Năng suất lao động người Việt đã thua Lào và đang tăng chậm lại!

    PV,  

    Năng suất lao động người Việt đang tăng chậm lại và tụt hậu so với nhiều nước khác. Tốc độ tăng năng suất chỉ bằng một nửa tốc độ của Trung Quốc và không quá vượt trội so với các nước ASEAN khác, trong khi thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp qua.

    Động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là khu vực nào, khi tốc độ tăng năng suất của cả 3 khu vực Nông – lâm – thủy sản, Công nghiệp – xây dựng và Dịch vụ gần như ngang nhau? Luôn nói ưu tiên các ngành mũi nhọn, nhưng dường như chính sách ưu tiên của Việt Nam vẫn tương đối dàn đều?

    “Một dấu hiệu có vẻ như tích cực là tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm gần đây có xu hướng nhanh hơn dần”, ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại buổi công bố điều tra kinh tế và xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2016 cuối tháng 4.

    Đừng quên có giai đoạn những năm 2008 – 2011, năng suất lao động tương đối thấp. Cho nên sự tăng trưởng sau một thời gian dài trầm lắng là dấu hiệu tích cực, nhưng chỉ là nền tảng ban đầu.

    Mặc dù tăng năng suất lao động phục hồi chậm, nhưng mức tăng này còn thua xa mức tăng năng suất trong các giai đoạn “hoàng kim”, giai đoạn 1989 - 1996, và 2000 – 2006 – hai giai đoạn Việt Nam mở cửa và cải cách mạnh mẽ nhất, cởi mở cả với “bên ngoài lẫn bên trong”.

    Trong đó, năng suất lao động khu vực công nghiệp và xây dựng – khu vực Việt Nam kỳ vọng nhiều và coi như động lực của quá trình đổi mới – không có nhiều chuyển biến.

    “Có vẻ như khu vực Công nghiệp - xây dựng không còn đột phá so với 2 khu vực còn lại, mà hội tụ dần tốc độ tăng năng suất với 2 khu vực này”, ông Dương bình luận.

    Dường như yêu cầu về cải thiện năng suất của Việt Nam và chính sách ưu tiên các ngành đang tương đối dàn đều, không có trọng điểm.

    “Có vẻ chúng ta nói ưu tiên khu vực Công nghiệp – xây dựng nhưng còn thiếu những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá”.

    “Năng suất lao động các ngành không khác nhau thì động lực chính của tăng trưởng kinh tế là khu vực nào? Có phải sự dàn đều này do chính sách thiếu trọng tâm?”, ông Dương đặt vấn đề.

    So với các nước lân cận, trong khi năng suất lao động của Việt Nam đã bị bỏ rất xa, thì tốc độ tăng năng suất còn thể hiện sự quan ngại hơn khi chỉ bằng 1/2 Trung Quốc. Trong giai đoạn 1992 – 2014, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam ở mức 4,64%/năm, trong khi tốc độ này ở Trung Quốc là 9,07%/năm.

    Theo thông báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam đã thua Lào, chỉ còn cao hơn được Myanmar và Campuchia.

    Quan trọng hơn, chỉ số thể hiện hiệu quả sử dụng nguồn lực - Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) – có tốc độ tăng tương đối chậm.

    “Câu chuyện ở đây là việc tăng vốn vẫn là đóng góp chính cho phát triển kinh tế. Khu vực lao động, nhất là trong cơ cấu dân số vàng cũng đóng góp tương đối nhiều, nhưng tốc độ TFP tương đối thấp”, ông Dương bình luận.

    Điều này có nghĩa là, đóng góp vào tăng trưởng chính của kinh tế đất nước chủ yếu là tăng vốn và tăng lao động, chứ không phải tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

    Trong thời gian tới, nếu không cải thiện được điều này sẽ có nhiều điều đáng lo ngại.

    “Một nền kinh tế chỉ dựa vào vốn và tăng lao động thì nguồn lực tăng trưởng sẽ không bền vừng trong thời gian tới”, ông Dương nhìn nhận.

    Theo báo cáo Phát triển con người khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), thu nhập bình quân người Việt năm 2015 ở mức 2.109 USD, chỉ tương đương 1/6 thu nhập của người Malaysia.

    Thế nhưng, tốc độ già hóa của Việt Nam đã diễn ra cực nhanh, nhanh hơn cả quốc gia này. Thời kỳ dân số vàng của chúng ta đã sắp qua.

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày