Mở hộp trải nghiệm nhanh Razer Wolverine V3 Pro: Đắt xắt ra miếng, game thủ khó tính cũng phải gật gù bởi cảm giác bấm siêu đã
Razer Wolverine V3 Pro không chỉ gây ấn tượng với thiết kế đẹp mắt, mà còn có nhiều nâng cấp đáng giá.
- Mở hộp Colorful iGame GeForce RTX 5060 Ti Ultra W DUO OC 16GB-V: Giữ nguyên phong cách hip-hop giống bản 5080 với mức giá nhẹ nhàng hơn
- Ra mắt màn hình Mini-LED phổ thông giá siêu mềm: Chỉ hơn 7 triệu, kích thước 27 inch QHD, tần số quét 180Hz, chơi game tốt mà làm đồ họa cũng ngon!
- NVIDIA trình diễn sức mạnh GeForce RTX 50 series: Tăng tốc đồ họa đến 8 lần, tiết kiệm pin đến 40%, AI xử lý từng khung hình trong thời gian thực
Phím và chuột tất nhiên là 2 món không thể thiếu cho gamer, nhưng đối với một số tựa game, tay cầm lại là lựa chọn phù hợp hơn và thoải mái hơn nếu cần chơi trong thời gian dài. Và khi nhắc tới Razer, chắc hẳn ai cũng biết đến thương hiệu nổi tiếng này. Vốn là nhà sản xuất chuyên cung cấp các giải pháp chất lượng cho game thủ, Razer lần này tiếp tục giới thiệu bộ đôi tay cầm Wolverine V3 Pro và Wolverine V3 Tournament Edition. Hãy cùng tìm hiểu xem bộ đôi này có những điểm gì hay.
Hiện đại, đậm "chất Razer"

Vỏ hộp của Razer Wolverine V3 Pro vẫn giữ phong cách "xanh đen" quen thuộc của nhà Razer. Được biết, phiên bản Wolverine V3 Pro có 2 màu Đen và Trắng. Mặt trước in hình sản phẩm kèm logo rắn 3 đầu nổi tiếng và dòng chữ hỗ trợ Xbox và PC, bên dưới là 3 biểu tượng tính năng nổi bật.

Phía sau nổi bật với tem dán có dòng chữ "For The Pro" màu xanh lá, bên dưới in hình hai mặt của tay cầm, liệt kê chi tiết hơn các tính năng nổi bật như cụm nút Mecha-Tactile, cò Pro HyperTrigger và D-Pad 8 hướng.

Mở hộp ra là chiếc case tặng kèm chứa tay cầm, cùng với những linh kiện như dây cáp dài đến 3m. Sờ vào case, tôi có cảm giác nó rất mềm mại, mịn màng, chất liệu nhám nên không lo bám mồ hôi hay vân tay, thiết kế đẹp mắt với logo Razer ngay giữa.

Bên trong ngoài tay cầm còn có dây cáp USB-C to USB-A được bện chống rối. Chúng ta còn có thêm 2 cặp cần điều khiển để thay thế với loại nhô ra và lõm vô, cùng với một USB dongle cho tính năng HyperSpeed.

Razer còn tinh ý trang bị 2 vòng xốp để bảo vệ cần điều khiển trong khi vận chuyển. Bạn có thể bỏ đi hoặc giữ chúng lại để dùng sau này nếu đem tay cầm đi đâu đó.

Vừa cầm lên tay, tôi nhận thấy ngay cảm giác chắc chắn và cao cấp. Wolverine V3 Pro đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa trọng lượng nhẹ và chất lượng cao, cầm rất đầm tay mà lại không nặng khó chịu.

Toàn bộ thân tay cầm được phủ lớp nhựa nhám nhẹ, mang lại cảm giác thoải mái khi cầm. Phía sau tay cầm có những đường vân cắt đan xen nhau, giúp tạo độ bám tốt hơn và chắc tay ngay cả trong những pha chiến đấu căng thẳng.

Các nút mặt trước sử dụng chất liệu nhựa bóng cao cấp, tạo nên sự tương phản đẹp mắt với phần vỏ tay cầm phủ sơn mờ.

Trên phiên bản màu trắng, sự tương phản giữa các nút bấm càng trở nên rõ hơn, mang đến một cảm giác còn "ngầu" hơn nhiều so với màu đen. Tôi thật sự thích việc hãng vẫn giữ lại các nút bấm màu đen thay vì "trắng hoá" nó, như vậy sẽ làm cho tay cầm có nhiều điểm nhấn, không bị nhợt nhạt.

Tất nhiên màu trắng sẽ dễ bám bẩn hơn màu đen, nhưng chúng ta có thể dễ dàng vệ sinh, ví dụ như dùng khăn ướt có chút cồn chẳng hạn. Ngoài màu sắc (và giá tiền) thì cả hai đều giống hệt nhau, nên bạn có thể lựa chọn tuỳ "gu" của mình.

Ngoài ra, ta có thể tùy chỉnh ánh sáng RGB của logo Razer ở trung tâm tay cầm thông qua ứng dụng Razer Controller. Tiếc là bản này không còn sáng viền tay cầm như V2, nhưng hiệu ứng ánh sáng khá đẹp mắt, vẫn nhìn được ở dưới ánh đèn và nếu thích chơi game ở không gian sáng nhẹ hoặc hơi tối thì càng đẹp hơn. Ngoài ra, bạn có thể tắt hoàn toàn hiệu ứng ánh sáng nếu cần tập trung vào game hoặc tiết kiệm pin.
Trải nghiệm nhanh Razer Wolverine V3 Pro
Tất nhiên với một tay cầm, dù đẹp đến đâu nhưng cảm giác bấm nút "chán" thì vẫn chẳng có giá trị gì cả, trừ những mẫu tay thiết kế đặc biệt cho dân sưu tầm. Và Wolverine V3 Pro hoàn toàn xứng đáng với cái tên gọi "Pro" của nó.

Wolverine V3 Pro có thiết kế công thái học thông minh giúp các ngón tay dễ dàng định vị đúng nút bấm mà không cần nhìn, đồng thời đảm bảo sự thoải mái suốt nhiều giờ chơi liền. Razer đặc biệt thiết kế để những game thủ chuyên nghiệp có thể cầm theo kiểu "móng vuốt" (Claw grip) mà không bị đau hay bấm nhầm nút.

Nhờ có giấy phép chính thức từ Xbox, các nút mặt trước của Wolverine V3 Pro được bố trí theo chuẩn ABXY quen thuộc, đi kèm với nút home mang biểu tượng Xbox. Mặt trước của tay cầm có kích thước hơi lớn, nhưng khoảng cách giữa các nút vẫn được bố trí hợp lý, không hề gây khó khăn trong việc với tay thao tác.

Cụm nút Mecha-Tactile ở mặt trước vẫn mang lại cảm giác bấm rất "đã tay". Ngay khi nhấn một trong các nút, bạn sẽ nhận ra chúng có độ "click" rõ ràng hơn nhiều so với các tay cầm thông thường, bởi Razer đã tích hợp công nghệ switch chuột của hãng vào mẫu tay cầm này. Tuy nhiên, nếu bạn chơi game trong một đêm thanh tĩnh, âm thanh này có thể nghe khá rõ và điều này có thể gây phiền hà đối với những ai muốn "lén" vợ hoặc bố mẹ để chơi game…

Các nút yêu cầu một lực nhấn hơi mạnh một chút, nhưng bù lại mang lại phản hồi rõ ràng và dứt khoát, rất phù hợp cho những ai thích cảm giác bấm "cơ học", chính xác và nhanh gọn.
Khi vào game, các nút hoạt động mượt mà, cảm giác phản hồi rất nhạy và mọi thao tác đều được ghi nhận chính xác, những tổ hợp nút phức tạp được xử lý trơn tru. Tôi chỉ là một game thủ bình thường, hay thậm chí có thể nói là chơi game để giải trí, nhưng sự chính xác này sẽ rất hữu ích cho các game thủ esport và thi đấu đối kháng, là đối tượng mà tay cầm này hướng đến.

Với fan của game đi cảnh 2D hay game đối kháng, bạn sẽ đặc biệt thích D-pad dạng "floating" này. Thiết kế cơ học này cho phép di chuyển mượt mà theo nhiều hướng, nhưng vẫn đảm bảo có phản hồi "click" chính xác cho từng hướng điều khiển.
Về hai cần analog, Wolverine V3 Pro sử dụng thiết kế lệch trục và đã có công nghệ Hall Effect, với cảm biến từ tính để xác định vị trí cần điều khiển. Nhờ đó, hiện tượng drift (trôi cần) hoàn toàn được loại bỏ, giúp tay cầm duy trì hiệu suất ổn định lâu dài hơn nhiều so với các mẫu dùng analog truyền thống không có từ tính.

Nếu không thích 2 cần mặc định, ta chỉnh cần gỡ nhẹ chúng ra và thay bằng hai cần đi kèm, chỉ cần gắn đúng hướng mũi tên là sẽ vào ngay.

Chuyển sang các nút cò LT-RT Pro HyperTrigger, Wolverine V3 Pro được trang bị trigger dùng công nghệ Hall Effect, hoạt động dựa trên từ tính thay vì cơ cấu vật lý truyền thống. Hai cò cũng được vuốt cao, giúp tạo cảm giác "sướng tay" hơn trong những game bắn súng và tránh bị trượt ngón tay.
Cả hai trigger đều có công tắc riêng để kích hoạt chế độ Hair Trigger - chuyển hành trình cò thành một cú nhấn ngắn và dứt khoát, rất lý tưởng cho game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS), nơi bạn cần ngắm và bắn gần như tức thì, giúp mỗi phát bắn đều rất "đã tay".
Khi cần, bạn có thể chuyển trở lại về chế đồ nhấn sâu truyền thống, phù hợp cho các game sử dụng độ nhấn của cò như lên ga trong khi đua xe chẳng hạn.

Đối với những ai cầm tay cầm theo kiểu claw grip, Razer trang bị thêm hai nút phụ có thể gán chức năng nằm gần cụm nút cò. Đây là vị trí cực kỳ hợp lý để gán các thao tác như nhấn analog (L3/R3) – một trong những thao tác khá khó chịu ở các game yêu cầu nhấn vào cần để chạy.

Tuy nhiên, nâng cấp lớn nhất lại nằm ở thiết kế lại của các nút ở mặt sau. Kiểu nút dọc khó thao tác từ bản V2 đã được loại bỏ, thay vào đó là paddle kiểu đôi cánh (wing-style) được bố trí xuống gần ngón tay, giúp dễ với tới hơn rất nhiều. Các nút này cũng sử dụng công nghệ bấm click như chuột, nhạy và có phản hồi rõ rệt. Về mặt công thái học, phải nói đây là một bước tiến vượt bậc.

Về khả năng tùy biến, Wolverine V3 Pro giữ mọi thứ ở mức khá trực quan. Bạn có thể gán lại chức năng cho toàn bộ các nút phụ trực tiếp trên tay cầm, không cần phần mềm hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu muốn tùy chỉnh sâu hơn, ta sẽ cần dùng ứng dụng Razer Controller trên Windows hoặc Xbox (ngoài ra cũng có thể tải Razer Synapse 4 để sử dụng). Ứng dụng này cho phép bạn lưu nhiều profile riêng cho từng game, rất tiện nếu thường xuyên đổi game.
Wolverine V3 Pro cũng có những nâng cấp đáng kể khác, bao gồm việc hỗ trợ tần số 1000 Hz - một tính năng được Razer lấy từ công nghệ chuột gaming của hãng. Đây là con số gấp bốn lần mức trung bình của các tay cầm phổ thông, và dù sự khác biệt có thể khó cảm nhận với đa số game thủ, nó vẫn có thể mang lại lợi thế nhỏ cho những người chơi ở cấp độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chế độ này chỉ khả dụng trên PC trên chế độ Tournament Mode.
Công nghệ không dây Razer HyperSpeed tiếp tục cho thấy sự ổn định tuyệt vời, không hề xảy ra tình trạng mất kết nối trong suốt quá trình thử nghiệm.
Điểm đáng tiếc là V3 Pro không hỗ trợ Bluetooth, đồng nghĩa với việc bạn không thể kết nối tay cầm này với smartphone hoặc tablet, trong khi V2 Pro vốn có Bluetooth tích hợp.

Tổng thể, Razer Wolverine V3 Pro là một trong những tay cầm không dây tốt nhất cho PC/Xbox hiện nay. Các nâng cấp phần cứng là rất đáng kể, và giúp tay cầm này gần như không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trôi analog khó chịu.
Về cảm giác sử dụng, Wolverine V3 Pro mang lại sự thoải mái và độ phản hồi tuyệt vời, khiến cho bất kỳ tựa game nào cũng trở nên thú vị hơn, đồng thời cung cấp đủ tính năng để bạn cá nhân hóa theo phong cách riêng.
Wolverine V3 Pro hiện đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam với giá khoảng 4,6 triệu đồng cho bản màu Đen và 5,8 triệu đồng cho bản màu Trắng (tùy vào từng khuyến mãi của mỗi đại lý mà có sự chênh lệch khác nhau). Mức giá này có thể nói không phải là thấp, nhưng theo tôi cũng rất xứng đáng với các tính năng mà nó mang lại nếu bạn cần một chiếc tay cầm cao cấp nhất.
Và nếu V3 Pro vẫn vượt mức có thể chi trả của bạn, Wolverine V3 Tournament Edition có lẽ sẽ là lựa chọn "êm" hơn, với mức giá gần 2,7 triệu đồng cho bản màu đen
Vậy sự khác biệt giữa Razer Wolverine V3 Tournament Edition và bản Pro đắt tiền hơn là gì?
Điểm thu hút lớn của bản Pro là khả năng chơi game không dây, trong khi với bản Tournament Edition, bạn không chỉ thiếu kết nối không dây mà còn không có hộp đựng tay cầm và các phụ kiện đi kèm.

Bạn phải cắm dây khi dùng và dây cáp của tay bản Tournament Edition cũng không có lớp bện chống rối như bản Pro.
Bên cạnh đó, khả năng thay thế đầu analog cũng bị loại bỏ. Việc không đổi được đầu analog khá đáng tiếc, nhất là khi cái tên "Tournament" vốn gợi ý rằng đây là phiên bản hướng đến game thủ thi đấu, cần tùy biến linh hoạt.

Ngoài ra, các nút không được làm bóng nên mặt trước trông tổng thể thiếu đi điểm nhấn. Phiên bản này cũng không có đèn RGB ở logo Razer mà chỉ có một đèn LED trạng thái nhỏ bên dưới logo Xbox.
Trừ những tính năng trên, mọi chất lượng nút bấm của V3 Pro đều được giữ lại trên phiên bản này. Người dùng vẫn sẽ có cần analog, cò LT-RT Hall Effect, các nút bấm phản hồi click như chuột ở mặt trước và sau.
Với mức giá rẻ hơn đáng kể, nếu việc cắm dây không phải là vấn đề quá lớn với bạn, Tournament Edition có thể là một lựa chọn kinh tế hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
'Ông tổ' của email rác: Email Marketing đầu tiên trên thế giới được ra đời như thế nào?
Một trong những hiện tượng dai dẳng và gây khó chịu bậc nhất chính là thư rác, hay còn gọi là spam email.
NASA tìm thấy manh mối về nguồn gốc vàng trong vũ trụ từ dữ liệu “bỏ quên” suốt 20 năm