Một con cá voi hiếm vừa thiệt mạng do bị gắn thiết bị theo dõi lên người

    Dink,  

    Do không cẩn thận trong quá trình gắn thiết bị, con cá voi này đã chết do nhiễm trùng.

    Một con cá voi sát thủ đã chết đầu năm nay do một hành động tưởng như để bảo vệ loài vật quý hiếm này: chú ta tử vong do nhiễm trùng từ thiết bị theo dõi vệ tinh được gắn trên người. Mới đây, Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã xác nhận vụ việc này.

    “Nạn nhân” là một cá thể 20 tuổi có tên L-95, dạt vào Đảo Vancouver tại Canada hồi tháng Năm vừa rồi. Chỉ một tháng sau khi các nhà khoa học tại NOAA đánh dấu chú ta để nghiên cứu thêm về loài cá voi quý hiếm này.

     Hình ảnh của L-95.

    Hình ảnh của L-95.

    Những mảnh vỡ của thiết bị theo dõi được tìm thấy tại vây của con vật, gây nên những nghi ngờ rằng chính thiết bị ấy có liên quan tới cái chết của nó. Thời điểm hiện tại, NOAA đã ban hành lệnh cấm tạm thời việc gắn thiết bị theo dõi lên giống loài cá voi sát thủ đang bị đe dọa tuyệt chủng này.

    NOAA mới đưa ra một bản báo cáo về kết quả khám nghiệm con cá voi sát thủ tội nghiệp này, và kết luận rằng chính vết thương tại nơi gắn thiết bị đã gây ra cái chết của L-95. Năm nhà nghiên cứu khác cũng đã xác nhận bản báo cáo này của NOAA và cũng kết luận như vậy.

    Bản báo cáo cũng nói thêm rằng con người cũng có lỗi trong cái chết của con cá voi này. Trong quá trình gắn, thiết bị dã bị rơi xuống nước nhưng chỉ được rửa qua bằng cồn trước khi tiếp tục gắn vào con vật tội nghiệp. Theo như quy chuẩn của NOAA, thiết bị PHẢI được rửa bằng cả chất tẩy lẫn chất cồn.

    Hơn nữa, thiết bị này còn được gắn gần mạch máu trên vây của con cá, điều đó khiến cho vết nhiễm trùng lan vào máu nhanh hơn.

    Đây là tin buồn cho các nhà nghiên cứu, bởi lẽ việc gắn thiết bị theo dõi vệ tinh đã mang lại cho họ một nguồn thông tin cực kì dồi dào về những cá thể động vật này, và phương thức này luôn được cho rằng hoàn toàn an toàn. Đây là trường hợp gây tử vong đầu tiên trên cá voi sát thủ được xác nhận là do thiết bị theo dõi, nhưng NOAA cũng vẫn ban hành lệnh cấm tạm thời.

    L-95 thuộc về một cộng đồng cá voi hiếm đại diện cho cá voi sát thủ phía Nam và là một phần những con cá voi đang trong diện bị đe dọa tại vùng biển Bắc Thái Bình Dương này.

    Mục đích của toàn bộ dự án gắn thiết bị là sử dụng vệ tinh theo dõi đường di cư và chỗ trú ẩn của chúng suốt mùa đông lạnh giá, cách chúng săn mồi và từ đó, chính phủ có thể đưa ra những chính sách bảo vệ tốt hơn.

    Con cá voi L-95 được gắn thiết bị theo dõi hồi đầu năm nay, tín hiệu dừng gửi về sau 4 ngày hoạt động. Vài tuần sau, thi thể của L-95 dạt vào bờ biển thuộc Đảo Vancouver.

    Cấu tạo của thiết bị theo dõi gồm một bộ phát tín hiệu kết nối với vệ tinh, với kích cỡ chỉ bằng một cục pin 9 volt. Thiết bị được gắn lên vây lưng với 2 chiếc đinh titan dài 6 cm.

    Mũi đinh được thiết kế để sau này tự rời ra và không để lại dấu vết trên người con cá. Nhưng các nhà nghiên đã tiến hành cải tạo hệ thống gắn ấy, vì nhiều báo cáo gửi về cho biết rằng vẫn còn dấu vết hay thậm chí là đinh vẫn còn gắn trên vây của chúng.

    Hãy quay về bàn vẽ. Tìm ra một cách gắn thiết bị ít ảnh hưởng hơn đi”, nhà khoa học cấp cao Kenneth Balcomb tại Trung tâm Nghiên cứu Cá Voi tại Washington giận dữ nói, sau khi thi thể L-95 được phát hiện. Trong quá khứ, ông cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, nói rằng việc gắn thiết bị như vậy là “quá tàn nhẫn”.

    Hành động ấy gây tổn thương con vật và thiết bị ấy sẽ gây bệnh cho mô sống trên vây của con cá voi”, ông Balcomb nói.

    Nhưng không phải cá voi sát thủ là loài duy nhất bị ảnh hưởng bởi những thiết bị theo dõi vệ tinh này.

    Một nghiên cứu kéo dài 10 năm, được công bố vào 2011 cho thấy rằng những con chim cánh cụt vua tại Nam Cực giảm 16% tỉ lệ sống sót và 39% tỉ lệ con non khi đeo những thiết bị ấy. Nghiên cứu này được kéo dài suốt 10 năm.

    Brad Hanson, trưởng dự án gắn thiết bị theo dõi lên cá voi sát thủ tại NOAA, tỏ ra lo lắng về hiện trạng của những con vật này. Nhưng anh tin rằng việc gắn thiết bị vẫn cung cấp những thông tin cực kì giá trị, và do đó vẫn đáng sử dụng tiếp.

    Chúng cung cấp cho chúng tôi một lượng thông tin cực kì lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn”, Hanson nói. “Cá nhân tôi rất lo lắng cho chúng, nhưng chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu để tìm ra những gì tốt nhất cho loài cá voi này”.

    Đối nghịch với anh, ông Balcomb và nhiều nhà khoa học khác phản bác rằng NOAA đã có quá đủ thông tin rồi, và họ sẽ không cần phải tiến hành việc gắn thiết bị theo dõi nữa. "Tôi thấy việc tiếp tục theo dõi là hoàn toàn vô nghĩa".

    Chưa có thông báo chính thức từ NOAA về việc họ sẽ tiếp tục việc gắn thiết bị theo dõi cho cá voi sát thủ hay không, hay có những thay đổi gì về quy trình cũng như bản thân thiết bị.

    Nhưng theo những gì chúng ta thấy, giới khoa học cực kì không hài lòng về cái chết của chú cá voi tội nghiệp L-95. Để nghiên cứu, có lẽ NOAA phải tìm ra một phương cách an toàn hơn cho loài vật đang bị đe dọa này.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày