(GenK.vn) - Cái kết treo lơ lửng trên đầu Nokia hơn 1 năm nay kể từ khi đặt bút ký văn tự bán mình cho Microsoft cuối cùng đã giáng xuống.
Ngày hôm nay, trước sự bàng hoàng của giới công nghệ, án tử hình lơ lửng treo trên đầu cái tên Nokia suốt gần 1 năm qua cuối cùng đã giáng xuống. Với sự kiện Microsoft liên tiếp "hành quyết" 1 loạt các sản phẩm, dịch vụ, nhân sự từng tạo nên dấu ấn cho tên tuổi Nokia, tôi mới nhận ra: Nokia thực sự đã bị Microsoft thâu tóm.
Thương vụ Nokia Microsoft sẽ chỉ còn lại "chương kế tiếp" cho Microsoft khi Nokia sẽ "dừng cuộc chơi tại đây".
Giấc Nam Kha khéo bất bình. Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Mặc dù thương vụ mua bán Microsoft-Nokia đã tiến hành được hơn 1 năm nhưng chưa bao giờ tôi từ bỏ hi vọng về 1 "Nokia by Microsoft". Và sự thực là cũng không có lý do gì để nghi ngờ điều ấy. Cái tên Nokia làm ông vua không ngai của thị trường di động toàn cầu đã hơn 10 năm. Trên tay từ những nhà tài phiệt rảo bước trên phố Wall cho tới em bé chân đất chạy ở những con đường mòn Phi Châu, Nokia tồn tại ở mọi ngõ ngách của cái thế giới này. Nếu như có 1 thương hiệu nào đó xứng đáng với sứ mệnh Connecting People, đó chỉ có thể là Nokia.
Không thương hiệu điện thoại nào trên thế giới sở hữu số người dùng di động lần đầu nhiều như Nokia, sự thành công của các dòng feature phone và dumb phone của Nokia khiến người mua điện thoại lần đầu với hầu bao hạn hẹp và nhu cầu thấp thường bị "đóng đinh" với Nokia. Tôi dám chắc rất nhiều người trong số bạn đọc có chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia, mối liên hệ cá nhân ấy không dễ gì phai nhạt.
Và đem mối liên hệ cá nhân này vào cạnh tranh là lợi thế tuyệt vời. Ngay tại Việt Nam, thương hiệu Nokia là 1 tượng đài không dễ xô đổ trong lòng người tiêu dùng, giá trị của 1 thương hiệu như thế không thể đong đếm bằng tiền.
Sở hữu 1 thương hiệu bằng vàng, tôi những tưởng Microsoft sẽ tôn trọng nó. Nói cho cùng, nếu chỉ cần bằng sáng chế, nhân lực, cơ sở vật chất của Nokia, Microsoft hoàn toàn có thể mua, trao đổi hợp tác, thậm chí làm mới tất cả những điều ấy với cái giá rẻ hơn 7.2 tỷ USD.
Khi Microsoft mua lại bộ phận di động của Nokia, tôi từng mong rằng cái Microsoft thực sự hướng tới là thương hiệu Nokia. Và hi vọng ấy nhen nhóm với Nokia X và thông tin về chiếc Lumia chạy Android có thể ra mắt trong thời gian tới. Tôi hi vọng rằng Nokia có thể tồn tại mà vẫn giữ vững bản sắc của mình bên trong 1 Microsoft bá quyền.
Nhưng những sự việc xảy ra ngày hôm nay là 1 gáo nước lạnh khiến tôi buộc phải nhận ra rằng: Đồng hồ của Nokia thực sự đã điểm những giây cuối cùng. Sống trong vòng tay của Microsoft, Nokia không còn đường nào khác là chịu nô dịch, đồng hoá và cuối cùng là bị hấp thụ vào trong gã khổng lồ phần mềm. Điều tôi muốn thấy là Microsoft đối xử với Nokia như Google đối xử với Motorola: 1 bộ phận hoạt động độc lập, có quyền tự quyết trong vấn đề sản phẩm cuối cùng đã không xảy ra.
Vứt bỏ S40, Asha, Nokia X là đồng thời vứt bỏ quá khứ, hiện tại, tương lai của 1 Nokia tự quyết, tự chủ. Tất nhiên nhân sự của Nokia vẫn còn đấy (dù quân số giảm hơn 12.800 người) nhưng liệu sự đa dạng, sức sáng tạo, thử nghiệm không ngừng nghỉ với những thiết kế mới, điều từng làm nên thành công của Nokia, có tồn tại nổi dưới 1 môi trường Microsoft với văn hoá công ty trái ngược và 1 guồng máy quan liêu bậc nhất thung lũng Silicon hay không lại là chuyện khác. Mất đi di sản, mất đi nguồn lực, tất cả những gì còn lại ở Nokia chỉ là 1 mớ bằng sáng chế, vài nhà máy gia công và rất nhiều tiếc nuối.
Điều làm nên thành công của Nokia chính là sự đa dạng và tinh thần dám thử-sai. Không phải mẫu điện thoại nào của Nokia cũng thành công, nhưng điều đó không ngăn cản hãng tạo ra đủ các mẫu mã, tính năng, thiết kế. Văn hoá ấy liệu có phát huy được ở 1 Microsoft vốn không thể chấp nhận những thể nghiệm ngoài khuôn khổ như Nokia X?
Microsoft và những quyết định bất thình lình
Quyết định khai tử dòng Nokia X series của Microsoft là 1 quyết định vội vàng nếu không muốn nói là thiếu tính toán. Cứ hỏi số máy Nokia X, XL, X đang tồn kho cũng như lượng X2 đang chuẩn bị lên kệ trên toàn thế giới, tôi chắc chắn rằng chúng sẽ đồng ý với nhận định đó. Chắc chắn nếu bán tống bán tháo như cách mà BlackBerry từng làm với Z10 thì số hàng tồn kho trên cũng sẽ sớm ra đi, vấn đề ở đây là Microsoft hoàn toàn có thể làm khác, chọn cho X series 1 cách ra đi êm ái hơn thay vì rút phích cắm giữa lúc cao trào.
Số phận Nokia X rồi cũng sẽ giống như Lumia 900 trước đó: chết tức tưởi chỉ vì 1 quyết định trái kheo của Microsoft.
Quyết định đột ngột, bất chấp thiệt hại về kinh tế của Microsoft chỉ có thể có 1 lý do: Những thông tin xì xào gần đây về việc Microsoft có thể đã suy nghĩ lại về chiến lược Windows Phone đã khiến Satya Nadella cảm thấy cần phải gửi thông điệp tới người sử dụng cũng như 1 cam kết tới các đối tác của mình rằng Microsoft đã xuống tất tay vào cửa Windows Phone, không để lại 1 đường lùi nào. Không có Nokia X, không có Lumia Android, không còn bất kỳ điều gì thu hút nỗ lực của Microsoft ngoài Windows Phone.
Quyết định khai tử Nokia X bất thình lình, cũng giống như quyết định không cho phép thiết bị chạy Windows Phone 7 nâng cấp lên Windows Phone 8 trước đó, đều là những nước đi đầy tính toán của Microsoft. Và người chịu thiệt nhất chính là chúng ta, những người tiêu dùng đã trót đặt niềm tin vào những sản phẩm liên tục lỗi thời chỉ qua 1 đêm từ 1 nét bút sổ ngang của Microsoft.
Thay cho lời kết
Thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình là điều cần thiết, nhưng thay đổi chiến lược 1 cách từ từ để sự thay đổi đó không làm đau chính những người đã đặt niềm tin dài hạn vào mình còn là điều cần thiết hơn. RIM (BlackBerry) trong suốt 4,5 năm trời cố gắng duy trì niềm tin vào thiết kế bàn phím cứng cũng chính là 1 nỗ lực để không "làm đau" những ai đã đặt tin yêu vào giá trị cốt lõi của hãng. Một nỗ lực ngu dốt, nhưng đáng trân trọng.
Nỗ lực thay đổi của Microsoft, ở 1 góc độ nào đó, cũng đáng trân trọng không kém gì BlackBerry, nó đại diện cho tinh thần dám nghĩ dám làm, không bảo thủ, không sợ thay đổi. Điều này rất cần ở 1 doanh nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên cũng giống như BlackBerry, Microsoft cần học cách để có những bước đi hài hoà hơn với lợi ích người tiêu dùng.
Lời nói cuối cùng xin dành cho Nokia: "Cám ơn và tạm biệt!"
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng