Nếu iPhone 7 chỉ là iPhone 6s bản nâng cấp thì Apple thật sự nguy rồi
Tôi vẫn còn nhớ tới cơn sốt của iPhone 4, iPhone 5 và iPhone 6. Không lẽ chúng ta phải đợi thêm một năm nữa mới được diện kiến chiếc iPhone 7 thực thụ?
Theo nguồn tin từ tạp chí tài chính nổi tiếng của Nhật Bản Nikkei, những chiếc iPhone của Apple trong năm nay sẽ không mang nhiều thay đổi về mặt thiết kế so với iPhone 6 và iPhone 6s. Nói cách khác, Apple sẽ ra mắt thêm một thế hệ “S” nữa cho iPhone 6. Chu kỳ làm mới thiết kế iPhone sẽ được nâng từ 2 năm lên 3 năm.
Đây sẽ là một thảm họa.
Tôi vẫn còn nhớ thời điểm Apple ra mắt iPhone 4 vào năm 2010. Sau 3 năm cách mạng thế giới, iPhone 4 đánh dấu thời điểm trưởng thành của chiếc smartphone do Steve Jobs thiết kế. Từ bỏ hình dáng tròn trịa và cục mịch của iPhone, iPhone 3G và iPhone 3GS, chiếc iPhone 4 hai mặt kính cao cấp và thanh lịch hơn hẳn.
Lúc đó, người ta sẵn sàng bỏ ra tới 30 triệu đồng để mua iPhone 4. Giá khởi điểm của iPhone 4 tại Mỹ chỉ bằng một nửa con số này.
Cảm xúc trái ngược của từng “tháng 9 iPhone”
Một năm sau, các iFan háo hức chờ đợi iPhone 5. Tất cả những gì họ có là chiếc iPhone 4s thiết kế y hệt như cũ. Bắt đầu từ đây, iFan hiểu rõ ràng rằng Apple không làm mới thiết kế iPhone mỗi năm một lần.
Thật may mắn, chiếc iPhone 5 ra mắt chậm 1 năm đã không hề gây thất vọng. Lúc đó, tôi và bạn bè mình đã bàn tán rất nhiều về chiếc iPhone này. Có người chê iPhone 5 mỏng và nhẹ quá, “cầm lên như đồ chơi”. Nhưng bất kỳ một iFan nào có may mắn sở hữu iPhone 5 trong năm đầu tiên chắc hẳn đã dành hàng giờ đồng hồ chiêm ngưỡng kiệt tác cuối cùng có bàn tay của Steve Jobs. Đây là tiêu chuẩn sắc đẹp mới cho iPhone nói riêng và smartphone nói chung.
Một năm sau, bất chấp một loạt các cải tiến như A7 64-bit, M7 và Touch ID, sự thật là iPhone 5s không mang lại được thứ gì quá mới mẻ cho những người đã từng say đắm cảm giác cầm chiếc iPhone 5 thanh mảnh trên tay. Lý do duy nhất iPhone 5s/5c phá được kỷ lục của iPhone 5 là bởi vào năm 2013, Apple vừa kịp bắt tay với China Mobile để tiến vào Trung Quốc.
Trong những tháng tiếp theo, cổ phiếu Apple liên tiếp sụt giá dù cho doanh số iPhone không hề suy giảm. Các nhà đầu tư tỏ rõ sự lo lắng về tương lai của Táo trong một năm “iPhone S”.
Đến năm nay, nỗi lo đó thành hiện thực khi iPhone 6s/6s Plus trở thành thế hệ đầu tiên chứng kiến doanh số iPhone suy giảm. Quý 1/2016, số iPhone bán ra giảm 10 triệu máy so với cùng kỳ 2015, khi iPhone 6/6 Plus đưa Apple lên đỉnh. Doanh số của quý 2/2016 được dự đoán cũng sẽ giảm mức 2 chữ số.
Tôi vẫn nhớ người ta đã săn đón 2 chiếc iPhone màn hình lớn đầu tiên ở mức giá gấp đôi gấp ba giá bán ra vào thời điểm tháng 9 năm 2014. Đến năm 2015, cơn sốt đó vẫn còn nhưng nguội nhanh hơn hẳn, bất kể là qua eBay.com, Carousell Singapore hay tại các cửa hàng xách tay Việt Nam.
Nhờ có iPhone 6/6 Plus, Apple đã trở thành công ty đầu tiên cán mốc 700 tỷ USD và thậm chí còn được hy vọng sẽ vượt mốc 1000 tỷ USD trị giá vốn hóa. Sang đến năm nay, cổ phiếu sụt giá mạnh, có lúc Apple còn bị Google cướp mất vị trí số 1. Hiện tại, Apple chỉ còn đáng giá hơn 550 tỷ USD.
Đó không phải là một con số thấp. Nhưng rõ ràng là bất cứ năm iPhone “S” nào cũng ảm đạm và đáng chán hơn những năm iPhone có thiết kế mới.
Sức hút của iPhone là gì?
iPhone SE đẹp. Vì giống iPhone 5.
Không khó để nhìn ra kịch bản tồi tệ nếu năm nay Apple ra mắt thêm một chiếc iPhone “tái chế” lại từ iPhone 6. Giới đầu tư sẽ càng thêm lo ngại về khả năng sáng tạo của Táo và người tiêu dùng sẽ càng cảm thấy chán chường.
Lý do là vì sao? Hãy nhìn nhận một cách hết sức thực tế và bạn sẽ thấy rằng smartphone luôn có ý nghĩa thời trang rất rõ rệt. Khi chuyển từ iPhone 3G lên iPhone 5, tôi đã cảm thấy choáng ngợp vì độ mỏng và những đường nét cong-thẳng liền kề quá tinh tế trên mẫu iPhone 2012. Tôi tin nhiều người đã từng cảm nhận thấy điều đó.
Và không chỉ riêng iFan chú ý tới thiết kế smartphone. Galaxy S4 bị chê thậm tệ không phải vì ít tính năng mới so với S3 hay bởi có trải nghiệm sử dụng kém iPhone (nhiều người sẽ phản đối ý kiến đó!) mà là bởi người dùng đã chán ngấy thiết kế vỏ nhựa. Không khó để nhìn ra vì sao Galaxy S4, S5 lại thất bại còn Galaxy S6 lại được tung hô trong khi sự khác biệt về trải nghiệm sử dụng không phải là quá nhiều. Giống như iFan, Samfan cũng có nhu cầu thẩm mỹ.
Thế giới Android không hề thiếu những ví dụ tương tự. HTC One M9 có thể coi là phiên bản hoàn thiện của đàn anh M8 nhưng lại ế chỏng vó vì bề ngoài không có mấy thay đổi. Bi kịch hơn nữa là Sony, “đẻ” tới 2 mẫu Xperia mỗi năm nhưng lại không mấy thay đổi so với... thế hệ đầu tiên. Bạn đã bao giờ thấy Sony lọt vào top 5 thế giới hay ngừng lỗ vì smartphone hay chưa?
Nói một cách thẳng thắn hơn nữa, smartphone là thứ đồ vật có ý nghĩa khoe khoang. Ai đó sẽ bất bình với ý nghĩa này, nhưng thực sự tôi đã nhìn thấy ánh mắt tự hào của nhiều người khi được sở hữu chiếc smartphone mới nhất, đắt nhất mang thương hiệu mà họ ưa thích. Chính Apple cũng hiểu rõ điều này khi thêm chữ “S” vào sau lưng iPhone 6s/6s Plus và chữ “SE” vào sau lưng iPhone SE, vốn có vẻ ngoài giống hệt iPhone 5s.
Mỗi thế hệ iPhone khi trở thành đời cũ luôn bị cắt bớt lựa chọn màu sắc, ví dụ như iPhone 6 của năm 2016 không chỉ thiếu màu vàng rose mới mẻ và còn bị cắt luôn màu vàng gold. Ở đây, Tim Cook không chỉ cuốn hút người dùng lên iPhone 6s bằng nhu cầu màu sắc mà còn đánh cả vào nhu cầu thể hiện “Tôi đang dùng smartphone đời mới nhất” của họ.
Ngược lại, những nâng cấp về phần cứng và tính năng được các thế hệ S mang lại có ý nghĩa gì với người tiêu dùng? iPhone 4s có Siri, nhưng phần đông người dùng không hoặc hiếm khi sử dụng Siri (theo nghiên cứu mới của Creative Strategies). Không một ai quan tâm đến vi xử lý 64-bit của iPhone 5s, dù rằng con chip này đã tạo ra một cuộc chạy đua khó khăn cho các đối thủ: Qualcomm ngã sấp mặt với Snapdragon 810 vì khai tử hết chip 32-bit đang phát triển để cố chuyển sang kiến trúc 64-bit trong vòng chưa đầy 1 năm. 3D Touch trên iPhone 6s đến giờ vẫn chẳng được nhà phát triển ứng dụng nào tận dụng thành công.
Tôi vẫn nhớ câu hỏi của cô em gái khi đọc tin về 5s: “64-bit để làm gì gì?”. Quả thật, từ góc độ người dùng cuối, cụm từ “64-bit” còn chẳng ý nghĩa bằng “chip cảm biến chuyển động” hay “cảm biến vân tay”, vốn đều là những tính năng chẳng có gì to tát nhưng lại dễ nhận biết.
Vòng đời 3 năm để làm gì?
Vấn đề lớn nhất đối với các thế hệ S là ở chỗ người dùng iPhone phần nhiều chẳng quan tâm đến những tính năng mới. Nếu 2 chữ “tính năng” quan trọng đến vậy thì họ đã bỏ Apple chuyển sang Android từ lâu rồi.
Tất cả những gì iFan cần là một chiếc điện thoại đẹp và hoạt động ổn định. iPhone đã liên tục tụt hậu trước smartphone Android về sạc không dây, chống nước, OIS, loa kép, NFC... Chẳng sao cả. Được Steve Jobs và nay là Jony Ive “ban tặng” thêm tính năng mới luôn là rất tốt, nhưng tôi cũng đã từng sống với những chiếc iPhone chip 32-bit trong vòng 5 năm trời, đã chịu đựng 8 năm không có 3D Touch và cũng đã mặc kệ cô nàng Siri được 5 năm rồi.
Tại sao tôi lại phải chờ đợi và chen lấn xô đẩy để mua được những chiếc iPhone S vốn chẳng có điểm nhấn nào ngoài những tính năng từ trước đến nay KHÔNG có ý nghĩa quyết định với trải nghiệm iPhone?
Trở lại với chiếc iPhone của năm nay. Nếu 2016 thực sự là năm thứ 3 của thiết kế iPhone 6, Apple sẽ khiến cho rất nhiều iFan mất đi lý do để từ bỏ chiếc iPhone 6 vốn đã 2 năm tuổi. Phần đông người tiêu dùng sẽ luôn đòi hỏi những thiết kế mới lạ, còn những tính năng mới vẫn sẽ luôn thuộc dạng "có thì được, không có cũng chẳng sao". Siri, chip 64-bit và 3D Touch đâu có thay đổi bản chất của trải nghiệm smartphone cảm ứng?
Trên phân khúc cao cấp, HTC, Sony và Samsung đã từng vấp ngã thảm hại vì không nhìn thấy và không đáp ứng nhu cầu thiết kế. Sẽ là quá trớ trêu nếu như Apple mắc lại sai lầm căn bản này. Hãy cứ thay đổi thiết kế và thêm vào một vài tính năng "lặt vặt" như đã từng "nâng cấp" từ iPhone 4s lên iPhone 5. Chắc chắn tình hình kinh doanh của Táo sẽ sáng sủa hơn hiện nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng