Mổ phanh não khi bệnh nhân vẫn đang tỉnh? Phương pháp nghe thì ghê rợn này ngày càng phổ biến và đây là lý do
Không phải tự nhiên mà các bác sĩ làm như vậy. Đơn giản là vì họ muốn giảm thiểu rủi ro bị di chứng sau phẫu thuật - thứ có thể cực kỳ nghiêm trọng nếu là phẫu thuật não.
Nghĩ tới phẫu thuật, ta thường nghĩ tới khung cảnh của một phòng mổ im ắng, bệnh nhân thì mê man không biết gì và giữa các bác sĩ chỉ là những tiếng trao đổi về ca mổ.
Thế nhưng cách đây không lâu tại Trung tâm y tế Memorial Hermann, Texas, Mỹ - một cuộc phẫu thuật rất đặc biệt đã diễn ra: bệnh nhân 63 tuổi Anna Henry không những hoàn toàn tỉnh táo, mà còn... thổi sáo ngay trên bàn mổ trong khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Phòng mổ tràn ngập tiếng nhạc du dương.
Bà Anna thổi sáo trong phòng mổ
Thế nhưng bạn có biết điều gì đặc biệt hơn nữa không? Đây không phải là trường hợp duy nhất mà bệnh nhân trải qua những ca mổ thuộc dạng "đại phẫu" về não mà vẫn trong tình trạng tỉnh táo. Kĩ thuật này đã và đang được áp dụng ngày càng nhiều ở khắp nơi trên toàn thế giới.
Vậy, ưu điểm của nó là gì, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Trải qua nhiều năm nghiên cứu và quan sát, giới y học đã phát hiện ra một vài điều rất thú vị về bộ não của con người. Hóa ra, chỉ có màng não và màng xương là biết đau, phần còn lại của bộ não không có thụ thể cho cảm giác này.
Hay nói cách khác, não có thể bị tổn thương nhưng bạn sẽ chẳng cảm thấy gì cả.
Chỉ có da đầu, màng não và màng xương có thể cảm nhận đau
Các bác sĩ sẽ gây tê cục bộ cho màng não và màng xương tại cần phẫu thuật, gây mê ngắn cho bệnh nhân và tiến hành mở hộp sọ. Sau khi công đoạn này được tiến hành xong xuôi, người bệnh sẽ được đánh thức để phối hợp với kíp mổ trong suốt quá trình ca mổ diễn ra.
Cơ chế của phương pháp này là gì?
Do phần lớn não không bị gây mê nên bệnh nhân vẫn có thể nói hoặc vận động như người bình thường trong quá trình mổ. Tận dụng điều này, các bác sĩ sẽ cố gắng giữ cho bệnh nhân tỉnh táo để nắm rõ từng phản ứng của người bệnh, từ đó sẽ biết rằng liệu mình có không may mắc phải sai sót nào đó hay không.
Chẳng hạn như bà Anna mắc bệnh run vô căn. Để điều trị, các thao tác mổ sẽ được thực hiện trên phần não điều khiển quá trình vận động. Vậy nên trong khi phẫu thuật, các bác sĩ yêu cầu bà phải sử dụng tay của mình, và bà đã chọn việc chơi sáo.
Khi ca mổ kết thúc, tay bà không còn run và không có biểu hiện xấu nào như liệt hoặc mất cảm giác – điều đó thể hiện rằng ca mổ đã thành công.
Một trường hợp khác là cô Brittany Capone – một bệnh nhân tại Trung tâm Ung thư Sloan Kettering (Mỹ). Brittany có một khối u gần vùng não điều khiển chức năng nói và cảm thụ ngôn ngữ. Do đó trong cuộc phẫu thuật, các bác sĩ liên tục trò chuyện với cô để nắm bắt kịp thời các ảnh hưởng của ca mổ.
Nếu có gì sai sót, các phản ứng của cô lập tức trở thành một dấu hiệu cảnh báo cho các bác sĩ.
Nói tóm lại, nhờ sự phối hợp của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ dễ dàng định vị được những vùng quan trọng không được phép làm ảnh hưởng. Thay vì cứ thế mổ một lèo và hi vọng bệnh nhân sẽ không thức dậy với một di chứng hậu phẫu nghiêm trọng, các chuyên gia y tế giờ có thể đảm bảo chắc chắn điều đó sẽ không xảy ra.
Sự đối chiếu liên tục giữa thao tác mổ và kết quả của thao tác này lên người bệnh không chỉ khiến các ca mổ trở nên dễ dàng hơn, mà còn cho chúng ta có thêm cơ hội nghiên cứu sâu hơn về chức năng của mỗi vùng khác nhau ở não.
Thật thú vị phải không? Bạn nghĩ gì về phương pháp mới này? Hãy để lại bình luận phía dưới nhé.
Nguồn: Time
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng