Mr Speakers Mad Dog – Hàng ‘mod’ cho dân sành nhạc

    Nút Chuối,  

    (GenK.vn) - Tuy hơi khó chiều chuộng, nhưng Mad Dog là một trong những chiếc tai nghe hoàn hảo tầm giá 300 USD.

    Nói đến chuyện mod trong làng công nghệ, chúng ta có thể nghĩ ngay tới việc các dân chơi máy tính độ lại những mẫu case ấn tượng và đầy phong cách. Vậy còn modding trong âm thanh thì sao?

    Trong giới chơi tai nghe, việc mod lại những món đồ chơi âm thanh diễn ra rất đa dạng. Đó có thể đơn giản từ việc thay đổi pad cách âm để dùng tai nghe cho thoải mái, hay thay dây cáp tai nghe hoặc đổi đèn amp để phù hợp với sở thích âm nhạc.

     

    Cũng có một số người dám mạo hiểm thay đổi tính chất của cả một chiếc tai nghe thông qua việc mod. Ở nước ta, không ít các bạn chơi âm thanh đã dám làm lại cup gỗ cho chiếc Grado SR 60 hay SR 80 vốn dùng cup nhựa để đem lại chất lượng âm thanh cao hơn. Việc này tạo ra cơ hội cho một số dịch vụ chế tác tại Việt Nam phát triển.

    Quay lại với chiếc tai nghe Mad Dog, diễn viên chính trong bài đánh giá chi tiết của chúng ta ngày hôm nay. Tiền thân của mẫu tai nghe này chính là chiếc tai nghe phòng thu đến từ Nhật Bản, Fostex T50RP. Nhà chế tác Mr Speakers đã đem những thay đổi lớn đến với chiếc tai nghe này, và biến nó trở thành một viên ngọc quý hiếm hoi trong những mẫu tai nghe tầm trung (đối với thế giới) ở tầm giá 300 USD.

     

    Bên cạnh Mad Dog, Mr Speakers còn giới thiệu một chiếc tai nghe cao cấp khác cũng được mod lại từ T50RP với cái tên Alpha Dog. Tuy nhiên chiếc tai nghe này có mức giá 500 USD và sử dụng cup được chế tác từ máy in 3D. Mới đây, tôi đã có cơ hội thưởng thức Mad Dog phiên bản 3.2 nhờ vào sự giúp đỡ của một người bạn.

    T50RP

    Hãy bắt đầu với mẫu tai nghe phòng thu đến từ nhà sản xuất Nhật Bản, Fostex. Với nhiều người Việt Nam, Fostex là một cái tên khá xa lạ. Lý do chủ yếu là số lượng những chiếc tai nghe dành cho người tiêu dùng của thương hiệu này không có nhiều, và chủ yếu đều là những cái tên xa xỉ như TH-900 hay TH-600. Tuy nhiên những mẫu tai nghe tiêu dùng hiếm hoi của họ như TH-5B mà GenK đã có dịp giới thiệu đến các bạn độc giả cũng là những sản phẩm có chất lượng tốt trong tầm tiền của chúng.

     

    T50RP là chiếc tai nghe được Fostex tung ra như một bản nâng cấp cho dòng T20 và T40RP đã có mặt trên thị trường từ năm 1986. Ở mức giá khoảng 100 đến 150 USD tùy nơi bán, T50RP kể từ khi ra mắt năm 2002 đã trở thành mẫu tai nghe phòng thu được nhiều nghệ sỹ và chuyên gia âm thanh đánh giá cao, đặc biệt là những nghệ sỹ chơi thể loại jazz. Lý do chủ yếu là dải mid của T50RP được tái hiện hết sức chi tiết và chuẩn xác, hơn hẳn V6, một huyền thoại khác đến từ Sony.

    Driver của T50RP không phải loại dynamic truyền thống như Sony V6 hay HD 650, nhưng cũng không phải driver tĩnh điện như huyền thoại Stax SR-507. Driver planar của T50RP biến chúng thành một chiếc tai nghe có nét độc đáo riêng, với sự kết hợp giữa màng loa tương tự như màng tĩnh điện, nhưng vẫn sử dụng nam châm để tạo ra từ trường, từ đó tái tạo lại tín hiệu âm thanh.

    Trải nghiệm mới

    Nếu là một thành viên tích cực của diễn đàn âm thanh Headfi, bạn sẽ không khó tìm được những topic chia sẻ cách mod lại T50RP từ những thành viên khác. Sở dĩ như vậy là do chiếc tai nghe gốc tập trung khá nhiều vào dải mid, trong khi bass bị lùi.

     

    Mad Dog là một sản phẩm tương tự, nhưng được nhà sản xuất làm với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng audiophile.

    Cần phải đề cập rõ, việc tinh chỉnh driver của T50RP khiến Mad Dog trở thành một chiếc tai nghe khá khó drive và tương đối kén amp. Sự trợ giúp của những mẫu headamp với sức mạnh tương đối là điều cần thiết. Trong bài viết này, người thử nghiệm đã test Mad Dog cùng cặp đôi DAC amp đến từ Schitt Audio, Modi và Magni, song song so sánh với T50RP phiên bản gốc.

    Không còn khô khan

    Với T50RP gốc, âm thanh được trình diễn sát với thực tế nhất, không có chuyện dải nọ đè lấn dải kia. Nhưng vấn đề với nhiều tai nghe với chất âm cân bằng, cũng là vấn đề của T50RP, đó là chất âm khô cứng, thiếu đi tính tình cảm.

     

    Mad Dog trình diễn dải bass gọn gàng, vừa phải nhưng vẫn uy lực. Thực tế cho thấy, với Still Loving You (24 bit, 96 kHz), hay Về Quê (Trần Mạnh Tuấn, 16 bit FLAC) tiếng trống xuống sâu và chắc chắn hơn so với mẫu tai nghe chưa được mod. Nhờ có chất bass được tăng vừa phải như thế này, những bản nhạc có hồn hơn, dễ chạm được tới cảm xúc người nghe hơn.

    Vậy còn dải mid, thứ đã đem lại tên tuổi cho T50RP năm xưa?

     

    Với những bản nhạc jazz hay new age có tốc độ vừa phải, tiếng ca sỹ, tiếng saxophone vẫn khiến người nghe bất ngờ. Bản Suite (16 bit FLAC) của Secret Garden qua sự trình diễn của Mad Dog đã kịp đưa tôi qua đủ những cung bậc cảm xúc, từ vui tươi, rộn ràng, đến trầm lắng, bi ai. Dải bass được tăng cường khiến cho chúng hơi lấn dải mid so với chiếc tai nghe gốc.

    Nhưng sự tràn lấn này chỉ dừng lại ở việc thêm cảm xúc cho bản nhạc. Tuyệt nhiên không thể tìm được tình trạng bass rền tới mức lấn dải mid. Những nhạc cụ khí như sáo flute đạt được độ chi tiết đến mức sắc sảo. Tuy nhiên cũng cần nhắc lại, với một bộ amp vừa sức, âm thanh mà Mad Dog thể hiện đôi khi sẽ dính quện lại với nhau, rất khó nghe.

    Với một chiếc tai nghe sở hữu chất âm ấm áp nhờ vào việc đôn bass như Mad Dog thì dải high là điều nhiều người sử dụng sẽ nghi ngờ khi chưa được “tận tai” thưởng thức.

     

    Sự cân bằng của Mad Dog được thể hiện ở những bản nhạc như Let’s Stay Together của Al Green, Norwegian Woods (Acoustic Café) hay Sax-O-Loco của Kenny G. Đây cũng là lúc sound stage của Mad Dog được dịp thể hiện khả năng. Tiếng bộ trống trình diễn mô phỏng âm trường tốt, không gây cảm giác giả tạo.

    Tuy nhiên cũng giống như T50RP, dải high của Mad Dog vẫn chìm, và đây dường như là một trong những thứ hiếm hoi có thể “bới” ra để tìm điểm trừ cho Mad Dog, bên cạnh việc kén amp. Mặc dù không tới mức để mid và bass đè lấn hoàn toàn, nhưng với những bản nhạc có nhịp độ cao, dải high khiến người nghe có chút tiếc nuối, điển hình là The Great Gig in the Sky của Pink Floyd.

    Trong khi đó, với những bản nhạc với tốc độ trung bình và thấp, dải high của Mad Dog tái tạo được chất âm trong trẻo, tự nhiên. Lấy ví dụ First Love của Utada Hikaru, bản piano, hay Snake Eater (Piano cover), nhạc nền tựa game Metal Gear Solid 3 chẳng hạn.

    Êm ái nhưng nặng

    T50RP sử dụng pad có phần khá tương đồng với V6, đem lại cảm giác thoáng cho người dùng nhưng rất dễ hỏng hóc, bong tróc sau một thời gian sử dụng. Trong khi đó, cái giá 300 USD của Mad Dog bao gồm một đôi pad được làm từ da cừu, dày dặn và ôm trọn khu vực xung quanh vành tai thay vì đè lên nó, tạo cảm giác êm ái khi đeo nhiều giờ đồng hồ.

     

    Thế nhưng cân nặng của chiếc tai nghe lại là vấn đề cần quan tâm. Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ thưởng thức âm nhạc liên tục, Mad Dog khiến tôi có một sự đau đầu nhẹ vì sức nặng mà nó đè lên.

    Một điều liên quan đến thiết kế chiếc tai nghe, vì là phiên bản mod driver, nên hình dáng bên ngoài của Mad Dog vẫn giữ nét cổ điển của T50RP. Điều này tạo ra ấn tượng không tốt cho lắm đối với những người thích những mẫu tai nghe đậm tính mỹ thuật. Về chất âm, nó có thể đánh bại nhiều đối thủ trong tầm giá, nhưng nếu so sánh với những Sennheiser Momentum, BeyerDynamic DT 990 hay V-Moda M100, thì Mad Dog trông có vẻ khá cổ lỗ và cục mịch.

    Chiếc tai nghe hiếm có

    Những điểm trừ của Mr Speakers Mad Dog đã được đề cập ở trên: Đòi hỏi amp phải có sức mạnh, dải high có phần thiếu hụt và hình dáng, kích thước tương đối nặng nề.

     

    Với cái giá 300 USD, những gì bạn có là một chiếc tai nghe đã được chỉnh sửa, đi kèm với earpad lớn, bền chắc, một sợi dây cáp với đầu kết nối 6,3 mm và một chiếc túi nhung đựng tai nghe, tương đối đơn sơ cho một chiếc tai nghe đắt tiền so với mặt bằng thị trường Việt Nam.

    Nhưng với một fan của nhạc jazz, cộng với điều kiện sở hữu một hệ thống amp đủ sức “cày kéo”, rõ ràng Mad Dog là một món hàng hiếm có, sử dụng những kỹ thuật mod để biến driver planar của Fostex T50RP trở thành một chiếc tai nghe gần như hoàn hảo trong tầm giá 300 USD.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày