Khi chúng ta nghĩ đến những công ty sáng tạo hàng đầu thế giới, có thể Google và Facebook là 2 cái tên nẩy ra ngay đầu tiên. Trong khi đó,
Microsoft thường ít khi được nhắc đến. Thực sự, gã phần mềm khổng lồ từ Redmond đã có một lịch sử phát triển với rất nhiều sản phẩm và ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc đưa chúng tiến xa hơn.
Hiện nay,
Microsoft đang hoạt động trên những lĩnh vực rất rộng lớn, trải dài từ điện thoại với Windows Phone, tablet Surface chạy Windows 8 và hệ điều hành máy tính Windows, đi kèm theo đó là rất nhiều dịch vụ lớn nhỏ. Nhưng ngoài hệ điều hành Windows đã có lịch sử phát triển lâu đời thì các sân chơi còn lại đang khiến Microsoft vô cùng chật vật cạnh tranh.
Trong quá khứ, đã có không ít cơ hội Microsoft có thể tận dụng để vượt lên trên hết mọi đối thủ nhưng gã phần mềm đều lần lượt bỏ qua một cách đáng tiếc. Dưới đây là 10 cơ hội “ngon ăn” trong quá khứ đã vuột khỏi tay của Microsoft mà nếu thành công có thể giờ hãng đã có một vị thế tốt hơn.
1. Trình duyệt web Internet Explorer
Các chuyên viên máy tính không nghĩ Internet Explorer là một trình duyệt sáng tạo. Internet Explorer 9 và 10 có thể hiện đại hơn, nhưng Mozilla Firefox và Google Chrome đã cho thấy sự tiến bộ vượt trội.
Nhưng Internet Explorer cũng đã có những thời điểm đem lại nhiều hứa hẹn và niềm tin với người dùng. Công nghệ "AJAX" của Internet Explorer cho phép các trang web như Gmail có thể gửi và nhận dữ liệu mà không cần làm mới trang hay cho phép các ứng dụng web tương tác chạy trong trình duyệt.
Có những lúc, Internet Explorer đã đi trước. Tuy nhiên, Microsoft lại ngủ quên trên chiến thắng của mình. Sau khi phát hành Internet Explorer 6 vào năm 2001, khi đã chiếm tới 95% thị phần trình duyệt web, họ đã ngừng cố gắng. Họ dời các nhà phát triển Internet Explorer để dành sức cho các dự án khác, chẳng hạn như Silverlight. Internet Explorer trở thành trình duyệt lỗi thời được sử dụng bởi những người không biết về Mozilla Firefox.
Internet Explorer chỉ dần trở lại một lần nữa cho đến khi Internet Explorer 9 được phát hành trong năm 2011, 10 năm sau khi Internet Explorer 6 được công bố. Đến giờ phút này, Internet Explorer đã dần mất đi chỗ dứng của mình và Microsoft vẫn chưa thể đem thời hoàng kim của trình duyệt này quay trở lại.
2. Email dựa trên nền web: Hotmail
Microsoft mua lại Hotmail trong năm 1997. Google phát hành Gmail bảy năm sau đó vào năm 2004. Gmail cao cấp hơn nhiều so với Hotmail khi nó được phát hành, với một giao diện đẹp hơn, có thể xem cuộc trò chuyện, không gian lưu trữ lớn, và một bộ lọc thư rác rất hiệu quả. Nhiều người sử dụng web ngay lập tức chuyển sang dùng Gmail. Sau đó, Hotmail đã được cải thiện, và Outlook.com của Microsoft giờ đây vẫn thực sự có thể cạnh tranh với Gmail. Tuy nhiên, Gmail vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu, ít nhất đối với phần lớn các chuyên viên máy tính công nghệ cao.
Microsoft chỉ có thể tự trách mình, họ đã có một khởi đầu thuận lợi và bảy năm để xây dựng Hotmail trước khi Gmail có mặt. Tuy nhiên, Hotmail đã không được cải tiến nhiều. Microsoft một lần nữa là kẻ đi đầu nhưng lại để tuột mất chiến thắng vào tay kẻ khác.
3. Game PC trên Windows Live
Microsoft có riêng cửa hàng trò chơi PC của mình với hệ thống kết nối bạn bè, tổng hợp chiến tích, tính năng trò chuyện gọi là “Games for Windows Live” (GFWL). Dịch vụ này của Microsoft được tung ra vào năm 2007. Ban đầu người dùng có thể sử dụng nền tảng GFWL của Microsoft với một khoản phí thuê bao hàng tháng để chơi nhiều trò chơi PC trực tuyến. GFWL cung cấp cửa hàng trực tuyến riêng của mình, mà bây giờ đã đổi tên thành Xbox Games Store cho PC. Tuy nhiên, dịch vụ này khá nhỏ và chỉ cung cấp một vài trò chơi. Ngoài ra, GFWL là nguyên nhân khiến nhiều trò chơi chạy không ổn định, mất file lưu, lỗi hệ thống tập tin Windows... Thậm chí, trò chơi trên GFWL không hoạt động với Windows 8 cho đến khi một bản cập nhật cho GFWL được cài đặt.
Nhiều game thủ PC thấy GFWL của Microsoft là một dịch vụ “khủng khiếp” và khẩn cầu các nhà phát triển để không sử dụng GFWL trong trò chơi của họ nữa.
4. Đồng hồ thông minh
Đồng hồ thông minh chưa được phổ biến tại thời điểm này. Nhưng nhiều công ty như Apple, Google, Samsung, Sony, và thậm chí cả Microsoft đều đã nghĩ đến ý tưởng này.
Microsoft thực sự đã có một nền tảng đồng hồ thông minh với tên gọi đồng hồ SPOT, nhưng dự án này đã bị ngưng lại vào năm 2008. Nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho điều đó. Có lẽ là đồng hồ SPOT không tốt, có lẽ Microsoft thất bại trong việc tiếp thị nó ra thị trường, có lẽ mọi người không muốn trả một khoản tiền quá cao, hoặc có lẽ là đồng hồ SPOT đã đi quá xa trước thời đại. Chỉ biết rằng mới đây nhất, Apple có thể đang nghiên cứu một mẫu iWatch mới.
5. Hệ điều hành Longhorn
Hệ điều hành Longhorn cũng là một sản phẩm dở dang của Microsoft sau 3 năm phát triển. Cuối cùng họ đã dừng nghiên cứu và chuyển sang hệ điều hành Windows Vista. Một số tính năng được quảng cáo “rùm beng” của Longhorn như WinFS, hệ thống quả lý tập tin dựa trên cơ sở dữ liệu đã không thể trở thành hiện thực.
Trong khi Microsoft phát triển Longhorn, Apple đã công bố hệ điều hành mới có tên là "Tiger" vào năm 2004. Một bài viết trên tạp chí Vanity Fair cho biết: “Khi Tiger được công bố, Longhorn "mất chừng 10 phút để khởi động” và thường xuyên bị treo giữa chừng”. Và từ đó, thị phần của Windows cũng dần mất một chút về tay Mac OS của Apple.
6. eReaders
Amazon là công ty tiên phong trong lĩnh vực thiết bị đọc sách điện tử với dòng máy Kindle đồng thời cũng là kẻ đặt nền móng cho cuộc cách mạng hóa ngành công nghiệp xuất bản. Nhưng Microsoft đã có cơ hội loại bỏ được Amazon ra khỏi thị trường này. Cụ thể, vào năm 1998, thời điểm 9 năm trước khi Kindle được phát hành, Microsoft đã tạo ra một nguyên mẫu eReader hoàn chỉnh. Nhưng khi ý tưởng này được đệ trình lên Bill Gates, ông nhanh chóng bác bỏ và nói rằng nó không thích hợp với Microsoft. Nguyên nhân là do Bill không thích giao diện người dùng của mẫu eReader trên, đơn giản vì nó không giống như Windows.
Cuối cùng, thay vào đó, gã phần mềm khổng lồ đã quyết định phát triển Microsoft Reader, một ứng dụng Windows để đọc sách điện tử. Nhưng dự án này cũng “chết yểu” vào năm 2012.
7. Smartphone chạy Windows Mobile
Microsoft đã có nhiều năm “lăn lộn” trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh với hệ điều hành Windows Mobile, nhưng kể từ khi Apple giới thiệu chiếc điện thoại iPhone thế hệ đầu tiên thì khái niệm “smartphone” mới dần trở nên thịnh hành.
Khi iPhone được phát hành vào năm 2007, Steve Ballmer đã nói: “500 USD ư? Đó là cái giá quá đắt cho một chiếc điện thoại và không hấp dẫn với người dùng doanh nghiệp do không có bàn phím cứng, và đây cũng không phải chiếc máy hỗ trợ tốt nhất cho người dùng email”. “Chúng tôi có chiến lược của chúng tôi. Hiện nay, thị trường đã có những sản phẩm tốt nhất là các thiết bị Windows Mobile .... Tôi thích chiến lược của chúng tôi. Tôi thích nó rất nhiều ....”. “Chúng tôi đang bán hàng triệu chiếc điện thoại mỗi năm và bạn hãy nhìn Apple đi, chỉ là con số không. Chúng ta hãy cùng chờ xem Apple sẽ làm thế nào để cạnh tranh”.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng thì chúng ta đều đã rõ. Microsoft khi đó đã đánh giá quá thấp Apple và tự tin có phần thái quá vào Windows Mobile. Đúng là vào thời điểm năm 2007, Windows Mobile đang là nền tảng hệ điều hành di động phổ biến thứ 2 bên cạnh Symbian của Nokia và đứng trên Blackberry. Nhưng Windows Mobile dần bộc lộ những mặt hạn chế lớn như giao diện không thích hợp trên di động, và tới năm 2009 nền tảng này mới có một kho ứng dụng nhưng khá sơ sài. Dần dần Windows Mobile đã trở nên tụt hậu khi mà Android cũng bắt đầu nổi lên đầy nguy hiểm.
8. Smartphone chạy hệ điều hành Kin
Kin không quá nổi tiếng, nhưng đó là nỗ lực thứ hai của Microsoft nhằm đối phó với iPhone của Apple. Cho dù đây có phải là một nền tảng điện thoại thông minh hay không thì Microsoft cũng đã mô tả Kin được thiết kế dành cho người sử dụng các dịch vụ mạng xã hội và truy cập web. Nhưng Kin không cho phép người dùng cài đặt các ứng dụng khác.
Nhà mạng Verizon bắt đầu bán các điện thoại Kin vào 6/5/2010, gần 3 năm sau khi iPhone thế hệ đầu tiên ra mắt. Sau chưa đầy hai tháng, Verizon đã ngừng bán do doanh số quá nghèo nàn và nhà mạng này buộc phải trả lại tất cả điện thoại Kin không bán được cho Microsoft. Mặc dù có phụ phí hàng tháng tương tự như iPhone hay một số điện thoại Android nhưng Kin không đủ sức cạnh tranh.
Người dùng cho rằng giao diện của Kin thực sự là một “thảm họa” khi có độ phản hồi cực chậm và rất giật. Kin đã mang lại cho Microsoft một khoản lỗ không nhỏ.
9. Tablet
Microsoft không phải người đầu tiên phát minh ra máy tính bảng nhưng công ty này đã từng sản xuất chiếc tablet mang tên “Windows XP Tablet PC Edition” vào năm 2002, tám năm trước khi Apple giới thiệu iPad.
Các ý tưởng của Microsoft là không tồi một chút nào. Họ dự định sẽ phát triển tablet chạy giao diện Windows với cả thanh taskbar, Start menu và bút cảm ứng giúp người dùng có thể nhập liệu chữ viết tay và dễ dàng lựa chọn những mục nhỏ thay vì khó khăn khi sử dụng ngón tay. Chiếc tablet của Microsoft cũng hỗ trợ cảm ứng đầu ngón tay nhưng bút stylus vẫn được ưu tiên hơn.
Windows 8 và máy tính bảng Surface không phải là những phản ứng đầu tiên của Microsoft chống lại iPad của Apple. Trước đó, gã khổng lồ Redmond đã công bố HP Slate chạy hệ điều hành Windows chỉ 7 tuần trước khi iPad trình làng. Ngay cả sau khi iPad được công bố, Steve Ballmer vẫn cho rằng HP Slate là một sản phẩm cao cấp.
Không giống như iPad, HP Slate sẽ chạy hệ điều hành máy tính để bàn đầy đủ, đó là Windows 7. Như vậy sẽ không có giao diện phục vụ tốt nhất cho cảm ứng. Một năm sau đó, New York Times đã tiết lộ câu chuyện tuyệt mật đằng sau dự án HP Slate: “HP Slate quá dày, bộ vi xử lý Intel làm máy nóng, trong khi các phần mềm và màn hình cảm ứng không hoạt động tốt cùng nhau, gây ra cảm giác chậm và giật khi sử dụng. Ngoài ra, bàn phím ảo của Windows 7 cũng không làm việc tốt, các biểu tượng trên màn hình quá nhỏ để tương tác với ngón tay.” Dần dần chiếc máy tính bảng này nhanh chóng rơi vào quên lãng trong khi iPad lại ngày một tỏa sáng.
10. Phần cứng PC
Apple có Macbook Pro với màn hình Retina độ phân giải cao và trackpad cực nhạy. Google lại sở hữu Chrome OS với thiết bị Chromebook Pixel, một máy tính xách tay cao cấp với màn hình còn ấn tượng hơn của Macbook.
Mac có thể là một sản phẩm tốn kém, nhưng bạn có thể sử dụng dịch vụ hỗ trợ từ Apple Store nếu nó gặp trụ trặc. Trong khi đó, các nhà sản xuất phần cứng PC thường không cung cấp các hỗ trợ cần thiết này. Bạn thường phải gửi bảo hành chiếc laptop bị hỏng và chờ đợi một sự thay thế, đây có thể trở thành vấn đề lớn nếu chiếc máy của bạn đang chứa nhiều dữ liệu quan trọng cần dùng đến. Về mặt này, Microsoft nhận ra các nhà sản xuất máy tính chưa làm hài lòng khách hàng. Nhưng họ có thể hi sinh các dịch vụ phụ trợ đó để mang đến một mức giá rẻ hơn rất nhiều so với máy Mac.
Nhận thấy mình có thể mang đến một cuộc cách mạng phần cứng mới cho các thiết bị máy tính di động, Microsoft đã tạo ra chiếc Surface Pro với khả năng hỗ trợ tuyệt vời của Windows 8 và thiết kế hoàn hảo. Nhưng Surface Pro lại chưa đáp ứng được kỳ vọng đó, mức giá quá cao chính là một rào cản không cần bàn cãi để chiếc tablet lai PC này đến được tay người dùng.