Ngành công nghiệp đường đã mua chuộc các nhà khoa học Harvard suốt hàng chục năm qua để lừa dối cả nhân loại
Có 3 nhà khoa học đầu ngành dinh dưỡng liên quan trực tiếp đến vụ bê bối này.
Đầu tuần này, cả giới khoa học và người dân Mỹ đã phải hoang mang khi một bài báo công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine tiết lộ: Ngành công nghiệp đường nước này đã có hoạt động thao túng khoa học, thông qua một nhóm các nhà nghiên cứu đầu ngành tại Đại học Harvard từ 5 thập kỷ trước.
Một trong những nhà khoa học tại Harvard đó sau này trở thành chủ nhiệm về dinh dưỡng tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nơi ông có khả năng, và sự thật đã đặt nền tảng cho hướng dẫn chế độ ăn uống “sai lệch” của chính phủ liên bang.
Bắt đầu từ đó và kéo dài suốt 5 thập kỷ, nhiều nghiên cứu lỗi và tài liệu khoa học lệch lạc được công bố. Những thao túng này đã thành công trong việc hướng sự chú ý của các nhà khoa học khác và người dân ra khỏi rủi ro sức khỏe, liên quan đến đồ ngọt và ngành công nghiệp khổng lồ phía sau nó.
Mua chuộc các nhà khoa học, ngành công nghiệp đường Mỹ kiếm lời trên sức khỏe người dân suốt 50 năm qua
Để làm được điều này, họ đã tạo ra một “hình nhân thế mạng” cho tác hại của đường, khi mọi tội lỗi lúc này được gán cho chất béo. Các chuyên gia y tế, sau đó, chỉ có thể máy móc dựa vào tài liệu khoa học lệch lạc, để đưa ra những khuyến nghị chế độ ăn.
Kết quả là trào lưu ăn ít chất béo, nhiều đường đã hình thành và là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng béo phì và bệnh tim mạch ở Mỹ hiện nay. Đổi lại, ngành công nghiệp đường đã có được một thị trường kinh doanh khổng lồ.
Một dự án che mắt cả giới khoa học
Theo tài liệu được các nhà khoa học đến từ Đại học California công bố, có 3 nhà khoa học đầu ngành dinh dưỡng liên quan trực tiếp đến vụ bê bối này. Trong đó, vai trò lớn thuộc về Frederick John Stare, giáo sư dinh dưỡng, người sáng lập và đứng đầu Khoa Dinh dưỡng Đại học Harvard, từ năm 1942 đến năm 1976.
Giáo sư Stare có mối quan hệ mật thiết với Quỹ nghiên cứu đường (SRF), khi đó đã giúp họ liên hệ với hai nhà khoa học khác là D. Mark Hegsted và Robert McGandy. Sau này, Hegsted trở thành người đứng đầu và chỉ đạo các vấn đề dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Năm 1965, SRF tài trợ một dự án mang tên “Dự án 226”. Trong đó hai nhà khoa học Hegsted và McGandy, dưới sự giám sát của Stare, cùng viết một bài nghiên cứu tổng hợp, nhằm hạ bớt sự ảnh hưởng của đường tới bệnh tim và đổ lỗi cho chất béo bão hòa.
Nghiên cứu của Hegsted và McGandy sau đó được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM). Họ đã sử dụng những dữ liệu chọn lọc thiếu khách quan để tuyên bố rằng “không có nghi ngờ gì” khi nói rằng cách duy nhất để tránh bệnh tim là cắt giảm chất béo bão hòa.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã nhận được 6.500 USD. Nếu tính theo tỷ giá năm 2016, khoản tiền tương đương gần 50.000 USD.
“Dự án 226” đã hạ bớt sự ảnh hưởng của đường tới bệnh tim và đổ lỗi cho chất béo bão hòa.
SRF sau đó cử người thường xuyên giữ liên lạc với 3 nhà nghiên cứu. Họ bị yêu cầu đưa các bản thảo cho John Hickson, giám đốc nghiên cứu tại SRF. Hickson liên tục nhắc nhở họ về những lợi ích có thể nhận được từ tổ chức của ông. Có tổng cộng 340 tài liệu trao đổi của họ đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học California tìm thấy.
Trong một trả lời với Hickson, Hegsted khi đó còn làm việc tại Harvard đã viết: “Chúng tôi cũng nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của ngài với carbohydrate và cũng sẽ có thể kiểm soát cả vấn đề này”. Hegsted còn báo cáo với Hickson rằng ông phải “làm lại một phần phản biện”, mỗi khi có một nghiên cứu khác ra đời nói rằng đường có liên quan đến vấn đề tăng cholesterol.
Ngoài 3 nhà khoa học trong khởi đầu dự án 226, Quỹ nghiên cứu đường còn tiếp tục tài trợ cho nhiều nghiên cứu khác. Phải cho đến tận năm 1980, mới có vài nhà khoa học tập trung nghiên cứu vai trò của đường với bệnh tim. Nhưng cũng cùng năm đó, Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ vẫn nhấn mạnh chất béo và cholesterol mới là điều quan trọng.
Thị trường kinh doanh khổng lồ đánh đổi với sức khỏe người dân
Khi đã thành công trong việc thao túng hướng dẫn chế độ ăn tại Mỹ, ngành công nghiệp đường của họ bắt đầu phát triển mạnh. Các loại thực phẩm chỉ việc thay thế chất béo bằng đường, đó chính là những gì mà họ muốn.
Một thị trường lớn dành cho đường đã được mở ra thay vì đóng lại
“Sự thay đổi này sẽ có nghĩa là sự gia tăng hơn 1 phần 3 lượng đường tiêu thụ bình quân đầu người, đi đôi với sự cải thiện sức khỏe nói chung”, chủ tịch SRF, Henry Hass nói trong một khuyến nghị từ năm 1954. Và đó sẽ, và thực sự đã trở thành một thị trường kinh doanh khổng lồ.
Theo Hiệp hội béo phì Hoa Kỳ, lượng đường được tiêu thụ bình quân hàng ngày đã tăng hơn 30% so với 3 thập kỷ trước. Trẻ em Mỹ hiện nay ăn đường phụ gia nhiều gấp 3 lần mức chúng thực sự cần. Trong so sánh khi đặt ngành công nghiệp đường ở Mỹ trở lại những năm 1960, họ sẽ bị mất 20% lượng calo mà người Mỹ tiêu thụ, nếu công bố những nghiên cứu minh bạch về đường gây hại cho tim.
Các nhà khoa học ngày nay mới kịp nhận ra họ đã sai lầm khi bỏ qua vai trò của đường đối với sức khỏe trong suốt một thời gian dài. “Chúng ta phải tự hỏi mình xem bao nhiêu sinh mạng và tiền của có thể được tiết kiệm, và cả tình hình sức khỏe chung hiện nay sẽ như thế nào, nếu ngày đó ngành công nghiệp đã không thao túng khoa học”, Jim Krieger, giám đốc điều hành Health Food America cho biết trong một bình luận.
Coca-cola mới đây cũng dính đến một nghi án thao túng tương tự
Mặc dù vậy, câu chuyện có vẻ còn chưa kết thúc. “50 năm sau, chúng ta tỉnh dậy bởi những tác hại mà đường đang gây ra. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tiếp tục sử dụng chiến thuật lâu đời cuả họ”, Jim Krieger cho biết.
Ngay năm ngoái, hãng nước giải khát Coca-cola đã chi hẳn 1.5 triệu USD cho một dự án phi lợi nhuận liên quan đến dinh dưỡng. Trong khi khẳng định là sẽ không can thiệp vào hoạt động của tổ chức này, các email rò rỉ đã tiết lộ rằng Coca-cola đã có ảnh hưởng trong việc lựa chọn lãnh đạo tổ chức, sửa tuyên bố sứ mệnh, gợi ý bài viết và video cho website.
Trở lại vụ bê bối của Quỹ nghiên cứu đường, hiện tại cả 3 nhà khoa học Frederick John Stare, D. Mark Hegsted và Robert McGandy đã đều qua đời. Ngay sau khi bài báo vạch trần sự thật được công bố, Hiệp hội Đường Hoa Kỳ (tên gọi mới của SRF) đã lên tiếng xác nhận: “Chúng tôi thừa nhận rằng SRF lẽ ra nên minh bạch hơn trong tất cả hoạt động nghiên cứu của mình”.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng bào chữa rằng vào khoảng thời gian các nghiên cứu liên quan được công bố, các thông tin về tài trợ và tiêu chuẩn minh bạch chưa được hoàn thiện như hiện nay. Họ cũng tránh đưa ra bình luận và nói rằng “chưa bao giờ nhìn thấy” những tài liệu của 60 năm về trước.
Tham khảo Sciencealert, Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng