Để điều hoà tiết kiệm điện hơn, đây là một số mẹo mà người dùng cần nắm rõ.
Đặt điều hòa ở vị trí hợp lý
Để gia tăng độ bền, nâng cao hiệu quả làm lạnh và tiết kiệm điện, dàn nóng nên được lắp đặt tại nơi thoáng khí, râm mát, có mái, tránh mưa tránh nắng. Không nên để dàn nóng ở nơi quá nóng và bí, sẽ khiến hơi nóng khó thoát và máy tốn nhiều điện năng hơn để hoạt động.
Tương tự như vậy, không nên lắp dàn lạnh ở những nơi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp hay những nơi dễ gây thất thoát khí lạnh như cửa ra vào, cửa sổ hoặc góc phòng. Ngoài ra, phòng có cửa kính cũng nóng hơn do hấp thụ nhiệt, tiêu tốn nhiều điện hơn để làm lạnh. Trong trường hợp này, nên thả rèm che cửa khi sử dụng điều hòa.
Thiết lập nhiệt độ phù hợp
Theo phân tích từ PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, điều hòa sẽ tiêu tốn thêm mức năng lượng từ 1.5-3%. Vì vậy, thiết lập nhiệt độ phù hợp là rất quan trọng, bởi nó không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn bảo vệ sức khỏe cho người dùng.
Vậy mức độ bao nhiêu là phù hợp? PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho biết con số lý tưởng là thấp hơn nhiệt độ ngoài trời từ 10-12 độ. Khi xét đến khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam với mức nhiệt dao động khoảng 37-40 độ C vào cao điểm hè, mức nhiệt độ 25-27 độ C được cho là tối ưu nhất.
Kết hợp sử dụng thêm quạt
Khi mới bật điều hòa, thay vì đặt mức nhiệt độ thấp nhất gây tốn điện, người dùng có thể bật thêm quạt. Kết hợp điều hòa và quạt giúp khí lạnh được phân bố đều trong phòng, gia tăng hiệu quả làm mát, giảm tải cho điều hòa để tiết kiệm điện.
Gió từ quạt phả thẳng trực tiếp vào cơ thể cũng sẽ khiến cho bạn cảm thấy mát mẻ hơn, từ đó không cần thiết phải đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp hay sử dụng chế độ Powerful hoạt động ở công suất tối đa, vốn tiêu thụ lượng điện năng vô cùng lớn.
Kích hoạt chế độ tiết kiệm điện
Hiện nay, một số loại điều hòa có chế độ tiết kiệm điện mà người dùng có thể tận dụng, đặc biệt khi đã cảm thấy mát mẻ. Chế độ này giới hạn mức tiêu thụ điện tối đa mà người dùng có thể kích hoạt để tiết kiệm điện.
Chế độ khác cũng hiệu quả không kém là chế độ Sleep. Khi bật chế độ này, điều hòa sẽ chạy êm hơn để tạo sự yên tĩnh, ngoài ra cũng tăng dần nhiệt độ để người dùng không bị quá lạnh. Chế độ Sleep vừa giúp ngủ ngon hơn, lại vừa tiết kiệm điện.
Tận dụng tính năng hẹn giờ
Nửa đêm về sáng là khoảng thời gian thời tiết khá dịu mát, người dùng có thể tắt điều hòa trước khi tỉnh giấc khoảng 1 tiếng để tận dụng hơi lạnh trong phòng. Thay vì phải “thấp thỏm” chờ đợi tắt điều hòa, người dùng nên tạo thói quen hẹn giờ tắt điều hòa trước khi đi ngủ, vừa giúp tiết kiệm điện lại không ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Sử dụng cảm biến thông minh
Một số model điều hoà tầm trung và cao cấp được tích hợp cảm biến thông minh phát hiện con người. Cảm biến này đem lại hiệu quả đáng kể trong việc tiết kiệm điện, do nó có thể phát hiện vị trí của con người để đưa ra những thay đổi phù hợp.
Trong trường hợp người dùng ra khỏi phòng, điều hoà sẽ tự động giảm công suất tiêu thụ và tăng nhiệt độ so với thiết lập để tiết kiệm điện. Khi người dùng quay trở lại, cảm biến phát hiện sự hiện diện của con người sẽ điều chỉnh nhiệt độ về mức ban đầu.
Một số hãng điều hoà có chế độ Single User Mode, ứng dụng cảm biến này vào mục đích khác. Nếu như chỉ có một người duy nhất trong phòng, điều hoà sẽ tập trung chỉ làm mát xung quanh khu vực người này, thay vì làm lạnh dàn trải cả căn phòng. Điều này cũng sẽ giúp tiết kiệm điện đáng kể.
Bảo dưỡng thường xuyên
Chiếc điều hòa cho dù có tốt đến đâu, nhưng qua thời gian hoạt động cũng cần được bảo dưỡng để duy trì khả năng làm lạnh. Nhiều người cho rằng chỉ các chuyên gia mới có thể vệ sinh điều hoà, tuy nhiên thực tế người dùng hoàn toàn có thể tự mình vệ sinh tấm lọc vô cùng dễ dàng nhưng hiệu quả mang lại lại rất lớn. Qua thời gian sử dụng, bụi bám ở tấm lọc sẽ cản luồng gió, vừa ảnh hưởng tới hiệu suất điều hòa, vừa gây hại cho sức khỏe của người dùng.
Để vệ sinh tấm lọc, trước hết cần tắt điều hoà và ngắt nguồn điện để đảm bảo an toàn. Sau đó, nguời dùng có thể nhấc mặt trước của cục lạnh để tháo miếng lọc bụi. Hầu hết các mẫu điều hoà hiện nay được thiết kế để những miếng lọc này được kéo ra dễ dàng mà không cần đến bất cứ công cụ đặc biệt nào.
Miếng lọc bụi có thể được vệ sinh bằng máy hút bụi, chổi quét và nước, tuy nhiên cần lưu ý không nên quá mạnh tay để tránh tình trạng rách miếng lọc hay gãy các miếng nhựa cố định. Theo khuyến cáo của chuyên gia, vệ sinh lớp lọc bụi trên dàn lạnh mỗi 2 tuần sẽ giúp tiết kiệm điện từ 15-20%.
Tuy vậy, người dùng vẫn nên nhờ đến các chuyên gia về điện lạnh vệ sinh chuyên sâu ít nhất là 6 tháng/lần (đối với những vùng nắng nóng quanh năm) hoặc 1 năm/lần (đối với những vùng chỉ nắng nóng vào những tháng hè).
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng