Nếu thất bại trong việc kiểm soát nấm TR4, 99% những quả chuối bạn ăn ngày hôm nay có thể sẽ biến mất.
Colombia vừa mới công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, sau khi Viện Nông nghiệp nước này phát hiện ra một chủng nấm lây nhiễm lên chuối. Ngay lập tức, họ đã phải sử dụng những biện pháp rất mạnh bao gồm tiêu hủy mùa màng, kiểm dịch các đồn điền để hạn chế không cho chủng nấm này lây lan.
Nhưng tại sao sự việc thoạt nghe tưởng đơn giản mà lại nghiêm trọng đến vậy?
Nấm Fusarium oxysporum, hay còn được gọi bằng một cái tên khác là Tropical Race 4 (TR4) hiện đã xuất hiện ở một số đồn điền phía Bắc Colombia. Và nếu bạn chưa biết, đó sẽ là một cuộc khủng hoảng hiện sinh với Mỹ Latinh, trung tâm của thị trường xuất khẩu chuối toàn cầu.
Nếu họ thất bại với việc kiểm soát nấm TR4, 99% những quả chuối bạn ăn ngày hôm nay có thể sẽ biến mất.
Một chủng nấm chết chóc đang nhăm nhe xóa sổ chuối khỏi Trái Đất
Đây không phải lần đầu tiên các đồn điền chuối ở Mỹ Latinh bị rơi vào tình huống khẩn cấp như vậy. Trước đây vào thập niên 1950, Gros Michel - giống chuối từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ Latinh cũng gần như bị xóa sổ, cũng bởi một chủng nấm Fusarium.
Cavendish – giống chuối xuất khẩu phổ biến nhất hiện đại - đã chiếm được vị trí thay thế cho Gros Michel, đơn giản vì nó kháng lại được chủng Fusarium đã tiêu diệt Gros Michel 60 năm về trước.
Kết quả là ngày nay tới 99% lượng chuối xuất khẩu trên toàn cầu đều là chuối Cavendish - hầu hết tất cả được trồng ở các nước Mỹ Latinh.
Bây giờ, những gì chúng ta đang phải đối mặt ở đây có thể gọi là một kịch bản tận thế, nơi chúng ta có thể sẽ lại mất Cavendish, Sarah Gurr, chủ tịch an ninh lương thực của Đại học Exeter, Anh Quốc cho biết.
Được phát hiện ban đầu tại Đài Loan vào năm 1989, TR4 sau đó xuất hiện ở một loạt quốc gia Đông Nam Á. Từ đó tới nay, chủng nấm này tiếp tục được tìm thấy ở Lebanon, Israel, Ấn Độ và Australia. Nhưng mặc nhiên trước giờ, Mỹ Latinh đã từng tránh được nó.
Câu chuyện đã thay đổi sau khi Viện Nông nghiệp Colombia tuyên bố tìm thấy chủng nấm TR4 ở một số đồn điền phía bắc nước này. Dan Bebber, một giảng viên cao cấp về khoa học sinh học tại Đại học Exeter cho biết: "Một khi nó có mặt ở một quốc gia rồi, sẽ rất khó để quốc gia đó thoát được sự ảnh hưởng".
TR4 sống trong đất và có thể lan truyền qua rất nhiều con đường, từ lốp xe, đế ủng của những người nông dân, hoặc lây lan giữa các trang trại khi chuối được luân chuyển. Một khi loài nấm này có mặt trong đất, nó có thể nằm im đó, chờ đợi suốt nhiều năm trước khi lây nhiễm cho những cây chuối qua hệ thống rễ của chúng, lan sang mô dẫn nước và chất dinh dưỡng, cuối cùng giết chết cây chuối bằng cách bỏ đói chúng.
Nấm Fusarium oxysporum, hay còn được gọi bằng một cái tên khác là Tropical Race 4 (TR4)
Bây giờ, TR4 đã có mặt ở Mỹ Latinh - và có khả năng nó đã kịp lây lan rộng rãi hơn mức độ chúng ta biết hiện tại, Bebber cho biết kiểm soát sự lây lan của loại nấm này rất khó. Biện pháp hiệu quả để duy trì sức khỏe của đất vẫn là khử trùng ủng và lốp xe của tất cả nông dân và khách tham quan, trước và sau khi họ rời đồn điền.
Nhưng sự thật là không có một quốc gia nào cho tới nay quản lý được TR4 một cách thành công. Năm 1997, TR4 được phát hiện tại vùng lãnh thổ phía Bắc Australia, nhưng những nỗ lực kiểm dịch mạnh mẽ mà nước này thực hiện vẫn không thể ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang phía bắc Queensland vào năm 2015.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có một sự lây lan khá nhanh [ở Mỹ Latinh]", Bebber nói. Trong bối cảnh ngành công nghiệp chuối chỉ đem về lợi nhuận cực thấp, việc tài trợ nghiên cứu các giống chuối mới có khả năng kháng bệnh đã không được chú trọng. Suốt 10 năm qua, giá chuối ở Anh vẫn ổn định ở mức 0,94 bảng/kg. Trong cùng khoảng thời gian, giá táo đã tăng từ 1,51 bảng lên 2,08 bảng/kg – mức tăng gần 40%.
Thị trường luôn đặt yêu cầu phải có một loại quả giá rẻ, trong khi nó được sản xuất từ một châu lục khác cách đó hàng ngàn dặm đường, đã thúc đẩy ngành công nghiệp chuối ở Mỹ Latinh tập trung vào một giống cây duy nhất.
Chỉ trồng một giống chuối cho phép ngành công nghiệp tăng khả năng chuẩn hóa để sản xuất hàng loạt, từ đó hạ giá thành trồng trọt, vận chuyển và thành phẩm. Nhưng điều này lại tiềm ẩn một nguy cơ nghiêm trọng.
"Độc canh là mô hình nuôi dưỡng thần thánh cho mầm bệnh", Gurr nói. Khi một mầm bệnh đến lây nhiễm một giống cây nhất định, chẳng hạn như giống chuối Cavendish trước đây, lúc đó hối hận cũng không kịp.
Colombia đã phải sử dụng những biện pháp rất mạnh bao gồm tiêu hủy mùa màng, kiểm dịch các đồn điền để hạn chế không cho nấm TR4 lây lan.
Tình hình ở Mỹ Latinh lúc này có vẻ đã đến ngưỡng thảm khốc, nhưng vẫn còn một tia hy vọng ở cuối chân trời. Các nhà khoa học đang thử nghiệm kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR để tạo ra những quả chuối Cavendish có khả năng kháng TR4.
Vào năm 2018, nhà sinh vật học thực vật James Dale đã có thể sửa đổi bộ gen Cavendish bằng CRISPR, và ở Norwich, một công ty có tên là Tropic Bioscatics cũng đang thử nghiệm sử dụng CRISPR để tạo ra những cây chuối kháng bệnh.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lai tạo các giống chuối khác lại với nhau để hy vọng tạo ra một giống kháng được TR4, mà vẫn giữ được độ ngon để bán được cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa mới cho thấy kết quả hứa hẹn. Ngược lại vào tháng 7 năm 2018, Tòa án Công lý Châu Âu đã ném tương lai của chuối chỉnh sửa gen ra ngoài cửa sổ, sau khi quy định rõ rằng các cây trồng được chỉnh sửa CRISPR sẽ không được miễn trừ khỏi các quy định giới hạn bán sinh vật biến đổi gen.
Từ bây giờ cho đến khi một giải pháp khả thi xuất hiện, Mỹ Latinh mới đang chỉ phải đối mặt với TR4. Nhưng Bebber lưu ý, TR4 không phải là thách thức duy nhất đối với ngành chuối. Một loại bệnh nấm lá tàn khốc và tốn kém có tên Black Sigatoka cũng đang lan tràn ở lục địa này. Và cả biến đổi khí hậu cũng đang nhăm nhe làm khô cằn đất đai, khiến cây trồng khó phát triển.
Đối với một ngành công nghiệp chỉ đem về lợi nhuận mỏng như dạo cạo như chuối, thêm một thách thức nữa đã đủ để đẩy họ vào suy thoái. Thay vì tìm kiếm một giống chuối khác thay thế cho Cavendish, giải pháp dài hạn duy nhất có thể là sự thừa nhận rằng trồng một giống chuối duy nhất trên quy mô lớn như vậy là không bền vững.
"Đã có rất nhiều người nói rằng chúng ta thực sự cần phải suy nghĩ lại về toàn bộ hệ thống sản xuất", Bebber nói. "Với loại hệ thống sản xuất như hiện tại, bạn chỉ rước về những rắc rối mà thôi".
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng