Muốn cải thiện kỹ năng nhiếp ảnh, hãy chụp ảnh phim!
Với những tiện lợi mà máy ảnh kỹ thuật số ngày nay mang lại, tại sao vẫn còn nhiều người trên thế giới và cả Việt Nam tiếp tục chọn máy ảnh phim?
Không thể phủ nhận máy ảnh kỹ thuật số đã đem lại nhiều sự tiện dụng cho người chụp ảnh, tuy nhiên ảnh phim vẫn có một nét gì đó đặc trưng khiến nhiều người không thể rời mắt. Bằng chứng là hiện nay đã có khá nhiều người dùng trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng vẫn rất yêu phim hay có thể nói là cuồng đạo, thậm chí một bộ phận giới trẻ hiện nay cũng đã quay lại để chụp ảnh phim. Vậy tại sao họ lại vẫn tiếp tục chọn ảnh phim thay vì kỹ thuật số?
1. Chụp ảnh phim khiến bạn trở nên chậm rãi hơn
Kể từ khi thời đại máy ảnh kỹ thuật số ra đời, con người dần có xu hướng chụp và chụp. Chúng ta bắt khoảnh khắc cuộc sống bằng những chiếc máy ảnh, smartphone và rồi chia sẻ chúng lên các phương tiện mạng xã hội như Instagram, Facebook, Snapchat hay Twitter. Chính vì sự tiện dụng này, chúng ta cứ việc bấm chụp liên tục mà chẳng hề suy nghĩ hay đắn đo gì về chúng.
Việc chụp một cuộn phim sẽ khiến bạn phải suy tính nhiều hơn, do chúng thường chỉ có 12, 24 hoặc 36 kiểu để bấm. Chính điều này khiến cho chúng ta phải cân nhắc trong mỗi lần bấm máy, nó khiến bạn tập tính kiên nhẫn.
Việc chụp phim còn mang đến cho chúng ta trải nghiệm thiền định. Bạn có thể chụp một cuộn phim đó trong 1 giờ, 1 ngày hay thậm chí cả tuần. Nhưng sự trải nghiệm mà bạn nhận được khác hoàn toàn với việc chụp số, vốn chỉ biết bấm, bấm và bấm. "Chậm" trong mỗi lần bấm máy sẽ khiến bạn quý giá và trân trọng bức ảnh của mình hơn. Bên cạnh đó, việc chờ đợi để tráng ra những bức ảnh sau khi chụp xong cuộn phim sẽ mang lại một trải nghiệm thú vị cho bạn.
2. Kỷ luật được hình thành từ những giới hạn
Chi phí cho một cuộn phim hiện nay khá đắt đỏ. Không chỉ mua phim về chụp, bạn còn tốn cả chi phí cho việc tráng thuốc và scan ra file ảnh. Việc một số nhà sản xuất phim bắt đầu ngừng phát hành một số loại phim khiến cho số lượng của chúng trên thế giới ngày càng khan hiếm, dẫn đến giá cả ngày một tăng theo.
Chính vì vậy, không thể nào bạn có thể chụp được 500 tấm ảnh mỗi ngày trong suốt 1 năm, trừ khi bạn là người chụp ảnh dịch vụ kiếm tiền. Đây có thể sẽ là điều thất vọng đối với một số người, những người muốn chụp thật nhiều để lưu giữ mỗi ngày. Nhưng trên thực tế, nếu bạn bị giới hạn trong khuôn khổ, tính kỷ luật sẽ được hình thành, bạn sẽ nghiêm khắc hơn với từng tấm ảnh mình chụp ra và vì thế kỹ năng nhiếp ảnh từ đó sẽ được cải thiện hơn.
3. Chụp phim là một trải nghiệm về xúc giác
Khi sử dụng máy ảnh phim - dù là một chiếc máy nhỏ nhắn, một máy SLR hay một máy khổ medium format - chúng ta đều phải lắp phim vào trước khi chụp. Cảm giác mở nắp phim, lắp phim vào lõi, lên cò và bắt đầu bấm phim để chụp...tất cả những giai đoạn đó giống như một "nghi thức" thiêng liêng mà ta trải nghiệm được khi chụp phim. Đối với việc chụp số, chúng ta chẳng bao giờ có được những cảm giác chân thực đến thế.
4. Không cần phải nhìn chăm chăm vào màn hình
Ngày nay chúng ta đều phải chăm chăm vào màn hình của các thiết bị điện tử từ máy tính, điện thoại, và cả máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, với ảnh phim chúng ta sẽ tương tác một cách khác biệt, thay vì có thể nhìn được kết quả ảnh ngay lập tức như trên ảnh số, ảnh phim buộc chúng ta phải hình dung khung cảnh sẽ được "bắt" vào phim và chờ đến lúc xong cuộn phim để đem đi tráng. Bằng cách này, chụp ảnh phim một lần nữa lại khiến người chụp phải sáng tạo, tưởng tượng nhiều hơn cũng như cẩn thận và tỉ mỉ hơn.
5. Chỉ cần chụp, đừng quá chú trọng vào việc chỉnh sửa
Việc chụp phim sẽ đưa mọi người về với những gì cơ bản nhất, sơ khai nhất - chụp ảnh và tráng rửa ảnh. Đối với những người chụp ảnh số, họ thường có xu hướng chụp trước rồi sau đó về sẽ chỉnh sửa ảnh sau. Nhưng đối với ảnh phim thì có phần khác đi, mỗi loại phim sẽ có chất ảnh khác nhau và có màu đặc trưng riêng nên họ sẽ không cần phải "blend" màu nữa.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận việc những nhiếp ảnh gia chụp phim trước đây cũng can thiệp vào ảnh bằng kỹ thuật phòng tối, tuy nhiên họ đều trân trọng từng khoảnh khắc mà họ ghi lại trên tấm phim và việc chỉnh sửa đều nằm trong giới hạn nhất định mà không đi quá đà như những gì Photoshop ngày nay có thể làm với ảnh số.
6. Bạn học được cách "đọc" ánh sáng
Hệ thống đo sáng ngày nay trên các máy ảnh kỹ thuật số ngày càng tối tân, khiến mọi người dần quên đi cách tự đo sáng - cách mà người xưa vẫn hay áp dụng trên những máy ảnh cổ. Việc học cách chụp một tấm ảnh đúng sáng trên một chiếc máy ảnh không có hệ thống đo sáng là một thử thách với người chụp. Bạn cần phải hiểu rõ lượng sáng đang có trong khung cảnh và từ đó quyết định giá trị phơi sáng vào phim cho đúng như ý muốn.
Rất nhiều câu hỏi hóc búa được đặt ra, liệu rằng chủ thể có được rọi sáng vào, hay đang ngược sáng, hay phần hậu cảnh có tối quá không?...Tất cả những câu hỏi này đều sẽ được giải đáp qua những lần thử nghiệm và sai sót. Tất nhiên sau những lần đó, bạn sẽ dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, mặc dù đó có thể là những bài học khá "đắt đỏ".
Bạn đọc có thể tham khảo thêm cách nhẩm đo sáng tại đây.
7. Mỗi cuộn phim lại mang đến cho chúng ta một bất ngờ thú vị khác nhau
Các cuộn phim rất "nhạy cảm" với môi trường xung quanh. Ngay từ khi xuất xưởng là phim đã bắt đầu "già" đi từng ngày, tất cả phim đều có hạn sử dụng và các chất hóa học bên trong sẽ dần bị rã ra nếu đã quá hạn dùng. Tuy nhiên, mỗi cuộn phim sẽ tùy theo cách bảo quản sẽ có chất lượng ra ảnh khác nhau, nhất là đối với những phim đã hết hạn. Điều này có nghĩa kết quả mà mối cuộn phim mang lại sẽ hoàn toàn khác nhau.
Khi chọn chup phim hết hạn, kết quả bạn nhận được sẽ luôn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ màu sắc, cho đến khả năng phơi sáng của tấm phim, hoặc thậm chí tấm ảnh đó của bạn cũng có thể bị hỏng do phim đã hết hạn quá lâu.. Mỗi tấm ảnh hay mỗi cuộn phim sẽ có một kiểu màu rất hay mà ngay cả các phần mềm xử lý ảnh sau này đều phải bắt chước các filter để có được cho ảnh số. Và tất nhiên, nếu chụp bằng số và hậu kỳ bằng những loại filter đó thì sẽ chẳng bao giờ có được trải nghiệm độc đáo và hồi hộp như kiểu chụp phim được.
8. Chờ đợi là hạnh phúc
Sau chuyến du lịch vài ngày hoặc thậm chí cả tuần, bạn mới có thể đem cuộn phim đi tráng và chờ kết quả. Thoạt nghe qua bạn sẽ thấy nó như một cực hình hay đơn giản chỉ là một trò đùa. Tuy nhiên, chụp phim là thế. Nếu chọn chụp số, bạn có thể đăng tải ảnh ngay lên Facebook hay Instagram và nhận được cả khối lượt like, rồi sau đó lại chóng quên đi, nhưng chụp phim lại không như thế. Nó khiến chúng ta phải chờ đợi, đến khi có được ảnh, ta lại thấy nó quý đến nhường nào và giá trị kỷ niệm lại được nâng cao hơn. Đến lúc đấy, khi xem lại từng tấm ảnh, ta lại ôn được những kỷ niệm cũ đã qua trong vòng vài tuần trước hoặc vài tháng trước.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng