Với định hướng phát triển bền vững, Michelin sử dụng vật liệu tái chế để làm lốp xe. Các công nghệ mới được hãng lốp này đưa vào còn giúp tăng tuổi thọ lốp và góp phần giảm thiểu nhiên liệu, năng lượng tiêu thụ.
“Bền vững” là yếu tố được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong khuôn khổ hội thảo với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì tương lai bền vững” do Michelin tổ chức tại Trung tâm Đào tạo Tài năng của hãng tại Chon Buri (Thái Lan) cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại hội thảo này, các lãnh đạo đến từ Michelin đã chia sẻ về các loại vật liệu tái tạo và tái chế được sử dụng để làm lốp xe cũng như các công nghệ mới mà hãng áp dụng vào lốp xe để giảm thiểu tác động tới môi trường.
Vỏ trấu được sử dụng để làm lốp xe
Vỏ trấu - phụ phẩm trong sản xuất gạo quen thuộc trong đời sống của người Việt - lại là một trong những nguyên liệu tái chế được Michelin sử dụng để sản xuất lốp xe. Lý do đến từ thành phần silica trong vỏ trấu (thường chiếm tỷ lệ 15-20%). Silica được dùng cho hỗn hợp cao su để tạo nên lốp ô tô.
Trước đây, silica thường được lấy từ cát. Tuy nhiên, theo ông Manuel Fafian, Chủ tịch Michelin khu vực châu Á - châu Đại Dương, hãng đang chuyển đổi dần sang lấy silica từ vỏ trấu thay vì từ cát, một phần cũng bởi sự giới hạn của cát và nguồn cung dồi dào vỏ trấu từ các quốc gia châu Á.
Ở buổi thuyết trình về vật liệu tái chế trong chuyến tham quan nhà máy Michelin tại Thái Lan, một vị quản lý tiết lộ rằng, Michelin hiện thu mua trấu từ Trung Quốc. Trong tương lai gần, hãng này sẽ tiến tới sử dụng cả trấu từ Thái Lan - đất nước ở vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Ông Manuel Fafian cho biết rằng châu Á là thị trường trọng điểm cung cấp trấu, bởi 90% lúa gạo đến từ châu Á.
Việt Nam hiện bám sát Thái Lan về sản lượng lúa gạo. Khi được hỏi về tiềm năng cung cấp trấu từ Việt nam cho Michelin để sản xuất lốp xe, ông Manuel Fafian trả lời: “Chúng tôi hiện mua cao su tự nhiên trực tiếp từ 2 triệu nông dân. Việc thu mua là rất phức tạp. Chúng tôi muốn làm việc trực tiếp với người nông dân để thu mua các loại nguyên liệu tự nhiên đó, và cũng để đảm bảo rằng họ làm điều đó theo một cách bền vững nhất. Nếu thị trường Việt Nam đáp ứng được yêu cầu đó, chúng tôi hoàn toàn có thể cân nhắc thu mua trấu từ nước bạn”.
Thay đổi vật liệu và công nghệ làm lốp sẽ giảm thiểu tác động lớn tới môi trường
Trấu chỉ là một trong các nguyên liệu tái tạo, tái chế được Michelin sử dụng để làm lốp xe. Ngoài ra, hãng còn sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác như dầu gốc sinh học (dầu hoa hướng dương), than đen lấy từ lốp cũ hết hạn sử dụng, vải dệt hay các loại phế liệu kim loại… Cao su tự nhiên cũng được Michelin thu mua từ người nông dân để sản xuất lốp.
“Tại sao chúng tôi phải hành động ngay trong quá trình chuyển đổi vật liệu làm lốp mà không chờ tới 2050 - thời điểm mà tất cả các nguồn năng lượng chuyển sang tái tạo? Đó là bởi chúng ta đang có rất nhiều vật liệu cần phải thay đổi, và việc thay đổi một loại vật liệu mất rất nhiều thời gian, có thể mất tới 10 năm. Cho nên, đừng chần chừ. Với khâu sản xuất, vận chuyển và kho bãi cũng vậy”, ông Cyrille Roget, Giám đốc Khoa học và Đổi mới Sáng tạo của Michelin, nói trong hội thảo.
Mọi người thường nghĩ tác động tới môi trường phần lớn đến từ các hoạt động sản xuất và vận chuyển, kho bãi. Tuy nhiên, theo ông Cyrille Roget, câu trả lời chính xác là không phải. Ông cho biết, có đến khoảng 84% tác động ra môi trường đến từ lốp trong quá trình vận hành của phương tiện theo như đo đạc tại châu Âu. Vấn đề lớn thứ hai là đến từ thiết kế và vật liệu thô, chiếm tới khoảng 13%. Sau đó mới đến các hoạt động sản xuất, vận chuyển, kho bãi…
Theo công bố của Michelin, hiện tại, lốp xe thương mại của hãng đã đạt tới tỷ lệ 30% vật liệu sinh học, tái chế. Con số này dự kiến tăng lên 40% vào năm 2030 và 100% vào năm 2025. Nguyên liệu trấu đã được Michelin sử dụng từ năm 2023 trong quá trình sản xuất lốp xe.
Trong khuôn khổ sự kiện, Michelin cũng trưng bày hai chiếc lốp xe sử dụng vật liệu tái chế để khách mời có cái nhìn trực quan hơn tới dòng sản phẩm thân thiện với môi trường này. Trong đó, một chiếc lốp được làm từ 45% vật liệu sinh học và tái chế. Chiếc lốp còn lại dành cho xe đua, được làm từ 71% vật liệu sinh học và tái chế. Hãng cam kết hiệu suất vận hành của loại lốp này tương đương với dòng sản phẩm truyền thống.
Người sử dụng còn hưởng lợi gì?
Câu chuyện bền vững và thân thiện với môi trường dường như chỉ dễ được tiếp cận dưới góc nhìn từ doanh nghiệp. Còn với cá nhân, đặc biệt là người sử dụng xe ở Việt Nam, họ có xu hướng quan tâm tới các yếu tố hiệu năng và giá bán sản phẩm nhiều hơn. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Cyrille Roget cho biết rằng đó cũng là một thách thức lớn với hãng, tuy nhiên, những thay đổi mang tính bền vững của Michelin hiện tại cũng mang tới nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo vị lãnh đạo này, khoảng 20% năng lượng từ xe được hấp thụ bởi lốp. Do đó, lốp đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, khi xu thế đang là xe điện, lốp xe còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Bởi, xe điện cần những bộ lốp hiệu suất cao. Lý do đầu tiên đến từ khối lượng xe điện thường nặng hơn xe động cơ đốt trong khoảng 20-25% (chủ yếu từ pin). Với công nghệ xe tự lái ngày càng thông minh hơn, pin xe cũng cần có dung lượng cao hơn. Ngoài ra, lốp xe cũng có ảnh hưởng lớn tới tầm vận hành của xe điện. Cuối cùng, mô-men xoắn của xe điện rất lớn nên độ hao mòn của lốp cũng lớn hơn (khoảng 20-25%) so với xe xăng/dầu.
Các hoạt động như sử dụng nguyên vật liệu sinh học, tái chế cùng những thay đổi về công nghệ của Michelin ở lốp xe sẽ góp phần giúp giảm năng lượng tiêu thụ của xe, qua đó giúp giảm chi phí sử dụng xe.
Lợi ích thứ hai mà người dùng sẽ nhận được là độ bền và vòng đời sản phẩm. Ông Cyrille Roget cho biết Michelin vẫn không ngừng cải tiến công nghệ để đưa ra thị trường các dòng lốp có độ bền cao hơn. Từ đó, người dùng sẽ lâu phải thay lốp hơn. Những chiếc lốp Michelin có độ bền cao cũng an toàn hơn với người sử dụng trong lâu dài. Lốp cũ sau khi hết thời hạn sử dụng sẽ tiếp tục được Michelin tái chế để làm nguyên liệu sản xuất lốp mới, qua đó cũng giảm thiểu tác động lớn tới môi trường.
Ông nói: “Nếu bạn phải thay lốp mỗi 20.000 km một lần, điều đó sẽ gây tác động tới môi trường nhiều hơn so với việc thay lốp ở mỗi 40.000 km”.
Trong tương lai gần, Michelin sẽ cho ra mắt dòng lốp mới ứng dụng nhiều công nghệ mới và vật liệu mang tính bền vững. Đối với thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hãng có kế hoạch đưa ra dòng lốp thay thế cho dòng Primacy 4 ST (dòng lốp nổi tiếng với độ êm ái). Ông Cyrille Roget không đề cập tên dòng lốp cụ thể, nhưng đó có thể là Primacy 5.
“Dòng lốp Primacy 5 hiện chưa có mặt trên thị trường, nhưng những công nghệ được chúng tôi đưa lên dòng Pilot Sport 5 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm tới khoảng 25% chất thải ra so với Pilot Sport 4”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Cũng trong buổi tham quan nhà máy, Michelin đã mô tả kỹ hơn về công nghệ giúp các dòng lốp mới của hãng trông cao cấp hơn. Cụ thể, loại vật liệu với cấu trúc dạng tổ ong ở bên hông lốp tạo màu đen sâu, tương phản với logo, khiến lốp xe luôn nổi bật dù nhìn từ bất cứ góc nào. Bề mặt vật liệu này cho cảm giác mịn như nhung. Dòng Pilot Sport 5 và các dòng mới nhất của hãng đang áp dụng công nghệ này.
3 yếu tố bền vững của Michelin
Lốp xe chỉ là một phần trong các hoạt động của Michelin hướng tới phát triển bền vững. Trong sự kiện, hãng nhấn mạnh vào 3 yếu tố gồm Con người, Hiệu quả hoạt động và Hành tinh.
Để dễ hình dung hơn, về yếu tố Con người, Michelin tạo ra môi trường làm việc an toàn, gắn kết, thúc đẩy hòa nhập ở các cấp độ. Tại nhà máy Michelin ở Thái Lan còn có sự góp mặt của những công nhân là nữ giới và có người bị khuyết tật, bởi các hoạt động hiện nay hầu hết được tự động hóa. Điều này giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người có tài năng, tiềm năng và đam mê.
Yếu tố Hiệu quả hoạt động nằm ở các chiến lược phát triển bền vững với công nghệ không ngừng được thay đổi.
Yếu tố Hành tinh nằm ở việc sử dụng các vật liệu sinh học, tái tạo, tái chế như đã đề cập ở trên. Michelin cũng cam kết lượng khí thải ròng bằng 0 vào năm 2025, đồng thời sử dụng 100% vật liệu tái tạo trong quá trình sử dụng lốp vào thời điểm đó.
Một số hình ảnh khác trong buổi tham quan Trung tâm Đào tạo Tài năng và nhà máy Michelin tại Thái Lan:
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng