Microsoft từng định bán Bing cho Apple nhằm thay thế Google nhưng lại bị coi là 'lốp dự phòng' để nâng giá
Vụ kiện chống độc quyền của Bộ tư pháp Mỹ nhằm vào Google đã bộc lộ hàng loạt những bí mật của các bên liên quan trong cuộc “tình tay ba” giữa 3 tập đoàn công nghệ.
- Người đàn ông tử vong vì lái xe vào cây cầu bị sập, gia đình đâm đơn kiện Google Maps
- Microsoft nắm trong tay công cụ có thể thay đổi cách làm việc của 2,6 tỷ người dùng, nếu thành công sẽ biến công ty thành ‘quái vật’ không ai có thể lật đổ
- Microsoft tích hợp trình tạo ảnh Dall-E 3 với công cụ tìm kiếm Bing
- Sinh nhật thứ 25 của Google: Doodle tái hiện logo Google ngày đầu tiên
- Chatbot AI Bard của Google sắp được cập nhật nhiều tính năng mới
Hãng tin Bloomberg cho hay tập đoàn Microsoft từng định bán công cụ tìm kiếm Bing của mình cho Apple nhằm thay thế Google.
Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho hay cuộc đàm phán này đã diễn ra vào năm 2020 khi Microsoft muốn Bing thay thế Google để trở thành công cụ tìm kiếm tiêu chuẩn trên các thiết bị nhà táo khuyết.
Cụ thể, các giám đốc của Microsoft đã gặp gỡ giám đốc dịch vụ Eddy Cue của Apple để bàn về khả năng hợp tác giữa 2 tập đoàn.
Tuy nhiên cuộc đàm phán này không đi đến được một thỏa thuận chung mà lại trở thành “quân bài” để Apple nâng giá, tạo nên thỏa thuận chia sẻ phầm trăm doanh thu mới khi gia hạn hợp đồng với Google.
Trong suốt nhiều năm, cả Microsoft và Apple đều đã nung nấu ý tưởng biến Bing thành lựa chọn thay thế Google, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra do còn liên quan đến nhiều bên lợi ích.
Tuy nhiên Microsoft đang đánh hơi được một cơ hội mới khi Bộ tư pháp Mỹ đã tiến hành vụ kiện chống độc quyền với Google khi hãng này áp đặt công cụ tìm kiếm của mình lên các nền tảng, buộc người tiêu dùng phải sử dụng chúng thay vì tự do lựa chọn.
Rắc rối của Google đã khiến Apple, hãng được hưởng lợi hàng tỷ USD tiền phí nhờ đưa công cụ tìm kiếm này làm mặc định trên các thiết bị của mình, trở thành tâm điểm tranh cãi.
Thách thức này buộc Apple phải suy nghĩ một lần nữa đến khả năng bắt tay với Microsoft cùng công cụ tìm kiếm Bing hiện đã tích hợp ChatGPT.
Tập đoàn Microsoft đã cho ra mắt công cụ tìm kiếm Bing của mình vào năm 2009 như một đối trọng với Google, thế nhưng sản phẩm này lại trở thành “bom xịt” khi chưa bao giờ thực sự làm xói mòn đáng kể thị phần của đối thủ như kỳ vọng.
Hiện Google vẫn là ông vua mảng công cụ tìm kiếm trong khi Bing chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần.
Cơ hội mới
Cả Apple và Microsoft hiện đang phải làm chứng trước tòa trong vụ kiện độc quyền chống Google. Các giám đốc cấp cao của cả 3 hãng đều nhận được yêu cầu ra làm chứng trong vụ kiện có thể mang tính lịch sử này.
Theo Bloomberg, Bộ tư pháp Mỹ đang dùng Apple là bằng chứng thép cho thấy Google đã độc quyền thị trường một cách rõ ràng. Tuy nhiên phía Apple vẫn đang cố gắng chối bỏ điều này khi cho biết họ sử dụng Google chỉ bởi đây là lựa chọn công cụ tìm kiếm tốt nhất.
Nhà táo khuyết đã ký hợp đồng thỏa thuận đưa Google thành công cụ tìm kiếm mặc định từ năm 2002, ngay trước khi ra mắt ứng dụng lướt web trên máy tính Mac. Thế rồi dần dần thỏa thuận này lan sang cả những thiết bị khác của Apple như iPhone, iPad...
Báo cáo điều tra của Bộ tư pháp Mỹ cho thấy đến năm 2020, Apple đã thu về 4-7 tỷ USD hàng năm tiền phí từ Google.
Theo thỏa thuận được ký kết, Apple sẽ được hưởng phần trăm doanh thu mà Google kiếm được trên các thiết bị của nhà táo khuyết khi họ đưa công cụ tìm kiếm này trở thành mặc định.
Xin được nhắc rằng Apple có hơn 1,46 tỷ thiết bị đang được kích hoạt trên toàn cầu tính đến năm 2023, tương đương 21,67% tổng số thiết bị smartphone được sử dụng toàn thế giới.
Chính vì tệp khách hàng quá lớn này mà Google không dễ dàng từ bỏ Apple, còn nhà táo khuyết trước khoản doanh thu béo bở đó cũng khó lòng chuyển sang Bing nếu không có các yếu tố tác động tiêu cực khác.
Những nguồn tin thân cận của Bloomberg cho hay các giám đốc Apple lo lắng về khả năng cạnh tranh về chất lượng lẫn hiệu năng của Bing so với Google nếu chuyển đổi.
Tuy nhiên Apple vẫn để ngỏ khả năng hợp tác khi vẫn dùng công cụ tìm kiếm này làm mặc định trong các nền tảng như Siri hay Spotlight vào khoảng thời gian 2013-2017.
Thế nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là chiêu trò của nhà táo khuyết để “làm giá” với Google bởi sau năm 2017, Apple lại quay trở về với công cụ tìm kiếm này thông qua một bản thỏa thuận chia phần trăm doanh thu mới.
Hiện tại Bing vẫn chỉ là một lựa chọn công cụ tìm kiếm thay thế trên Safari chứ không phải mặc định như Google.
Lốp dự phòng?
Trong phiên tòa chống độc quyền mới đây, giám đốc Jon Tinter của Microsoft đã thẳng thừng tuyên bố tập đoàn này đã chi hàng tỷ USD cho thỏa thuận với Apple năm 2016 để khiến Bing thay thế Google làm công cụ tìm kiếm mặc định.
Các lãnh đạo cấp cao như CEO Tim Cook của Apple hay CEO Satya Nadella của Microsoft đều đã tham dự cuộc họp này.
Điều này cho thấy phía Microsoft sẵn sàng chơi lớn để chấm dứt mối liên minh Apple-Google. Thế nhưng có vẻ nhà táo khuyết chỉ muốn dùng Microsoft làm “lốp dự phòng” nhằm nâng giá với Google.
Bằng chứng rõ ràng nhất là đến hiện tại, Google vẫn là công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari, đồng thời là lựa chọn trên Siri và Spotlight.
Giám đốc Cue cũng khai rằng Apple và Google đã gia hạn hợp đồng vào năm 2021, tức chỉ 1 năm sau khi Microsoft bắt đầu chiến dịch bán Bing lại cho nhà táo khuyết.
Chính vị giám đốc này cũng thừa nhận là công nghệ tìm kiếm của Bing kém hơn so với Google, đồng thời thừa nhận Apple sẽ “chẳng biết phải làm gì” nếu thỏa thuận với Google đổ bể.
Hãng tin Bloomberg nhận định nếu Apple mua Bing sau vụ kiện chống độc quyền lần này của Bộ tư pháp, câu chuyện sẽ không chỉ đơn giản là nhà táo khuyết gắn thương hiệu của mình lên một công cụ mới.
Với những thương hiệu từng được mua lại trước đây, Apple thường sử dụng công nghệ lẫn những tài nguyên cơ bản được mua về để xây dựng nên tính năng mới hiệu quả, tương thích hơn với hệ sinh thái nhà táo khuyết.
Trong lời khai của mình, giám đốc Cue cho biết Apple không có ý định phát triển công cụ tìm kiếm riêng vì không cần thiết và Google đã là lựa chọn tốt nhất.
Đây được cho là cách tiếp cận rất khác của công ty trong những mảng khác, ví dụ như Apple đã tự phát triển sản phẩm, cạnh tranh với Google về phần mềm bản đồ, trợ lý giọng nói và đặc biệt là hệ điều hành smartphone (iOS vs Android).
*Nguồn: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng