Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau đó là gì?

    zknight,  

    Một tham vọng trở thành cường quốc y sinh.

    Những bao tải thức ăn nồng mùi chất đống ngoài hành lang của Cyagen Bioscatics Inc - một trung tâm nuôi chuột thí nghiệm ở miền nam Trung Quốc. Và đó là tất cả thức ăn dành cho lũ chuột.

    Bên trong này thế giới dường như bị đảo lộn, mọi lối đi của con người đều bị thu hẹp lại. Những nhân viên ở Cyagen bây giờ phải nhường không gian sống cho lũ chuột. Những con chuột đắt giá, người ta sẵn sàng trả Cyagen 17.000 USD, tương đương gần 400 triệu VNĐ cho một cặp chuột thí nghiệm của họ.

    Vài năm trở lại đây, nhu cầu chuột thí nghiệm ở Trung Quốc đột ngột tăng vọt. Động thái theo sau chiến lược phát triển đất nước- tầm nhìn đến năm 2025 của Chủ tịch Tập Cận Bình, cố gắng biến Trung Quốc trở thành một cường quốc y sinh.

    Cả một đất nước sục sôi nhảy vào công cuộc nghiên cứu di truyền học và dược phẩm. Lẽ dĩ nhiên, họ cần một nguồn cung những con chuột biến đổi gen, để bắt chước bệnh tật của con người.

    Thị trường chuột thí nghiệm toàn cầu lập tức được hưởng lợi. Các chuyên gia dự báo với mức tăng trưởng 7,5%/năm, thị trường này có thể để chạm ngưỡng 1,59 tỷ USD vào năm 2022.

    Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau đó là gì? - Ảnh 1.

    Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau con số đó là gì?

    Trong một công viên khoa học ở ngoại ô thành phố Quảng Châu, Cyagen đang nuôi 10.500 con chuột trong phòng sạch. Và đó chưa phải tất cả, họ còn một cơ sở khổng lồ hơn nữa ở Thượng Hải, một nhà máy quần áo cũ được tân trang thành trung tâm sinh học.

    Ở đây, có khoảng gần 100.000 con chuột được nhân giống, cung cấp cho nhu cầu nghiên cứu của các trường đại học và công ty dược phẩm. Những con chuột phục vụ bất kỳ nhiệm vụ nào chúng được giao, từ những thí nghiệm khoa học cơ bản cho đến các dự án phát triển thuốc phức tạp.

    "Bất cứ thời điểm nào, chúng tôi cũng có 1.000 dự án đang chạy", nhà sáng lập đồng thời là chủ tịch Cyagen, ông Lance Han, 52 tuổi, nói trong một chuyến lưu thuyết.

    Dòng chuột phổ biến nhất – và cũng đắt tiền nhất – mà Cyagen cung cấp là những con Mus musculus. Chúng là loài chuột nhà được thuần hóa, mang gen đã được chỉnh sửa để mô phỏng nhiều căn bệnh mà con người mắc phải, từ tiểu đường cho đến ung thư tuyến tiền liệt.

    Công nghệ Mỹ - tại Trung Quốc

    Mọi công ty nghiên cứu dược phẩm, mỗi khi phát triển một loại thuốc mới, đều phải thử nghiệm nó trên chuột trước tiên. Đó là lí do tại sao vào tháng 8 năm ngoái, Cyagen bắt tay hợp tác với Taconic Bioscatics, một công ty công nghệ sinh học ở Mỹ.

    Mục đích của họ là kết hợp những công nghệ chỉnh sửa gen tinh vi của Taconic, với khả năng tiếp cận khách hàng địa phương của Cyagen. Hai công ty sẽ cùng nhau thách thức một thị trường mới nổi có sự góp mặt của cả các công ty Trung Quốc và đa quốc gia khác, chia phần trong chuỗi cung ứng chuột thí nghiệm.

    Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau đó là gì? - Ảnh 2.

    Một phòng sạch dùng để nuôi chuột thí nghiệm tại Trung Quốc

    Charles River Laboratory Laboratory Inc., nhà cung cấp động vật thí nghiệm lớn nhất thế giới, đã mua lại 75% cổ phần của Cyagen vào năm 2013 với giá 27 triệu USD. Hiện họ có 650 nhân viên đang làm việc tại Trung Quốc, vận hành tổng cộng 5 cơ sở tại Bắc Kinh và Thượng Hải với tổng diện tích 23.226 m2.

    Trong năm 2019, họ còn có kế hoạch phát triển mở rộng thêm 36%, xây dựng mới các cơ sở ở miền nam và miền trung Trung Quốc.

    "Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng mạnh của chúng tôi", ông James C. Foster, chủ tịch, giám đốc điều hành của Charles River, nói với các nhà đầu tư tại một hội nghị ở Orlando vào ngày 5 tháng 3 vừa rồi. Chỉ riêng thị trường này đã giúp lợi nhuận ròng của công ty tăng 11%, lên 232,5 triệu USD vào năm ngoái, doanh thu cũng tăng 22% lên mức 2,3 tỷ USD từ năm 2017.

    Công việc của Charles River tại Trung Quốc sẽ sớm làm lu mờ hoạt động của họ tại châu Âu. Dự đoán chỉ trong vòng 5 năm tới, Chrles River sẽ biến Trung Quốc trở thành thị trường động vật thí nghiệm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. "Chúng tôi gần như có thể phát triển ngay lập tức sau khi chúng tôi có thêm không gian", Foster nói. "Bạn đã có trong tay một lượng cầu rất lớn rồi".

    Vụ bê bối chỉnh sửa gen người

    Các công ty bán động vật thí nghiệm công nghệ cao đang bước vào một thị trường, trong đó tham vọng và sự sốt sắng được kết hợp với sự lỏng lẻo của các quy định và luật pháp.

    Điển hình chứng minh điều đó là vụ bê bối liên quan đến hai đứa trẻ biến đổi gen đầu tiên được sinh ra trên thế giới vào năm ngoái. He Jiankui, giáo sư một trường đại học ở Thâm Quyến, đã gây ra cơn địa chấn khi tiết lộ rằng mình đã vi phạm điều cấm kỵ toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu gen người.

    Bằng cách thay đổi DNA của một loạt phôi thai, sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9, He Jiankui đã thực sự "thiết kế" lên 2 bé gái song sinh, được cho là mang gen giúp chống lại virus HIV. 

    Hành động bị lên án kịch liệt bởi cộng đồng khoa học quốc tế vì nhiều lý do đạo đức, chính phủ Trung Quốc cũng vào cuộc điều tra và thắt chặt lại các quy định nghiên cứu chỉnh sửa gen người ở nước này.

    Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau đó là gì? - Ảnh 3.

    He Jiankui - nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra 2 đứa bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới

    Mặc dù vậy, dòng chất xám đổ về Trung Quốc không có dấu hiệu dừng lại. Charles Lee, một cựu giáo sư tại Đại học Y Harvard là một minh chứng. Năm ngoái, ông đã đồng ý đến Xi Muffan Jiaotong, một trường đại học lớn ở tỉnh Thiểm Tây để giám sát một trung tâm nghiên cứu mới được thành lập.

    Trung Quốc đang có được sự phát triển cả về lượng và về chất trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học. Và đó là một lợi thế lớn. "Trình độ khoa học của họ bây giờ, so với 5 năm về trước, đã tăng lên rất nhiều", Charles Lee nói.

    Trong trung tâm nghiên cứu tại Xi Muffan Jiaotong, ông dự định sẽ thuê 30 nhà khoa học làm việc để nghiên cứu các phương pháp điều trị ung thư mới. Họ sẽ sử dụng những con chuột chỉnh sửa gen để làm suy yếu hệ miễn dịch, được cung cấp từ Phòng thí nghiệm Jackson, có trụ sở tại Bar Harbor, Maine, Hoa Kỳ.

    "Khi thực hiện những thí nghiệm này, bạn sẽ muốn có những mẫu khối u giống với khối u trong cơ thể chúng ta nhất có thể", Charles Lee nói. "Mẫu phẩm đó không thể có trong ống nghiệm hay một đĩa petri. Nó phải nằm trong một sinh vật sống".

    Phòng thí nghiệm Jackson tự hào có một danh sách gồm khoảng 11.000 chủng chuột thí nghiệm, những chủng chuột mới được sinh ra từ các chỉnh sửa gen khác nhau. Mỗi năm, họ vẫn bổ sung vào danh sách này 600 chủng, với tốc độ phát triển tăng gấp đôi trong những năm gần đây nhờ CRISPR.

    Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau đó là gì? - Ảnh 4.

    Biểu đồ thể hiện mức đầu tư R&D vào các quốc gia

    Bằng công việc tại Trung Quốc, Charles Lee hi vọng có thể giúp Jackson mở rộng thị trường của mình qua bờ bên kia Thái Bình Dương. 

    Tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập từ 90 năm trước bởi nhà nghiên cứu Clarence C. Little dưới sự giúp đỡ từ các nhà công nghiệp của Detroit, đã bắt đầu hợp tác với Viện Khoa học Sinh học Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh từ tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó còn một công ty hậu cần để quản lý việc cung cấp chuột thí nghiệm từ Sacramento California và Ellsworth, Maine vào đất nước Châu Á này.

    Kiểm soát nguồn cung ứng

    Việc hợp tác sẽ giúp Jackson có quyền kiểm soát hàng hóa của mình trong toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm tại các cảng và trạm kiểm dịch, theo Phó chủ tịch điều hành Auro Nair. 

    Giống như Ford Motor Co. và General Motors Co., nếu họ muốn bán xe cho người Trung Quốc, các công ty nước ngoài cần đầu tư vào các nhà máy liên doanh, Jackson cũng có kế hoạch nội địa hóa việc tạo ra những con chuột thí nghiệm ở Trung Quốc. trong những năm tới.

    Lĩnh vực đang phát triển mạnh này thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư ngày càng tăng.

    Năm 2018, Biocytogen- một công ty cung cấp động vật biến đổi gen và thực hiện nghiên cứu ung thư và miễn dịch tại Bắc Kinh - đã thu hút được khoảng 67 triệu USD từ những nhà đầu tư bao gồm CMB International Capital Corp.

    Năm nay, họ có kế hoạch mở rộng quy mô phòng thí nghiệm của mình lên gấp 4 lần và tăng số lượng nhân viên lên tới con số 1.000, Yuelei Shen, người sáng lập và CEO của Biocytogen cho biết. Quay trở lại năm 2013, khi công ty này mới chỉ ký được các hợp đồng lẻ tẻ cung cấp chuột thí nghiệm cho tổ chức học thuật, họ mới chỉ là một cơ sở nhỏ với 80 nhân viên làm việc.

    Một cặp chuột thí nghiệm ở Trung Quốc có giá 400 triệu, phía sau đó là gì? - Ảnh 5.

    Các kỹ sư y sinh làm việc với những hộp chứa đầy chuột

    "5 năm trước, không có quá nhiều công ty nghiên cứu thuốc mới, nhưng bây giờ họ đã muốn phát triển chúng và cả các kháng thể mới. Khi đó, họ chắc chắn sẽ cần các mô hình động vật mới để thử nghiệm thuốc - và đó là cơ hội của chúng tôi", ông Shen, người đã làm việc cùng với nhà miễn dịch học Dan Littman tại Đại học New York sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Y Massachusetts vào năm 2003 cho biết

    "So với Jackson và Charles River, chúng tôi còn rất non nớt. Tuy nhiên, chúng tôi [có lợi thế là] một doanh nghiệp Trung Quốc, sản xuất tại Trung Quốc, và dành cho Trung Quốc".

    Rủi ro sở hữu trí tuệ

    Đúng vậy, sự hợp tác và liên doanh của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc luôn phải đối mặt với một rủi ro về mặt sở hữu trí tuệ. Đất nước khét tiếng là một kẻ ăn cắp công nghệ láu lỉnh.

    Năm 2017, Phòng thí nghiệm Jackson Lab đã kiện Đại học Nam Kinh và một số chi nhánh khác, cho rằng họ đã bán những con chuột có nguồn gốc từ Jackson, từ đó vi phạm hợp đồng. Hai bên đã đưa tranh chấp này ra tòa trọng tài. Jackson cũng đã hủy bỏ quan hệ đối tác với Đại học Y Ôn Châu, nơi họ có 50 đến 70 nhân viên và thành lập 6 nhóm nghiên cứu.

    Nhưng mặc cho tranh chấp về mặt pháp lý của Jackson, Charles River nói rằng họ không lo lắng về việc các đối tác Trung Quốc sẽ ăn cắp công nghệ, bằng việc gây giống và bán động vật do công ty Mỹ thiết kế. Vì nếu họ làm như vậy uy tín của nghiên cứu Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ giảm sút, Foster cho biết.

    Giám đốc điều hành của Taconic Bioscatics, bà Nancy Sandy thì cho rằng họ sẽ phải đặt câu hỏi về tính hợp lệ và hợp pháp của nghiên cứu. "Điều đó bảo vệ chúng tôi khỏi một số vấn đề", Sandy nói.

    Trong khi đó tại Cyagen, ông Han lại nhìn thấy một lợi thế lớn khác cho các doanh nghiệp Trung Quốc: Chi phí. Ông nói rằng Cyagen có thể nuôi chuột với giá thấp hơn 20-30% so với cũng những con chuột đó ở Mỹ. Lợi thế này đến từ điều kiện và chi phí thấp tại Trung Quốc, cùng sự hăng hái của Cyagen trên vai trò một công ty mới tham gia vào thị trường.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày