Năm 2016, Apple phải đối mặt với "Lời Nguyền 6 Năm"
Năm nay là năm thứ 6 Apple vắng bóng Steve Jobs. Đây không phải là lần đầu tiên Apple vắng bóng Steve Jobs trong vòng 6 năm, và những gì đã từng diễn ra sẽ khiến các iFan phải giật mình khi "ghép" với tình hình của năm nay.
Ngày 24/8/2011, Steve Jobs, nhà sáng lập huyền thoại của Táo nhường lại ghế nóng cho COO Tim Cook và trở thành chủ tịch Apple. Ông chỉ nắm giữ vị trí này trong vòng 6 tuần trước khi mất đột ngột vào ngày 5/10/2011.
Nhưng quá trình chuẩn bị cho Tim Cook lên nắm quyền thực chất đã bắt đầu từ năm 2009, khi Jobs lần đầu tiên tạm ngừng công việc để chăm lo sức khỏe của mình. Cook nắm quyền lực như hiện nay kể từ tháng 1 năm 2011, khi Steve Jobs tạm ngừng công việc lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng để điều trị ung thư.
Năm 2016 sẽ là năm thứ 6 Apple thiếu vắng nhà sáng lập huyền thoại Steve Jobs. Đây không phải là lần đầu tiên Apple phải đối mặt với tình cảnh đó.
Hơn 30 năm trước
Đầu thập niên 80, sau thành công khổng lồ của Apple II, thất bại muối mặt của Apple III và LISA rồi nối tiếp là thành công bất ngờ của Macintosh I, nội bộ Apple đã rối loạn tới mức đỉnh điểm. Tình bạn giữa Steve Wozniak và Steve Jobs tan vỡ, Steve Woz rời công ty và ban quản trị Apple yêu cầu CEO John Sculley phải “kiểm soát” Jobs để nhà sáng lập Táo không được đốt tiền của họ vào các dự án nghiên cứu sản phẩm mới.
Năm 1985, Jobs tìm cách lật đổ CEO John Sculley, người được chính ông tuyển mộ về Apple 2 năm trước đó. Ban quản trị Apple về phe Sculley, kết quả là Steve Jobs bị ép phải rời khỏi chính công ty do chính ông sáng lập và đặt tên.
Cơn ác mộng của Apple chưa bắt đầu ngay. Trái lại, thành công của chiếc Macintosh đã đưa Apple sang một thời đại rực rỡ hơn rất nhiều so với khi Steve Jobs vẫn còn nắm quyền. Tầm nhìn ban đầu được Jobs dành cho Macintosh là mức giá chỉ 1000 USD để phần đông người tiêu dùng tiếp cận (cũng là một cách để “hạ nhục” chiếc LISA đắt tiền mà ông bị Sculley ép phải “nhường” cho người khác). Khi Jobs đã bị đuổi cổ, Apple bắt đầu gia tăng giá bán cũng như lợi nhuận biên của máy Mac.
Macintosh II và máy in LaserWriter.
Theo cùng một cách iPhone bán chạy vì giá... không rẻ, Macintosh II vẫn thành công nhờ có màn hình màu và quan trọng hơn là khả năng hỗ trợ máy in. Vào thời điểm năm 1985, Apple là tên tuổi đầu tiên cho phép người dùng theo đuổi thú vui in ấn từ chính chiếc máy vi tính của họ khi kết hợp giữa Macintosh II, máy in LaserWriter cùng những phần mềm độc quyền như MacPublisher và PageMaker. Kết quả là Macintosh II dù đắt “cắt cổ” nhưng vẫn bán chạy và mang về cho Apple lợi nhuận biên tới... 55%, tức là gấp rưỡi cả biên lợi nhuận của chiếc iPhone hiện tại.
Chưa dừng lại ở đây, Apple liên tiếp ra mắt nhiều phân khúc sản phẩm mới, bao gồm cả những chiếc máy Mac giá rẻ để giúp doanh thu tăng vọt cũng như dòng laptop PowerBook. Thậm chí, series PowerBook đầu tiên còn thu về 40% doanh thu của toàn bộ thị trường laptop.
Giai đoạn 1989 và 1991 sau đó được gọi là “thời đại hoàng kim” của máy Mac.
Apple PowerBook 100.
Nhưng Apple dưới thời John Sculley không thể duy trì thành công quá 6 năm kể từ ngày Steve Jobs ra đi. Danh mục sản phẩm của Táo kể từ thời điểm 1991 thực sự rối loạn khi các model giá thấp gây ảnh hưởng trầm trọng tới model giá cao. Nhằm khắc phục vấn đề này, Apple phân tách máy Mac thành 3 series Quadra, Centris và Performa ở 3 phân khúc giá khác nhau. Kết quả là người tiêu dùng vẫn chẳng thể phân biệt nổi giá thấp thì hơn giá cao ở điểm nào, và doanh số Mac chìm vào khủng hoảng.
Thảm họa nối tiếp thảm họa. Apple lấn sân sang các lĩnh vực như máy chơi CD di động, camera, loa để bàn và thậm chí là cả máy chơi game chỉ để chuốc lấy thất bại. Cùng lúc, Sculley vẫn cho phép các đối thủ cạnh tranh được phép sản xuất phần cứng "Mac nhái" cho hệ điều hành System 7 của Apple. Trong khoảng thời gian này, hệ điều hành Windows của Microsoft trỗi dậy mạnh mẽ và đến Windows 95 thì thực sự đè bẹp Macintosh. Đây lại là một sai lầm ngớ ngẩn từ phía John Sculley sau khi vị CEO này đồng ý nhượng quyền một vài yếu tố của giao diện GUI cho Microsoft tạo ra Windows dưới sức ép từ Bill Gates (nhà sáng lập của Microsoft dọa sẽ ngưng hỗ trợ Office trên Mac).
Ngay đến một sản phẩm thành công như PowerBook cũng khốn đốn vì tình trạng lục đục nội bộ của Apple dưới thời Sculley. Sau khi ra mắt PowerBook thế hệ thứ nhất, toàn bộ đội ngũ phát triển chiếc laptop này bỏ sang làm việc cho Compaq. Thế hệ kế tiếp, PowerBook 500 phải đến tận 1994 mới xuất xưởng nhưng lại chẳng đem lại cải thiện hiệu năng đáng kể nào cho PowerBook 100. Khi chuyển sang kiến trúc PowerPC, chiếc PowerBook 5300 lại gây ra mối họa lớn cho cả Apple lẫn người tiêu dùng khi... dễ cháy nổ.
Từ năm 1991, tức là vào bước vào năm thứ 6 sau khi loại bỏ Steve Jobs, Apple đã bắt đầu sụp đổ trên mọi phương diện. Quá trình hấp hối của Apple kéo dài từ thời điểm này cho tới tận khi Steve Jobs quay về và hồi sinh công ty do chính mình sáng lập với chiếc iMac.
2016 và những vấn đề đầu tiên
Chuỗi ngày tháng “lên voi rồi xuống chó” của Apple thời kỳ hậu-Steve Jobs trong nửa cuối thập niên 1980 chắc hẳn đã khiến bạn giật mình. 6 năm kể từ khi Tim Cook lên thay thế cho Steve Jobs, iPhone đang trở thành chiếc Macintosh thứ 2.
Với thành công khổng lồ của iPhone 5, 5s, 6 và thậm chí là cả thế hệ 6s mới ra mắt vào năm ngoái, Apple trong thời đại hậu-Steve Jobs thứ 2 đã lần lượt phá vỡ các cột mốc trị giá thị trường và cũng trở thành công ty niêm yết đầu tiên cán mốc 700 tỷ USD. Khi iPad chóng tàn còn các mảng Mac, iPod và Apple Watch không thể đột phá, iPhone là sản phẩm quyết định tới thành công và thất bại của Táo. Với doanh số bán ra có thể lên tới hơn 70 triệu máy trong một quý, iPhone đơn thương độc mã đưa Apple tới đỉnh cao theo cùng một cách của máy Mac cuối thập niên 1980.
Cho đến tận đầu năm nay, iPhone cũng đem lại lợi nhuận biên vô cùng choáng ngợp cho Táo. Thị trường hi-tech của thập niên 2010 không cho phép Apple “ăn” tới 55% lợi nhuận trên iPhone như đã từng làm với Macintosh II, nhưng từng chiếc iPhone bán ra cũng mang về tới 40% lợi nhuận trên giá bán. Bằng cách này, dù bị Samsung và nhiều nhà sản xuất đè bẹp về doanh số và thị phần, Apple vẫn nắm giữ tới 90% lợi nhuận của cả ngành sản xuất smartphone. Phần đông nhà sản xuất khác hoặc là hòa vốn hoặc là chịu lỗ.
Thành công của iPhone kéo dài từ năm này qua năm khác nhờ lần lượt chinh phục các thị trường phát triển rồi đến Trung Quốc. Thậm chí, đến năm 2015, Apple vẫn có thể gây bất ngờ khi lập kỷ lục bán được tới 13 triệu chiếc iPhone đời "S" có thiết kế giữ nguyên từ 2014.
Đáng tiếc là cơn sốt iPhone không thể kéo dài vĩnh viễn. Trung Quốc gặp khủng hoảng tiền tệ trong năm 2015 và đến quý 1/2016, doanh số iPhone bỗng chốc giảm “sốc” tới 10 triệu máy so với cùng kỳ năm trước đó. Đến tháng 3 vừa qua, Tim Cook vén màn iPhone SE, chiếc smartphone đầu tiên được Apple dùng để tấn công vào phân khúc tầm trung một cách nghiêm túc.
Bạn có thể thấy kịch bản Macintosh 1991 đang lặp lại một cách gần như hoàn hảo. Nếu như trước đây iFan chỉ cần trông chờ iPhone đánh số rồi đến iPhone S thì trong vài năm vừa qua, chúng ta đã có iPhone 5c, iPhone SE, iPhone 6 Plus và iPhone 6s Plus. Nói một cách khách quan thì chủng loại iPhone vẫn còn khá ít và rất dễ phân biệt chứ chưa rối loạn như Xperia của Sony hoặc Galaxy của Samsung, nhưng Tim Cook và cả các iFan sẽ cần phải lo lắng về tên gọi và vị trí của các mẫu iPhone trong tương lai. Ví dụ, đến tháng 9 sắp tới, khi đã có iPhone SE thì liệu Tim Cook có giáng iPhone 6 xuống mức giá 450 USD vốn được dành cho 5s? Đến tháng 3 năm sau iPhone SE có được nâng cấp lên thế hệ mới, và nếu có thì đây sẽ là là iPhone 6c, iPhone 6SE hay iPhone SE 2?
Tầm nhìn dành cho iPhone SE có phải là “Lắp cấu hình mới nhất vào lớp vỏ của iPhone thế hệ cách đó 2 năm”? Nếu cách định nghĩa này là chính xác, chiếc iPhone SE 2 sẽ có vỏ của iPhone 6 và cấu hình của iPhone 7. Một chiếc iPhone SE 2 như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề tới doanh số của mẫu iPhone 7 cỡ nhỏ, bất kể là 4.7 inch, 5 inch hay 5.2 inch. Liệu người dùng có còn muốn tiết kiệm tiền mua iPhone 7 khi họ biết chắc chắn rằng chỉ 6 tháng sau ngày vén màn thế hệ mới, Apple cũng sẽ ra mắt một chiếc iPhone không kém phần mạnh mẽ?
Rõ ràng là Tim Cook đang muốn giải quyết vấn đề doanh thu khi đem cấu hình xuống giá thấp. Theo cùng một cách chiếc Macintosh LC đã từng làm hại những dòng máy Mac cao cấp, iPhone SE hoàn toàn có thể coi là đối thủ đáng gờm nhất của iPhone 7.
Bên ngoài các mảng kinh doanh trọng yếu như iPhone, iPad và Mac, Apple của năm 2015 cũng đã có những bước tiến mới mẻ sang các thị trường smartwatch và đầu phát TV thông minh. Theo tin đồn của báo chí, Apple cũng muốn tham gia phát triển kính VR và xe tự lái. Liệu kịch bản của máy chơi game Pippin và camera QuickTake có lặp lại?
7 năm không có Jobs
Năm 1991, 6 năm kể từ khi đuổi Steve Jobs, Apple bắt đầu thực sự xuống dốc khi sức hấp dẫn của Macintosh đã bắt đầu cạn kiệt. Năm 2016, cũng là năm thứ 6 Apple phải sống thiếu cha đẻ Steve Jobs, chiếc iPhone cũng đã bắt đầu tuột dốc không phanh. Những kịch bản không mấy dễ chịu của 25 năm trước đang lặp lại.
Nhưng các iFan cũng chưa cần phải lo lắng. Đầu tiên, Tim Cook là một nhà chiến lược tài ba chứ không chỉ giỏi “bán nước ngọt” (lời Steve Jobs) như John Sculley. Dưới triều đại Steve Jobs, phó tướng Tim Cook đã xây dựng chu trình cung ứng siêu đẳng tới mức HP phải chua chát thừa nhận mẫu tablet TouchPad của hãng này toàn dùng... linh kiện iPad lỗi bị Apple từ chối.
Với những bước đi hợp lòng fan hâm mộ như ra mắt iPad cỡ nhỏ và iPhone cỡ lớn, vốn đều là những sản phẩm bị Steve Jobs phản đối, Tim Cook thực chất đã đưa Apple lên tầm cao mà Steve Jobs không thể nào làm được, bởi cuối cùng thì nhà sáng lập của Táo cũng chỉ thực sự tài giỏi khi dành sự chú ý của mình cho những phân khúc sản phẩm mới. Đây lại là một thế mạnh khác của Apple 2016 so với Apple 1991: Táo của ngày nay vẫn còn nhà thiết kế Jony Ive, truyền nhân thực sự của Steve Jobs. Ive là người đã cùng Jobs tham gia thiết kế tất cả những sản phẩm quan trọng nhất của Apple "mới", trong đó chiếc iMac và iPhone có thể coi là “con của Ive” nhiều hơn là “con của Jobs”.
Apple vẫn có Jony Ive, người bạn thân, truyền nhân của Steve Jobs.
Trở lại với Tim Cook. Vị CEO này gia nhập vào đầu năm 1998, khi Apple vừa mới phải xin cứu trợ từ Microsoft và vẫn còn rất khó khăn. Trong khi chiếc iMac đủ tốt để thu hút người dùng, chính Tim Cook mới là người tạo ra một bộ máy cung ứng hoàn thiện để iMac có thể cứu được Apple. Cứ giả sử Apple của ngày hôm nay có thể một lần nữa rơi vào thế bí, Tim Cook vẫn sẽ có cách để lèo lái con thuyền này trở lại thành công.
Quan trọng hơn hết, những vấn đề của máy Mac đang lặp lại nhưng có phải là quá nghiêm trọng? Doanh số Mac và iPad dù lẹt đẹt nhưng chỉ riêng một trong 2 mảng này của Táo đã có doanh thu ngang ngửa với Facebook. Apple Watch và Apple TV chưa thực sự khởi sắc, nhưng mảng kinh doanh các sản phẩm này của Táo cũng đang có doanh thu cao gấp đôi NVIDIA. Nội bộ của Apple dù đôi khi vẫn có xáo trộn nhưng cũng không rơi vào cảnh tan vỡ như thời kỳ Sculley.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng những iFan của ngày hôm nay rất trung thành với iPhone và iPad. Nếu xét riêng về mặt lợi nhuận cũng như thị phần ở phân khúc cao cấp thì Apple luôn đè bẹp các đối thủ khác.
Tất cả những điều này không có nghĩa rằng Apple sẽ sống sót hay sẽ chết khi kỷ nguyên smartphone đi qua, bởi số phận cuối cùng của Apple còn phụ thuộc rất nhiều vào Cook, Ive và hàng triệu iFan. Thế nhưng, năm nay cũng là năm thứ 6 Apple không có Steve Jobs dìu dắt. Apple liệu có sống tốt qua năm thứ 7, thứ 8, thứ 9, thứ 10 khi nhà sáng lập huyền thoại của họ không còn nữa? Sau này, liệu chúng ta có nhìn lại những năm cuối thập niên 2010 một cách u ám như những năm cuối 1980? Hãy cùng chờ đợi xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng