Muốn con thành công, bố mẹ nhất định phải nhớ 7 điều sau

    Phuonlinn,  

    Thành công của con cái luôn là điều mong ước của bất cứ bố mẹ nào nhưng không phải cứ mang con đến các lớp bồi dưỡng là con có thể thành công luôn được mà nó còn phụ thuộc vào khả năng của trẻ và sự chăm sóc của cha mẹ.

    Dạy con những điều cơ bản và quen thuộc nhất từ lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng chào hỏi… từ khi còn là một đứa trẻ, nó sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển, nhân cách sống khi trưởng thành. Dưới đây là 7 điều cơ bản, bạn nên dạy con khi con là một đứa trẻ.

    1. Yêu thương, chăm sóc chu đáo cho con

    Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 đã chỉ ra rằng những đứa trẻ được thương yêu chăm sóc trong 3 năm đầu đời không chỉ có khả năng đạt được thành tích học tập cao, mà còn có thể có nhiều mối quan hệ tốt sau này, và đạt được nhiều thành công hơn ở độ tuổi 30.

    Trang PsyBlog cũng từng cho biết, khi những người làm cha mẹ dành cho con sự chăm sóc tốt nhất, nghĩa là họ đang đem đến cho con một nền tảng vững chắc, giúp chúng bước vào đời với sự chuẩn bị kỹ càng nhất.

    Điều này cũng có nghĩa là tình yêu thương của bố mẹ trong những năm đầu đời giống như một sự đầu tư có thể đem lại lợi nhuận dài hạn, được tích lũy trong suốt cuộc đời con người.”, đồng tác giả của nghiên cứu, nhà tâm lý học Lee Raby tới từ Đại học Minnesota chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

    2. Không tạo áp lực cho trẻ

    Theo một nghiên cứu gần đây được nhắc đến bởi Brigid Schulte trên trang Washington Post, lượng thời gian mà người mẹ dành cho con trong độ tuổi từ 3 đến 11 tỉ lệ thuận với sự phát triển tốt của trẻ, về hành vi ứng xử, tính cách cũng như học tập.

    Tuy nhiên, điều này đôi lúc có thể đem lại những tác dụng ngược.

    “Khi người mẹ gặp phải căng thẳng, đặc biệt là khi công việc quá bận rộn mà họ vẫn phải sắp xếp thời gian để chăm con, điều đó có thể gây ra cho con những tác động không hề tốt.”, theo tác giả của nghiên cứu – nhà xã hội học Kei Nomaguchi thuộc Đại học Bowling Green State.

    Lý do của những tác động đó là một hiện tượng tâm lý mang tên “sự lây lan cảm xúc”, đó là khi cảm xúc của một người có thể tạo nên cho những người quanh họ một cảm xúc tương tự. Nghiên cứu đã lấy ví dụ rằng nếu bạn của bạn vui vẻ, niềm vui ấy sẽ truyền tới bạn; còn khi người bạn ấy buồn, nỗi buồn ấy cũng sẽ đến với bạn. Với bố mẹ cũng vậy, nếu họ cảm thấy mệt mỏi hay căng thẳng, những cảm xúc tồi tệ ấy cũng sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ.

    3. Ghi nhận mọi cố gắng của đứa trẻ

    Qua suốt vài thập kỉ, nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford đã chỉ ra rằng trẻ em (hay kể cả người lớn) nghĩ về sự thành công theo 1 trong 2 cách.

    Tư duy bảo thủ: Những người theo lối tư duy này sẽ nghĩ rằng tính cách, trí thông minh, và khả năng sáng tạo của chúng ta đã được định sẵn theo gen, và không thể làm gì để thay đổi chúng. Thành công chỉ đến với những người có trí thông minh bẩm sinh, và những người này có xu hướng chỉ biết đến sự thành công mà khó chấp nhận bất cứ một thất bại nào, họ cho rằng chỉ như vậy mới có thể duy trì, giữ gìn được những khả năng vốn có của mình.

    Tư duy cầu thị: Những người có lối tư duy này lại hoàn toàn tin rằng khả năng và trí thông minh có thể được phát triển thông qua nỗ lực rèn luyện, đấu tranh và thất bại.

    Chính những lời nhận xét của bố mẹ sẽ ảnh hưởng tới lối tư duy của con cái. Nếu một đứa trẻ được khen khi chúng đạt điểm cao là nhờ sự thông minh, điều đó có thể tạo ra cho chúng lối tư duy bảo thủ. Nếu bạn khen rằng con thành công là bởi sự nỗ lực, việc này sẽ dẫn dắt con theo lối tư duy cầu thị.

    4. Công việc của người mẹ có ảnh hưởng nhất định lên con

    Theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh doanh thuộc Đại học Havard, việc người mẹ đi làm rất có lợi cho sự phát triển của trẻ.

    Theo đó, những bé gái có mẹ đi làm thì sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học, và có xu hướng tìm được một công việc tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, trung bình 23% so với những đứa trẻ có mẹ làm nội trợ. Còn con trai của các bà mẹ đi làm thì có xu hướng làm việc nhà và tự chăm sóc bản thân nhiều hơn. Điều này có nghĩa là, theo nhiều cách khác nhau, việc mẹ đi làm sẽ là một tấm gương tốt cho con noi theo.

    Vai trò của một người trong gia đình sẽ ảnh hưởng tới hành động, suy nghĩ của người ấy.” Người thực hiện chính của nghiên cứu, giáo sư Kathleen L. McGim thuộc Đại học Kinh doanh Havard cho biết. “Việc người phụ nữ đi làm chính là một cách để hạn chế sự bất bình đẳng giới.”

    5. Củng cố địa vị kinh tế - xã hội của bản thân

    Có một sự thật đáng buồn là một phần năm trẻ em Mỹ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, và điều này chính là trở ngại lớn cho sự phát triển của trẻ.

    Theo nghiên cứu sinh Sean Reardon thuộc đại học Stanford, hiện tượng này ngày càng trở nên rõ rệt. Khoảng cách về thành tích học tập giữa những đứa trẻ sống trong các gia đình có thu nhập cao và thấp ngày càng lớn, tăng lên khoảng 30-40% so với 25 năm trước đây.

    Tác giả của cuốn “Drive” – Dan Pink đã từng nói, thu nhập của cha mẹ tỉ lệ thuận với điểm SAT của đứa trẻ. Ông cho rằng địa vị kinh tế xã hội của bố mẹ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới nền tảng giáo dục của con cái.

    6. Hãy truyền cảm hứng chứ đừng gieo rắc nỗi sợ hãi

    Được công bố lần đầu vào thập kỉ 1960, nhà tâm lý học Diana Baumride thuộc Đại học California đã chỉ ra ba kiểu cha mẹ:

    Những bậc phụ huynh dễ tính luôn cố gắng chiều theo những gì con muốn. Những người độc đoán thì luôn định hướng, chấn chỉnh con dựa theo những nguyên tắc, khuôn khổ nhất định. Những cha mẹ là người có uy với con thì thường dạy con một cách nghiêm khắc nhưng có chừng mực.

    Và kiểu thứ ba được cho là lý tưởng nhất. Đứa trẻ cần được nuôi dạy theo những khuôn phép, nhưng không nên quá cứng nhắc.

    7. Dạy con về lòng dũng cảm

    Năm 2013, nhà tâm lý học Angela Duckworth thuộc Đại học Pennsyvania đã đạt được trao giải thưởng MacArthur nhờ công trình nghiên cứu của mình, mà theo đó, sự can đảm là một trong những tính cách dẫn đến sự thành công và quyền lực.

    Sự can đảm được thể hiện qua việc sẵn sàng và kiên trì theo đuổi một mục đích đã đề ra. Nghiên cứu của Angela cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự can đảm với thành tích học tập, điểm số của trẻ.

    Vì vậy, hãy dạy cho con biết mơ ước về tương lai, và biến mơ ước ấy thành sự thực.

    Tham khảo Techinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày