Mới được 1 năm, chip Core i9-14900K đã bị trang công nghệ uy tín đánh giá lỗi nặng đến độ "không dùng nổi", buộc phải chuyển sang AMD
Arrow Lake mặc dù mang đến nhiều cải tiến, nhưng phóng viên này thừa nhận đã mất niềm tin vào Intel.
Bài viết dưới đây do phóng viên Adam Conway của trang XDA-Developers thực hiện. XDA-Developers là một trong những trang tin công nghệ uy tín, được biết đến với các đánh giá khách quan và chuyên sâu về các sản phẩm công nghệ. Adam Conway là phóng viên có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên đưa ra những nhận xét chính xác và sâu sắc trong lĩnh vực này. Những chia sẻ dưới đây là quan điểm cá nhân của anh, phản ánh những vấn đề mà anh gặp phải khi sử dụng Intel Core i9-14900K.
Intel Core i9-14900K ban đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực khi mới ra mắt, nhưng không lâu sau đó, sản phẩm này bắt đầu gặp phải vấn đề. Một số nhà đánh giá, bao gồm cả Adam, báo cáo dấu hiệu không ổn định.
Adam đã tiếp cận Intel để kiểm tra lại vấn đề và phát hiện ra rằng lỗi này ban đầu được cho là xuất phát từ các nhà sản xuất bo mạch chủ. Tuy nhiên, sau đó, vấn đề dường như còn phức tạp hơn, đến mức Intel cũng phải thừa nhận một phần lỗi thuộc về họ. Dù đã có nhiều bản cập nhật BIOS từ các nhà sản xuất bo mạch chủ, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Ban đầu, để giải quyết vấn đề, Adam đã hạ xung nhịp CPU xuống 5.5GHz, và điều này có vẻ hiệu quả trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo thời gian, hiệu suất của máy tính anh giảm sút đáng kể. Tình trạng này trở nên tồi tệ đến mức Adam buộc phải quay lại dùng chip Core i7-12700KF và dự định sẽ chuyển hoàn toàn sang sử dụng AMD Ryzen 7 9800X3D trong vài tuần tới.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn đối với Core i9-14900K
Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự không ổn định trên Intel Core i9-14900K là tình trạng lỗi màn hình xanh (BSOD). CPU trở nên không ổn định, và giải pháp tạm thời lúc đó là giảm xung và giảm điện áp để CPU không quá tải.
Ban đầu, các nhà sản xuất bo mạch chủ, đặc biệt là Asus, đã tung ra "Intel Baseline Profile" trong các bản cập nhật BIOS, dù Intel không khuyến khích sử dụng cấu hình này và đề xuất người dùng đợi bản cập nhật chính thức hoặc sử dụng cấu hình "Intel Default Power Profile." Tuy nhiên, bất kỳ hư hại nào do lỗi này gây ra đã trở thành vĩnh viễn, và nếu CPU của bạn đã gặp vấn đề từ trước, thì nó sẽ không thể cải thiện đáng kể.
Về phần mình, Adam đã sử dụng "Intel Baseline Profile" trên bo mạch Asus của mình ngay khi nó được phát hành vì nó giúp cải thiện đáng kể tình hình. Cấu hình này làm giảm hiệu năng của CPU một cách đáng kể, nhưng ít nhất nó duy trì được sự ổn định, và điều đó là đủ với anh vào thời điểm đó.
Sau đó, Intel tung ra bản cập nhật microcode vào tháng 8 để "sửa" vấn đề gốc. Intel nói với trang Tom's Hardware rằng những hư hại đã xảy ra không thể phục hồi, nhưng bản cập nhật này sẽ ngăn ngừa thiệt hại mới trong tương lai. Tuy nhiên, từ trải nghiệm cá nhân, Adam cho rằng, dù bản cập nhật có ngăn ngừa sự cố ban đầu, CPU của anh vẫn tiếp tục xuống cấp theo thời gian.
Khi mới mua CPU, Adam gặp vấn đề trong phần mềm DaVinci Resolve, trò chơi Counter-Strike và một số phần mềm khác. Sau khi hạ xung và giảm điện áp, các vấn đề tạm thời biến mất. Thỉnh thoảng máy có xảy ra lỗi, nhưng về cơ bản, PC của anh vẫn hoạt động khá ổn. Tuy nhiên, sau vài tháng, các sự cố bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn và đặc biệt là trong những tuần gần đây.
Cơn ác mộng màn hình xanh
Một buổi sáng bình thường, Adam bật PC và chơi một ván Valorant thì bất ngờ máy gặp lỗi màn hình xanh. Anh khởi động lại máy, nhưng lại bị lỗi màn hình xanh ngay khi tới màn hình khóa. Thậm chí khi khởi động lại một lần nữa, lỗi lại xảy ra trước cả khi đến màn hình khóa. Anh quyết định vào BIOS và giảm xung xuống còn 4.7GHz. Sau đó, máy hoạt động bình thường, và anh có thể tiếp tục sử dụng như bình thường... trong vài ngày.
Vài ngày sau đó, trong một cuộc gọi Discord, Adam chia sẻ màn hình khi chơi Deadlock và gặp phải sự cố trò chơi bị treo mỗi lần anh stream, và sau đó thậm chí trò chơi còn treo khi anh không stream. Anh lại phải giảm xung xuống 4.5GHz, và vấn đề được giải quyết tạm thời.
Tuy nhiên, vài ngày sau, tình trạng lỗi màn hình xanh lại xuất hiện trong Valorant, trò chơi Deadlock bị treo khi anh stream và thậm chí cả khi chỉ dùng webcam trong Google Chrome cũng gây lỗi màn hình xanh. Cuối cùng, anh phải giảm xung xuống 4.4GHz và chuyển về dùng CPU cũ Core i7-12700KF.
Intel Arrow Lake: Hy vọng không còn
Arrow Lake có vẻ cũng gặp vấn đề, nhưng may mắn là nguyên nhân gây ra lỗi màn hình xanh và treo máy có vẻ không liên quan đến phần cứng mà là do xung đột phần mềm.
Tuy nhiên, sau những trải nghiệm này, Adam cảm thấy không còn tin tưởng vào Intel nữa.
Theo anh, AMD Ryzen 7 9800X3D có thể là CPU chơi game tốt nhất hiện nay, và anh không muốn gặp phải các sự cố về ổn định máy như với 14900K. Đôi khi, anh cảm thấy lo lắng mỗi khi dùng máy với 14900K, đặc biệt khi chơi các trò chơi cạnh tranh vì sợ máy có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào.
Kết luận
Dù không phải tất cả mọi người dùng Core i9-14900K đều gặp vấn đề như Adam, trải nghiệm cá nhân của anh đã khiến anh quyết định rời bỏ Intel. Anh khuyên những ai đang cân nhắc mua CPU mới nên chọn Ryzen của AMD hoặc chờ đợi để các vấn đề của dòng Arrow Lake được khắc phục. Arrow Lake dường như ổn định hơn so với Raptor Lake Refresh, nhưng anh cho biết bản thân sẽ không mua CPU Intel trong một thời gian dài sau những trải nghiệm này với Core i9-14900K.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng