Mở quyền truy cập vào API, OpenAI bắt đầu biến ChatGPT thành "gà đẻ trứng vàng" cho mình
Mở quyền truy cập vào API của ChatGPT, OpenAI cũng mở khóa cho kho vàng khổng lồ mình khi hàng nghìn nhà phát triển ứng dụng và sản phẩm khác đang mong chờ điều này.
Chỉ 4 ngày sau khi ChatGPT ra mắt, Daniel Habib, một cựu nhân viên Facebook đã tận dụng chatbot này để tạo ra QuickVid AI, một công cụ giúp tự động hóa quá trình lên ý tưởng cho các video YouTube. Ứng dụng này nhanh chóng thu hút được hàng chục nghìn người dùng mỗi ngày – nhưng Habib lại không thể thu tiền từ những người dùng này khi anh đang truy cập không chính thức vào ChatGPT.
Nhưng các ứng dụng như của Habib đang mở ra một "mỏ vàng" mới cho ChatGPT cũng như OpenAI. Và điều đó đang bắt đầu thay đổi từ ngày 1 tháng Ba vừa qua, khi OpenAI thông báo phát hành quyền truy cập API của ChatGPT và Whisper, AI nhận diện giọng nói được công ty phát triển. Bằng cách này, công ty vừa mở ra một kho vàng mới cho cả mình và các công ty khác.
Cho đến hiện tại, nguồn thu từ ChatGPT của OpenAI mới chỉ giới hạn trong việc thu phí thuê bao hàng tháng với mức 20 USD cho phiên bản Pro. Giờ đây nguồn thu của OpenAI sẽ đa dạng hơn khi mở quyền truy cập vào API của các mô hình AI, cho phép các nhà phát triển tích hợp chúng vào sản phẩm dịch vụ của họ.
Điều đặc biệt hấp dẫn với các nhà phát triển là mức phí truy cập của OpenAI – rẻ hơn và hiệu quả cao hơn bất ngờ so với trước đây. Nếu vào năm 2021, phí truy cập API phiên bản beta của mô hình GPT-3 là 0,06 USD/1.000 token (đủ cho vài đoạn văn bản) thì giờ đây, mức phí mới cho API của ChatGPT chỉ là 0,002 USD/1.000 token – chưa bằng 1/10 so với trước đây. Không những thế ChatGPT đang cho thấy hiệu năng của mình vượt trội so với GPT-3 phiên bản beta trước đây.
Bên cạnh đó, OpenAI cũng thay đổi chính sách dữ liệu của mình nhằm trấn an các doanh nghiệp muốn tích hợp ChatGPT vào sản phẩm và ứng dụng của mình. Công ty cho biết, giờ đây họ sẽ chỉ lưu dữ liệu người dùng trong vòng 30 ngày và cam kết rằng sẽ không sử dụng dữ liệu mà người dùng nhập vào để huấn luyện các mô hình AI của họ.
Không chỉ các nhà phát triển ứng dụng độc lập như Habib hứng thú với quyết định này của OpenAI, việc mở quyền truy cập API ChatGPT cũng được các công ty lớn quan tâm không kém.
Mới đây nhất, hãng xe kỳ cựu của Mỹ General Motors thông báo sẽ sử dụng API ChatGPT trên đám mây Microsoft Azure để phát triển một trợ lý ảo dành cho tài xế trên các xe của họ. Trước đó thương hiệu đồng hồ thông minh Amazfit cũng giới thiệu một sản phẩm tích hợp ChatGPT thông qua API mà OpenAI mới cung cấp. Dựa vào chatbot này, thiết bị có thể trả lời một số câu hỏi của người dùng hoặc cung cấp một số thông tin về hoạt động trong ngày.
Trong khi đó hàng nghìn nhà phát triển ứng dụng khác như anh Habib giờ đây đã có thể thu phí người dùng nhờ việc được truy cập chính thức vào API của ChatGPT. Với khả năng của ChatGPT, nó có thể mở ra một kho vàng cho các sáng tạo, kèm theo đó tất nhiên là lợi nhuận không thể bỏ qua.
Mức giá rẻ hơn cùng với nhiều tính năng hữu dụng hơn, giấc mơ về việc AI – trong trường hợp này là ChatGPT – hiện diện ở khắp mọi nơi đã sắp trở thành sự thật. Còn đối với OpenAI, từ khởi đầu là một doanh nghiệp phi lợi nhuận, các động thái này có thể giúp họ thu được lợi nhuận đáng kể trong tương lai, nếu xét tới nhu cầu khai thác ChatGPT lớn như hiện nay.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng