Mới nhập môn nhiếp ảnh cần né xa 5 món phụ kiện này nếu không muốn tốn tiền vô ích
Nhiếp ảnh đã là 1 bộ môn đắt đỏ, đừng tốn thêm tiền vào những thứ vô ích!
Trong một video mới, nhiếp ảnh gia chân dung Miquel Quiles nói rằng anh ấy đã thấy rất nhiều người mới bước chân vào bộ môn chụp hình mắc phải những sai lầm lớn trong việc chi tiêu mua thiết bị. Anh cho rằng có những thứ phụ kiện không giúp ích gì trong việc chụp hình, bạn nên để dành tiền để 'dồn' cho những thứ thiết thực hơn. Sau đây là 5 ví dụ điển hình mà anh Quiles đưa ra.
5 phụ kiện mà nhiếp ảnh gia mới bắt đầu nên tránh
Đầu tiên đó là kính lọc UV: "Kính lọc UV hiện nay chỉ có tác dụng bảo vệ ống kính, và nhiệm vụ này có thể được thực hiện tốt hơn bởi tấm chắn nắng (hood) đi kèm với mỗi ống kính. Tôi không hiểu được tại sao mọi người lại tự nguyện gắn thêm 1 tấm nhựa hoặc kính phía trước ống kính đắt tiền của mình (có thể gây giảm chất lượng hình ảnh), đừng nghe lời những người nhân viên tại cửa hàng máy ảnh!"
Hiện nay các cửa hàng máy ảnh không thu nhiều lợi nhuận từ máy ảnh (thân máy) và ống kính, nhưng câu chuyện lại rất khác với các phụ kiện bán kèm. Khi người dùng tới mua máy, những người bán hàng sẽ 'hướng' họ tới việc mua thêm phụ kiện như kính lọc UV để có thêm lợi nhuận, nhưng thực tế sản phẩm này không có tác dụng gì cả.
Thứ tiếp theo mà anh Quiles khuyên mọi người không nên mua là các phần mềm chỉnh sửa ảnh sử dụng 'trí thông minh nhân tạo AI'. "Tôi sẽ không đưa ra 1 cái tên cụ thể, nhưng chắc chắn bạn cũng đã từng nhìn thấy quảng cáo về các phần mềm này rồi. Họ hứa hẹn rằng sẽ làm bức ảnh chân dung của bạn đẹp ngay trong 1 lần bấm nút, nhưng kết quả cuối cùng sẽ không thể bằng được cách điều chỉnh truyền thống."
"Hiện tại chưa có một trí thông minh nhân tạo nào có thể điều chỉnh 1 bức ảnh đẹp được bằng con mắt nghệ thuật của 1 nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm cả." - Anh giải thích thêm.
Cũng trong vấn đề hậu kỳ, chỉnh sửa ảnh, anh Quiles nói rằng những người mới tập chụp hình không nên mua các preset (bộ chỉnh sửa sẵn) của các nhiếp ảnh gia trên mạng. "Trừ khi bạn chụp được các bức hình giống hệt họ, với điều kiện ánh sáng và thông số tương tự thì kết quả cuối cùng khi bạn dùng preset sẽ không giống những gì họ làm được."
Anh cho rằng mọi người nên tập làm quen với cách tự chỉnh sửa hình ảnh để hiểu được từng công cụ trước khi mua preset, vì đây cũng chỉ là 1 công cụ để tạo những bước chỉnh sửa cơ bản ban đầu chứ không phải là 'phép màu' để làm ảnh của bạn trở nên đẹp trong 1 nút bấm.
Lời khuyên thứ 4 của Quiles là đừng cố gắng mua những chiếc thẻ lưu trữ ảnh rẻ tiền. Ngoài những lo ngại về việc mất dữ liệu do thẻ kém chất lượng, thẻ hỏng thì còn là vấn đề về hiệu năng. Trước khi đi mua thẻ nhớ, hãy làm quen với những dấu hiệu và con số được in trên thẻ để biết được chúng có ý nghĩa gì, từ đó biết được thẻ có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn hay không. Những chiếc thẻ dung lượng thấp, tốc độ đọc ghi kém sẽ không thể chụp được tốc độ nhanh, chụp ảnh độ phân giải cao hoặc quay video.
Thứ cuối cùng mà anh muốn mọi người tránh không nên mua đó là những bộ máy ảnh kèm phụ kiện (thường gọi là combo hay bundle), với máy ảnh, ống kính cùng hàng tá những thứ kèm theo. Những phụ kiện được tặng kèm này thường có chất lượng kém, có thể nhanh chóng bị hỏng và vứt đi vô cùng phí phạm.
Nhiếp ảnh quả thực là 1 bộ môn nghệ thuật đắt đỏ, khi mà giá bán của những chiếc máy ảnh và ống kính đã lên tới hàng chục triệu Đồng. Hãy là những người dùng thông thái và mua những thứ thực sự cần thiết và tránh những 'cái bẫy' kể trên.
Tham khảo Petapixel
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng