Với triết lý thiết kế rất tinh ranh, vũ khí mới sẽ giúp cho Microsoft giành giật doanh thu dịch vụ, ứng dụng từ Google mà không phải lặp lại sai lầm của Nokia X.
Trong khuôn khổ sự kiện MWC 2016 đang diễn ra, Cyanogen, tác giả của bản ROM nổi tiếng CyanogenMod cũng như hệ điều hành Cyanogen OS đã ra mắt nền tảng lớn tiếp theo của mình: MOD. Được tích hợp trên Cyanogen OS, MOD mang tới khả năng tùy biến không có trên trải nghiệm Android nguyên bản: tích hợp sâu các ứng dụng của bên thứ ba vào các ứng dụng mặc định của hệ thống.
Dĩ nhiên, tầm nhìn này sẽ chẳng có mấy khác biệt so với tầm nhìn ban đầu của Cyanogen, thế nhưng thông tin sau đây sẽ khiến bạn phải bất ngờ: 4 trong số 6 bản "MOD", tức là các ứng dụng được tích hợp sâu vào Cyanogen OS đến từ Microsoft. Toàn bộ các dịch vụ quan trọng của gã khổng lồ phần mềm như Bing, Skype, OneDrive, OneNote, Outlook và Office cũng đều sẽ nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Microsoft và Cyanogen.
Vậy, tại sao Cyanogen (và Microsoft) lại phải cùng phối hợp ra mắt một nền tảng nghe có vẻ thừa thãi trên một hệ điều hành "mở" như Android? Động thái này có ý nghĩa gì với tham vọng của Microsoft trên thị trường di động?
Hãy cùng đi tìm câu trả lời.
Android: "Mở" nhưng không tự do
Bạn có thể đã nghĩ đúng khi nhận định rằng Android là một hệ điều hành "mở" và tự do tuyệt đối, nhưng sự thật thì không đơn giản như vậy. Google đã mở toàn bộ mã nguồn Android, nhưng các nhà sản xuất đều buộc phải tìm cách "rước" Google lên những chiếc smartphone của họ. Lý do là bởi Google đã có sẵn một bộ dịch vụ mạng hoàn thiện để tạo nên trải nghiệm mà người dùng cần có, và việc đem các dịch vụ này lên phần cứng sẽ là có lợi cho cả 2 bên. Không chỉ có vậy, các dịch vụ của Google thậm chí còn được tích hợp sâu vào mã nguồn của Android. Điều này khiến cho việc xây dựng ứng dụng Android mà không phụ thuộc vào các dịch vụ Google là khó khăn, tới mức chính Facebook còn phải bỏ cuộc dù đang là đối thủ lớn nhất của Google trên mảng quảng cáo trực tuyến.
Dĩ nhiên, các thế lực lớn như Amazon hay các nhà sản xuất Trung Quốc đều đã xây dựng được những phiên bản Android vắng bóng Google, nhưng quá trình phát triển những phiên bản Android như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền của. Do cả yếu tố thiết kế lẫn yếu tố kinh tế, gần như tất cả các nhà phát triển đều không thể tích hợp sâu ứng dụng của mình vào các phiên bản Android đang lưu hành trên thị trường. Hãy nhớ rằng Microsoft không thể cho phép người dùng "gọi" Cortana bằng câu lệnh như gọi Google Now bằng "OK, Google". Lý do là bởi những tính năng tích hợp sâu như vậy, các ứng dụng cũng sẽ cần gọi xuống các tầng xử lý thấp hơn, gần phần cứng. Các nhà sản xuất nắm quyền kiểm soát các tầng này, và họ đều đã ký thỏa thuận hợp tác với Google.
Dù là "mở" nhưng Android bị thao túng nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng.
Đây cũng chính là lý do vì sao Cyanogen đã hoàn toàn có lý khi ra mắt nền tảng MOD: nhờ có cơ chế mới mà việc tích hợp sâu các ứng dụng của bên thứ ba vào Cyanogen OS đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với bất kỳ một trải nghiệm Android nào khác, bao gồm cả trải nghiệm Android gốc trên Nexus, AOSP, Android của các OEM hay là cả CyanogenMod trước đây.
Để hiểu được ý nghĩa của Cyanogen MOD với Microsoft thì trước tiên bạn cần hiểu được sự khác biệt về các đối tượng đang mang tên gọi Cyanogen: tất cả bắt đầu từ một bản ROM có tên CyanogenMod, một phần mềm thuộc về cộng đồng mở cho phép bạn dễ dàng thay thế trải nghiệm Android có sẵn trên smartphone của mình. Khi tìm cách thương mại hóa, các tác giả của CyanogenMod đã thành lập ra một công ty mới có tên Cyanogen Inc. Cyanogen Inc. không chỉ tiếp tục góp phần xây dựng CyanogenMod mà còn chế tạo cả Cyanogen OS, một phiên bản Android có thể đánh giá là ngang ngửa với Fire OS của Amazon. Không giống như CyanogenMod vẫn được mở cho cộng đồng và thuộc quyền sử dụng của người dùng (bạn sẽ phải tự cài đặt CyanogenMod lên bất cứ chiếc smartphone nào bạn muốn), Cyanogen OS được cung cấp tới các nhà sản xuất để họ cài đặt lên smartphone xuất xưởng.
Do hệ điều hành này được triển khai bởi các nhà sản xuất, Cyanogen OS cũng chạm tới các tầng xử lý có thể cho phép thực hiện các tính năng như "gọi" trợ lý ảo bằng giọng nói. Chính điều này là cơ sở cho phép tạo ra cơ chế tùy biến ở mức độ sâu và dễ dàng như MOD, một tính năng chắc chắn không thể xuất hiện trên các bản Android có Google đứng sau giật dây.
Cyanogen là chiến lược xâm chiếm Android tốt nhất từ trước tới nay của Microsoft
Khi hợp tác cùng Cyanogen Inc, Microsoft đã đạt được thỏa thuận tích hợp sâu các ứng dụng, dịch vụ của mình vào Cyanogen OS. Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft cố gắng tạo ra một phiên bản Android "lột sạch" Google và thay thế bằng dịch vụ của mình: bạn chắc chắn vẫn còn nhớ về phiên bản Android được cài đặt trên dòng Nokia X. Với Cyanogen OS và MOD, liệu Microsoft có đang muốn lặp lại một chiến lược tương tự?
Nói ngắn gọn, câu trả lời là không.
So với hệ điều hành trên Nokia X thì Cyanogen OS có 2 điểm khác biệt cơ bản. Đầu tiên, hệ điều hành này không hề cố gắng biến Android thành Windows Phone. Những người đã quen với trải nghiệm Android cũng như trải nghiệm CyanogenMod sẽ có cảm giác quen thuộc khi sử dụng Cyanogen OS (thực tế là người dùng phổ thông sẽ thấy CyanogenMod và Cyanogen OS giống hệt nhau). Nguy cơ gặp phải lời chỉ trích "Android fake" như Nokia X là gần như không tồn tại.
Điểm khác biệt thứ 2 nằm ở nền tảng MOD mới ra mắt. Trong khi hệ điều hành trên Nokia X cũng có mức độ "đóng" không khác gì Android trên Galaxy S7 hay Nexus 5X thì Cyanogen OS giờ đây đã cho phép bạn tích hợp sâu các ứng dụng, dịch vụ bên thứ 3 vào trải nghiệm Android gốc.
Sự khác biệt này sẽ là một vũ khí quan trọng để Microsoft "len lỏi" vào cộng đồng Android. Ai cũng biết rằng dịch vụ dữ liệu của Microsoft vẫn còn nhiều điểm thua kém so với dịch vụ Google, đặc biệt là trên mảng tìm kiếm. Thất bại của Nokia X cũng từ đây mà ra: sự hấp dẫn của phần cứng Nokia cũng không thể vượt qua được trải nghiệm sử dụng bị trói buộc trong hệ sinh thái phần mềm của Microsoft. Biện pháp "ép dùng" phần mềm quá cứng rắn kiểu này rõ ràng là đã thất bại cay đắng khi dòng Nokia X bị khai tử vào năm ngoái.
Chiến lược được Microsoft lựa chọn cho Cyanogen OS và MOD mềm mỏng hơn và cũng dễ thuyết phục hơn: cơ chế MOD cho phép thay thế Skype bằng WhatsApp hay Hangouts, thay thế Bing bằng Google hay Yahoo v...v... Việc đặt nặng tính quảng bá vào khả năng thay thế các ứng dụng tích hợp sâu cũng đồng nghĩa với một thông điệp rõ ràng: "Không thích dịch vụ của Microsoft ư? Chúng tôi cho phép bạn quay về Google một cách dễ dàng". Người dùng không còn phải lo lắng như trường hợp của Nokia X nữa.
Microsoft chắc chắn sẽ được lợi
Nhưng, ngay cả khi có thể bị thay thế thì Microsoft vẫn là người được lợi. Đầu tiên, một số dịch vụ của Microsoft như Skype, OneNote và Cortana đã đạt đến mức chất lượng ngang ngửa hoặc thậm chí là tốt hơn dịch vụ của Google. Bạn có thể sẽ ngay lập tức gỡ bỏ Bing để cài đặt Google làm bộ máy tìm kiếm chính, nhưng gần như chắc chắn bạn sẽ không gỡ bỏ một dịch vụ được nhiều người yêu mến như Skype để chuyển sang dùng một ứng dụng bị coi là "thất bại" như Google Hangouts. Hoặc, đứng từ góc độ chất lượng trải nghiệm thì chắc chắn nhiều người sẽ không bỏ thời gian tìm cách thay thế Cortana bằng Google Now, bởi trợ lý ảo của Microsoft có tính năng Notebook để ngày càng giúp ích nhiều hơn cho "chủ nhân".
Google là vậy, còn các đối thủ độc lập (các ứng dụng bên thứ 3) như WhatsApp hay Evernote cũng chưa chắc đã đủ tiềm lực để phát triển các ứng dụng phần mềm tương thích với Cyanogen OS để "hất cẳng" Microsoft. Nói tóm lại, kịch bản người dùng loại bỏ toàn bộ các ứng dụng Microsoft được tích hợp sẵn vào Cyanogen OS sẽ là không thể xảy ra. Và bất kể lựa chọn của người dùng là gì thì chấp nhận bị thay thế, ví dụ, chỉ 2 trên 6 ứng dụng Microsoft được tích hợp sẵn vào Cyanogen OS vẫn là tốt hơn vị thế hiện nay của Microsoft trên Android: gần như hoàn toàn vắng bóng khỏi các phiên bản Android được các nhà sản xuất cài đặt sẵn lên điện thoại xuất xưởng.
Ở đây, gã khổng lồ phần mềm có vẻ là chấp nhận hi sinh để mang lại cái "tiếng" tự do cho Cyanogen OS (và dùng luận điểm đó để thu hút các đối tác phần cứng cũng như người sử dụng), nhưng trong thực tế thì Microsoft cũng sẽ thu được cái "miếng" rất ngon lành. Trong mọi trường hợp, vị trí mặc định/tích hợp sâu trên các hệ điều hành luôn là một cơ hội khổng lồ với các công ty chuyên về dịch vụ mạng. Ví dụ, nếu hỏi bất kỳ một người dùng iOS nào thì bạn cũng sẽ thấy họ sẽ sử dụng iMessage bất cứ khi nào có thể trước khi tìm sang WhatsApp hay Facebook Messenger. Hoặc, dù chắc chắn là tự tin trước các đối thủ nhưng Google phải trả cho Apple 1 tỷ USD để giữ vị trí mặc định trên trình duyệt Safari. Google phát triển Android chỉ để nhận được miếng bánh mặc định trên toàn cầu, và rõ ràng là Microsoft muốn chiếm đoạt một phần trong miếng bánh đó bằng Cyanogen OS.
Những hình ảnh đầu tiên của Cyanogen MOD gần như là để quảng bá cho... Microsoft.
Cuối cùng, dù rằng Cyanogen OS được phát triển để cung cấp cho các nhà sản xuất phần cứng nhưng mức độ tương thích giữa phiên bản Android này và CyanogenMod truyền thống vẫn là rất cao. Nếu thành công trên Cyanogen OS, Microsoft sẽ có chỗ đứng vững chắc để thuyết phục những người "sành công nghệ" vẫn thường tìm đến CyanogenMod, đối tượng có lẽ là ác cảm với Microsoft và hâm mộ Google nhất.
Cyanogen OS: Án tử cho Windows Phone, cứu cánh cho mảng di động của Microsoft
Bạn có thể đã đọc tất cả những luận điểm trên đây với luận điểm hoài nghi, và chúng tôi hiểu sự hoài nghi đó của bạn: Microsoft vẫn còn một hệ điều hành di động, vậy thì hãng này tìm cách chen chân vào một hệ điều hành đối thủ để làm gì?
Đơn giản là Windows Phone/Windows 10 Mobile không còn gì để cứu vãn. Thị phần của hệ điều hành này ngày càng tiến dần về 0%, và đáng lo ngại hơn là vấn đề ứng dụng thì mãi mãi không thể được giải quyết: các nhà phát triển sẽ không ra mắt ứng dụng trên một nền tảng quá ít người dùng, nhưng càng ít ứng dụng thì người dùng càng chán nản. Microsoft hiểu rất rõ điều này, và những động thái của công ty cho thấy CEO Satya Nadella cũng đã hết hy vọng vào Windows Phone. Trong quý 4/2015, Microsoft đã cố tình giảm quy mô sản xuất smartphone Lumia khiến cho doanh thu và doanh số giảm còn một nửa so với cùng kỳ 2014. Đáng chú ý hơn, các dịch vụ chủ chốt của Microsoft cũng lần lượt xuất hiện trên các hệ điều hành đối thủ.
Hãy đặt mình vào tình thế của Microsoft, và bạn sẽ thấy quyết định từ bỏ Windows Phone để chuyển sang xây dựng "Windroid" là rất hợp lý: Windows Phone thì vô phương cứu vãn, nhưng kho ứng dụng, dịch vụ Microsoft trên Android thì đã được xây dựng đầy đủ ở mức chất lượng đáng ngưỡng mộ. Khi tạo ra một phiên bản Android riêng, Microsoft sẽ tìm được chỗ đứng chắc chắn cho các dịch vụ của mình để sinh lời từ đó. Chẳng có lý do gì để gã khổng lồ phần mềm không tìm cách hiện thực hóa chiến lược này, nhất là khi chi phí bản quyền của Windows Phone đã bị hủy bỏ từ lâu.
Và không phải vô cớ mà Microsoft lại lựa chọn đầu tư vào Cyanogen để thực hiện chiến lược "lấy mỡ Google rán Google": nền tảng của công ty này đã được chứng minh chất lượng từ lâu và cũng bộc lộ rõ rệt xu hướng "bài Google" dưới vỏ bọc "tự do hóa" trong năm vừa qua. Cơ chế MOD mới được thêm vào Cyanogen OS thực chất chỉ là một miếng kẹo xoa dịu nỗi sợ hãi phải rời xa dịch vụ Google của cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, để tránh những cú sốc như Nokia X. Một khi con mồi đã cắn câu, bất kể là ở mức độ nào, Microsoft cũng đã giành được một phần doanh thu quan trọng từ Google.
Dĩ nhiên, gã khổng lồ xứ Redmond còn rất nhiều điều phải làm để có thể thực sự hất cẳng Google trên chính sân nhà Android, trong đó khó khăn nhất là tìm cách thu hút thêm các đối tác cho Cyanogen. Thế nhưng, điều quan trọng là hệ điều hành này đã mở ra một con đường mới để Microsoft lấn sân lên chính lãnh địa của đối thủ. Hãy cùng chờ đợi xem gã khổng lồ phần mềm có thể tận dụng được cơ hội này để trở về vị thế của quá khứ hay không.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng