Có một loại protein chuyên "bắt" các phân tử glucose để làm nhiên liệu cho quá trình nhân lên và phát tán của tế bào ung thư.
Đường là nguồn thức ăn cho ung thư? Một nghiên cứu mới đã tiến thêm một bước nhằm xác nhận niềm tin từ lâu này của chúng ta. Trước đây, một số nhà khoa học đã cho rằng các khối u phát triển mạnh với sự có mặt của đường trong chế độ ăn. Ung thư sử dụng đường làm năng lượng để tạo thêm đột biến và lây lan khắp cơ thể.
Bây giờ, nghiên cứu mới của Đại học Texas lại phát hiện thêm rằng dạng ung thư được gọi là biểu mô tế bào vảy (SqCC) phụ thuộc rất mạnh vào đường. Các tế bào ung thư SqCC được tìm thấy trong phổi, đầu, cổ, thực quản và tử cung. Chúng chứa một lượng lớn protein chuyên "bắt" các phân tử glucose để làm nhiên liệu cho quá trình nhân lên và phát tán.
Một mối liên hệ mới giữa đường và ung thư vừa được các nhà khoa học tìm ra
“Loại ung thư này rõ ràng tiêu thụ rất nhiều đường”, Tiến sĩ Jung-whan Kim, tác giả chính nghiên cứu cho biết khi nói về SqCC.
“Đã có những mối nghi ngờ rằng nhiều loại tế bào ung thư phụ thuộc đường như một nguồn cung cấp năng lượng. Nhưng hóa ra có một loại – ung thư tế bào vảy- còn phụ thuộc đường nhiều hơn đáng kể [so với các loại ung thư còn lại]”.
Viết trên tạp chí Nature Communications, Tiến sĩ Kim cảnh báo những phát hiện này là đáng lo ngại, bởi nền văn hóa ngày nay đang thúc đẩy chúng ta ăn đường ngày một nhiều hơn.
“Tiêu thụ đường quá mức không chỉ dẫn đến các rắc rối như tiểu đường. Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi và các nghiên cứu khác, bằng chứng ngày càng tăng cho thấy một số bệnh ung thư cũng phụ thuộc vào đường”, ông nói thêm.
“Chúng tôi muốn đứng trên quan điểm khoa học để xem xét xem liệu chúng ta có thể can thiệp vào quá trình tiến triển ung thư bằng chính thay đổi trong chế độ ăn uống”.
Trước đây, đã từng có một trào lưu cho rằng kiêng đường là một cách để tiêu diệt tế bào ung thư. Thế nhưng, lần lượt các chuyên gia và tổ chức y tế nói rằng điều này là chưa có cơ sở. Họ nhấn mạnh rằng sự thật là tất cả tế bào, không riêng gì ung thư, đều cần năng lượng, và chúng lấy năng lượng từ đường để tồn tại.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học Texas sẽ góp thêm tiếng nói vào một cơ số các nghiên cứu trong những năm gần đây, gợi ý đường là một nhân tố giúp ung thư tăng trưởng nhanh hơn.
Họ đã xem xét 2 loại ung thư phổi: biểu mô tế bào lót (ADC) và biểu mô tế bào vảy (SqCC). Trong đó, khoảng 1 phần 4 số trường hợp ung thư phổi là ung thư tế bào vảy, rất khó điều trị. Tra ngược lại bản đồ bộ gen của 33 loại ung thư, các nhà khoa học phát hiện ung thư biểu mô tế bào vảy chứa rất nhiều protein GLUT1, nhiều hơn đáng kể so với ung thư biểu mô tế bào lót.
GLUT1 chính là protein có chức năng vận chuyển đường glucose vào tế bào. Với sự có mặt của nó, tế bào ung thư sẽ có được nguồn năng lượng cơ bản cho các hoạt động trao đổi chất. Protein này cũng rất cần thiết cho các chức năng bình thường khác, chẳng hạn như tạo màng tế bào.
Nghiên cứu chưa tạo được mối liên hệ trực tiếp giữa đường trong chế độ ăn uống và ung thư
Tiến sĩ Kim và các đồng nghiệp của ông đã cô lập các tế bào ung thư phổi của người và chuột để tìm ra bằng chứng cho mối liên hệ.
“Chúng tôi đã xem xét điều này từ nhiều góc độ thực nghiệm khác nhau, và liên tục tìm thấy GLUT1 hoạt động rất mạnh trong tất cả các dạng ung thư biểu mô tế bào vảy”, ông nói. “Ung thư biểu mô tế bào lót ít phụ thuộc vào đường”.
Kết quả được xác nhận tương tự với ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu, cổ, thực quản và cổ tử cung. Đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh được một khía cạnh độc đáo của ung thư biểu mô tế bào lót (ADC) và biểu mô tế bào vảy (SqCC).
Các nhà nghiên cứu cho biết khi sử dụng một chất ức chế protein GLUT1 trên chuột, dạng ung thư SqCC đã ngừng tăng trưởng nhưng với ADC thì không có tác dụng. Điều này có thể dẫn đến một hướng điều trị ung thư tiềm năng mới, nhắm đến con đường cung cấp đường vào các tế bào gây bệnh.
Mặc dù vậy, cũng phải nhắc lại nghiên cứu chưa tạo được mối liên hệ giữa đường trong chế độ ăn uống và ung thư. Tuy nhiên, tiến sĩ Kim nói rằng đó là một mục tiêu tương lai của nhóm. Ăn nhiều đường có trực tiếp thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển hay không vẫn là một câu hỏi, và chúng ta sẽ phải chờ đợi các nghiên cứu sâu hơn nữa để trả lời.
Cho tới thời điểm hiện tại, nghiên cứu mới chỉ cho thấy sự khác biệt trong cách thức mà hai loại ung thư khác nhau sử dụng đường. Nhưng ít nhất, nó cũng đủ để cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về căn bệnh này, đồng thời, mở ra một hướng chẩn đoán và điều trị mới cho các dạng ung thư biểu mô tế bào vảy.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng