Ngập nợ vì vay tiền qua app mua vé BlackPink: Mặt trái của fintech ở quốc gia Đông Nam Á ngay gần Việt Nam
Có thể vay tiền quá nhanh và quá dễ sẽ dẫn đến chi tiêu vô tội vạ và sau đó là ngập trong nợ - viễn cảnh mà 1 nước có dân số trẻ như Indonesia dễ mắc phải.
Giữa tháng 11 năm ngoái, 70.000 người đã dành nhiều tiếng đồng hồ xếp hàng mua vé tham dự Born Pink – đêm diễn của nhóm nhạc nữ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc BlackPink. Dù đến đầu tháng 3 buổi biểu diễn mới diễn ra ở thủ đô Jakarta, vé đã được bán hết sạch chỉ trong thời gian ngắn.
Mới đây, ban nhạc của nước Anh Coldplay cũng thông báo trên Instagram rằng tất cả các vé cho buổi diễn Music of the Spheres ở Jakarta (dự kiến tổ chức vào tháng 11) đã được bán hết.
Đối với những người yêu âm nhạc ở Indonesia, đây thực sự là thời điểm tuyệt vời để tận hưởng âm nhạc quốc tế, không chỉ bởi vì Blackpink và Coldplay chọn đây là điểm dừng chân cho tour lưu diễn quốc tế của họ. Bộ Tài chính Indonesia dẫn số liệu từ báo cáo của MUC Consulting cho biết các sự kiện này tạo ra tác động lớn đến nỗi giúp tăng cả nguồn thu thuế.
Trong tháng 1 và tháng 2, những người tham dự sự kiện mang về nguồn thu 28,85 nghìn tỷ rupiah (tương đương 1,9 tỷ USD), tăng so với mức 23,6 nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, làn sóng này không phải không có mặt trái. Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính Indonesia (FSA) mới đây cảnh báo người dân hãy tránh xa các dịch vụ “mua trước trả sau” khi mua vé, đặc biệt là những người trẻ quay sang vay tiền trực tuyến để có tiền mua vé.
Đây thực sự là điều đáng lo ngại. Trong tháng 5/2023, nợ quá hạn trên các nền tảng cho vay trực tuyến ở Indonesia là 51,5 nghìn tỷ rupiah, tăng 28% so với 1 năm trước. Thậm chí một số người bị lừa đảo bởi ứng dụng giả mạo. Những ứng dụng này đặc biệt bùng nổ sau đại dịch Covid-19, khi nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn.
Fintech và các ứng dụng cho vay kỹ thuật số đã giúp bộ phận dân số có thu nhập thấp tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng và có thể vay tiền dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đó lại là con dao 2 lưỡi: vay tiền quá nhanh và quá dễ sẽ dẫn đến chi tiêu vô tội vạ và sau đó là ngập trong nợ - viễn cảnh mà 1 nước có dân số trẻ như Indonesia dễ mắc phải.
Hơn một nửa trong số 270 triệu dân Indonesia là những người trong độ tuổi 18 đến 39. Họ cũng là những người được kỳ vọng sẽ kiến tạo tương lai đất nước.
Và không chỉ giới trẻ, câu chuyện sâu xa hơn đằng sau thị trường thương mại điện tử Indonesia vẽ ra 1 bức tranh có rất nhiều điểm mâu thuẫn. Ngày nay khoảng 90 triệu người dân Indonesia vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Chính phủ Indonesia coi việc phục vụ nhóm này là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có 1 ưu tiên không kém phần quan trọng: chỉ đúng đường cho nhóm dân số trẻ am hiểu công nghệ nhưng dễ dàng sa vào nợ nần.
Giống như nhiều nền kinh tế châu Á khác, Indonesia đang chứng kiến thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng thấy. Đây là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 11 thế giới, với doanh thu được dự báo sẽ đạt hơn 44,8 tỷ USD trong năm nay, cao hơn Brazil.
Phần lớn đà tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu lớn mạnh rất nhanh, theo World Bank ước tính gồm gần 52 triệu người. Kết quả là người trẻ Indonesia có 1 điểm khác biệt quan trọng so với thế hệ ông bà, cha mẹ của họ: thu nhập khả dụng cao hơn đáng kể và thành thạo công nghệ. Những yếu tố này giải thích tại sao Indonesia đang nổi lên là 1 trung tâm ca nhạc lớn ở châu Á.
Theo 1 báo cáo của UN, âm nhạc là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong số 16 ngành kinh tế sáng tạo ở Indonesia nhờ làn sóng số hóa. Trong đại dịch, Indonesia trở thành một trong những trung tâm streaming hàng đầu ở Đông Nam Á của Spotify. Hơn 50% lao động trong lĩnh vực âm nhạc ở quốc gia này sử dụng thương mại điện tử để mở rộng sự hiện diện trên thị trường.
Xét về số lượng người dùng internet và doanh số bán lẻ thương mại điện tử, Indonesia cũng vượt qua các nước khác trong khu vực như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021.
Có 1 sự thực không thể chối cãi là số hóa giúp đơn giản hóa cuộc sống và giúp mọi người làm giàu theo nhiều cách. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là những hệ lụy khó lường mà các quốc gia đều phải giám sát chặt chẽ.
Tham khảo SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng