Nền kinh tế chia sẻ 'phả hơi nóng' vào ngành khách sạn Việt Nam: Từ đại gia ngoại Airbnb đến 'ngôi sao' nội mới nổi Luxstay
Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng như Airbnb, Luxstay sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống.
Dự án startup vô danh thành hệ thống khách sạn lớn nhất thế giới mà không sở hữu căn phòng nào
Tháng 1/2009, 3 chàng trai trẻ tuổi quyết định hòa vào dòng người đổ về thủ đô Washington dự buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama. Dù đã vận hành 1 năm nhưng trang web cho thuê phòng trực tuyến Airbedandbreakfast của Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk vẫn chỉ tồn tại "le lói" với rất ít đơn hàng, nhưng họ vẫn rất lạc quan về dự án của mình.
Nhìn thấy cơ hội khi hàng triệu lượt người tập trung về thủ đô để tận mắt nhìn thấy Tổng thống trong dịp nhậm chức, họ tìm chỗ trọ giá rẻ trong thành phố và nỗ lực tìm khách thuê. Hằng ngày, ba người đi phát các tờ rơi giới thiệu website tại ga tàu điện Dupont Circle. Đêm về, họ đến gặp những chủ nhà có đăng ký cho thuê trên Airbed & Breakfast, trả lời hàng tá email từ những khách hàng khó tính.
Vào ngày lễ nhậm chức, ba người dậy từ 3 giờ sáng để giành một chỗ có tầm nhìn tốt tại National Mall. Họ phải đi bộ 2 dặm đường để đến đó, mua vài cái nón và mặt nạ dọc đường. "Chúng tôi chỉ ngồi đó và cố gắng giữ ấm cơ thể. Đó là buổi sáng lạnh nhất đời tôi. Mọi người đều hò reo khi mặt trời ló dạng", Chesky, giám đốc điều hành startup Airbnd ngày nay nhớ lại.
Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk.
Sau buổi sáng mùa xuân 2009, Airbnb vẫn còn rất nhỏ và gặp nhiều khó khăn. Chesky, Gebbia và Blecharczyk phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải cho một doanh nghiệp non trẻ. Họ cần nhiều khách hàng để thu hút các chủ nhà đăng rao thuê phòng trên website. Nhưng ngược lại muốn có khách hàng thuê họ lại phải có danh sách phòng cho thuê thật hấp dẫn. Vòng xoáy luẩn quẩn này khiến nhiều gia chủ tiềm năng từ chối chia sẻ ngôi nhà với người lạ trên Internet.
Sau 10 năm, startup khởi nguồn từ những người vô danh ngồi trong đám đông ngày hôm đó đã thay đổi cuộc sống người dân Mỹ một cách sâu sắc và nhanh chóng. Mặc dù sở hữu rất ít tài sản vật chất, nhưng Airbnb được xem như một trong những khách sạn lớn nhất trên thế giới với giá trị định giá thời điểm tháng 3/2017 là 31 tỷ USD, tương đương thương hiệu Marriott International, dù không sở hữu bất kỳ phòng khách sạn nào.
Theo số liệu của Business Insider năm 2017, Airbnb đã đạt đến một cột mốc mới: 4 triệu danh sách lưu trú tại 191 quốc gia. Tới thời điểm đầu tháng 8 năm ngoái, startup này cho biết có hơn 2,5 triệu người sử dụng dịch vụ.
Những công ty tham gia vào nền kinh tế chia sẻ như Airbnb hiện đang tạo ra những cuộc tranh cãi không ngừng tại mỗi thị trường xâm nhập. Các nhà phê bình đổ cho họ lỗi phá hủy các quy tắc cơ bản về việc làm, làm trầm trọng hơn nạn kẹt xe, làm xấu bộ mặt đô thị và gia tăng vấn nạn thiếu nhà ở.
Kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam: Từ đại gia ngoại Airbnb đến "ngôi sao" nội mới nổi Luxstay
Sau khi thành công tại nhiều nước, Airbnb bước chân vào Việt Nam từ giữa năm 2015. Hai năm trước, Airbnb chỉ mới giới thiệu chừng vài ngàn phòng thuê, tập trung tại thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Đến nay, theo số liệu cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018 diễn ra vào tháng 7, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và TPHCM.
Số lượng này bằng tổng số phòng của tất cả các khách sạn từ 2-4 sao của Tp.HCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước. Theo số liệu từ Sở Du lịch Tp.HCM, hiện toàn thành phố có 341 khách sạn từ 2-4 sao, với 16.912 phòng.
Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống.
"Dịch vụ chia sẻ phòng đang phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng", ông Tào Văn Nghệ, một chuyên gia trong ngành khách sạn chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Sức hút của ngành Dịch vụ du lịch này cũng nhanh chóng lan rộng tới giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam. Có thể chưa so sánh được với "ông lớn" Airbnb, nhưng những ứng dụng thuần Việt như Luxstay đang ngày càng được ưa chuộng, và tin tưởng sử dụng bởi sự am hiểu văn hóa bản địa, những chính sách khuyến mại cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Thành lập cuối năm 2016, đến nay Luxstay đã nhanh chóng phát triển thành công tại Việt Nam với mạng lưới hơn 4.000 căn hộ, biệt thự đăng ký trên hệ thống, trải khắp các tỉnh thành, trung tâm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, phục vụ trên 15.000 khách đặt phòng mỗi tháng. Tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi tháng.
Trang chủ của Luxstay.
"Sau một quá trình tiếp xúc và làm việc lâu dài với đội ngũ sáng lập của Luxstay, CAV (CyberAgent Ventures - PV) nhận thấy Luxstay đang có lợi thế rất lớn để phát triển mô hình lưu trú ngắn hạn vì với nguồn cung dồi dào từ thị trường bất động sản và nhu cầu du lịch tăng trưởng mạnh tại Việt Nam và Đông Nam Á. Khi startup có tham vọng, tầm nhìn đủ lớn chúng tôi quyết định đầu tư và cùng đồng hành với họ! ", ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc CyberAgent Ventures (CAV) tại Việt Nam & Thái Lan tiết lộ lý do đầu tư vào startup này hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng đại diện quỹ đầu tư này cho biết số tiền đầu tư lần này cũng là 7 con số. Founder Steven Nguyễn cho biết Luxstay đặt mục tiêu gọi vốn vòng Series A trong 2018, với quy mô khoảng 10-20 triệu USD để tăng sức mạnh phát triển.
Sau khi có sự gia nhập của CAV, Luxstay tiếp tục hợp tác với Rakuten Lifull - thành viên tập đoàn thương mại điện tử Rakuten đến từ Nhật Bản. Theo đó, Luxstay là đối tác chiến lược trong mảng du lịch và chỗ ở của Rakuten tại Việt Nam.
Việc hợp tác chiến lược nằm trong kế hoạch vươn ra thị trường châu Á của Luxstay và nằm trong việc mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á của Rakuten.
Luxstay cũng là dự án nhận được đầu tư của Quỹ ESP Capital, quỹ đầu tư nội địa được thành lập bởi các nhà khởi nghiệp Việt Nam và hoạt động tích cực gần đây với nhiều thương vụ như Homedy, Canavi, Wefit, Jamja, Cooky.
Với lợi thế của kẻ dẫn đầu cũng như sự am hiểu về thị trường bản địa, Luxstay đang cho thấy động thái tích cực trong việc thâu tóm thị trường, đẩy mạnh tốc độ phát triển tập trung vào cốt lõi và giá trị trải nghiệm của sản phẩm. Từ đó, gây dựng nên một hệ sinh thái về dịch vụ lưu trú ngắn hạn chuyên biệt cho homestay của riêng mình.
Không chỉ đơn thuần là một công ty trung gian cung cấp dịch vụ chỗ ở, Luxstay còn tham gia kết nối du lịch, giúp khách hàng nhanh chóng chọn lựa những căn hộ homestay tầm trung và cao cấp trên hệ thống đặt phòng thông qua Website và Mobile App.
Vốn là nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, ông Dũng cũng hy vọng Luxstay sẽ là nền tảng sharing economy trong lĩnh vực nhà cửa thành công nhất tại Đông Nam Á, tương tự như Grab đã thành công trong lĩnh vực vận chuyển.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng