Các nhà khoa học Pháp đã đưa cô mèo có tên Félicette vào không gian vào tháng 10 năm 1963 với hy vọng đuổi kịp Mỹ và Liên Xô trong Cuộc đua Không gian.
Félicette là một cô mèo chỉ nặng khoảng 2 cân rưỡi, và đã dành phần lớn cuộc đời của mình trên đường phố Paris. Trước khi đứng vào hàng ngũ 1 trong 14 "chiếc" mèo được các nhà khoa học Pháp tuyển chọn và huấn luyện, Félicette là một con mèo hoang khỏe mạnh.
Năm 1963, mèo Félicette đã vượt qua được những thử thách mà không cá thể cùng loài nào từng đạt được. Nó vừa được chọn vì phong thái điềm đạm, lại vừa phù hợp với sứ mệnh không gian khi có thân hình cân đối, nhẹ nhàng. Đến tháng 10 cùng năm, Félicette được đưa lên tên lửa, chuẩn bị cho chuyến hành trình lịch sử.
Không giống như số phận bi thảm của những con vật thí nghiệm trước đó, mèo Félicette dù vẫn phải trải qua một khoảng thời gian vô cùng chóng mặt trên chuyến bay vào không gian, nhưng bé vẫn đáp đất an toàn.
Tuy nhiên, trong khi các loài động vật khác đi vào không gian như chú chó Laika hay tinh tinh Ham được tôn vinh và nhiều người biết tới, dường như cô mèo hoang đã phải chịu đựng những bất công cũng như sớm bị lịch sử lãng quên.
Đến những năm 1960, khi "Cuộc đua không gian" bắt đầu nóng lên, trong khi Mỹ và Liên Xô đã đạt được những tiến bộ và thành tựu nhất định thì người Pháp lại nhận thấy những thiếu sót của mình trong chương trình không gian.
Họ dự định dùng chuột để thử nghiệm những chương trình hàng không vũ trụ đầu tiên. Nhưng điều đó không thực sự ấn tượng như việc bay vào không gian của Liên Xô với chú chó Laika năm 1957, hay tinh tinh Ham của Mỹ năm 1961.
Hơn nữa, mục tiêu của việc đưa động vật lên vũ trụ thời kỳ này là để hiểu được cách mà chuyến bay vào vũ trụ có thể tác động đến tâm sinh lý của con người. Do đó loài chuột không cung cấp được cho các nhà khoa học nhiều hiểu biết sâu sắc. Vì vậy, các nhà khoa học Pháp đã chuyển sự chú ý sang một loài động vật khác, đó là mèo.
Michel Viso, một cựu bác sĩ thú y và trưởng khoa ngoại sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia của Pháp giải thích về lý do lựa chọn loài động vật này: "Mèo là một trong những loài động vật được sử dụng rộng rãi cho các nghiên cứu sinh lý thần kinh vào thời điểm đó".
Nói cách khác, việc lựa chọn một loài động vật mà các nhà khoa học đã hiểu rõ trong các nghiên cứu luôn là sự lựa chọn thích hợp và tối ưu nhất. Vì vậy, để theo đuổi mục tiêu mới của mình, các nhà khoa học tại Trung tâm d'Enseignement et de Recherches de Médecine Aéronautique (CERMA) đã mua và tuyển chọn ra 14 con mèo cái, và bắt đầu đưa chúng qua khóa huấn luyện để trở thành "phi hành gia".
Trong số 14 con mèo này, có một con được chú ý đặc biệt, mang số hiệu "C 341", và sau đó, con mèo nhị thể đặc biệt điềm tĩnh này được mọi người biết đến với cái tên Félicette.
Félicette và 13 con mèo khác đã trải qua một quá trình sàng lọc nghiêm ngặt để xem chúng sẽ phản ứng như thế nào với chuyến bay vào vũ trụ. Chúng phải chịu đựng các bài kiểm tra về sự thích nghi của cơ thể với môi trường không trọng lực, tiếng động lớn của tên lửa, hay việc kích thích các điện cực trong não và thậm chí là cả các buổi quay ly tâm - có thể gây ra những cơn đau bụng trong vài tháng đối với con người.
Trong số tất cả nhưng con mèo được tuyển chọn, Félicette sau khi vượt qua nhiều bài kiểm tra đã trở thành một trong sáu ứng cử viên để đi vào vũ trụ. Sau cùng, các nhà khoa học đã chọn Félicette là con mèo duy nhất được đưa vào vũ trụ trong chương trình này, vì nó là con mèo có thể duy trì được cân nặng của mình - những con mèo khác trong chương trình đã tăng cân, và quan trọng hơn, Félicette là một con mèo có một thái độ cực kỳ điềm tĩnh, cân bằng.
"Félicette là con mèo phù hợp với công việc này", một trong những nhà khoa học của CERMA sau này cho biết. "Bất kỳ phản ứng hoảng sợ nào bị phát hiện sẽ khiến cho nó bị loại khỏi chương trình vì điều đó khiến các tín hiệu não của nó bị nhiễu và không thể đọc được".
Vào 8:09 sáng ngày 18 tháng 10 năm 1963, tại Hammaguir, Algeria, cô mèo Félicette chính thức trở thành con mèo đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ, nó được đặt trong một chiếc hộp chuyên dụng, gắn lên tên lửa Véronique AG1, và phóng vào vũ trụ với tốc độ gấp 5 - 6 lần tốc độ âm thanh.
Viso giải thích: "Tên lửa bay rất cao, gần 157 km. Sau hành trình 15 phút bay bên ngoài không gian, chiếc hộp được tách ra, bung dù và hạ cánh trở lại Trái Đất với tư cách một nữ anh hùng của nước Pháp".
Các phương tiện truyền thông ưu ái đặt biệt danh cho chú mèo phi hành gia này là "Astrocat" theo tên bộ phim hoạt hình nổi tiếng. Tuy nhiên những ngày tháng sau đó của cô mèo này lại không có được những vinh quang của một sinh vật xả thân vì nhân loại.
Khoảnh khắc oai hùng của Félicette không kéo dài lâu. Trước chuyến bay, não của Félicette được gắn một điện cực và ngay sau khi cô mèo trở về Trái Đất, các nhà khoa học đã sử dụng nó để nghiên cứu sự ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực đến thần kinh. Bộ não của Félicette bỗng trở thành một tài sản nghiên cứu quý giá. Dâng não bộ (một cách không tự nguyện) cho y học là cống hiến cuối cùng của cô mèo hoang nước Pháp.
Kể từ đó, di sản ấn tượng của Félicette bắt đầu mờ nhạt dần trong con mắt của nhân loại. Tại sao lại như vậy? Tại sao Félicette bị lãng quên trong khi những con vật như tinh tinh Ham và chú chó Laika lại được nhân loại ghi nhớ và tôn vinh?
Robert Pearlman, nhà sử học vũ trụ và biên tập viên của trang web lịch sử không gian SPACE cho biết: "Tôi nghĩ rằng sự lãng quên này có thể là vấn đề lịch sử diễn ra như thế nào. Nỗ lực dẫn đến việc phóng con người vào không gian, và cuối cùng là lên Mặt Trăng bản chất chỉ là cuộc chạy đua không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Xô".
Bởi vì người Pháp chưa bao giờ phóng con người vào không gian - sau này họ hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu - những thành tựu ban đầu của họ khá mờ nhạt khi so sánh với những thành tựu của Nga và Mỹ. Và theo đó, câu chuyện của Félicette cũng dễ dàng bị lãng quên.
Và ngay cả người Pháp cũng đã lãng quên sự hiện diễn của cô mèo này, minh chứng rõ ràng nhất là vào năm 1997, khi một bộ tem được phát hành để tôn vinh chuyến bay vào vũ trụ của Félicette, nhưng người ta lại mô tả Félicette là một con mèo đực tên Félix.
Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi vào năm 2017. Sau khi một người đàn ông ở London tên là Matthew Serge Guy tổ chức một chiến dịch vận động xây dựng đài tưởng niệm bằng đồng để vinh danh "Astrocat".
"Trong 54 năm qua, câu chuyện về con mèo đầu tiên và duy nhất đi vào vũ trụ đã bị lãng quên. Nhưng cô mèo ấy hoàn toàn xứng đáng được mọi người biết đến và tưởng nhớ", Matthew viết.
"Mặc dù các loài động vật khác đi vào không gian - chẳng hạn như chó Laika và tinh tinh Ham - đều nổi tiếng trong nền văn hóa đại chúng và có những hình ảnh tưởng niệm lâu dài, nhưng rất ít người biết rằng một con mèo đã từng được đưa ra ngoài không gian và an toàn trở về Trái Đất. Giờ đã đến lúc 'Astrocat' có được đài tưởng niệm mà cô ấy xứng đáng có được".
Chiến dịch của Guy thành công. Ông đã quyên góp được hơn 57.000 USD để tạo ra một bức tượng cho Félicette, hiện được lắp đặt tại Đại học Không gian Quốc tế ở Strasbourg, Pháp.
Sau đó, trường Đại học Toulouse III cũng thông báo rằng họ sẽ đặt tên một đài thiên văn sắp tới của mình theo tên Félicette. Dự kiến đài quan sát này sẽ mở cửa vào năm 2023, sử dụng Astrocat làm biểu tượng.
Như vậy, Félicette cuối cùng cũng nhận được sự công nhận mà nó xứng đáng. Đóng góp của nó cho du hành vũ trụ có thể là nhỏ - và chắc chắn là không tự nguyện - nhưng dù sao đó cũng là một dấu mốc lịch sử.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng