Đó cũng là lúc chúng ta nhận ra cần phải thực hiện những biện pháp áp chế đối với đường, tương tự thuốc lá.
Trong một đoạn video ngắn phát hành bởi Sở Y tế tiểu bang New York, Hoa Kỳ, một người đàn ông xuất hiện nổi bật giữa khung hình, hai bên tay cầm một bao thuốc lá và một chai nước ngọt. "Trong hai thứ này, thứ nào tôi có thể đưa cho lũ trẻ nhà mình?", anh ấy hỏi.
Tất nhiên không phải thuốc lá. Nhưng một lon nước ngọt cũng không hề an toàn hơn. "Nó chứa tới 15 thìa cà phê đường, có thể gây rụng răng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và những điều kiện dẫn đến ung thư".
Là một phần của chiến dịch truyền thông được triển khai bởi Sở Y tế tiểu bang New York, đoạn video là một lời nhắc nhở các bậc phụ huynh không nên cho con em mình uống nước ngọt.
"Giống với thuốc lá, đồ uống có đường gây hại cho sức khỏe của chúng ta và có thể dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài", Ủy viên Y tế, Giáo sư Oxiris Barbot cho biết. "Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân New York giảm tiêu thụ đồ uống có đường và các bậc cha mẹ không nên cho con em mình uống các loại đồ uống này".
Trong hai thứ này, thứ nào tôi có thể đưa cho lũ trẻ nhà mình?
Nước ngọt: Một loại thuốc lá mới
Không phải chỉ ở New York, tác hại của các loại đồ uống có đường mới được so sánh với thuốc lá. Tại Vương Quốc Anh, giáo sư dịch tễ học lâm sàng Simon Capewell đến từ Đại học Liverpoll cho biết:
"Đường là một loại thuốc lá mới. Ở khắp mọi nơi, đồ uống có đường và đồ ăn vặt đang bủa vây trẻ em và các bậc cha mẹ, đó là những gì mà ngành công nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận chứ không phải sức khỏe cộng đồng mong muốn".
Hiện tại, cứ bốn người Anh thì có một người bị béo phì. Và cứ 10 trẻ em trong độ tuổi từ 2-15 thì có 3 đứa trẻ mắc phải. Nước ngọt chắc chắn là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn nạn này.
Các nhà khoa học Anh từng làm một nghiên cứu cho thấy, nếu họ bí mật giảm lượng đường trong các loại nước ngọt, ít nhất 1 triệu người Anh sẽ thoát khỏi danh sách béo phì.
Sau Anh và Mỹ, Canada là quốc gia tiếp theo lên tiếng cảnh báo về tình trạng người dân tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường.
Một nghiên cứu của Đại học Waterloo năm 2016 cho biết: Mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Canada sẽ phải chịu trách nhiệm cho hơn 3 triệu người Canada béo phì , gần nửa triệu trường hợp tiểu đường type 2, 300.000 người bệnh tim, 100.000 trường hợp ung thư và hơn 63.000 trường hợp tử vong tại quốc gia này trong 25 năm tới.
Trong năm 2015, một người Canada trung bình đã tiêu thụ 444 ml nước ngọt mỗi ngày, theo số liệu từ Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường.
Thanh thiếu niên từ 9 đến 18 tuổi ở Canada uống 578 ml nước ngọt mỗi ngày. Lượng đường tương đương có trong đó lên tới 64 gam (khoảng 16 muỗng cà phê), là mức vượt qua khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, một người chỉ nên tiêu thụ dưới 10% tổng lượng calo đến từ đường phụ gia mỗi ngày. Trên 10% là mức gây hại và dưới 5% là mức có lợi cho sức khỏe.
Lượng đường có trong một số loại nước ngọt phổ biến
10 TÁC ĐỘNG CỦA ĐƯỜNG ĐỐI VỚI CƠ THỂ
1. Não bạn phản ứng với đường như với cocaine
Ăn đường gây ra sự gia tăng các chất hóa học tạo cảm giác tốt bên trong não như dopamine và serotonin. Điều này cũng xảy ra khi sử dụng các chất gây nghiện như cocaine. Cũng giống như chất gây nghiện, cơ thể của bạn sẽ ngày càng khao khát một mức cao hơn của đường để tạo cảm giác thoải mái cho mỗi lần tiếp theo.
2. Insulin trong máu tăng vọt
Cứ mỗi lần ăn đường, cơ thể của bạn giải phóng insulin, một hooc-môn từ tuyến tụy có nhiệm vụ hấp thụ glucose dư thừa trong máu và ổn định lại lượng đường huyết. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều đường một lúc, đường huyết của bạn sẽ tăng vọt, khiến insulin tăng vọt theo.
Nhưng khi lượng lớn insulin làm nhiệm vụ của nó, đường sẽ giảm xuống rất nhanh và đường huyết lại hạ quá thấp khiến bạn kiệt quệ. Chính vì vậy, ăn một bữa no hoặc nhiều đường xong bạn chỉ muốn nằm một chỗ.
3. Uể oải, mệt mỏi cả ngày
Như đã nói, khi cơ thể hạ đường huyết, bạn lại phải ăn đường. Nhưng khi insulin khiến lượng đường hạ xuống, bạn sẽ lại uể loải và mệt mỏi một lần nữa. Nó sẽ kéo bạn vào một vòng lặp không dứt. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy uể oải mọi lúc mọi nơi, hoặc luôn cảm thấy đói, khát thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã ăn quá nhiều đường.
4. Tăng cân
Có một công thức khá đơn giản: đường dư thừa tương đương với lượng calo dư thừa, tương đương với trọng lượng dư thừa tích lũy dưới dạng chất béo. Bạn có thể dễ dàng tăng nửa cân trong một tuần, nếu ăn 1 thanh kẹo và một lon nước ngọt 600 ml mỗi ngày, đủ để thừa ra 500 calo.
5. Béo phì và tiểu đường
Chế độ ăn có hàm lượng đường cao là một phần nguyên nhân chính cho hơn 1 phần 3 dân số Mỹ bị béo phì. Béo phì có thể dẫn đến đề kháng insulin, mà khiến lượng đường trong máu không thể hạ xuống, dẫn đến bệnh tiểu đường.
6. Gan nhiễm mỡ, suy gan
Ăn nhiều đường có thể dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một điều kiện khi cơ thể bạn chứa nhiều chất béo hơn mức nó có thể chuyển hóa, làm cho nó tích tụ lại trong các tế bào gan mà cuối cùng có thể biến thành xơ gan.
7. Thiệt hại hệ tuần hoàn
Bơm máu chứa đầy đường qua các mạch máu giống như việc bạn bơm bùn qua một ống nhỏ. Các đường ống cuối cùng đều mệt mỏi. Đó là những gì xảy ra với mạch máu của bạn.
8. Bệnh tim mạch
Ngành công nghiệp đường từng mua chuộc khoa học để đổ lỗi cho chất béo là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Nhưng sự thực sự đe dọa đến trái tim chúng ta chính là Đường .
Nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy những người ăn từ 17-21% lượng calo từ đường phụ gia sẽ có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 38%, so sánh với những người chỉ ăn ở mức 8% hoặc ít hơn.
9. Lão hóa
Đường cũng tác động lên làn da của bạn bằng cách phá vỡ collagen và khiến bạn lão hóa nhanh hơn. Điều này xảy ra thông qua một quá trình gọi là “glycation”, khi glucose gắn vào các protein trong cơ thể.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng “glycation” làm cho collagen và elastin, ,các protein được tìm thấy trong mô liên kết có trách nhiệm giữ cho làn da mịn màng này khó phục hồi, dẫn đến các nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa.
10. Sâu răng
Bản thân đường không gây thiệt hại trực tiếp cho răng, nhưng nó là khởi đầu của một chuỗi các sự kiện. Đó là vì đường là thức ăn cho các loài vi khuẩn trong miệng. Khi ăn đường, chúng ta đang nuôi vi khuẩn, sau đó, chúng tiết axit phá hủy men răng, gây sâu răng.
Tại thời điểm này, không phải ngẫu nhiên mà nước ngọt và thuốc lá được đem ra so sánh với nhau. Hai ngành công nghiệp này có một mô hình phát triển tương đồng đến ngạc nhiên. Trong đó, nước ngọt là ngành hàng đi sau, nhưng những kẻ giấu mặt trong đó lại học được tất cả những mánh khóe mà ngành công nghiệp thuốc lá để lại.
Cả hai sản phẩm đều được tiêu thụ cực kỳ mạnh mẽ trước khi các tác hại của chúng được phát hiện. Thuốc lá trước đây từng có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí được bán cả ở trong bệnh viện. Nước ngọt bây giờ cũng vậy.
Từ thế kỷ 19 cho tới giữa thế kỷ 20, tác hại của thuốc lá liên tục được nghiên cứu và chứng minh đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp này. Nổi bật trong số đó là những dữ liệu không thể chối cãi cho việc thuốc lá gây ung thư phổi và bệnh tim mạch.
Ngành công nghiệp thuốc lá khi đó đã cố gắng che giấu những tác hại này bằng cách mua chuộc khoa học, tài trợ cho các nghiên cứu đánh lạc hướng, đổ lỗi cho chất lượng không khí trong nhà và trong xe ô tô gây ra vấn đề.
Ngành công nghiệp đường cũng lặp lại một thủ đoạn tương tự, khi tác hại của đường bắt đầu được một số nhà khoa học nghiên cứu. Vào thập niên 1960, khi một số nhà khoa học phát hiện ăn nhiều đường có thể gây ra bệnh tim mạch, ngành công nghiệp đường đã hối lộ ba nhà khoa học Harvard để thực hiện các nghiên cứu khác đổ lỗi này cho chất béo.
Kết quả là một phi vụ lừa dối thể kỷ đã đã che mắt cả nhân loại, trước khi toàn bộ vụ việc vừa mới bị phanh phui hoàn toàn vào năm 2016.
Đó cũng là lúc mà chúng ta nhận ra cần phải thực hiện những biện pháp áp chế đối với đường, tương tự thuốc lá.
Nước ngọt, một loại thuốc lá mới
Tăng thuế nước ngọt
Trong tất cả các loại thực phẩm, nước ngọt là loại chứa nhiều đường nhất, nhiều hơn cả kẹo và bánh ngọt. Chính vì vậy, giảm tiêu thụ nước ngọt được cho là một trong những biện pháp dễ dàng nhất nhưng lại hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe.
Để làm được điều này, chính sách đối với thuốc lá có thể cung cấp cho nhà chức trách những bài học không thể tốt hơn. Đầu tiên là áp thuế.
Năm 2016, đồng loạt bốn thành phố lớn tại Mỹ là Boulder, bang Colorado, San Fransisco, Oakland và Albany, bang California đã đồng loạt đánh thuế vào nước ngọt có gas.
Tại California, mức thuế được áp dụng sẽ là 1 cent trên mỗi ounce đồ uống (tương đương 766 VND trên 100 ml). Mức thuế ở thành phố Boulder là gấp đôi.
Các mức thuế được hi vọng sẽ giảm lượng tiêu thụ nước ngọt có gas xuống 20%. Kéo théo đó là giảm 4% tỷ lệ mắc tiểu đường trong khu vực vùng vịnh.
Trước đó, thành phố Philadelphia cũng thông qua một mức thuế 1.5 cent trên mỗi once nước giải khát có đường phụ gia và chất làm ngọt nhân tạo (tương đương 1.150 VND mỗi 100ml).
Năm 2017, Thái Lan cũng bắt đầu tăng thuế đối với nước giải khát có hàm lượng đường cao. Theo đó, các loại đồ uống có đường nhập khẩu vào nước này đang được áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20% giá bán buôn được điều chỉnh thành 14% giá bán lẻ đề xuất. Những loại đồ uống có chứa nhiều hơn 6 gam đường/100 ml sẽ bị đánh thêm thuế.
Với sự thay đổi này, thuế đối với nước ép hoa quả tăng trong khoảng từ 0,06 baht đến 0,54 baht (tương đương 42 VND đến 276 VND) mỗi chai. Nước tăng lực có mức thuế tăng giữa 0,32 baht đến 0,9 baht (tương đương 223 VND đến 626 VND)
Những người đấu tranh cho quyết định đánh thuế nước ngọt có gas tại San Francisco
Tháng 8 vừa rồi, các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế lên tới 50% đối với các mặt hàng nước ngọt có đường hoặc các chất làm ngọt khác, bất kể dưới dạng nước giải khát, chất lỏng, chất cô đặc, bột, tinh chất hoặc bất cứ sản phẩm nào có thể được chuyển thành đồ uống. Ngoài ra, các nhà sản xuất phải ghi rõ lượng đường có trong các sản phẩm để người tiêu dùng có sự lựa chọn lành mạnh hơn.
Dán nhãn cảnh báo nước ngọt như thuốc lá
Một số thành phố và tiểu bang của Hoa Kỳ đã đề xuất dán nhãn cảnh báo sức khỏe cho những sản phẩm nước ngọt , tương tự như trên bao bì thuốc lá.
Điều này đến từ mối lo ngại về bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường mà những đồ uống này đang gây ra. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Pediatrics cho thấy việc dán nhãn nếu được triển khai sẽ cực kỳ hiệu quả. Khảo sát cho thấy các bậc cha mẹ cũng sẽ tránh sản phẩm có nhãn cảnh báo sức khỏe trên đó cho con cái họ.
Tiến sĩ Christina Roberto dẫn đầu nghiên cứu tại trường Y Đại học Pennsylvania cho biết: "Những nhãn cảnh báo mang tính giáo dục, nhưng không chỉ có vậy. Chúng cũng có mặt như một lời nhắc nhở. Những nhãn dán sẽ cố gắng nhắc nhở bạn tại những thời điểm quan trọng, khi cần ra quyết định".
Thực trạng cho thấy 2/3 số trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 2 đến 11 uống đồ uống có đường mỗi ngày. Nghiên cứu của Roberto chỉ ra nguyên nhân đến từ việc nước ngọt được bán tràn lan và dễ dàng mua được nơi các tiệm tạp hóa.
"Những chai nước ngọt này được mọi người mua sắm một cách tùy tiện", Roberto nói. "Khi ai đó đã quyết định tránh xa chúng, nhãn dán cảnh báo có thể một lần nữa nhắc nhở họ để đưa ra lựa chọn cuối cùng của mình".
Nước ngọt có thể phải dán nhãn cảnh báo sức khỏe tương tự thuốc lá
Cấm quảng cáo đồ uống có đường
Động thái mạnh mẽ nhất liên quan đến các loại nước ngọt có đường vừa được đưa ra bởi chính phủ Singapore. Trong đó, họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hoàn toàn quảng cáo các loại đồ uống chứa nhiềuđường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Edwin Tong cho biết, lệnh cấm sẽ được áp dụng với những loại đồ uống có đường "kém lành mạnh nhất". Các hãng đồ uống này sẽ không được quảng cáo sản phẩm của mình trên mọi nền tảng, từ các ấn phẩm, chương trình phát sóng cho đến trên mạng internet.
Trong một cuộc họp báo cuối tuần trước, ông Tong cho biết quyết định đã được Bộ Y tế nước này thông qua sau khi "tham vấn cộng đồng" dưới hình thức khảo sát. Các mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh của quy định mới sẽ bao gồm nước ngọt, nước trái cây, sữa chua uống, cà phê hòa tan...
Singapore cho biết họ sẽ tiếp tục thu thập phản hồi của người tiêu dùng và ngành công nghiệp đồ uống trong vài tháng tới. Nếu không có gì thay đổi, lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020.
Bên cạnh việc cấm quảng cáo, Bộ Y tế Singapore cũng yêu cầu các hãng sản xuất đồ uống có đường dán nhãn dinh dưỡng có mã màu phía trước sản phẩm của mình, trong đó liệt kê rõ hàm lượng dinh dưỡng có trong sản phẩm bao gồm lượng đường phụ gia.
Singapore sẽ tiên phong trong việc cấm quảng cáo đồ uống có đường
Bộ trưởng Tong cho biết hai biện pháp này mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong nỗ lực chống lại bệnh tiểu đường đang gia tăng tại Singapore. Trong chương trình nghị sự của họ vẫn còn hai đề xuất nữa đang được xem xét đánh giá, một là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt các loại đồ uống có hàm lượng đường cao, hai là cấm lưu hành hoàn toàn các mặt hàng này.
"Chúng tôi dự định sẽ nghiên cứu các đề xuất này một cách cẩn thận", ông Tong nói. "Mục đích là để tìm ra các giải pháp bền vững trong dài hạn. Sự điều chỉnh không thể chỉ nhắm vào hành vi người tiêu dùng trong thị trường, mà còn cả phía nhà cung cấp thì mới có thể thúc đẩy quá trình cải cách".
BẠN CHỈ NÊN ĂN BAO NHIÊU ĐƯỜNG MỖI NGÀY?
Có rất nhiều con số khuyến cáo về số lượng đường bạn nên tiêu thụ mỗi ngày, nhưng hãy bắt đầu với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới . Theo WHO, đối với một chế độ ăn trung bình 2.000 calo, bạn không nên nạp quá 10% calo đến từ đường.
Bạn có thể dùng một quy tắc gọi là "chia cho 4" để tính ra lượng đường tương đương. Mười phần trăm của 2.000 là 200 calo. Chia cho 4, bạn được con số tương đương của 50 gam. Chia tiếp cho 4, lượng này tương đương 12 thìa cà phê.
Tuy nhiên, con số 12 thìa cà phê có vẻ còn quá chung chung. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã chia mức khuyến cáo đường cho từng nhóm người mà bạn có thể tham khảo ở bảng dưới đây:
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng