MobiFone, Học viện BCVT chính thức về Bộ TT&TT từ 1/7

    PV,  

    (GenK.vn) - Sáng nay, 30/6/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son vừa chủ trì Hội nghị công bố các quyết định chuyển Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ TT&TT quản lý từ 1/7/2014. Bộ trưởng đã nêu rõ những việc VMS và Học viện phải làm trong thời gian tới.

    Tóm tắt bài viết:

    - Sáng 30/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì Hội nghị công bố quyết định chuyển MobiFone và Học viện CNBCVT về Bộ TT&TT quản lý từ 1/7/2014.

    VMS MobiFone sẽ phối hợp với VNPT, Bộ TT&TT cùng các cơ quan liên quan xây dựng phương án tổ chức lại VMS theo mô hình Tổng công ty.

    - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu riêng.

    Mục tiêu cuối cùng của đề án tái cơ cấu là Tập đoàn VNPT phát triển vững mạnh, VMS trở thành mạng viễn thông độc lập, có thể cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông tương đồng, Học viện CNBCVT trở thành đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ, tương đương các trường khác trong hệ thống đại học tại Việt Nam.


    Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 888 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Để triển khai Quyết định của Thủ tướng, ngày 27/6/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký Quyết định số 877/QĐ-BTTTT về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ TT&TT kể từ 1/7/2014; và Quyết định số 878/QĐ-BTTTT về việc chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về trực thuộc Bộ TT&TT quản lý.

    tái cơ cấu VNPT

    VMS và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức là đơn vị thuộc Bộ TT&TT từ ngày 1/7/2014. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

    “Việc tái cơ cấu đã được VNPT triển khai từ lâu, cụ thể, từ cuối năm 2012 đã tách Vietnam Post. Với Quyết định 888 của Chính phủ, VNPT tái cơ cấu phần còn lại của tập đoàn. Trong Quyết định 888 có nhiều nội dung công việc, tuy nhiên, Bộ TT&TT thực hiện trước 2 nội dung là tách VMS và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ TT&TT. Sau này sẽ tiếp tục thực hiện những phần việc còn lại trong Quyết định 888”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

    Theo Quyết định số 877 của Bộ TT&TT, vốn điều lệ của VMS là 12.600 tỷ đồng. 5 ngành nghề kinh doanh chính của VMS gồm: Đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT; Lắp ráp và sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT; Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây lắp chuyên ngành điện tử, viễn thông, CNTT; Kinh doanh các thiết bị điện tử viễn thông, CNTT; Bảo trì, sửa chữa thiết bị chuyên ngành điện tử viễn thông, CNTT.

    4 ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính gồm: Xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông phục vụ hoạt động của đơn vị; Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, CNTT theo quy định của pháp luật; Dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, CNTT; Cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.

    Cũng theo Quyết định số 877, sẽ thực hiện chia tách, bàn giao nguyên trạng tài sản, tài chính giữa VMS và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam từ ngày 1/7/2014 theo sổ sách kế toán và trên cơ sở kiểm kê, kiểm toán, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới, VMS sẽ phối hợp với VNPT, Bộ TT&TT cùng các cơ quan liên quan xây dựng phương án tổ chức lại Công ty Thông tin di động theo mô hình Tổng công ty.

    Còn theo Quyết định 878 của Bộ TT&TT, từ ngày 1/7/2014, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu riêng. Học viện sẽ phải xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo Bộ TT&TT trong quý 3/2014. Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục hợp tác với Học viện để duy trì ổn định hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, phục vụ sự phát triển chung của ngành TT&TT.

    Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: “Đây là những quyết định lịch sử, ghi dấu ấn trong sự phát triển của Tập đoàn VNPT cũng như của VMS và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Mục tiêu cuối cùng của đề án tái cơ cấu là Tập đoàn VNPT phát triển vững mạnh, VMS trở thành mạng viễn thông độc lập, có thể cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông tương đồng, còn Học viện trở thành đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ, tương đương các trường khác trong hệ thống đại học tại Việt Nam”.

    Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu VMS nghiêm túc triển khai 3 nhiệm vụ trong thời gian tới theo tinh thần của Quyết định 877. Một là, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, liên tục ngay từ 1/7, không để gián đoạn việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

    Hai là chủ trì phối hợp với các nhóm giúp việc và Cục, Vụ liên quan của Bộ TT&TT để khẩn trương xây dựng đề án tổ chức lại Công ty VMS thành Tổng công ty MobiFone kinh doanh dịch vụ CNTT- viễn thông một cách hoàn chỉnh chứ không chỉ riêng dịch vụ điện thoại di động.

    Ba là phối hợp VNPT xây dựng phương án bàn giao lao động, tổ chức bộ máy, tài sản theo Quyết định 877 để nhanh chóng hoàn thành tổ chức bộ máy.

    Còn với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu phải phối hợp với nhóm giúp việc của Bộ TT&TT về thực hiện đề án tái cơ cấu để khởi động việc xây dựng phương án về tự chủ tài chính, đề xuất cụ thể về cơ chế học phí, cơ chế đầu tư… Bên cạnh đó phải phối hợp với VNPT để xây dựng phương án bàn giao lao động, tài sản.

    Đại diện của VNPT, VMS, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đều khẳng định quyết tâm thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT để phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

    Theo ICTnews.

    >> Tách MobiFone, VNPT phải giống như học sinh nghèo vượt khó

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày