Microsoft và Facebook đầu tư cáp biển mới: 6 điều thú vị về cáp quang biển

    PV,  

    Cuối tuần này (26/5), Microsoft và Facebook tuyên bố sẽ xây dựng tuyến cáp quang biển tốc độ cao kết nối Mỹ và Nam Âu qua Đại Tây Dương để đáp ứng nhu cầu gia tăng về dịch vụ nhanh hơn, tin cậy hơn.

    Các dịch vụ đám mây của Microsoft như Skype, Xbox Live, Office 365, công cụ tìm kiếm Bing và nền tảng điện toán đám mây Azure sẽ hưởng lợi từ việc xây dựng tuyến cáp quang này.

    Tuyến cáp quang dài 6.600 km – được đặt tên là Marea – có năng lực truyền đến 160 terabytes dữ liệu mỗi giây và được kỳ vọng sẽ được khởi công trong tháng Tám này và hoàn thành vào tháng 10/2017.

    Marea theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "thủy triều" và tuyến cáp này trải dài từ Bắc Virginia (Mỹ) đến Bilbao (Tây Ban Nha). Nó sẽ do Telxius vận hành. Đây là một công ty hạ tầng viễn thông do hãng viễn thông Tây Ban Nha Telefonica sở hữu.

    Khi hoàn thành, Marea sẽ là một trong những tuyến cáp quang biển quan trọng kết nối thế giới. Dưới đây là 6 điều thú vị về cáp quan dưới biển có thể bạn chưa biết:

     Bản đồ các tuyến cáp quang biển năm 2006

    Bản đồ các tuyến cáp quang biển năm 2006

    1. Singapore nổi tiếng là một trong những trung tâm cáp quang biển của thế giới

    Singapore là một trung tâm hàng không, trung tâm hàng hải và trung tâm dữ liệu.

    Ngay cả trước những năm 1990, Singapore là một điểm kết nối của các mạng cáp điện tín dưới biển giữa Anh và châu Á. Ngày nay, các hệ thống cáp quan biển cập bờ Singapore, kết nối nước này với các quốc gia trên mọi châu lục, ngoài trừ Nam Cực.

    Hiện Singapore là điểm cập bờ của 16 tuyến cáp quang biển phục vụ mạng và viễn thông quốc tế.

    2. Tuổi thọ cáp ngầm dưới biển chỉ khoảng 25 năm

    Bản đồ cáp quang biển của TeleGeography năm 2016 cho thấy có 293 tuyến đang hoạt động và 28 tuyến đang lên kế hoạch. Các hệ thống đã được hoạch định là các hệ thống đang được xây dựng hoặc dự kiến sẽ huy động đủ vốn vào cuối năm nay. Một khi những tuyến cáp này hoạt động, chúng được kỳ vọng có tuổi thọ 25 năm trước khi đòi hỏi phải có sự thay thế và sửa chữa.

    Các tàu sửa cáp đặc biệt được phái đi để xử lý việc sửa chữa này. Nếu phần hư hại của tuyến cáp nàm ở độ sâu khoảng 6.500 feet (khoảng 1,9 km) thì robot sẽ được sử dụng để đem cáp lên mặt nước. Tuy nhiên nếu cáp ở vị trí quá sâu thì người ta phải dùng neo nhỏ có nhiều móc để lôi cáp lên sửa chữa.

    3. Rải cáp là một quá trình khó khăn và tốn kém

    Nếu bạn gặp khó khăn trong việc lắp đặt TV hoặc máy tính thì hãy tưởng tượng xem việc lắp đặt cả một hệ thống cáp dưới đáy biển sẽ thách thức như thế nào.

    Quá trình rải cáp dưới biển thường là một quá trình rất khó khăn đòi hỏi tốn nhiều thời gian và nhân lực. Những con tàu được tùy chỉnh khổng lồ rải cáp dọc đáy biển và họ phải đảm bảo rằng cáp được chôn dưới biển phù hợp trong khi phải tránh các rạn san hô và các dạng thức khác của đời sống dưới biển.

    Các tàu có thể rải đến 100-200 km cáp mỗi ngày.

    4. Độ dày của cáp rất khác nhau tùy theo vị trí cáp ở dưới biển

    Cáp ngầm dưới biển gặp nhiều mối đe dọa – như cá mập và tàu đi lại - ở các vùng nước nông do đó có độ dày có thể như một lon soda.

    Tuy nhiên, ở độ sâu hơn, chúng lại thường mỏng hơn, chỉ rộng khoảng 17mm.

    Các cáp này thường được bọc trong một lớp bảo vệ và có lõi gồm các sợi quang và dây diện.

    Chúng có thể được tìm thấy ở độ sâu đến 8 km, tức là bằng với chiều cao của đỉnh Everest.

    5. Nhiều nguồn ngoại cảnh làm hư hại cáp và nó cũng dễ bị gián điệp hay những kẻ phá hoại tấn công

    Cá mập cũng thích cắn những dây cáp ngầm dưới biển này và lý do phía sau hiện tượng kỳ lạ này cho đến nay thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

    Đã có nhiều trường hợp cá mập thể hiện ưa thích hương vị của những tuyến cáp quang biển mới, theo một báo cáo năm 1987 của New York Times.

    Những vụ cá mập tấn công này đã buộc các công ty như Google phải bảo vệ cáp biển bằng cách bọc chúng bằng Kevlar – loại chất liệu làm áo chống đạn.

    Ngoài cá mập, các mối đe dọa ngoại cảnh của cáp biển bao gồm các thảm họa tự nhiên, tàu va vào và vướng vào lưới đánh cá.

    Chúng cũng là mục tiêu dễ tấn công của gián điệp và những kẻ phá hoại.

    Trong thời chiến tranh lạnh (1945-1991), Mỹ đã tiến hành một hoạt động có tên là "Ivy Bells" sử dụng tàu ngầm và phao ghi âm dưới nước để thu thập tín hiệu từ một tuyến cáp biển kết nối hai căn cứ hải quân lớn của Liên Xô.

    Trong năm 2013, các nhà chức trách Ai Cập đã bắt được 3 thợ lặn đang cố cắt tuyến cáp biển ngoài khơi cảng Alexandria.

    Tuyến cáp mà các thợ lặn này nhắm mục tiêu là SeaWeMe-4 (South-east Asia-Middle East-Western Europe-4) cung cấp 1/3 năng lực Internet của Ai Cập và châu Âu.

    6. Cáp quang biển rẻ hơn và hiệu quả hơn vệ tinh

    Năm 2015, CNN đưa tin hơn 99% truyền thông quốc tế của chúng ta vẫn được truyền tải bằng cáp quang biển, thậm chí ngay cả khi số vệ tinh được phóng lên ngày càng nhiều.

    Các vệ tinh được biết rằng hiệu quả kém hơn vì nó mất nhiều thời gian hơn để truyền thông tin đến và về từ không gian so với tốc độ truyền dữ liệu mà cáp quang biển đạt được.

    Các nhà nghiên cứu đã phát triển các cáp quang có thể truyền thông tin với tốc độ bằng 99,7% tốc độ ánh sáng, theo extremetech.com.

    Ngoài ra, cáp quang biển rẻ hơn vệ tinh.

    Theo VnReview

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày