Microsoft đã tạo nên thế hệ máy tính thành công đến nỗi Apple cũng phải bắt chước như thế nào?
Chiếc Surface Pro giờ đã trở thành chuẩn mực trong thiết kế laptop lai tablet, khiến tất cả các hãng công nghệ, thậm chí Apple phải học theo.
Vào một ngày đẹp trời hôm 20/5/2014, Satya Nadella - vị CEO mới của Microsoft - ngồi kế giám đốc mảng Microsoft Surface, Panos Panay, trong khán phòng New York City chật kín các phóng viên, nhà báo, giới công nghệ.
Họ đang chuẩn bị cho buổi lễ ra mắt chiếc máy tính bảng Surface Pro 3. "Đây là một ngày trọng đại. Hãy cố gắng nào", Nadella nói với Panay. Cả hai đều không giấu nổi sự hồi hộp vì áp lực đặt lên vai họ không hề nhỏ, chiếc Surface thế hệ đầu là một sự xuất phát không thành công, và chiếc Surface thế hệ thứ hai cũng không thoát khỏi vết xe đổ.
Panos Panay.
Panay vẫn còn nhớ lời Nadella nói: "Chúng ta phải làm ra một phần cứng khiến thế giới công nhận Microsoft có thể là một công ty về phần cứng".
Giờ đây, Microsoft đã có một chỗ đứng có thể coi là vững chãi trong thị trường máy tính bảng/máy tính lai. Và khi Apple ra mắt chiếc iPad Pro vào năm 2015, các chuyên gia công nghệ đều đồng ý rằng nó giống Surface Pro 4, với bàn phím rời và màn hình kích thước lớn.
Trong năm trước, khi Microsoft ra mắt Surface Book - chiếc laptop thực thụ của công ty, trang tin Wired đã cho biết đây là "chiếc laptop thú vị nhất của năm".
Vậy Windows đã biến mình thành một công ty chuyên về cả phần cứng lẫn phần mềm?
Đúng như vậy, bằng chứng để xác thực điều trên bao gồm chiếc Xbox One S, tablet khổng lồ Surface Hub, kính thực tế ảo HoloLens. Ngoài ra, còn có các động thái lạc quan cho thấy máy tính Surface và Surface Book là chiếc phao cứu Microsoft vươn lên từ thị trường PC đang chìm sâu.
Lí do nào Microsoft đã trở thành một công ty phần cứng lẫn phầm mềm như ngày nay?
Khởi đầu: Sân chơi cho Windows 8
Trở lại năm 2009, Steven Sinofsky, trưởng nhóm Windows của Microsoft, đã bắt đầu dự án Windows 8. Trước đó iPhone đã tạo ra một làn sóng thiết bị có màn hình cảm ứng, và Microsoft muốn hòa mình vào làn sóng đó.
Thế nên, một Windows hoàn toàn mới ra đời, với biểu tượng cửa sổ Start có mặt trên mọi phiên bản Windows từ năm 1995 bị xóa bỏ, thay vào đó là giao diện Metro với các biểu tượng to, sặc sỡ nhằm giúp việc thao tác Windows trên màn hình cảm ứng dễ dàng hơn.
Thế hệ Surface đầu tiên.
Tuy vậy, vấn đề lúc đó của ngành PC là các nhà sản xuất đang vẫn "mặn mà" với dòng netbook giá siêu rẻ, Microsoft lo rằng sẽ không có công ty có thể sản xuất chiếc máy tính Windows màn hình cảm ứng hoàn hảo cho họ.
Panay lúc ấy đang quản lí mảng phần cứng Microsoft, chủ yếu về chuột và bàn phím. Tuy nhiên nhóm làm việc của ông có nhiều kinh nghiệm về sản xuất hơn bất kỳ nhóm khác tại Microsoft, nên lãnh đạo công ty đã yêu cầu Panay "tạo ra một thứ gì đó" vào năm 2010.
Cùng lúc, chiếc iPad đang trở thành một thứ gây sốt trên thị trường, vì thế nhóm làm việc của Panay quyết định sẽ giới thiệu cho người dùng chiếc máy tính bảng tuyệt nhất thế giới.
Hành hạ cả nhóm làm việc để hoàn hảo hóa sản phẩm
Panay được biết đến như một người rất chú ý về tiểu tiết, khi chiếc Surface ra mắt vào năm 2012, ông cho biết nó có 200 thành phần được thiết kế và sản xuất riêng cho chiếc máy tính bảng của Microsoft. Được biết, kệ đỡ kickstand và bàn phím của Surface đã chiếm rất nhiều mồ hôi và sức lực của nhóm làm việc. "Tôi đã hành hạ cả nhóm làm việc, chúng tôi cần một biểu tượng, và biểu tượng không thể được tạo ra, nó phải tự định hình chính nó", Panay nói.
Các bản mẫu của chiếc Surface đầu tiên.
Ban đầu, thiết kế của Surface nhằm tôn vinh các tính năng mới của Windows, chứ không phải khiến nó trở thành sản phẩm nổi bật trong thị trường máy tính bảng. Panay cho biết mục đích của dự án Surface là làm nổi bật các tính năng tuyệt nhất của hệ điều hành Windows.
"Tôi nghĩ mọi người quá vội vàng khi tách bạch phần cứng và phần mềm của sản phẩm", Panay nói.
Gánh nặng Surface
Quay lại thời điểm năm 2012, cựu CEO Microsoft, ông Steve Ballmer, đã giới thiệu chiếc Surface thế hệ đầu tiên tại thành phố Los Angeles vào ngày 18/6. Chiếc tablet trên chạy trên nền Windows RT, một phiên bản Windows 8 thiết kế riêng để chạy trên chip xử lí nền ARM chuyên dành cho smartphone và máy tính bảng.
Bởi vì Windows RT chạy trên nền chip ARM, chiếc Surface đầu tiên có lượng pin dài hơn hẳn các laptop thông thường khác, nhưng Microsoft đã phải đánh đổi khá nhiều, ví dụ như không thể chạy các phần mềm Windows thông thường, thay vào đó chỉ chạy được các phần mềm được thiết kế riêng, vốn rất hạn chế về mặt tính năng vào lúc đó. Ngoài ra kho ứng dụng Windows Store vào năm 2012 không nhiều ứng dụng như các đối thủ khác.
Steve Ballmer.
Tháng 2 năm 2013, Microsoft đã ra mắt phiên bản kế nhiệm, mang tên Surface Pro. Nó đã gần giống với laptop với tùy chọn bàn phím rời, ngoài ra Surface Pro còn có màn hình độ phân giải cao, bút cảm ứng Surface Pen và quan trọng nhất: chạy hệ điều hành Windows 8 bản đầy đủ.
Tuy nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng thế hệ đầu của Surface là một nỗi thất vọng lớn của Microsoft, mọi người không muốn mua nó vì Surface không thể chạy được các ứng dụng Windows, mặc dù lượng pin có thể sánh ngang với iPad. Và chiếc Surface Pro tuy có thể chạy được Windows 8 nhưng lượng pin không cao và hiệu năng kém ổn định. Được biết vào năm 2013, Microsoft chỉ bán được khoảng 1,5 triệu máy Surface, trong đó 400.000 chiếc là Surface Pro, công ty dự tính sẽ bán ra khoảng 2 triệu máy trong năm 2012.
Microsoft vẫn quyết tâm đặt cược vào canh bạc máy tính bảng lần nữa vào cuối năm 2013, khi công ty ra mắt chiếc Surface 2 và Surface Pro 2, với hiệu năng cùng lượng pin được cải thiện. Tuy nhiên họ vẫn thất bại vì Windows 8 vẫn chưa nhận được nhiều sự tán đồng.
Và sau đó, CEO mới của Microsoft, ông Satya Nadella, phải nhận gánh nặng Surface ấy vào năm 2014.
"Mọi người đều cùng một thuyền"
Một trong những điều đầu tiên Nadella làm khi nhậm chức là "nâng cấp" văn hóa của Microsoft.
Vào những năm 2000, Microsoft hoạt động theo từng nhóm riêng rẽ không liên kết với nhau. Cựu CEO công ty, ông Steve Ballmer đã cố gắng cải thiện điều trên nhưng ông đã ra đi trước khi hoàn thành sứ mệnh. Thay vào đó, Nadella đã quyết tâm hoàn thành mong ước của Ballmer.
Surface Pro.
Khi Nadella lên chức CEO, Microsoft lúc ấy đang phát triển Windows 10. Ông đã tập hợp toàn bộ công ty để thiết kế chiếc Surface Pro 3, theo sau đó là Surface Pro 4 và Surface Book. Thậm chí cả nhóm Skype cũng phải tư vấn về hệ thống camera và loa trên dòng Surface, nhóm OneNote tư vấn về các tính năng của bút cảm ứng. Panay cho biết Microsoft giờ đây không còn tách bạch giữa "phần cứng" và "phần mềm" nữa, họ chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm.
"Mọi người đều cùng một thuyền, tất cả nắm lấy mái chèo và tiến về phía trước", Panay nói.
Vươn lên từ vực thẳm
Chiếc Surface Pro 3 ra mắt vào tháng 6/2014 có nhiều đặc điểm của người tiền nhiệm, nhưng nó mỏng hơn, nhẹ hơn và hiệu năng tốt hơn. Các trang báo trên thế giới đã cho rằng nó là một chiếc laptop tuyệt vời đến từ Microsoft.
"Khi Surface Pro 3 ra mắt, chúng tôi như được kéo lên từ vực thẳm", Panay cho biết. vào tháng 9/2015, nhóm phát triển Surface đã công bố lợi nhuận quý đã vượt mức mong đợi, với doanh thu hơn 1 tỉ USD chỉ trong vòng 3 tháng.
Vào tháng 10/2015, Microsoft đã ra mắt chiếc Surface Pro 4 chạy hệ điều hành Windows 10 bản đầy đủ, với các tính năng phục vụ cho sự hiệu quả công việc. Cùng với đó là chiếc Surface Book với bàn phím có thể tách rời.
Từ đó, Panay đã nắm giữ mảng phần cứng của Microsoft, mỗi thiết bị mới của công ty, từ Xbox One S, kính HoloLens cho đến thế hệ smartphone tiếp theo của Microsoft đều phải "qua tay" Panay. Để mở rộng thêm sự thành công của Surface, Microsoft đã cộng tác với Dell và Hp để bán thêm nhiều Surface hơn nữa, thậm chí IBM đã phối hợp với Microsoft để đẩy mạnh phong trào Surface ở nơi công sở.
Cái gì cũng có mặt tối của nó, và Surface cũng vậy. Mặc dù trong quý trước, Surface đã kiếm về cho Microsoft 4,1 tỉ USD nhưng họ vẫn theo sau chiếc máy tính bảng iPad Pro của Apple. "Tôi có tức giận vì Apple sao chép sự thành công của Surface không hả? Chắc chắn rồi", Panay bày tỏ. Tuy vậy ông vẫn lạc quan về tương lai của Microsoft nói chung và Surface nói riêng.
"Tôi sẽ giới thiệu với mọi người những thứ mới mẻ của Microsoft trong tương lai rất gần", Panay nói.
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng