Muôn cách chặn dòng dung nham ngọn núi lửa lớn nhất thế giới ở Hawaii: Dùng cả máy bay ném bom lẫn 'niềm tin' đều vô vọng
Sử dụng bom, xây dựng các bức tường lớn hay thậm chí là cầu nguyện. Đó là tất cả những cách mà mọi người đã thử trong hàng thập kỷ qua để ngăn chặn dòng chảy của dung nham từ các núi lửa đang hoạt động ở Hawaii, khi nó lừ lừ tiến về phía đường sá và các ngôi nhà của người dân.
Mauna Loa, ngọn núi lửa lớn nhất thế giới phun trào trở lại sau 40 năm ngủ yên.
Hiện nay, Mauna Loa, ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới đã phun trào trở lại. Dung nham của nó đang dần tiếp cận với con đường quốc lộ nối liền phía đông và phía tây của Đảo Lớn, Hawaii. Và một lần nữa, những người sống ở đây đang đặt ra câu hỏi liệu họ có thể làm gì để ngăn chặn hoặc làm chuyển hướng dòng chảy.
Con người hiếm khi thành công trong việc ngăn chặn hướng đi của dung nham, bất chấp những tiến bộ vượt bậc về khoa học. Việc những dòng vật chất đỏ rực này chảy theo hướng nào còn phải phụ thuộc nhiều vào lực của dòng chảy cũng như địa hình của khu vực.
Nỗ lực chuyển hướng dung nham đã có một lịch sử lâu dài ở Hawaii. Năm 1881, khi dòng chảy từ ngọn núi Mauna Loa hướng về phía thị trấn Hilo, thống đốc của quần đảo đã tuyên bố người dân nơi đây sẽ dùng một ngày để cầu nguyện. Nhưng nó vẫn không vì thế mà dừng lại (tất nhiên rồi).
Con người gặp rắc rối trong việc ngăn chặn dòng chảy của dung nham.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, thời còn Vương quốc Hawaii, Nữ vương Lili'uokalani và một số người làm việc cho bà đã đến Hilo để xem xét cách cứu lấy thị trấn. Họ đã triển khai kế hoạch xây dựng các rào cản để chuyển hướng dòng chảy và đặt thuốc nổ dọc theo dòng dung nham để rút cạn nguồn cung cấp đá nóng chảy của chúng.
Ruth Ke'elikolani cũng đến gần dòng dung nham, dâng rượu và tấm khăn choàng đỏ rồi hát vang bài thánh ca, mong nữ thần Pele dừng dòng chảy lại và quay về với ngọn núi. May mắn thay, dòng chảy đã dừng lại trước khi các hàng rào được xây dựng.
Hơn 50 năm sau, Thomas A. Jaggar, người sáng lập Đài quan sát núi lửa Hawaii đã yêu cầu Bộ phận Không lực Lục quân Mỹ gửi máy bay chiến đấu đến để ném bom xuống gần núi lửa, tạo thành một lỗ thông hơi cho ngọn núi đang hoạt động và phá vỡ các dòng dung nham.
Theo Cục Công viên Quốc gia Mỹ, khi nhận được yêu cầu đó, trung tá George S. Patton đã chỉ đạo máy bay thả 20 quả bom phá huỷ nặng 272kg xuống hòn đảo, mỗi quả bom chứa tới 161kg thuốc nổ TNT.
Vụ đánh bom trên đã giúp "đẩy nhanh sự kết thúc của dòng chảy", nhưng điều đó bị nghi ngờ bởi Howard Stearns, một nhà địa chất có mặt trên chuyến bay ném bom cuối cùng. Trong cuốn tự truyện được viết vào năm 1983 của mình, ông cho hay: "Tôi chắc chắn đó là một sự trùng hợp".
Nhiều biện pháp đã được dùng để chuyển hướng dòng chảy nhưng không có kết quả.
Các nhà địa chất ngày nay cũng có cùng một suy nghĩ như vậy. Theo họ, dòng dung nham không hề được ngăn chặn bởi vụ đánh bom mà vì nó cũng đang có xu hướng giảm dần. Nếu không có sự ảnh hưởng của con người thì tự nó cũng sẽ dừng lại trong vài ngày tiếp theo.
Một cách khác được đề xuất bởi Rowland, nhà địa chất học tại Đại học Hawaii là các nhà chức trách có thể sử dụng máy móc để tạo nên một bức tường đá ngay trước đường cao tốc Daniel K. Inouye. Mặc dù vậy, dòng dung nham vẫn có thể chảy qua giống như trường hợp ở thị trấn Kapoho vào năm 1960.
"Thật khó để xây dựng một bức tường trước khi dòng chảy đến nơi. Vì nó đang hướng tới khu vực nhà ở, nên có lẽ chúng ta sẽ phải hy sinh một số ngôi nhà, điều này sẽ là một rắc rối về mặt pháp lý", Rowland chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà địa chất học cũng tin rằng hầu như mọi người ở Hawaii sẽ không muốn xây dựng một bức tường, vì đó được xem là một hành động chống lại nữ thần núi lửa Pele. Trong trường hợp dung nham chảy qua tuyến đường cao tốc, có lẽ việc họ có thể làm chỉ là xây dựng lại tuyến đường đó như năm 2018.
Hawaii vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào để ngăn chặn hay chuyển hướng dòng dung nham.
Lãnh đạo dân phòng Hawaii cho biết hiện bang không có kế hoạch cụ thể nào để chuyển hướng dòng chảy, mặc dù đã có một số cuộc thảo luận diễn ra. Thống đốc Hawaii David Ige, người đã từng chứng kiến vụ phun trào của núi lửa Kilauea năm 2018 tin rằng con người "không thể chiến thắng thiên nhiên và nữ thần Pele".
Nhà văn hoá bản địa Kealoha Pisciotta nói rằng: "Ý tưởng có thể ngăn chặn dòng dung nham là một luồng tư tưởng đến từ phương Tây, cho rằng con người có thể kiểm soát mọi thứ. Nhưng điều chúng ta cần làm là thích ứng với dòng chảy, không phải là tìm cách tránh đi. Chúng ta không thể tách khỏi tự nhiên, vì bản thân con người cũng là một phần của nó".
Nguồn: PBS NewsHour
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng