Microsoft ra mắt bản mới cho dòng game giả lập phi công gần 40 năm tuổi: Đồ họa siêu chân thực, AI thông minh nhưng thời gian loading quá lâu dù chơi trên PC "khủng"
Nhờ công nghệ đám mây và ảnh vệ tinh, tựa game Microsoft Flight Simulator đã trở thành 1 "con quái vật đồ họa" với hình ảnh siêu chi tiết và chân thực.
Có thể nói, các phiên bản Windows đã đóng góp 1 phần không nhỏ trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp gaming trên thế giới. Hệ điều hành nổi tiếng của Microsoft vẫn luôn đóng 1 vai trò nền tảng ổn định qua nhiều thế hệ để giúp các lập trình viên, các nhà phát hành game có thể yên tâm tạo ra sản phẩm của mình và đưa chúng dễ dàng tiếp cận với đại đa số game thủ toàn cầu.
Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, tựa game giả lập Microsoft Flight Simulator thậm chí còn có tuổi đời còn cao hơn cả chính “người anh em cùng nhà” Windows, và đã trải qua gần 40 năm phát triển. Trong khoảng thời gian đó, tựa game này đã nhiều lần được cập nhật và thay đổi lớn. Để rồi cho đến hiện tại, ngoài cái tên còn giữ nguyên ra, nó dường như đã lột xác thành 1 tựa game hoàn toàn khác cả về đồ họa lẫn gameplay.
Sau 6 năm im ắng, Microsoft Flight Simulator bất ngờ ra mắt phiên bản mới với đồ họa đẹp như mơ.
Mới đây, Microsoft đã bất ngờ tung ra phiên bản 2020 hoàn toàn mới, cho phép game thủ vào vai những phi công ảo và tha hồ bay lượn trên bầu trời rộng lớn của Trái Đất. Nhờ công nghệ đám mây Azure kết hợp với hình ảnh vệ tinh chất lượng cao, tựa game này hứa hẹn sẽ là 1 “con quái vật” đồ họa thực sự đối với dòng game mô phỏng nói riêng và thế giới gaming nói chung.
Đây là bản cập nhật đầu tiên mà Microsoft dành cho Flight Simulator kể từ năm 2014. Phiên bản dành cho PC đã lên kệ vào ngày 18/8 vừa qua, và chắc chắn phiên bản dành cho Xbox Series One X cũng sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới, sau khi hệ máy này chính thức trình làng vào tháng 11 năm nay.
Dưới đây là 1 số đánh giá đến từ những chuyên trang review uy tín nhất thế giới về phiên bản 2020 của Microsoft Flight Simulator.
Nhận xét của cây viết Phil Iwaniuk đến từ PC Gamer.
Quả là 1 thành tựu đáng kinh ngạc. Bằng cách khai thác sức mạnh của Bing Maps, Azure AI và các dữ liệu đo hình ảnh, nhà phát triển Asobo Studios đã tạo ra 1 thế giới quá đỉnh cao. Chính sức mạnh này đã giúp 1 tựa game giả lập bay lượn sở hữu sức hút khủng khiếp một cách kỳ lạ. Mặc dù Microsoft Flight Simulator mang hơi hướng của 1 công cụ đào tạo phi công, nhưng suy cho cùng thì nó vẫn là 1 trò chơi điện tử, và có thể dễ dàng tiếp cận với những game thủ không có kiến thức chuyên môn. Nó có thể đáp ứng nhu cầu của cả giới chuyên gia lẫn người chơi đại chúng, và hoàn toàn có thể trở thành 1 thế lực mới trên nền tảng PC trong nhiều năm tới.
Mức độ chân thật và chi tiết của tựa game này đã đạt đến cảnh giới "không phải dạng vừa đâu".
Những sân bay trong game được xây dựng dựa theo ảnh scan cũng như các bản thiết kế thực, vừa chuẩn về mặt kĩ thuật lại có tính thẩm mĩ rất cao. Độ chính xác của những sân bay ảo này có thể nói đã đạt đến cảnh giới “điên rồ” mà chưa 1 tựa game mô phỏng, giả lập nào làm được. Ấn tượng hơn, Asobo Studios không chỉ tập trung vào những sân bay lớn, nổi tiếng trên thế giới (như JFK, Seattle-Tacoma và Heathrow), mà còn chú trọng cả những sân bay nhỏ hơn. Ví dụ như 1 sân bay lẻ ở Nam Phi - thực chất chỉ là 1 dải đất cắt ngang khu rừng nhiệt đới rậm rạp. Tất cả đều được thiết kế rất tỉ mỉ, công phu và thật đến từng chi tiết để người chơi có được trải nghiệm hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, với một số địa điểm khác ngoài sân bay, đôi khi Flight Simulator lại gặp phải những vấn đề cơ bản của 1 tựa game mô phỏng sử dụng hình ảnh vệ tinh như: Những vùng đất phẳng loang lổ không được render rõ ràng, khó phân biệt được các địa hình khác nhau. Ngay cả những địa điểm nổi tiếng đôi khi cũng hiện ra sai lệch, méo mó, giống như trong cảnh phim bẻ cong không gian thành phố của bom tấn Inception vậy. Tựa game này sẽ trở nên thú vị hơn nếu bạn thư giãn hơn, tận hưởng cảm giác lơ lửng giữa không trung thay vì chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra ở dưới mặt đất.
Nhận xét của cây viết Alex Donaldson đến từ VG24/7
Thật hoàn hảo khi tựa game này lại được ra mắt giữa thời điểm đại dịch khiến cho ngành hàng không và du lịch đang bị tê liệt. Điều đó càng làm nổi bật sức mạnh của Flight Simulator, dưới tư cách là 1 phương thức du lịch kĩ thuật số, cho phép người chơi thư giãn và tận hưởng hành trình đến bất cứ đâu mà họ muốn. Toàn bộ những tinh hoa về địa lý và kiến trúc của nhân loại sẽ trải dài dưới chân bạn cực kỳ chi tiết. Tựa game này chính là minh chứng cho “sức mạnh của công nghệ đám mây” mà Microsoft đã hứa hẹn khi ra mắt thế hệ console mới của mình.
Microsoft Flight Simulator sẽ giúp người chơi tạm giải cơn khát du lịch giữa mùa đại dịch.
Không thể phủ nhận người chơi sẽ có cảm giác thích thú khi được khám phá trong môi trường ảo này và tự chọn lộ trình cho riêng mình. Tôi đã tự thực hiện 1 tour ghé qua những trường đua ô tô nổi tiếng nhất thế giới, từ Biggin Hill cho đến Brands Hatch, nơi có cánh đồng lavender mà tôi thường đạp xe mỗi cuối tuần; từ La Sauvenière cho đến Spa-Francorchamps. Tôi thậm chỉ còn nghỉ giữa chừng để đi tắm cho nó chân thực, giống như khi mình đang đi du lịch đường dài vậy.
Điều đầu tiên mà tôi thực hiện sau khi trải qua phần hướng dẫn game (tutorial) là cố gắng tìm ra vị trí nhà của mình. Tôi cất cánh ở sân bay Logan, Boston, bay thẳng về hướng bắc đến sông Merrimack và từ đó đi về hướng tây. Tựa game này sử dụng dữ liệu thời gian và thời tiết thực tế ở từng địa phương. Vì vậy, khi hạ cánh gần Lawrence Massachusetts, tôi đã được ngắm trọn cảnh hoàng hôn quen thuộc mà tôi vẫn thường nhìn thấy từ khung cửa sổ của mình. Đi dọc theo bờ sông, tôi tìm thấy khuôn viên UMass Lowell rồi dần nhận ra đường vào thị trấn. Cuối cùng, tôi cũng “về” được nhà, dù nó không được thiết kế hoàn hảo lắm, nhưng vẫn có thể nhận ra được.
Nhận xét của cây viết Ben Maxwell đến từ PCGamersN
Thật đáng tiếc là thời gian loading của game trên cỗ PC của tôi là quá chậm, cứ như thế nó đang mô phỏng lại những lần tôi bị delay ở sân bay vậy. Thông thường, nó sẽ tốn khoảng 5 phút 30 giây từ lúc mở game cho đến lúc vào được menu chính, rồi sau đó là từ 1 đến 4 phút nữa trước khi tôi ra đường băng để chuẩn bị cất cánh. Và đấy là vào những hôm “mát giời” máy chạy ổn định đấy nhé. Vấn đề sẽ phần nào được khắc phục nếu bạn chấp nhận hi sinh đồ họa, giảm cấu hình xuống 1 chút. Thế nhưng khoảng thời gian chờ đợi thực sự vẫn là quá lâu.
Chính vì quá chi tiết và chân thật nên tựa game này lại có 1 điểm yếu chí mạng: thời gian load game quá lâu.
Với những khung cảnh nông thôn tẻ nhạt, tôi có thể đạt tốc độ khung hình 60fps ở thiết lập đồ họa cao nhất, với cấu hình máy tính: RTX 2080 Ti, chip i7 9700K và 16GB RAM. Thế nhưng, chỉ cần hình bóng 1 vài tòa nhà bắt đầu lấp ló xuất hiện, con số trên sẽ lập tức giảm xuống khoảng 20 fps. Có rất nhiều địa điểm mà bạn sẽ không thể bay đến được vì quá lag dù ở cài đặt đồ họa thấp nhất, ví dụ như thành phố New York hay Toronto. Tình trạng văng game thường xuyên xảy ra nếu bạn cố tình bay vào những khu vực này, hoặc khi bạn cắm vào/rút ra 1 thiết bị ngoại vi bên ngoài. Ngay cả với những linh kiện máy tính cao cấp nhất hiện nay, tựa game này vẫn thực sự là 1 cơn ác mộng kinh hoàng.
Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều người chơi gặp rắc rối tương tự với khoảng thời gian loading của Flight Simulator. Những sân bay lớn hơn sẽ cần nhiều thời gian để load hơn, ví dụ như 4 phút dành cho sân bay Chicago O’Hare. Thế nhưng, ngay cả những sân bay nhỏ ở các khu vực vùng sâu vùng xa cũng ngốn gần 1 phút loading. Tôi dám khẳng định vấn đề này nằm ở độ tối ưu hóa của game chứ không phải ở cỗ PC của tôi, bởi tôi đã cài đặt Flight Simulator trên ổ cứng SSD WD Blue M.2 NVMe 1TB, và nó cũng chẳng nhanh hơn là bao.
Nhận xét của Eurogamer
Bạn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, trên đường băng, hoặc trên không, và giao toàn bộ quyền điều khiển ATC cho 1 phi công AI khác. Chính hệ thống AI này cũng sẽ hướng dẫn bạn, hoặc giúp bạn hoàn thành danh sách nhiệm vụ của mình. Bạn có thể tua đến bất cứ giai đoạn nào của chuyến bay mà bạn muốn trải nghiệm, có thể là cất cánh, tăng tốc đi lên hoặc hạ cánh, với mức độ tự động hóa tùy chỉnh. Bạn cũng được phép sử dụng dữ liệu thời tiết theo thế giới thực để trải nghiệm được chân thật hơn, hoặc đơn giản là đóng vai Chúa trời và tha hồ hô mưa gọi gió trong thế giới ảo này.
Hệ thống chỉ dẫn và AI của tựa game này sẽ là trợ thủ rất đắc lực giúp người chơi trải nghiệm 1 cách thư giãn nhất có thể.
Cơ chế điều khiển cũng phản ánh các tùy chọn và hỗ trợ trong tựa game này. Bạn có thể sử dụng bàn phím và chuột, hoặc sử dụng tay cầm Xbox. Cả 2 phương thức đều có ưu điểm riêng, nhưng riêng tôi thì tôi lại lựa chọn gắn thêm bộ phụ kiện Thrustmaster TPR Rudder, Honeycomb Alpha Yoke & Switch Panel cùng bộ điều chỉnh Logitech Pro Flight Throttle.
Ngay cả khi bật chế độ hỗ trợ tự động ở mức trung bình, bạn vẫn phải hết sức cẩn thận mỗi khi cất cánh và hạ cánh trong Flight Simulator, và phải bỏ ra rất nhiều thời gian luyện tập mới có thể thuần thục được. Trong tựa game này, bạn cũng có thể tham gia 1 trường huấn luyện phi công ảo và được thực tập với 1 chiếc Cessna 172. Tôi đã học được rất nhiều thuật ngữ tại đó, được thực hành cũng như làm quen với việc điều khiển 1 chiếc máy bay khổng lồ. Sau khi “tốt nghiệp”, tôi hoàn toàn tự tin hơn rất nhiều, bởi đa số các mẫu máy bay đều có cơ chế điều khiển tương tự như Cessna 172. Tuy nhiên, 1 vài mẫu như A320neo hay 747 thì lại đòi hỏi người chơi cần phải tìm hiểu và làm quen giao diện 1 chút nếu không muốn tai nạn xảy ra.
Tôi hy vọng sẽ có nhiều bài luyện tập với nhiều mẫu máy bay khác hơn trong tựa game này, nhưng hệ thống AI thông minh có thể thay thế bạn trong quá trình điều khiến bất cứ khi nào bạn muốn. Tôi đã học thêm được rất nhiều thứ chỉ bằng cách quan sát hệ thống AI cất cánh và hạ cánh. Cuối cùng, nếu bạn chỉ muốn bay cho vui, thì chẳng có lý do gì để không bật hệ thống trợ giúp siêu thông minh này lên để mọi thứ “dễ thở” hơn cả.
Theo Masable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng