Microsoft đang có tầm nhìn tốt hơn Google trong "đại chiến" phát triển trí tuệ nhân tạo
Cạnh tranh giữa hai gã khổng lồ chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại, song trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Microsoft có vẻ đang đi trước một bước.
*Theo lời tác giả Frederic Lardinois trên TechCrunch
Một tuần trước, Microsoft tổ chức Hội thảo Build 2017 dành cho các nhà phát triển ngay tại trụ sở ở Seattle. Tuần này, tới lượt Google cũng tổ chức sự kiện Google I/O trong một khán phòng lớn ngay cạnh trụ sở của gã khổng lồ công nghệ tại Mountain View. Trong khi sự kiện của Microsoft gần như là hiện thân cho quá trình hồi sinh của công ty này dưới tài năng lãnh đạo của Satya Nadella, Google I/O lại không diễn ra đúng như kỳ vọng.
Microsoft và Google trước giờ vẫn luôn là đối thủ của nhau. Ở thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh đang được đẩy lên đỉnh điểm trong nhiều lĩnh vực: điện toán đám mây, học máy, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng tăng năng suất làm việc, thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR).
Ở Microsoft Build và Google I/O, trong khi Pichai (CEO Google) dành hầu hết thời gian công bố số liệu và giới thiệu 1-2 sản phẩm mới, Nadella (CEO Microsoft) lại ưu tiên nói về các cơ hội và thách thức từ xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai gần. "Chúng ta cần sử dụng công nghệ để trao nhiều quyền năng hơn, tới nhiều người hơn." - Nadella cho rằng đó là một trong những nguyên tắc cốt lõi Microsoft cần hướng tới. "Khi đạt được những bước đột phá về thị giác máy tính, xử lý tiếng nói hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên - chúng ta sẽ hỗ trợ được thêm rất nhiều người, giúp họ sử dụng công nghệ mới hoặc tham gia vào nền kinh tế."
Tương tự, trong khi Google hầu như tự tán dương chính mình trong suốt các phần chính của I/O, Nadella lại dành phần lớn thời gian tôn vinh các nhà phát triển một cách chân thành.
Tham dự vào cả hai sự kiện, tôi không thể không cảm nhận rằng Microsoft đang sở hữu tầm nhìn hoàn thiện hơn về thế giới AI-first (trí tuệ nhân tạo trước tiên) mà chúng ta sắp được trải nghiệm. Còn Google, nếu cũng có tầm nhìn tương tự, có lẽ đang gặp vấn đề về cách thức trình bày.
CEO Sundar Pichai của Google.
Ưu tiên trí tuệ nhân tạo (AI first)
Lĩnh vực mà hai ông lớn Microsoft và Google (ngoài công nghệ điện toán đám mây) cạnh tranh gay gắt nhất là học máy (machine learning). CEO Sundar Pichai nhấn mạnh rằng Google đang chuyển dịch từ chiến lược ưu tiên di động (mobile first) sang ưu tiên trí tuệ nhân tạo (AI first). Microsoft cũng vậy, mặc dù CEO Satya Nadella chọn cách diễn giải có phần khác biệt. Trên thực tế, dù cả hai công ty không hề đề cập tới nhau trong suốt 2 sự kiện, những người theo dõi vẫn có thể cảm nhận được ít nhiều nét tương đồng.
Hai sản phẩm tốt nhất được Google và Microsoft sử dụng nhằm phô diễn tiềm năng về AI giống nhau đến kinh ngạc. Nếu như Microsoft trình làng Story Remix, ứng dụng tự động sản xuất các video thú vị từ kho ảnh và video của bạn thì Google giới thiệu Google Photos với khả năng áp dụng công nghệ học máy giúp người dùng chia sẻ những bức ảnh đẹp nhất dễ dàng hơn.
Remix được đánh giá là một ứng dụng thú vị, và được các nhà phát triển tham gia Build 2017 tán thưởng rất nhiệt tình. Còn Google Photos, bất chấp có rất nhiều tính năng "nghe có vẻ hữu dụng”, trên thực tế lại không thể khiến khán giả cảm thấy bất ngờ.
Remix được đánh giá là một ứng dụng thú vị.
Microsoft Remix được đánh giá rất cao. Google Lens, với khả năng "đọc" thông tin hữu ích từ hình ảnh, cũng có vẻ sẽ rất hữu dụng (mặc dù chúng ta không thực sự biết chắc chắn cho tới khi trực tiếp trải nghiệm trong tương lai). Tuy nhiên, phần giới thiệu của Google lại không đủ rõ ràng, khiến rất nhiều người không nắm được liệu Google Lens sẽ là một công cụ phát triển, một tính năng cho trợ lý ảo Google Assistant hay là một ứng dụng riêng biệt. Sự thiếu rõ ràng này chắc chắn không phải dấu hiệu tốt.
Một điểm đáng chú ý nữa là việc Google có vẻ như đã "cố tình quên đi" sự tồn tại của Google Goggles - ứng dụng cho phép nhận diện các vật thể xung quanh (khá tương tự với Google Lens) trong sự kiện I/O năm nay.
Cuộc chiến phát triển trí tuệ nhân tạo phục vụ người dùng còn thể hiện thông qua nỗ lực phát triển các trợ lý ảo Microsoft Cortana và Google Assistant. Đây là lĩnh vực Google vẫn đang vượt trội so với Microsoft, vì Google Assistant có thể được sử dụng trên nhiều thiết bị hơn và Google cũng hiểu người dùng (và cả thế giới) hơn đối thủ. Cortana cũng rất thông minh nhưng hầu như chỉ dùng được trên máy tính và không thể kết nối với các thiết bị khác - dẫn tới rất nhiều hạn chế khi sử dụng.
Cũng trong lĩnh vực trợ lý ảo cá nhân này, Google còn đưa ra một số thông báo khá thú vị (mặc dù một số tiện ích như gọi điện thoại sử dụng Google Home không có gì hấp dẫn, khi tính năng tương tự đã được Amazon tích hợp vào loa Echo và công bố trước đó vài ngày). Việc Google tiếp cận iPhone với mong muốn cung cấp dịch vụ trợ lý ảo đa nền tảng hay dự định tích hợp cả Chromecast là hai trong số các thông báo đáng chú ý. Tuy nhiên, một lần nữa, vì Amazon đã ra mắt phiên bản Echo có màn hình liền, các thông báo này không thể đạt được mức phản ứng đúng như kỳ vọng của Google.
Công cụ tìm kiếm thông qua camera sẽ cho phép bạn "google" mà không cần gõ.
Điều đáng chú ý là không một tính năng mới nào của Google Assistant có thể sử dụng được ngay tại thời điểm này, kéo dài thêm xu hướng đáng thất vọng thường thấy ở các sự kiện I/O những năm gần đây.
Trong khi đó, Microsoft lại thu hút được khá nhiều chú ý với Microsoft Graph. Đặt mục tiêu kết nối tất cả các thiết bị và ứng dụng của người dùng với nhau, đây là một dự án có thể mang tới những kết quả có sức ảnh hưởng lớn - thậm chí thay đổi cách chúng ta đang sử dụng các công cụ của Microsoft, ngay cả trên hệ điều hành Android.
Hiểu một cách nôm na, Graph sẽ là một “kho” tích hợp tự động toàn bộ dữ liệu nội dung do người dùng khởi tạo bằng các công cụ của Microsoft như Powerpoint, Word, Excel, Calendar, Notes, Email, Contacts v.v. Người sử dụng có thể tiếp cận và chia sẻ lượng dữ liệu này bất cứ lúc nào và trên nhiều thiết bị khác nhau. Còn các nhà phát triển có thể sử dụng lượng thông tin quý giá này để tạo ra những ứng dụng thông minh và hiểu người dùng hơn trong tương lai.
Dù vậy, việc Microsoft có thể đạt được kết quả như kế hoạch đặt ra hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
CEO Satya Nadella của Microsoft.
VR/AR/Thế giới thực
Một chủ đề khác được cả hai công ty đề cập tới là thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR). Cả Google lẫn Microsoft đều nói về các mức độ trải nghiệm thực tế ảo, từ AR (hoặc thực tế trộn lẫn - mixed reality - như cách gọi của Microsoft) tới VR và kết thúc ở "Thế giới thực" như trong các biểu đồ đo đạc của Google.
Với HoloLens, Microsoft rõ ràng đang dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị hỗ trợ trải nghiệm thực tế ảo. Tuy vậy, mức giá 3000 USD cho thiết bị này có thể là một vấn đề. Trước thực tế này, Google chọn cách tiếp cận khác: sử dụng công nghệ xử lý ảnh công nghiệp (machine vision), kết hợp với công nghệ Tango của mình để biến những chiếc điện thoại thành ống kính trải nghiệm AR.
Google cũng dành khá nhiều thời gian nói về các thiết bị headset hỗ trợ trải nghiệm VR. Tuy nhiên, ngoài giới thiệu một số đối tác, công ty này không tiết lộ nhiều về các chi tiết kỹ thuật, mức giá và thời gian dự kiến ra mắt. Microsoft, ngược lại, tập trung kết hợp với các đối tác như Acer để phát triển dòng headset có khả năng kết nối với máy tính. Công ty này kỳ vọng sẽ kết hợp thành công công nghệ theo dõi chuyển động của HoloLens với lợi thế của chiếc máy tính sử dụng Windows 10. Microsoft đang bắt đầu rục rịch ra mắt các thiết bị ngay từ lúc này, người tiêu dùng có thể sẽ mua được các sản phẩm này ngay trong năm nay.
HoloLens còn vượt trội về kỹ thuật so với bất kỳ sản phẩm nào được Google giới thiệu ở I/O. Đó là một điều đáng kinh ngạc vì Google mới đang là công ty dẫn đầu xu hướng xây dựng một hệ sinh thái VR; đồng thời cũng đang có sẵn một lượng người dùng sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo Cardboard rất “láu cá” của mình. Và giờ đây, gã khồng lồ này lại đang đứng trước nguy cơ tụt hậu trong cuộc chiến với Microsoft.
Microsoft được đánh giá có khả năng vượt mặt Google trong cuộc chiến thực tế ảo.
Sự kiện dành cho các nhà phát triển
Cũng nhân dịp này, cả Microsoft lẫn Google đều thông báo một vài cải tiến tương đối đột phá ở hai hệ điều hành thương hiệu của mình. Tuy vậy, đợt update này không còn gây được bất ngờ do trước đó Google đã giới thiệu Android O, còn Microsoft cũng đã tuyên bố sẽ trình làng 2 bản Windows 10 trong năm.
Thông thường, những sự kiện dành cho nhà phát triển như Build hay I/O thường ẩn chứa rất nhiều rủi ro đối với cả hai công ty. Dẫu vậy, Google I/O năm nay lại diễn ra tương đối nhẹ nhàng; thậm chí, có thể khiến người tham dự cảm thấy "có gì đó sai sai". Việc không có nhiều bước tiến mới mẻ để thông báo lẽ ra nên là cơ hội để Google trình bày tham vọng và tầm nhìn của mình. Thế nhưng công ty này lại lựa chọn lãng phí thời gian giới thiệu những nội dung không mấy ai quan tâm- chẳng hạn như những tính năng mới đã được trình làng trước đó của... YouTube.
Trong khi đó, Microsoft mặc dù cung cấp bộ sản phẩm rộng hơn cho các nhà phát triển, vẫn thể hiện được năng lượng và tầm nhìn thông qua Build 2017. Công ty này cũng tập trung gần như hoàn toàn tới các nhà phát triển trong suốt sự kiện của mình.
"Sẽ có cả lập trình ngay trên sân khấu" - một đại diện của Microsoft thậm chí đã cảnh báo giới truyền thông như vậy khi họ đang tụ tập chờ đợi phần chính của sự kiện. Ngược lại, tại I/O, Google dường như không biết khán giả theo dõi sự kiện của mình là ai (Các nhà phát triển? Người tiêu dùng? Hay báo chí?). Thậm chí, công ty này còn có phần nội dung dành riêng "cho các nhà phát triển", dù Google I/O đúng ra phải là sự kiện cho... chính đối tượng này.
Điều tương tự cũng xảy ra khi hai công ty trình bày về các sản phẩm nổi bật của mình. Khi giới thiệu Remix tại Build 2017, Microsoft ngầm thông báo với các nhà phát triển rằng họ có thể sử dụng công cụ này để xây dựng những trải nghiệm tương tự. Còn Google, thông qua Google Photos lại nhắm nhiều hơn vào việc thỏa mãn nhu cầu sử dụng công nghệ trong sản xuất hình ảnh của người tiêu dùng. Công ty này cũng bỏ qua những tính năng đặc biệt thú vị cho các nhà phát triển, như Instant Apps, dù chúng có thể phục vụ cả nhóm người tiêu dùng lẫn nhóm các nhà phát triển.
Trên thực tế, thông báo bổ sung thêm Kotlin như một ngôn ngữ lập trình chính (first-class) cho Android nhận được sự tán thưởng cao hơn bất cứ thông báo nào khác tại Google I/O - chứng tỏ những người tham dự sự kiện này hầu hết là các nhà phát triển (bởi lẽ một thông báo tương tự trước báo chí gần như sẽ luôn nhận được phản hồi là những ánh mắt ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra).
Vậy nên, nếu nhận xét thẳng thắn thì Google I/O năm nay khá tệ: không phần cứng mới, không công cụ mới cho các nhà phát triển, không sản phẩm mới cho người tiêu dùng, và gần như không giới thiệu được công cụ hay sản phẩm có thể sử dụng được ngay. Bất chấp việc các sự kiện thường niên có thể không còn bắt kịp tốc độ thay đổi quá nhanh của thế giới công nghệ, các công ty vẫn nên coi chúng là cơ hội tập hợp các nhà phát triển, đồng thời trình bày tham vọng hay tầm nhìn của mình. Năm nay, Microsoft đã làm điều đó tốt hơn Google.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng