Mồ hôi nhễ nhại ai cũng ghét nhưng lại chứa vô vàn thông tin - đặc biệt "cứu cánh" cho người sợ lấy máu
Hóa ra giọt mồ hôi quan trọng đến thế. Sau bài viết này, có lẽ bạn sẽ đỡ bực tức hơn khi người nhễ nhại mồ hôi vào mùa hè.
Hầu hết mọi người đều muốn ít tiết ra mồ hôi nhất có thể vì nó quá nhờn rít và phiền phức. Thế nhưng thứ chất lỏng ấy lại là một "mỏ vàng" về thông tin cá nhân đấy.
Trong một nghiên cứu mới từ ĐH Albany (Mỹ), nhà hóa học Jan Halámek và đồng sự đã xét nghiệm 25 mẫu mồ hôi của các tình nguyện viên. Đồng thời họ còn quan sát thêm 50 mẫu mồ hôi "giả" khác (các dung dịch nhân tạo có thành phần tương tự).
Kết quả, sau khi phân tích 3 loại chất hóa học quan trọng trong mồ hôi là ure, glutamate và lactate, nhóm nghiên cứu khẳng định rất đơn giản để phân biệt từng mẫu mồ hôi với nhau, không thể lẫn lộn hay làm giả.
Dựa vào phát hiện đó, khoa học hy vọng rằng sẽ có thể áp dụng mồ hôi vào các ứng dụng tương lai để phục vụ cho cuộc sống của chúng ta - ít nhất là trong 3 trường hợp sau.
1. "Bằng chứng thép" phá án
Ngày nay, cơ quan điều tra dựa rất nhiều vào dấu vân tay để tìm ra hung thủ. Thế nhưng kẻ gây án có thể "phi tang" hay làm giả bằng chứng này.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Jan bèn gợi ý - tại sao không lấy mẫu mồ hôi để giúp phá án trong tương lai? Lí do vì mồ hôi luôn... tuôn rơi, lúc nào cũng được tìm thấy tại hiện trường gây án, muốn giấu đi cũng không thể!
Giọt mồ hôi sẽ giúp khoanh vùng hung thủ.
Các nhà khoa học sẽ dùng một dụng cụ nhỏ để lấy mẫu mồ hôi, xét nghiệm nó trong vài phút và chỉ cần "nửa giọt mồ hôi là đủ" - theo lời ông Jan cho biết.
Tuy vậy, hạn chế lớn của mẫu mồ hôi là thành phần của nó biến đổi liên tục chỉ trong 1 ngày. Vì vậy không giống như DNA có thể dùng để xác định nhân dạng gây lập tức, việc xét nghiệm mồ hôi chỉ giúp khoanh vùng kẻ khả nghi mà thôi.
Ví dụ những giọt mồ hôi tại hiện trường sẽ cho biết kẻ gây án gồm 1, 2 hay nhiều người. Các thông tin khác có được bao gồm giới tính, tuổi tác và thói quen ăn uống. Thậm chí mẫu mồ hôi đã để qua nhiều tháng vẫn chứa đựng các thông tin hữu ích này.
2. Mở khóa điện thoại bằng mồ hôi?
Đúng vậy! Hãy quên mật mã phức tạp, nhận diện khuôn mặt hay cảm biến vân tay đi, mở khóa bằng mồ hôi mới là lớp bảo mật cao nhất của tương lai.
Hơn cả dấu vân tay, đó là... mồ hôi
Nhà hóa học Jan Halámek cho biết: "Dấu vân tay luôn giữ nguyên và có thể làm giả. Nhưng hợp chất trong mồ hôi luôn biến đổi.
Vậy nên nếu ai đó đánh cắp mồ hôi của bạn mà không dùng ngay, thì chỉ sau vài giờ là nó trở nên vô dụng".
Thế nhưng, bạn sẽ thắc mắc nếu mồ hôi biến đổi chóng mặt đến thế thì điện thoại nhận dạng kiểu gì. Có khi nào nó quên luôn giọt mồ hôi chính chủ hay không?
Đừng lo, mấu chốt nằm ở việc hóa chất trong mồ hôi thay đổi theo chiều hướng nhất định. Sau khi mua điện thoại mới, bạn sẽ chạm tay để mở khóa nhiều lần trong ngày. Lúc đó, bộ phận cảm biến sẽ ghi nhớ chất hóa học từ mồ hôi vào hàng loạt khung giờ nhất định.
Qua thời gian thu thập đủ thông tin, thuật toán của smartphone sẽ nhận ra bạn từ chính giọt mồ hôi của bạn! Dĩ nhiên chuyện này cũng có thể bị làm giả, nhưng phải qua quá nhiều công đoạn phức tạp.
3. Mồ hôi hé lộ về tình trạng sức khỏe
Xưa nay, xét nghiệm máu luôn là phương pháp tối ưu để đánh giá về sức khỏe của mỗi người, thế nhưng nó tốn kém và cần có bác sĩ hay chuyên gia.
Giờ đây, giới nghiên cứu khoa học hay cụ thể là tổ chức NextFlex (chuyên làm việc với học giả, công ty và Bộ Quốc phòng Mỹ) đang thử nghiệm một dụng cụ lấy mồ hôi, đồng thời phân tích nó để giám định sức khỏe.
Dụng cụ này gần giống như một miếng băng cá nhân, có thể dán lên da (không đau) và có nhiều lớp khác nhau. Lớp trong cùng thu lấy mồ hôi và gửi đến bộ phận cảm biến ngay trên băng gạc.
Máu quá ít còn mồ hôi quá nhiều? Khoa học nghĩ họ đã biết phải làm sao...
Bộ phận này sẽ phân tích các hormone, protein và ion thu được từ mồ hôi. Sau đó, nó cho biết bạn có đang stress, mất nước hay mắc bệnh gì hay không.
Ví dụ như phân tích đường huyết để phát hiện bệnh tiểu đường, hay kiểm tra ethanol sẽ cho biết ai đó đã dùng thức uống có cồn. Hoặc cũng có thể thăm dò các sản phẩm sinh hóa từ thuốc điều trị để xem bệnh nhân có dùng thuốc đúng cử, đúng liều hay không.
"Còn cả tá công việc phải làm để hoàn thiện các chi tiết về bộ phận cảm biến, nhưng tiềm năng của sản phẩm này thật sự quá lớn. Giọt mồ hôi đúng là cho biết nhiều thứ hơn chúng ta vẫn nghĩ", chuyên gia Phillip Simmers từ NextFlex cho biết.
Tạm kết
Hiện nay dù chưa nghiên cứu hoàn thiện, nhưng mồ hôi sẽ còn được ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống tương lai. Có vẻ như các bộ phim khoa học viễn tưởng sắp thành hiện thực rồi chăng?
Nguồn: The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng