Một công ty review nhà hàng và giao đồ ăn của Trung Quốc vừa trở thành startup lớn thứ 4 thế giới, vượt cả Airbnb và SpaceX
Rất ít người từng nghe tới cái tên Meituan trước đây. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này hiện đang được điều hành bởi doanh nhân Wang Xing hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển đồ ăn, rau quả tươi, đặt vé xem phim, đánh giá nhà hàng và bán hàng giảm giá trực tuyến. Đây là một công ty hoạt động theo hình thức pha trộn giữa Groupon, Yelp, Foodpanda và Uber Eats.
Công ty Meituan Dianping của Trung Quốc vừa trở thành startup giá trị thứ 4 thế giới, đạt giá trị gần 30 tỷ USD – tức là cao hơn cả Airbnb và Space X.
Sức hấp dẫn của Meituan với các nhà đầu tư là vị trí thống trị của nó trên thị trường hơn 1 tỷ dân là Trung Quốc. Công ty này được thành lập thông qua thương vụ diễn ra vào năm 2015 giữa Meituan.com và Dianping.com – trở thành công ty dẫn đầu thị trường dịch vụ internet, đặt hàng qua các ứng dụng điện thoại di động. Trong vòng huy động vốn mới nhất, Meituan đã nhận được gần 4 tỷ USD từ Tencent Holdings, Sequoia Capital và Priceline Group của Mỹ.
"Đây gần như thị trường độc quyền trong thị trường tới 1,4 tỷ dân", theo chuyên gia Keith Pogson – công ty tư vấn có trụ sở tại Hong Kong.
Wang khởi nghiệp Meituan.com vào năm 2010 như một website mua chung (nhiều người có thể mua một món đồ điện tử hoặc voucher nhà hàng để nhận được giảm giá) giống mô hình Groupon. Trong khi đó, Dianping được thành lập năm 2003 tại Thượng Hải với dịch vụ đánh giá nhà hàng và những doanh nghiệp địa phương sau đó cũng mở rộng ra cả hình thức cùng mua.
Công ty sau khi được sáp nhập trị giá 15 tỷ USD - vượt xa những gã khổng lồ Mỹ. Groupon có trụ sở tại Chicago từng là đơn vị đứng đầu tại Mỹ nay giá trị đã giảm xuống dưới 3 tỷ USD. Yelp – có trụ sở tại San Francisco cũng đã lao dốc không phanh so với thời kỳ đỉnh cao năm 2014 và hiện chỉ còn được định giá khoảng 3,6 tỷ USD.
Kể từ sau khi sáp nhập, Meituan Dianping đã mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác. Chỉ cần một vài cú chạm thao tác trên ứng dụng điện thoại di động, người dân Trung Quốc có thể gọi những bữa ăn nóng hổi, rau củ… giao đến tận nhà hoặc văn phòng làm việc.
Một dịch vụ phổ biến khác là: Bạn có thể gọi người rửa xe ô tô trong khi đang làm việc và nó được đỗ ở trên đường. Phía Meituan sẽ gửi hình ảnh tới điện thoại của bạn để xác nhận dịch vụ. Meituan cho biết, website của họ hiện có 280 triệu người dùng hoạt động hàng năm với sự tham gia của khoảng 5 triệu nhà cung ứng khác nhau.
Mô hình kinh doanh O2O (là mô hình kinh doanh trong đó công ty sẽ thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế) dường như dễ thành công ở Trung Quốc hơn là Mỹ. Chi phí lao động giá rẻ tại Trung Quốc, các thành phố với mật độ dân cư cao càng khiến mô hình này phát triển. Thị trường O2O của quốc gia này đã tăng 72% lên mức 762 tỷ NDT (tương đương 115 tỷ USD) vào năm ngoái.
"Thị trường Trung Quốc đủ lớn cho một công ty kích thước dạng này. Sau nhiều năm hoạt động, Meituan hiện là một trong số ít những người chơi chính trong lĩnh vực này mức doanh thu khổng lồ", theo Wang Ling – một chuyên gia phân tích tại IResearch.
Meituan đang đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Đặc biệt có thể kể đến là việc Alibaba đã rót vốn vào một dịch vụ đối thủ của họ có tên Ele.me – đơn vị gần đây đã mua lại mảng kinh doanh Waimai của Baidu. Alibaba, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Tencent cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng này để mở rộng sang những thành phố khác.
"Meituan đối mặt với quá nhiều đối thủ cạnh tranh bởi họ tham gia vào quá nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Thương mại điện tử về phong cách sống – gồm du lịch trực tuyến và đặt bữa tối là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại quốc gia này".
Du lịch đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh gay gắt. Với lượng vốn được đầu tư gần đây, Meituan lên kế hoạch chi hàng trăm triệu USD trong 3 – 5 năm nữa để trở thành website đặt dịch vụ du lịch lớn nhất tại Trung Quốc. Họ cũng đang tìm cơ hội để kết hợp với Priceline - website du lịch hàng đầu nước Mỹ. Nếu thành công, Meituan sẽ trở thành đối thủ đáng gườm đối với website du lịch lớn nhất của Trung Quốc là Ctrip.com – đơn vị mới nhận vốn đầu tư từ Baidu.
Trong vòng huy động vốn mới nhất, Meituan cũng đã nhận tiền đầu tư từ các đơn vị gồm: Canada Pension Plan Investment Board, Trustbridge Partners, Tiger Global Management, Coatue Management và quỹ GIC của Singapore. Meituan nói rằng họ sẽ sử dụng một phần số tiền này để mở rộng sang cả mảng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và công nghệ vận chuyển bằng máy bay không người lái.
Meituan là một trong những thế hệ công ty công nghệ Trung Quốc mới, nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ sự nổi lên của điện thoại thông minh. Nếu như nhóm những ông lớn như Baidu, Alibaba và Tencent được gọi là BAT thì truyền thông lại gom những tên tuổi mới nổi như Jinri Toutiao, Meituan Dianping và Didi Chuxing là TMD.
Với định giá 30 tỷ USD, Meituan Dianping hiện là startup lớn thứ 4 thế giới theo xếp hạng của CB Insights. Trên đó gồm Uber, Didi Chuxing và Xiaomi.
Tuy nhiên, chuyên gia Pogson của EY lại đưa ra cảnh báo rằng giá trị của một số công ty Trung Quốc thường được thổi phồng. Cổ phiếu một vài công ty tư nhân như Meituan và Uber thường ít biến động bởi tính thanh khoản thấp. Bên cạnh đó, nhiều công ty gây quỹ ở Trung Quốc và Mỹ bỏ qua luật chống pha loãng cổ phiếu, hay bảo hộ cho nhà đầu tư khi giá trị bị hạ thấp.
Chính vì vậy ông Pogson khẳng định: "Những con số như vậy thường nửa tin, nửa ngờ".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng