Mi Drone vs Phantom 3 Standard: 5 điều yêu và ghét

    Yến Thanh,  

    Nếu giá bán Mi Drone được điều chỉnh về mức 8-9 triệu, đây sẽ là sự lựa chọn sáng giá cho những ai chỉ có nhu cầu 1 chiếc drone để giải trí, quay film gia đình trong các kỳ nghỉ, chuyến đi chơi xa.

    Giấc mơ bay lượn với drone chưa bao giờ gần gũi dân chơi công nghệ ở Việt Nam đến thế. Nếu như cách đây vài năm, mơ ước về 1 chiếc quadcopter ổn định, dễ chơi, dễ thay thế đồ đạc và nhất là tầm giá dễ chịu dường như quá xa vời thì nay chỉ với trên dưới chục triệu đồng bạn đã có thể sở hữu 1 chiếc flycam xuất sắc. Sự ra đời của Mi Drone báo hiệu cho 1 cuộc chạy đua sản xuất flycam giá rẻ mà chắc chắn sẽ rất quyết liệt trong thời gian tới.

    Do những giới hạn về thời gian trải nghiệm, tôi không được thử hết tất cả các tính năng của Mi Drone, tuy nhiên chỉ với 30 phút thiết lập và bay thử tôi tin rằng mình đã có thể liệt kê nhanh 5 điều yêu và ghét của tôi với Mi Drone, đặc biệt là khi so sánh với 1 sản phẩm cùng tầm giá là chiếc Phamtom 3 Standard.

    Một yêu: Giá mềm

     Props Guard đi kèm là 1 sự bổ sung đáng hoan nghênh cho người mới chơi.

    Props Guard đi kèm là 1 sự bổ sung đáng hoan nghênh cho người mới chơi.

    Mặc dù Phantom 3 Standard vừa có đợt giảm giá đầu năm nay với giá bán lẻ hiện giờ loanh quanh trong tầm 11 triệu tại Việt Nam nhưng khi so sánh về tính năng, Mi Drone có lợi thế hơn nhiều với VPS (hệ thống định vị bằng hình ảnh, giúp định vị khi bay trong nhà và ổn định hơn khi bay thấp), định vị GLONASS bên cạnh GPS cũng là 1 bổ sung đáng giá của Mi Drone.

    Nếu so sánh về tính năng Mi Drone gần tương đương hơn với mẫu Phantom 3 4K với giá bán khoảng 13tr ở Việt Nam. Bên cạnh đó việc Mi Drone đi kèm Props guard cũng là 1 bổ sung đáng khen ngợi khi DJI sẽ xin thêm bạn khoảng 500k/ bộ props guard.

    Và cũng hi vọng rằng theo thời gian giá của Mi Drone sẽ hạ xuống khi nguồn cung dồi dào, ổn định hơn. Chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng 1 thời điểm nào đó Mi Drone sẽ xuống gần mốc giá 8 triệu chính hãng bán tại Trung Quốc.

    Một ghét: Thiếu kinh nghiệm

     DJI có 1 quá trình beta test kéo dài đã 10 năm trải qua 4 đời Phantom với hàng chục triệu Tester.

    DJI có 1 quá trình "beta test" kéo dài đã 10 năm trải qua 4 đời Phantom với hàng chục triệu "Tester".

    Máy bay dù to hay nhỏ, dù là đồ thật hay đồ chơi cũng đều là một món đồ phức tạp kinh khủng. Có hàng trăm thứ có thể xảy ra sai lầm trong khâu thiết kế, chế tạo mà nhà sản xuất không thể lường hết được trong test lab. Và những lỗi như vậy chỉ có thể được khắc phục thông qua 1 con đường duy nhất: Kinh nghiệm. DJI đã phải trả quá nhiều bài học xương máu cho những kinh nghiệm như thế.

    Từ các vụ scandal như ESC quá nhiệt trên Phamtom 1 đến bệnh phồng pin ở Phantom 2, motor mount bị nứt do thiếu thanh gia cường trên Phantom 3. Nhờ những bài học như thế này và hàng triệu hàng triệu tester bất đắc dĩ trong suốt 10 năm trời mà sản phẩm của DJI đạt được sự ổn định như ngày hôm nay (Mà kể cả đến thời điểm hiện tại Phantom 3 vẫn rơi hàng ngày vì những sự cố kỹ thuật).

    Rất khó để tin rằng Xiaomi có thể làm mọi thứ chuẩn không cần chỉnh ngay lần đầu tiên. Mua 1 chiếc DJI Phantom bạn sẽ phải chấp nhận rủi ro nhưng rõ ràng mua 1 sản phẩm của "tay mơ" như Xiaomi bạn sẽ phải chấp nhận sự rủi ro lớn hơn nhiều.

    Ngay từ khi khởi động motor chúng ta đã có thể thấy sự cẩn thận của DJI: bao giờ motor cũng "vít ga" lên 2 lần để kiểm tra độ chặt của cánh quạt và kiểm tra sự phản hồi của ESC và xem motor có bị vướng hay không. Một sự cẩn trọng đầy kinh nghiệm mà tôi không thấy ở Mi Drone.

    Hai yêu: Thiết kế module, gimbal chắc chắn

    Gimbal chắc chắn, kín đáo là 1 điểm cộng lớn của Mi Drone. Vị trí thanh chữ L được gia cố kỹ càng tạo cảm giác yên tâm, tuy nhiên dưới con mắt của 1 kỹ sư kết cấu tôi hơi lo ngại về khung trục pitch của gimbal Mi Drone có vẻ hơi mỏng manh và dễ bị tập trung ứng suất.

    Gimbal của Mi Drone có thể tháo rời được một cách khá dễ dàng, đây là 1 điểm cộng cực lớn khi mà với điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam có thể được tháo rời và dễ dàng bảo quản chống ẩm mốc. Có vẻ xiaomi cũng học hỏi khá nhiều từ sai lầm của DJI khi gia cường kỹ càng cho thanh chữ L của Gimbal, 1 trong những linh kiện thường xuyên bị gãy nhất ở Phantom 3.

    Hai ghét: Apps tiếng Trung Quốc, chưa có cho iOS

     Chưa có Apps cho iOS là thiết sót mà Xiaomi cần sớm bổ sung.

    Chưa có Apps cho iOS là thiết sót mà Xiaomi cần sớm bổ sung.

    Sẽ còn mất rất nhiều năm nữa Xiaomi mới có hi vọng đuổi kịp DJI về mặt hệ sinh thái ứng dụng. Đến thời điểm hiện tại Xiaomi vẫn chưa công bố API của MiDrone vì vậy chúng ta thậm chí còn không được biết đến bao giờ thì Mi Drone sẽ có ứng dụng của bên thứ 3.

    Qua nhiều năm công bố API của các dòng drone, DJI đã gây dựng được 1 hệ sinh thái ứng dụng cực phong phú. Ngoài để chơi, để quay phim thì tôi còn dùng chiếc Phantom 3 của mình để khảo sát mặt bằng, dựng bình đồ bản đồ công trình hiện trạng...

     Giao diện hơi trẻ con và rối rắm của Apps điều khiển.

    Giao diện hơi trẻ con và rối rắm của Apps điều khiển.

    Mi Drone chắc chắn chưa thể làm được những điều tương tự ít nhất là trong tương lai gần. Mi Drone có 1 chế độ Beginner mode bắt người dùng phải đạt 300 phút bay thì mới mở được hết tốc độ của Mi Drone. Thực tế ngay cả với người chơi mới 300 phút bay đã là quá nhiều.

    Với 1 phi công đã nhiều năm chinh chiến như tôi, 300 phút bay thực sự là 1 cực hình, đặc biệt là khi phải nhìn Mi Drone bay hết ga với tốc độ...15km/h. Ứng dụng tiếng Trung Quốc (ở thời điểm hiện tại đã có bản tiếng Anh) cũng là 1 hạn chế lớn và còn tồn tại nhiều bất hợp lý về giao diện. Sẽ còn mất rất nhiều thời gian để App bay của Xiaomi được hoàn thiện hơn.

     Ở thời điểm hiện tại rất may là đã có bản tiếng Anh giúp người dùng Việt dễ dàng sử dụng hơn

    Ở thời điểm hiện tại rất may là đã có bản tiếng Anh giúp người dùng Việt dễ dàng sử dụng hơn

    Ba yêu: Phần cứng chắc chắn, tin cậy

     Cũng giống như các sản phẩm khác của Xiaomi, Mi Drone giá rẻ mà cầm trên tay không thấy rẻ.

    Cũng giống như các sản phẩm khác của Xiaomi, Mi Drone giá rẻ mà cầm trên tay không thấy rẻ.

    Cầm Mi Drone trên tay rất dễ để có thiện cảm với chiếc Drone này, kể cả khi bạn đã dùng qua các mẫu drone cao cấp từ các hãng lớn khác như 3DR, DJI. Mặc dù giá khá mềm nhưng rất may là Xiaomi không hề đi tắt về linh kiện, vật liệu sử dụng.

    Ba ghét: Có lẽ sẽ khó kiếm đồ thay thế

    Ở Việt Nam kiếm đồ thay cho drone dòng DJI khá đơn giản, nếu món nào khó lắm cũng có thể dễ dàng đặt mua ở nước ngoài. Từ pin, cánh quạt cho tới bo mạch. Hỏng món nào có món đó.

    Mi Drone lại là 1 câu chuyện khác. Ở thời điểm viết bài chưa ai biết 1 viên pin mua thêm của Mi Drone sẽ có giá bao nhiêu. Có thể rẻ, nhưng chắc chắn là sẽ khó kiếm đồ thay thế hơn DJI.

    Bốn yêu: Cảm giác lái ổn định vững vàng

     undefined

    undefined

    Kích thước lớn và số lượng cảm biến, hệ thống định vị dày đặc đem lại cho Mi Drone sự ổn định tốt khi bay ở tầm thấp, trong bài thử bay lơ lửng ở tầm cao 2,5m rõ ràng Mi Drone ổn định hơn Phantom 3 Standard rất nhiều và chắc chắn với sự hỗ trợ của VPS việc bay trong nhà của Mi Drone cũng sẽ dễ dàng hơn hẳn.

    Tuy nhiên kích thước lớn dường như cũng làm Mi Drone nhạy cảm hơn với gió khi lên cao. Đồng thời với sự hỗ trợ của VPS và GLONASS tính năng Return To Home trên Mi Drone cũng rất chính xác, sai số khi thử nghiệm thực tế là dưới 1m, rất ấn tượng.

    Cảm giác lái của Mi Drone rất tương đồng với Phantom 3, độ phản hồi lại các thao tác điều khiển cũng khá tốt. Nhìn chung Mi Drone là 1 chiếc flycam dễ bay, kể cả một người chưa chơi Drone bao giờ cũng có thể dễ dàng làm quen, tập bay với Mi Drone mà không mất quá nhiều thời gian làm quen và có thể sẽ tiết kiệm được nhiều tiền... thay cánh máy bay.

    Bốn ghét: To

    Mặc dù không đến nỗi kềnh càng như Inspire One nhưng kích thước của Mi Drone cũng lớn hơn Phantom 3 1 cách đáng kể. Kích thước lớn có thể gây đôi chút khó khăn cho việc mang vác Mi Drone nếu bạn không có ô tô. Rất may thiết kế module với càng đáp có thể duỗi và gimbal tháo rời phần nào giải quyết vấn đề về diện tích.

    Năm yêu: Video 1080p 60FPS

    Sử dụng Litchi Phantom 3 Standard có thể quay video đến 1080p 48FPS. Tuy nhiên chất lượng của Video khá tệ do Bitrate thấp. Chế độ quay 1080p 60FPS của Mi Drone thực sự là 1 ưu điểm lớn. Nhất là những ai đã từng hậu kỳ video từ flycam và hiểu tầm quan trọng của Motion Blur sẽ hiểu tôi đang nói gì.

    Nếu bạn đang dùng Mi Drone bản 1080p, hãy bật ngay chế độ 60fps để đạt chất lượng hình ảnh tốt nhất. Và nhớ mua 1 thể nhớ nhanh hơn để đảm bảo bitrate của video đầu ra nhé.

    Năm ghét: Jello, méo viền

    Camera của Mi Drone có hiện tượng méo viền do góc rộng khá rõ. Cá nhân tôi thì không thích việc này vì nó gây khó khăn cho quá trình chụp Panorama từ Drone. Không cần phải nói nhiều nữa, xin mời bạn xem video clip dưới đây (từ khoảng 0-15 s) và bạn sẽ tự hiểu.

    Thử quay video Full HD 1080p@60fps trên Xiaomi Mi Drone

    Kết

    Sẽ còn mất nhiều thời gian và có thể là vài ba phiên bản nữa để Mi Drone đuổi kịp hoặc vượt qua DJI Phantom. Tuy nhiên với sản phẩm đầu tay như hiện tại thì Mi Drone đã cho chúng ta cái cớ để hi vọng về 1 kẻ thách thức ngôi vị độc bá của DJI trên thị trường Flycam.

    Nếu bạn đang phân vân giữa Phamtom 3 Standard và Mi Drone thì tôi sẽ khuyên bạn lấy Phantom 3 Standard vì đó là phương án an toàn, hợp lý hơn. Tuy nhiên nếu thời gian sau Mi Drone có giá 8-9 triệu thì Mi Drone sẽ là sự lựa chọn rất sáng cho những ai chỉ có nhu cầu 1 chiếc drone để giải trí, quay film gia đình trong các kỳ nghỉ, chuyến đi chơi xa. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày