Cuộc chơi của Nhóm Mua có thể (xin nhắc lại mới là có thể) chuẩn bị kết thúc theo một cách không thể bất ngờ hơn: đóng cửa dừng mọi hoạt động sau khi chi cả núi tiền để giành vị trí số một. Nhóm Mua đã từng công bố thị phần nắm giữ của dịch vụ này là 60%, đồng thời vượt trội hơn các đối thủ còn lại và và xây dựng được một mạng lưới khách hàng cùng nhà cung cấp cực lớn.
Tình trạng hiện tại
Tính đến thời điểm này: nhà đầu tư ngoại đang chiếm 72,73% cổ phần trong khi ông Tom Trần sở hữu hơn 27,27% cổ phần Công ty TNHH Nhóm Mua. Ông Tom Trần đã đồng ý bán lại số cổ phần của mình tại dịch vụ bán hàng theo nhóm này và cam kết hỗ trợ nhóm mua trong thời gian 6 tháng chuyển giao. Tuy nhiên, động thái bất ngờ của nhà đầu tư là quyết định (tạm) đóng cửa dịch vụ mua hàng theo nhóm này.
Về cơ bản, BGĐ tạm quyền của Nhóm Mua tháng vừa qua (được điều hành bởi ông Kyle Phạm) đã từ nhiệm. Chưa rõ nguyên nhân của quyết định này nhưng rõ ràng đây là một sự kiện cho thấy cuộc khủng hoảng ở Nhóm Mua chưa chấm dứt. Nhà đầu tư cũng tuyên bố ngừng cấp vốn vào công ty Nhóm Mua.
Khách hàng bơ vơ.
Nhóm Mua - Công thần của thị trường mua theo nhóm
Trong thời gian phát triển của dịch vụ mua hàng theo nhóm, vai trò của Nhóm Mua là rất rõ nét. Đóng vai trò là một trong những kẻ khai phá thị trường, với dòng tiền rất lớn đến từ liên minh các nhà đầu tư nước ngoài, Nhóm Mua tích cực chi cho quảng cáo, không chỉ cho riêng mình mà còn cho thị trường mua hàng theo nhóm tại Việt Nam. Nhóm Mua chính là đơn vị đã mang khái niệm mua hàng theo nhóm tới Việt Nam.
Ở khía cạnh người tiêu dùng, do chính sách sử dụng tài chính để giành thị phần, Nhóm Mua mang lại tỷ lệ chiết khấu và giảm giá rất hấp dẫn. Đồng thời, số lượng và chất lượng của các deal cung cấp bởi nhóm mua cũng được đánh giá cao nhất tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ràng qua con số thị phần lớn mà họ chiếm giữ trước đây.
Ai là người chịu thiệt?
Thứ nhất, chính là người tiêu dùng. Được mua hàng với mức giá giảm 50% là mơ ước của bất cứ ai. Và mô hình bán hàng theo nhóm mà các đơn vị dẫn đầu như Nhóm Mua, MuaChung, HotDeal đang cung cấp dịch vụ hấp dẫn này cho người dùng một cách rất đầy đủ. Việc Nhóm Mua biến mất cùng một lượng lớn deal, sản phẩm, nhà cung cấp sẽ là một tổn thất lớn cho người tiêu dùng, ít nhất là mất đi một lựa chọn cho dù những dịch vụ khác như Mua Chung vẫn đem lại trải nghiệm tuyệt vời.
Thứ hai, là các nhà cung cấp. Họ sẽ mất đi một kênh marketing/ bán hàng hiệu quả. Đặc biệt với các nhà cung cấp đang chuẩn bị hoạt động mạnh mẽ trở lại sau một năm kinh tế khó khăn sự ra đi của Nhóm Mua khiến họ mất đi một lựa chọn tốt.
Tất nhiên, những người đang lo sợ nhất là những người còn quyền lợi gắn với dịch vụ này bao gồm cả khách hàng (những người đã mua Voucher) và nhà cung cấp (những người đã cung cấp hàng cho nhóm mua và chờ thanh toán). Cho dù Nhóm Mua cam kết đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng này nhưng tâm trạng lo lắng là điều không tránh khỏi.
Thêm nữa, cả hai đối tượng chịu ảnh hưởng chính kể trên hẳn cũng phải buồn chút ít khi chuyển sang sử dụng dịch vụ mới bởi hầu như không có ai có khả năng cung cấp tỷ lệ chiết khấu lớn và hấp dẫn cho cả khách hàng lẫn nhà cung cấp như Nhóm mua vẫn đang làm thời gian qua.
Liệu có đóng cửa hẳn?
Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ. Rõ ràng, nếu không có nguyên nhân gì quá đặc biệt thì rất khó để cả hai bên, ông Tom Trần và nhà đầu tư từ bỏ một thương hiệu lớn và có giá trị như Nhóm Mua.
Thông tin chi tiết có lẽ sẽ có trong vài ngày tới.