Mỗi lần giặt quần jean bạn đang thải vào môi trường 56.000 vi sợi vải, và chúng có thể trôi tới tận Bắc Cực
Levi's nói bạn có thể giặt quần jean sau 10 lần mặc mà vẫn đảm bảo độ sạch sẽ của chúng.
- Lập kỷ lục doanh thu sau gần 2 thập kỷ "nát bấy", chiến lược chấn động của trùm jean Levi’s: Tự biến mình thành startup, thay máu 9/11 quản lý cấp cao, marketing "hạn chế giặt quần để bảo vệ môi trường"...
- Từ cách đổi sữa của thế kỷ 20 đến ý tưởng bảo vệ môi trường được 25 thương hiệu toàn cầu gật đầu tham gia
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Environmental Science and Technology Letters, các nhà khoa học cho biết họ đã tìm thấy hằng hà sa số những sợi vải bò màu xanh ở Bắc Cực. Thật bất ngờ khi những sợi vải này có thể di chuyển một quãng đường dài từ máy giặt nhà bạn tới tận Bắc Băng Dương, thậm chí lặn xuống tới độ sâu 1.500 m.
Nhưng sẽ không quá ngạc nhiên nếu bạn biết:
Mỗi khi có một chiếc quần quần jean được giặt, nó sẽ phát tán 56.000 sợi vải bò siêu nhỏ và rò rỉ chúng vào nguồn nước. Mặc dù vải bò có nguồn gốc từ sợi tự nhiên, nhưng quá trình sản xuất ra chúng lại trải qua rất nhiều công đoạn xử lý hóa chất.
Các nhà khoa học chưa biết liệu ô nhiễm vải bò có ảnh hưởng tới các loài sinh vật và hệ sinh thái biển và nước ngọt hay không. Nhưng để hạn chế những tác động tiềm năng có thể có, bạn nên xem lại tần suất giặt quần jean của mình.
Nhiều người có thói quen giặt quần jean sau 2-3 lần mặc dù cho các nhà sản xuất như Levi's nói bạn có thể giặt quần jean sau 10 lần mặc mà vẫn đảm bảo độ sạch sẽ của chúng. Một nhà sản xuất quần jean có sản phẩm được thử nghiệm trong nghiên cứu mới còn cho biết họ khuyến cáo khách hàng chỉ nên giặt quần jean mỗi tháng một lần.
Từ đường ống máy giặt, những vi sợi vải tìm đường lên Bắc Cực như thế nào?
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Toronto. Trong đó, họ đã thu thập các mẫu trầm tích tại nhiều địa điểm khác nhau ở Canada để tìm kiếm sự hiện diện của các vật chất ô nhiễm, đặc biệt là các vi sợi vải.
Các vi sợi vải được định nghĩa là những sợi vải có kích thước dưới 5mm. Ở kích thước đó, bạn rất khó nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Một chiếc kính lúp sẽ giúp bạn nhìn được những vi sợi có kích thước lớn. Nhưng đôi khi, chúng nhỏ tới mức phải soi dưới kính hiển vi mới có thể nhìn thấy được.
Các nhà khoa học phát hiện trong mỗi kg trầm tích khô ở biển sâu Bắc Cực, có tới 1.930 vi sợi, cao hơn nhiều so với con số 780 vi sợi có trong mỗi kg trầm tích ở Huron và Ontario, hai hồ nước ngọt khổng lồ ở biên giới Canada và Mỹ. Trầm tích dưới các hồ nông hơn ở ngoại ô Toronto chứa nhiều vi sợi nhất, với 2.490 sợi vải nhỏ được tìm thấy trên mỗi kg.
Điều này gợi lên một giả thuyết từ trước mà các nhà khoa học đã nghi ngờ: Tại sao Bắc Cực có thể ô nhiễm hơn cả các hồ nước ngọt lớn ở Bắc Mỹ? Họ cho rằng có rất nhiều yếu tố tiềm năng có thể phân phối những chất ô nhiễm do con người tạo ra, đưa chúng từ các hồ nước nông xung quanh một đô thị như Toronto tới tận các vùng xa xôi hẻo lánh như Bắc Cực.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy gió có thể thổi hạt ô nhiễm từ các thành phố của Châu Âu vào Bắc Cực. Trong khi hệ thống xử lý nước thải của Canada đã được thiết kế để lọc hiệu quả từ 83-99% vi sợi trong chất thải rắn của con người, các vi sợi cotton này sau đó lại được thu thập và tái chế thành phân bón sinh học.
Thật không may, khi những người nông dân rải phân bón trên cánh đồng, một lần nữa các vi sợi lại tìm được đường bay vào không khí. Vào thời điểm phân bón khô đi, gió có thể cuốn các vi sợi vải bay xa tới hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn km. Chúng sẽ hạ cánh trực tiếp lên Bắc Cực, hoặc có thể quá cảnh bằng một con đường khác: những dòng hải lưu.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy các dòng chảy sâu trong đại dương có thể phân phối các vi sợi vải đi rất xa nơi chúng từng thuộc về. Và trong khi hệ thống lọc nước thải của Canada có thể lọc tới 99% vi sợi vải đi chăng nữa, con số 1% còn lại vẫn rất khổng lồ vì mỗi người trong số chúng ta đều có cả tủ quần áo.
Chưa kể, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có các hệ thống lọc nước thải hiệu quả như ở Canada. Khi các vòi nước máy giặt được xả thẳng ra sông rồi chảy ra biển, các dòng hải lưu sẽ gom toàn bộ các vật chất ô nhiễm có trong đó và đưa chúng đi khắp thế giới.
Có một mối quan ngại mà nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, Bắc Cực đang ngày càng giống với một ‘bãi rác’ chứa đủ thứ vật chất ô nhiễm, cho dù sự hiện diện của con người ở đó là rất ít. Như bạn có thể lờ mờ đoán ra, đó là vì điểm kết thúc của các dòng hải lưu thu gom chất thải từ các lục địa, hóa ra chính là Bắc Cực.
Các dòng hải lưu sâu trong các đại dương đang hoạt động như một băng chuyền. Chúng thu gom các mảnh vỡ tí hon trôi nổi khắp thế giới và kết thúc dòng chảy này về Bắc Cực. Nghiên cứu trước đó cũng đã tìm thấy sự hiện diện của hạt vi nhựa trong trầm tích ở đáy Bắc Băng Dương.
Vải bò 100% cotton: Một ngụy biện ‘tự nhiên’ khi nguy cơ ô nhiễm vẫn tồn tại
Khi bạn mua một chiếc quần jean dán mác 100% cotton, bạn nghĩ rằng đó là một chiếc quần thân thiện với môi trường vì cotton là một vật liệu 'tự nhiên' hơn polyester. Nhưng nhận định đó hóa ra mang tính trực giác nhiều hơn bạn nghĩ.
Phân tích kỹ các vi sợi thu thập được từ trầm tích ở Bắc Cực và hồ nước ngọt, các nhà khoa học nhận thấy từ 22-51% chúng là các sợi cellulose tự nhiên được xử lý bởi con người. Điều này cho thấy không chỉ các sợi vải nylon mới có thể tồn tại và gây ô nhiễm nguồn nước, cả vi sợi cellulose tự nhiên hay cotton cũng có thể.
Trong số các sợi cellulose tự nhiên tìm thấy được lại có từ 41-57% là các sợi vải bò màu xanh chàm đặc trưng giống với những chiếc quần jean. Nếu nhìn chúng dưới kính hiển vi, bạn có thể nhận ra độ "bông tơi" của loại sợi vải này, khác hẳn với sợi polyester nhân tạo sẽ mịn hơn và đều hơn.
Các nhà khoa học thậm chí còn sử dụng các cỗ máy phân tích quang phổ để tìm kiếm các thành phần hóa học trong các loại sợi vải này. Và họ đã tìm ra chất nhuộm màu chàm đặc trưng của vải bò.
"Về mặt kỹ thuật, những sợi vải bò xanh này được gọi là ‘cellulose biến đổi nhân tạo’ (Cellulose bản chất là hợp chất hữu cơ tự nhiên được thực vật, chẳng hạn như bông tạo ra", Sam Athey, nhà khoa học môi trường đến từ Đại học Toronto cho biết.
"Vải bò vì thế vẫn được gọi là sợi dệt ‘tự nhiên’. Nhưng tôi cho rằng chữ ‘tự nhiên’ đó chỉ là một ngụy biện, vì qua quá trình xử lý hóa chất, vải bò sẽ nhiễm rất nhiều phụ gia hóa học như thế này".
Mỗi chiếc quần jean có thể giải phóng tới 56.000 vi sợi vải trong mỗi lần giặt.
Để nghiên cứu quá trình phát tán vi sợi vải bò vào nguồn nước, Athey và các đồng nghiệp của cô tại Đại học Toronto đã tiến hành các thí nghiệm riêng biệt.
Họ giặt 3 chiếc quần jean được quảng cáo là làm từ 99-100% cotton, một chiếc là quần jean cũ đã qua sử dụng, hai chiếc quần jean mới trong đó có một chiếc bò rách (được mài rách 3 lỗ và một số vết họa tiến sờn). Nước thải từ đầu ống xả của máy giặt được thu thập lại, Athey sẽ dùng kính hiển vi để đếm số lượng vi sợi vải trung bình thu được.
Kết quả cho thấy quần jean mới rụng ra nhiều vi sợi hơn quần jean cũ. Đó là bởi các vi sợi vải thừa sẽ ngày càng ít dần đi trong quá trình mặc. Tuy nhiên, một lần nữa trực giác lại bị đánh bại, các nhà khoa học cho biết quần jean rách không phát tán nhiều vi sợi vải hơn so với quần jean truyền thống.
Nhưng nhìn con số trung bình, Athey đã phải giật mình khi kết luận mỗi chiếc quần jean có thể giải phóng tới 56.000 vi sợi vải trong mỗi lần giặt. Đó là một con số rất lớn.
Bạn chỉ nên giặt quần jean mỗi tháng một lần
Kết quả từ các phân tích trần tích cho thấy sự hiện diện đáng kể của các vi sợi vải bò hóa ra không khiến các nhà khoa học môi trường bất ngờ. Tiến sĩ Caroline Gauchotte-Lindsay, một nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow ở Anh cho biết người trong ngành như cô thậm chí còn mong đợi điều đó.
Bấy lâu nay, các nghiên cứu về ô nhiễm vi sợi vải chỉ tập trung tìm kiếm các vật liệu sợi tổng hợp vì các nhà môi trường học tin rằng sợi cotton sẽ nhanh chóng tan ra trong môi trường có nhiều vi khuẩn. Nhưng nghiên cứu mới của Đại học Toronto cho thấy hóa ra các sợi vải có nguồn gốc tù cellulose tự nhiên cũng tồn tại rất lâu mà không bị phân hủy.
"Đó là một phát hiện quan trọng", Gauchotte-Lindsay cho biết.
Các nhà khoa học sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra tác động của các vi sợi vải bò lên quần thể sinh vật sống trong khu vực ô nhiễm. Liệu có hóa chất xử lý tồn dư trên đó hay không? Chúng có thể tác động thế nào đến những sinh vật biển ăn phải và từ đó ảnh hưởng lên chuỗi thức ăn?
"Mặc dù vải bò không phải là nhựa, nhưng chúng cũng đã trải qua quá trình biến đổi nhân tạo", Ather nói. Vải bò được xử lý hóa học trong quá trình sản xuất và chúng nhiễm hóa chất từ đó.
"Tác động của sự biến đổi hóa học đó vẫn còn là một câu hỏi chưa được giải đáp", cô cho biết thêm. "Và với số lượng quá lớn của chúng trong môi trường, chúng ta nên xem xét khả năng đó".
Từ bây giờ cho tới lúc đó, các nhà khoa học khuyến cáo tất cả chúng ta nên giảm tần suất giặt quần jean nếu có thể. Tại Canada, nhóm nghiên cứu cho biết một nửa người dân nước này có thói quen mặc quần jean mỗi ngày và sẽ giặt chúng trung bình sau 2 lần mặc.
Trên quy mô lớn, thói quen này sẽ phát sinh một lượng vi sợi vải bò khổng lồ vào môi trường. Mỗi ngày, chỉ tính riêng hai nhà máy xử lý nước thải ở hồ Huron và Ontario đã phải tiếp nhận hàng trăm tỷ vi sợi vải bò. Khoảng 1% trong số này nghĩa là 1 tỷ vi sợi vải bò sẽ rò rỉ qua hệ thống lọc của nhà máy.
Để hạn chế tình trạng này, các nhà khoa học khuyến cáo người dân nên giãn cách số lần giặt quần áo bằng vải jean. Một số nhà sản xuất như Levi's cho biết vải bò là một loại vải sạch và bạn có thể giặt nó sau 10 lần mặc.
Một công ty quần jean, có sản phẩm được sử dụng trong nghiên cứu của Đại học Toronto, đề xuất bạn chỉ nên giặt sản phẩm của họ mỗi tháng một lần.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyến khích các hãng máy giặt nên tích hợp thêm một bộ lọc vi sợi. Hiện trên thị trường đã có một số bộ lọc có thể giảm tới 90% các vi sợi vải chảy ra đường ống nước thải của máy giặt. Các bộ lọc này nên trở thành tiêu chuẩn cho tất cả các máy giặt được bán ra.
Sau khi thu thập được các vi sợi vải, chúng có thể được thu gom như rác thải dân sinh và xử lý qua các quy trình khoa học để phân hủy nhanh hơn, hoặc thậm chí được tái chế.
Về mặt cảm quan, vi sợi vải bò có thể được xử lý nhanh hơn so với vi sợi polyester. Nhưng nếu không được thu gom và xử lý, chúng vẫn có thể tồn tại dai dẳng trong môi trường và gây ra những hậu quả mà chúng ta còn chưa biết trước.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng