Melinda Gates: “Công nghệ có thể khiến thế giới tốt đẹp hơn hay không phụ thuộc vào chính chúng ta”
Phu nhân của Bill Gates đã bày tỏ quan điểm cá nhân cho câu hỏi: Các cải tiến về công nghệ đang khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn hay chỉ đang tìm cách “rút ví” từ người tiêu dùng?
Trên chuyên mục thể hiện quan điểm của độc giả thuộc tờ New York Times – Room for Debate – vào ngày 22/7 vừa qua, bà Melinda Gates đã chia sẻ quan điểm của bản thân về chủ đề: Các cải tiến về công nghệ đang khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn hay chỉ đang tìm cách “rút ví” từ người tiêu dùng?
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, bà viết: “Vốn kiến thức của tôi có thể không đủ rộng để có thể nhận xét về hàng ngàn công ty tại Thung lũng Silicon, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng họ đang nỗ lực làm việc vì một thế giới tốt đẹp hơn cho hàng tỷ người."
Đồng thời, bà đưa ra ba ví dụ để minh chứng cho lập luận trên. Thứ nhất, có thể nói một trong những vấn đề lớn của ngành giáo dục Mỹ là giáo viên phải dạy cùng lúc cho 30 học sinh với 30 cách học khác nhau. Tuy nhiên, các nhà phát triển tại Facebook đã xây dựng được một hệ thống trực tuyến cung cấp cho các giáo viên những thông tin và công cụ cần thiết để tùy ý thiết kế bài giảng. Kết quả là các giáo viên đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc họ giỏi nhất: truyền cảm hứng cho học sinh của mình.
Melinda Gates là đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, nhằm cải thiện công bằng tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Thế nhưng, theo bà Melinda, Mỹ không phải là nơi duy nhất được hưởng lợi từ tiện ích này. Ví dụ thứ hai này xoay quanh vấn đề nông nghiệp. Một trong những lý do chính khiến nông dân ở các nước nghèo phải rất chật vật mới có thể đạt tới năng suất của nông dân ở các nước giàu là do họ không có điều kiện tiếp xúc với lượng thông tin cần thiết, cập nhật về hạt giống, giống cây trồng hay các chỉ dẫn về quản lý đất đai đúng cách. Để giải quyết vấn đề này, tổ chức Digital Green đã làm việc với Google và Microsoft để tạo ra một nền tảng kỹ thuật số mới, trong đó những nông dân có thể hướng dẫn lẫn nhau về các phương pháp trồng trọt hiệu quả bằng chính ngôn ngữ địa phương. Phương pháp này vốn rất phát triển ở Ấn Độ và đang được thử nghiệm ở một số nước châu Phi, chứng minh lợi thế về sự hiệu quả và giá thành rẻ vượt bậc so với các phương pháp đào tạo truyền thống.
Ví dụ cuối cùng củng cố cho luận điểm của bà Melinda chính là sự đổi mới không ngừng về các tiến bộ công nghệ tại khu vực Bắc California. Ví dụ, tại trung tâm công nghệ mới mang tên "Silicon Savannah" ở Nairobi, Kenya, các doanh nghiệp lớn quyết định xây dựng một công ty năng lượng mặt trời có tên M-KOPA nhằm giúp người dân châu Phi không còn phải sử dụng dầu hoả để thắp sáng do nguồn điện thiếu thốn, vì bản thân phương pháp này vốn đã rất đắt đỏ và nguy hiểm. Kết quả, M-KOPA đã có khả năng cung cấp nguồn điện giá rẻ hàng ngày cho hơn 1 triệu người dân Kenya với chi phí chưa tới 1 USD/ngày, chưa kể còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân.
Tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ sẽ mở ra một thế giới tốt đẹp hơn?
Cuối cùng, bà kết luận: “Công nghệ không hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng nó đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chính những nhà phát triển và người sử dụng sẽ là những người xác định được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của công nghệ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhiệm vụ khuyến khích những bộ óc sáng tạo không ngừng để sử dụng “quyền lực” vô biên của họ nhằm cải thiện thế giới.”
Hưởng ứng bài viết của Melinda Gates, rất nhiều độc giả khác của New York Times cũng đã bình luận bày tỏ sự ủng hộ với bà. Họ nhấn mạnh lòng ngưỡng mộ dành cho Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và tin tưởng vào hướng đi của bà trong công tác cải thiện hệ thống giáo dục ở Mỹ. Bên cạnh đó, họ cũng nhất trí với quan điểm rằng, các cải tiến công nghệ hiện nay đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho bộ mặt thế giới nói chung với nhiều bước ngoặt mang tính đột phá. Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để có thể đạt tới viễn cảnh lý tưởng như bà Melinda đã đề cập và hạn chế các mặt tối của sự phát triển công nghệ, sẽ cần rất nhiều thời gian cũng như công sức từ nhiều phía để giải được bài toán phức tạp này.
Tham khảo NYTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng