Ngành công nghiệp bán dẫn lên ngôi tại Trung Quốc
Hàng trăm tỷ USD đang được các tổ chức từ khu vực Nhà nước và tư nhân đổ vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc khi quốc gia này muốn tăng cường khả năng tự cung tự cấp cho nhu cầu của mình.
Nếu ví ngành công nghiệp bán dẫn còn non trẻ của Trung Quốc như một quốc gia, thì tổng sản phẩm quốc nội GDP của nó đang tăng trưởng với tốc độ trung bình đến 20% trong những năm gần đây, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Đối với nhiều nhà đầu tư, tham gia vào lĩnh vực này ở Trung Quốc hiện thời là cơ hội kinh doanh ngàn năm có một, trong khi đối với một số người chơi trong lĩnh vực bán dẫn hiện tại, các tham vọng của quốc gia này có thể xem như một mối đe dọa. Đối với các quỹ đầu tư trong nước, lĩnh vực bán dẫn là một nơi rất hứa hẹn. Đối với các quan chức chính phủ, nó là ưu tiên hàng đầu, được Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh trong báo cáo của mình tại kỳ họp gần đây của Quốc hội Trung Quốc.
Công nghiệp bán dẫn - cơ hội kinh doanh ngàn năm có một ở Trung Quốc
Vào giữa tháng Ba vừa qua, hơn 70.000 người – cả các nhà đầu tư và các giám đốc điều hành trong và ngoài nước – tụ họp ở Thượng Hải để tham gia hội chợ thường niên SEMICON China, một trong những sự kiện nổi bật nhất của ngành công nghiệp chip kể từ năm 2014 khi Bắc Kinh cam kết sẽ xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn để nâng cao an ninh quốc gia và cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề vào các nguồn cung nước ngoài.
Hu Yunwang, nhà sáng lập IC Café, một không gian kết nối ngành công nghiệp chip trong nước và là nền tảng dịch vụ tư vấn, là một trong những khán giả của hôm đó. “Với ngành công nghiệp chip Trung Quốc, chúng tôi đang nhìn vào các thập kỷ vàng trước chúng tôi … nó là chủ đề nóng bỏng nhất mà bạn sẽ không bao giờ muốn bỏ lỡ.” Ông Hu nói với tờ Nikkei.
“Năm năm trước, phát triển các con chip là một lĩnh vực hiếm hoi ở Trung Quốc với chỉ vài người muốn theo đuổi, nhưng hiện tại, các kỹ sư ngành công nghiệp chip là một trong những công việc được săn đón nhất.” Ông Hu cho biết thêm.
IC Cafe, không gian kết nối ngành công nghiệp chip trong nước, nơi tổ chức 300 sự kiện vào năm ngoái.
Ông bổ sung thêm rằng Trung Quốc đã thực sự nhận ra rằng những con chip có vai trò quan trọng cho một quốc gia muốn phát triển ngành công nghệ và quyền lực kinh tế quốc tế của họ. “Nếu một quốc gia muốn trở nên lớn mạnh, nó phải có ngành công nghiệp chip riêng của mình. Giờ đó là điều ai cũng nhất trí.”
Năm 2014, Bắc Kinh đã ra mắt quỹ đầu tư vào ngành chip có tên China Integrated Circuit Industry Investment Fund, còn được gọi là “Big Fund”, với số vốn lên tới 138 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 21,95 tỷ USD), nhắm tới việc hỗ trợ cho các dự án siêu chip và thúc đẩy đầu tư từ chính quyền địa phương và lĩnh vực tư nhân.
Quỹ này đã đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực phụ trợ cho ngành chip và tạo ra các nhà vô địch quốc gia của mình, như Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC), một đối thủ nhỏ của hãng đang đứng đầu thị trường TSMC, Unigroup Spreadtrum & RDA, đối thủ Trung Quốc của người khổng lồ về chip di động Qualcomm, và Yangtze Memory Techonology, hãng Trung Quốc được kỳ vọng có thể thách thức Samsung hay Toshiba.
Trong khi đó, đầu tư vào bán dẫn đã trở thành một phong trào trên toàn quốc. Theo ông Ding Wenwu, chủ tịch của Big Fund, cho biết trong bài phát biểu tại sự kiện SEMICON China, hơn 10 chính quyền địa phương xuyên suốt qua các thành phố lớn, như Thượng Hải, Bắc Kinh, Hợp Phì, Hạ Môn, Vũ Hán, Thâm Quyến, Thành Đô, Trùng Khánh, cũng như tỉnh nội địa Thiểm Tây và tỉnh phía đông bắc Liêu Ninh, đều đã khởi động các quỹ tài trợ cho ngành chip.
“Trọng tâm quan trọng nhất trước mắt là xây dựng một ngành chip tiến bộ, bao gồm các bộ xử lý trung tâm CPU, các chip FPGA và đồng thời là chip nhớ.” Ông Ding cho biết. Chip FPGA là các chip có thể lập trình lại, được sử dụng trong hàng loạt các ứng dụng tùy chỉnh bao gồm cả cho mục đích quân sự.
Ông Ding cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện đầu tư vào ngành bán dẫn, khi quốc gia này vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm trị giá đến 260 tỷ USD trong năm 2017 – nhiều hơn cả số tiền để họ nhập khẩu dầu mỏ.
Theo trang tin Bưu điện Bưu chính Viễn thông, hiện quỹ này đang ở trong giai đoạn hai của việc huy động vốn. Trung Quốc nhắm đến việc huy động ít nhất từ 170 tỷ Nhân dân tệ tới 210 tỷ Nhân dân tệ cho nhu cầu của quỹ quốc gia này trong vòng 5 năm tới.
Những chuyển biến trong thực tế
Với triển vọng lớn như vậy, nhiều nhà cung cấp chip sẽ không muốn bỏ lỡ các cơ hội tăng trưởng trên một thị trường khổng lồ như Trung Quốc.
Ví dụ, nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới, Intel, đã trở thành một trong những hãng tích cực nhất trên thị trường Trung Quốc. Gần đây, hãng công nghệ Mỹ này đã thông báo hợp tác với bộ phận chip di động của Tập đoàn Đại học Thanh Hoa nhằm giới thiệu chip modem 5G cao cấp vào năm 2019. Họ cũng chấp nhận một thỏa thuận cung cấp các chip nhớ NAND flash của mình cho bộ phận lưu trữ mới thành lập của tập đoàn công nghệ được nhà nước hậu thuẫn này.
Sự kiện giới thiệu Modem 5G của Intel.
Robert E. Bruck, phó chủ tịch hợp tác của Intel, khẳng định lại cam kết mạnh mẽ của công ty mình trong bài phát biểu tại SEMICON China ở Thượng Hải vào ngày 14 tháng Ba vừa qua. “Intel là một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Trung Quốc với khoản đầu tư hơn 13 tỷ USD … Chúng tôi có khoảng 8.200 nhân viên tại 22 văn phòng ở Trung Quốc.” Ông Bruck cho biết.
“Bước tiếp theo ở đây là mở rộng mối quan hệ với các nhà cung cấp trang thiết bị và vật liệu tại Trung Quốc cho việc hợp tác trong tương lai.” Ông Bruck cho biết. Intel đã có nhà máy sản xuất bộ nhớ NAND Flash ở thành phố Đại Liên và một nhà máy kiểm tra tại Thành Đô.
Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài và địa phương đều đang xây dựng các cơ sở mới trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Samsung và SK Hynix đang mở rộng các cơ sở sản xuất chip nhớ của mình ở Xian và Wuxi, trong khi nhà máy chip của TSMC ở Nam Kinh sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng Năm tới.
Đối với các công ty trong nước, ba dự án chip nhớ do chính phủ hậu thuẫn với tổng giá trị lên tới 38 tỷ USD, hiện đang trong quá trình tại các thành phố Vũ Hán, Hợp Phì và Tuyền Châu. SMIC và Hua Hong Group, nhà gia công chip lớn thứ hai nước này, đang làm việc với hàng loạt cơ sở sản xuất ở Thượng Hải và Wuxi.
Ngành công nghiệp chip Trung Quốc đang lên ngôi.
Theo hãng nghiên cứu Bernstein Research, chi tiêu dành cho trang thiết bị nhà máy bán dẫn từ các công ty Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, từ 3,6 tỷ USD trong năm 2017 lên 7,1 tỷ USD trong 2018, và tăng lên hơn 11 tỷ USD trong năm 2019. Trong khi đó, cơ quan này còn dự báo rằng mức đóng góp của Trung Quốc cho chi tiêu vào trang thiết bị nhà máy bán dẫn trên toàn cầu sẽ tăng từ 15% của năm ngoái lên tới 26% vào năm 2019.
Theo Jeter Teo, một nhà phân tích tại hãng Trendforce của Đài Loan, doanh thu từ ngành công nghiệp chip Trung Quốc sẽ tăng gần 20% trong năm 2018 để đạt mức 620 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 97,92 tỷ USD), trong khi khu vực này đã chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm tới 20% từ năm 2014 đến nay. Các số liệu thống kê cũng bao gồm cả sản lượng từ các công ty chip nước ngoài ở quốc gia này.
Các rào cản với tham vọng của ngành bán dẫn Trung Quốc
Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy ngành chip Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tự cung cấp đã phải đối mặt với sự cản trở từ quốc tế, khi Mỹ đã chặn hầu hết các thương vụ mua lại những công ty Mỹ có liên quan đến ngành chip của Trung Quốc, do các lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Nhưng đó chưa phải là thách thức duy nhất. Ông Rick Wallace, giám đốc điều hành và Chủ tịch KLA-Tencor, nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip lớn nhất thế giới, cho biết tại SEMICON China. “Trung Quốc đang có những cơ hội to lớn và nhiều thách thức.”
Mặc dù tăng trưởng nhanh, ông Wallace cho rằng thách thức sẽ đến từ các kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng dàn trải các sản phẩm chip với nhiều công nghệ khác nhau trên hàng loạt các địa điểm. Ông cũng bổ sung thêm rằng, các thách thức còn đến từ việc thiếu hụt đáng kể các tài năng và việc di chuyển các chuyên gia trên khắp đất nước rộng lớn này.
Nhưng những cựu binh trong ngành chip Trung Quốc cũng nhận thức được các rào cản này.
“Chúng tôi là những người đến sau trong ngành công nghiệp này … Sẽ phải mất từ 2 đến 3 năm cho việc xây dựng một nhà máy mới và mất vài năm nữa để việc sản xuất trở nên trơn tru và thậm chí có lợi nhuận. Nó là một quá trình thực sự lâu dài.” Zhou Zixue, chủ tịch của SMIC và Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cho biết.
Ông Dinh, người đứng đầu Quỹ China IC, cho biết tổ chức của ông đã thúc giục chính quyền các địa phương về việc đầu tư hợp lý và sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo không có dư thừa nguồn cung từ các chip cấp thấp và tương tự nhau, một điều không được hoan nghênh.
Mark Li, nhà phân tích tại Bernstein Research, cho biết, cho dù nhiều dự án chip Trung Quốc có thể sẽ bị trì hoãn và nhiều quỹ địa phương sẽ không bao giờ đạt được mức cam kết ban đầu, ngành chip Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt lên các đối thủ toàn cầu của họ trong vài năm tới.
“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc có các thành phần cần thiết để tự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các chính sách của chính phủ sẽ tăng tốc việc phát triển đó.” Ông Li cho biết. “Nó sẽ mang tới nhiều cơ hội đầu tư và chúng tôi tin rằng nó có thể đầu tư được và rất bền vững.”
Chen Shuang, giám đốc điều hành của tập đoàn tài chính China Everbright, đã lặp lại những câu nói lạc quan về ngành chip Trung Quốc tại sự kiện của Credit Suisse vào thứ Ba vừa qua.
“Nhu cầu (bán dẫn) khổng lồ này mang lại các khoản đầu tư khổng lồ, và xu thế này sẽ không thay đổi.” Ông Chen cho biết. Ông bổ sung thêm rằng, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đặt ra một số giới hạn cho các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, các khoản đầu tư vào công nghệ vẫn được chào đón và vẫn rất mạnh mẽ.
Theo Nikkei
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng