khỏi đó, và tuyệt đối không đổ nước tương trực tiếp ra chiếc hộp nhựa đen đó để chấm – một phong cách ăn sushi thường thấy trong các bữa ăn tiện lợi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng