Một năm nhìn lại kể từ ngày Facebook đổi tên thành Meta: Giấc mơ của Mark Zuckerberg vẫn xa tầm với
CEO Brad Gerstner của Altimeter Capital nhận định mức đốt tiền hiện nay của Meta cho vũ trụ ảo đang là quá lớn và “kinh khủng” kể cả với một ông lớn Thung lũng Silicon.
- Nhanh, mạnh, hiểm: Loạt quyết sách sau khi tiếp quản Twitter chứng minh cho phong cách làm việc ‘vũ bão’ của Elon Musk
- Kỷ nguyên bùng nổ quảng cáo trên mạng xã hội đã chấm dứt?
- Khi lỗi máy tính thuộc về những vì sao
- Tỷ phú Elon Musk và thú chơi ‘lạ đời': Tậu tên lửa chẳng chớp mắt, càng mua sắm tiền đổ về càng nhiều
Theo hãng tin CNN, năm 2021 là một năm tồi tệ của Facebook khi mạng xã hội này gặp phải hàng loạt vấn đề, từ những bê bối liên quan đến ảnh hưởng của họ đến xã hội hay sự thay đổi chính sách của Apple về bảo mật người dùng đến việc Tiktok thu hút người dùng trẻ khỏi Instagram.
Đến tháng 10/2021, CEO Mark Zuckerberg đã phải đổi tên công ty thành Meta với lời cam kết chuyển hướng sang vũ trụ số, qua đó chứng minh cho cả thế giới thấy Facebook không chỉ là một mạng xã hội thông thường.
Thế rồi 1 năm đã trôi qua với hàng tỷ USD chi phí nhưng giấc mơ vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg vẫn xa tầm với. Hiện tại Meta vẫn chỉ là một công ty có nguồn thu chủ yếu dựa vào mạng xã hội, có khác chăng là tình hình tài chính của họ ngày càng áp lực hơn khi đốt tiền cho giấc mơ của nhà sáng lập.
Giấc mơ đốt tiền
Hãng tin CNN nhận định kính thực tế ảo (VR) Quest 2 của Meta đã ra mắt được 2 năm và khá phổ biến trong mảng này nhưng vẫn chỉ là thị trường ngách. Sản phẩm mới nhất Quest Pro với giá 1.500 USD vừa ra mắt thì lại nhắm đến đối tượng doanh nghiệp hơn là cho đại chúng. Ngay cả vũ trụ ảo Horizon Worlds của Meta giờ đây cũng chẳng khác gì thành phố ma vì quá ít người dùng.
Dù là người đi tiên phong trong công nghệ mới này nhưng giấc mơ của Mark Zuckerberg lại thiếu gắn kết với người dùng. Ngay từ ngưỡng cửa đầu vào là kính thực tế ảo cũng không phổ biến, trong khi nhiều người còn chẳng hiểu vũ trụ ảo là cái gì.
Trong khi đó, mảng kinh doanh đem lại nguồn thu lớn nhất của Meta vẫn là quảng cáo từ mạng xã hội, vốn đang chịu thách thức ngày một lớn từ Tiktok. Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu quý II/2022 của Meta giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử thành lập hãng, còn lợi nhuận thì giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Dù Meta bán được ngày càng nhiều quảng cáo hơn nhưng lợi nhuận thu được lại giảm đi, trong khi tốc độ tăng trưởng người dùng cũng chậm lại.
Sau khi tổng mức vốn hóa thị trường của Meta đạt 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào mùa hè năm 2021 thì giờ đây chúng đã xuống chỉ bằng ¼ số đó, tức còn chưa bằng so với hãng cung cấp thiết bị gia đình Home Depot.
“Kinh doanh của họ không tăng trưởng trong năm 2022. Đã từng có những kỳ vọng rằng Meta sẽ tiếp tục tiến lên nhưng xem chừng điều đó cũng trở thành hy vọng hão huyền”, chuyên gia chiến lược Gil Luria của D.A.Davidson nhận định.
Theo CNN, những lời tuyên bố hùng hồn cách đây 1 năm của Meta đang bị lật lại và trở thành lời chỉ trích. Trong 9 tháng đầu năm, canh bạc vũ trụ ảo đã khiến Meta lỗ đến 9,4 tỷ USD và dự kiến khoản lỗ này sẽ còn tăng thêm khi nhà sáng lập Mark Zuckerberg khẳng định còn tiếp tục đầu tư cho giấc mơ của mình.
“Mọi người đang bối rối không hiểu vũ trụ ảo của Meta là cái gì. Nếu công ty chỉ đầu tư 1-2 tỷ USD mỗi năm cho dự án thì chắc chẳng có vấn đề gì. Sẽ là chuyện thường nếu bạn đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) nhưng vẫn giữ được mảng kinh doanh chính của mình, thế nhưng câu chuyện Meta hiện nay hoàn toàn khác”, CEO Brad Gerstner của Altimeter Capital nhận định khi kêu gọi Meta chỉ nên giới hạn đầu tư không hơn 5 tỷ USD/năm cho vũ trụ ảo với mục tiêu và lộ trình rõ ràng.
Cũng theo ông Gerstner, mức đốt tiền hiện nay của Meta cho vũ trụ ảo đang là quá lớn và “kinh khủng” kể cả với một ông lớn Thung lũng Silicon.
Không phải smartphone
CEO Mark Zuckerberg trước đây đã từng thành công chuyển đổi mô hình tập trung hoạt động của Facebook từ máy tính cá nhân sang điện thoại, qua đó tận dụng được xu thế quảng cáo của thế giới và thống trị mảng này trong nhiều năm sau đó.
Thế nhưng theo CNN, những chiếc kính thực tế ảo không giống như những chiếc smartphone khi chúng chưa được kiểm chứng về độ hấp dẫn.
Đầu tiên, dù đã được cải tiến nhiều nhưng thị trường kính thực tế ảo khá nhỏ. Báo cáo của hãng nghiên cứu ABI Research cho thấy chỉ có 11,1 triệu chiếc kính thực tế ảo được bán từ đầu năm đến nay, thấp hơn 14,5 triệu của năm 2021 và còn chẳng bằng doanh số bán thiết bị trò chơi điện tử.
Tiềm năng của kính thực tế ảo là lớn nhưng nhiều chuyên gia như Phó giáo sư David Lindlbauer của trường đại học Carnegie Mellon University nhận định trong tương lai gần, viễn cảnh người dùng sẽ cần chúng như cần smartphone là điều không thể xảy ra.
Xin được nhắc Meta là nhà tài trợ chính cho ông Lindlbauer trong nghiên cứu phát triển phần mềm tương tác cho kính thực tế ảo.
Tiếp đó, hãng tin CNN cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa việc đeo kính thực tế ảo với dùng smartphone hay máy tính cá nhân. Ngay cả phó giáo sư Lindlbauer cũng chỉ dám dự đoán người dùng sẽ đeo kính thực tế ảo 1 tiếng mỗi ngày với công nghệ như hiện nay và vẫn chưa đánh trúng điểm yếu khiến mọi người cần dùng chúng liên tục như smartphone.
Một yếu tố nữa khiến nhà đầu tư nghi ngờ là nội dung trong vũ trụ ảo quá nghèo nàn. Báo cáo gần đây của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho thấy Horizon Worlds chỉ có chưa đến 200.000 tài khoản online hàng tháng trong tổng số 3,7 triệu người dùng đăng ký.
“Họ nghĩ rằng cứ việc xây một không gian ảo lớn như Horizon Wolds rồi mọi người sẽ đến và đóng góp thêm. Thế nhưng chưa từng có một thế giới ảo nào thành công nhờ việc tạo một không gian rồi để mọi người tự đến đóng góp cả, tất cả đều cần có đầu tư”, nhà sáng lập Avi Bar Zeev của hãng Reality Prime nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, sau 1 năm đổ hàng tỷ USD mà chưa có kết quả như mong muốn trong khi mảng kinh doanh chính bị bỏ bê, CEO Mark Zuckerberg đang phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích cũng như việc nhà đầu tư mất dần kiên nhẫn.
Dẫu biết việc phát triển một công nghệ mới là điều khó khăn, sẽ gặp vô vàn thách thức nhưng với Meta, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng họ cần giữ ổn định được nguồn thu chính của mình trước khi đốt tiền cho những dự án kém hiệu quả khác.
*Nguồn: CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng