Mùa hè nhà mất điện nhưng không muốn mất mạng? Chế ngay bộ sạc dự phòng cho Modem này!
Mất điện nhưng vẫn có Wifi và Internet để dùng là điều mà tất cả cư dân mạng đều mong mỏi.
Cái nắng đầu hè đang là cực hình với rất nhiều người dân Việt Nam, cực hình hơn nữa đó là tình trạng thiếu điện dẫn tới cắt điện luân phiên hàng giờ đồng hồ là điều năm nào cũng có.
Trong khoảng thời gian mất điện này gần như toàn bộ các hoạt động đều gặp phải khó khăn mà ở bài viết này chúng ta bàn tới đó là Internet. Việc mất điện lưới thực chất không hề dẫn tới mất tin hiệu Internet mà nó chỉ khiến các thiết bị thu tín hiệu là Modem không hoạt động được qua đó khiến cho mạng gia đình bị gián đoạn. Bằng chứng là khi mất điện các bạn nhấc điện thoại bàn (loại không cần cắm điện) sẽ thấy nó vẫn kêu.
Dựa vào lý thuyết đó, nếu chúng ta duy trì được nguồn điện cho các thiết bị thu tín hiệu mạng nói trên thì dù mất điện các bạn sẽ vẫn tiếp tục sử dụng mạng gia đình với tốc độ cao nếu như có Laptop hoặc điện thoại. Thậm chí dùng Internet trong thời điểm mất điện tốc độ có thể đạt cực đại vì các hộ gia đình trong khu vực lân cận cũng đang... mất điện.
Modem và Router Wifi là những thiết bị tiêu thụ điện năng không nhiều nên chỉ cần có một nguồn điện nhỏ dễ dàng mang đi mang lại là có thể duy trì nó trong vài tiếng đồng hồ. Vậy trong thời đại Smartphone hiện nay thiết bị tích trữ năng lượng nào luôn sẵn trong túi bạn? đó chính là cục Pin sạc dự phòng cho điện thoại.
Hãy bắt tay vào làm món đồ chơi của riêng các bạn:
Phác thảo lý thuyết:
Mặc dù tất cả các thiết bị điện tử trong gia đình chúng ta đều cắm trực tiếp vào điện lưới 220V nhưng trên thực tế nó chỉ cần một dòng điện 1 chiều có điện áp rất nhỏ thường là 9V hoặc 12V và những bộ adapter cắm vào ổ điện của chúng ta có tác dụng biến dòng điện xoay chiều 220V về thành dòng điện 1 chiều 9V hoặc 12V tùy thiết bị.
Vậy nên để duy trì được các thiết bị này với một viên pin dự phòng điện thoại có đầu ra là dòng điện 1 chiều 5V 1,5A hoặc 5V 2A tùy loại. Các bạn cần tìm cách biến dòng điện 5V này thành 9V hoặc 12V là chạy được.
Để đảm bảo sản phẩm hoạt động lâu dài và ổn định chúng tôi khuyên bạn cần tính toán một chút về công suất của Pin và thiết bị tiêu thụ như sau: với Pin có điện đầu ra là 5V 2A thì công suất được tính theo công thức vật lý cấp 3: P=U.I tức là 1 viên sạc dự phòng có thể cho công suất tối đa là 10W.
Tiếp tục tính công suất tiêu thụ tối đa của thiết bị bằng công thức trên nhưng dùng U và I trên adapter của thiết bị. Ví dụ ở đây chúng tôi dùng 1 chiếc Router Linksys có U = 9V và I = 0,6A nghĩa là công suất tiêu thụ tối đa bằng 9 x 0,6 = 5,4W (chỉ bằng 60% khả năng cung cấp của pin sạc dự phòng). Đây là điều kiện lý tưởng để sử dụng Pin sạc dự phòng để cấp điện cho Router và Modem.
Lưu ý rằng, công suất tiêu thụ mà chúng ta thử tính chỉ là công suất tối đa khi thiết bị hoạt động hết mức. Trên thực tế chúng tôi đã thử dùng mạch trên để bật một Router của Buffalo có U = 12V và I = 2A tức là công suất tới 24W nhưng nó vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chỉ trong 15 phút hoạt động mạch điện mà chúng tôi lắp thêm đã nóng bừng và có lẽ sẽ cháy chập gì đó nếu cố sử dụng và chúng tôi không khuyến khích cái này.
Và dưới đây là cách làm (thử nghiệm với 1 Router Linksys dùng nguồn 9V)
Chuẩn bị:
- Để tăng điện áp từ 5V lên 9V chúng tôi sử dụng một mạch tăng áp (hay còn gọi là mạch Boost) có thể mua sẵn tại các cửa hàng bán linh kiện điện tử với giá khoảng 120 ngàn đồng. Bạn đọc ở Hà Nội thì có thể tới chỗ mà tôi đã mua theo link tham khảo.
Mạch tăng áp.
- Một công tắc điện 6 chân dùng để chuyển giữa 2 chế độ "Mất điện" và "có điện" giá 6 ngàn đồng (link) Nếu có sẵn công tắc 3 chân thì các bạn có thể dùng 2 cái 3 chân thay cho công tắc 6 chân này cũng được.
- 1 Sợi cáp USB (lấy từ sợi cáp sạc thừa nào cũng được).
- Các dụng cụ điện phổ thông như kìm, kéo, băng dính, dây điện, mỏ hàn điện, thiếc v.v... Cái này nếu các bạn không dùng thường xuyên thì mang ra các cửa hàng sửa chữa điện tử nhờ họ làm theo hướng dẫn cũng được.
Tiến hành:
- Đầu tiên các bạn cần mạnh dạn cắt lìa phần chân cắm của Adapter vào Router ra (dũng cảm lên).
- Dùng đồng hồ đo điện chỉnh về thang đo điện trở để kiểm tra dây nào là cực âm dây nào là cực dương theo sơ đồ in trên Adapter.
Đồng hồ nhảy về 0 tức là thông mạch. Dây đó là cực nằm phía trong theo sơ đồ.
- Xác định vị trí sẽ phải hàn trên công tắc 6 chân. Đảm bảo 3 chân bên trái chỉ nối dây âm 3 chân bên phải chỉ nối dây dương.
- Khi đã xác đinh rõ phải hàn như thế nào thì bắt đầu hàn từng dây vào công tắc đúng như sơ đồ.
Hàn dây ra Router trước.
Dùng dây 2 màu để dễ phân biệt cực âm dương.
- Đối với đầu sẽ nối vào Pin dự phòng, các bạn nên chọn 1 đoạn dây 2 màu để hàn vào mạch tăng áp cho đúng chiều. Lưu ý rằng 2 dây từ công tắc sẽ nối vào phía OUT của mạch tăng áp.
- Lấy sợi cáp USB đã chuẩn bị cắt bỏ đầu nhỏ không dùng đến, lột lớp vỏ cao su chúng ta sẽ có 4 dây là Đen, Đỏ, Trắng, Xanh.
Chúng ta chỉ dùng 2 dây đen và đỏ gạt các dây khác ra và cắt bỏ. Với 2 sợi dây đỏ ( ) và đen (-) các bạn lột bỏ lớp nhựa để lộ dây đồng và hàn vào phần - tương ứng ở phía IN (đầu vào) của mạch tăng áp.
- Đối với công tắc sau khi hàn đủ dây, các bạn dùng 1 lớp băng dính lùa vào giữa các chân theo chiều dọc để chặn đảm bảo các chân không chạm nhau gây chập rồi mới cuốn băng dính cho kín chân.
Khi gạt sang trái, Router sẽ lấy điện từ Adapter như bình thường. Lúc mất điện các bạn gạt sang phải để dùng điện từ sạc dự phòng.
Sau khi nối xong thiết bị của bạn sẽ trông thế này.
- Cuối cùng các bạn chú ý vào chiếc biến trở màu xanh nằm trên mạch tăng áp. Hãy cắm Pin sạc dự phòng vào đầu USB (không cắm vào Router vội).
Biến trở (màu xanh) và vít điều chỉnh.
Sau đó dùng đồng hồ vạn năng vặn sang thang đo VDC và đo đầu OUT của mạch để đảm bảo điện áp đầu ra đúng với điện áp ghi trên Adapter. Nếu điện áp chưa đúng hãy vặn con vít trên biến trở để thay đổi điện áp đầu ra (xem clip để rõ hơn).
Vậy là các bạn đã chế tạo xong cho riêng mình một thiết bị giúp "Mất điện nhưng không mất mạng" rồi, Với những bạn dùng Modem và Router riêng, các bạn cần làm thêm 1 bộ giống vậy nữa để duy trì cả 2 thiết bị.
Phụ lục
Khi mất điện ngoài việc sử dụng Pin dự phòng các bạn hoàn toàn có thể sử dụng nguồn điện từ Ac quy xe máy có điện áp là 12V và dòng tối đa khoảng 5A để duy trì Modem.
Đối với những thiết bị dùng điện 12V các bạn không cần thêm mạch điện gì mà chỉ nối thẳng cực âm vào cực âm và cực dương vào cực dương của Acquy là thiết bị sẽ hoạt động bình thường. Do dòng tối đa của Acquy rất lớn nên các bạn không cần lo tính toán công suất làm gì vì hiện nay gần như không có thiết bị mạng gia đình nào tiêu thụ tới 60W điện cả.
Còn với người thích sử dụng Acquy nhưng Modem chỉ chạy ở điện áp 9V các bạn cần mua thêm 1 mạch hạ áp (mạch BUCK) với giá khoảng 35 ngàn đồng (link) để hạ điện áp từ 12V xuống 9V. Cách mắc hoàn toàn tương tự với mạch tăng áp.
Kết
Vậy là từ giờ khi nhà bị cắt điện các bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái vì ít nhất đầu óc của các bạn không bị sự bí bách của ngày hè giam cầm lại. Có Internet các bạn sẽ có rất nhiều thứ để làm giúp quên đi cái nóng hiện tại.
Chúc các bạn một mùa hè vui vẻ!
Cùng xem "nhà thông minh" giá chưa tới 3 triệu đồng của anh "nông dân" vui tính
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng