Ngày càng nhiều người trẻ nhiễm và chết vì Covid-19: Thật xin lỗi, nhưng dịch bệnh lần này không có ai là đối tượng an toàn cả
"Các bạn không bất khả chiến bại," - đó là lời cảnh báo của Tổng giám đốc của WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus dành cho người trẻ.
- Sắp thí điểm dùng tài khoản điện thoại để thanh toán, hạn chế giao dịch tiền mặt để phòng chống dịch Covid-19
- Thượng nghị sĩ Mỹ chất vấn Google về trang web sàng lọc COVID-19: tại sao cần phải đăng nhập tài khoản Google?
- Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ: Mắt đỏ nhẹ có thể là dấu hiệu của bệnh nhân nhiễm COVID-19
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện và lan rộng thành đại dịch toàn cầu, những lời khuyên dịch tễ từ cả Tổ chức y tế thế giới WHO và chính phủ các nước đều có một điểm chung là: người cao tuổi phải đặc biệt cẩn thận, vì càng nhiều tuổi, rủi ro thiệt mạng càng lớn.
Dĩ nhiên, lời khuyên ấy cũng xuất phát từ thực tế. Tỷ lệ lớn những người thiệt mạng vì virus corona thuộc nhóm trên 70 tuổi hoặc bệnh nhân có bệnh lý nền. Ở Ý - đất nước với số ca thiệt mạng nhiều nhất thế giới (hơn 13.000 người theo số liệu ngày 2/4) có cơ cấu dân số thuộc dạng "già cỗi" ở châu Âu với tỉ lệ 23%. Tây Ban Nha cũng lên tới 17%, tương đương hơn 7 triệu người, và số người thiệt mạng trong đại dịch lần này cũng đã hơn 10.000.
Nhưng chính những thông tin này lại vô tình tạo ra một niềm tin cho người trẻ, rằng việc nhiễm virus với họ sẽ chẳng gây nguy hiểm. "Nó sẽ chỉ giống một cơn cảm cúm," - có người đã nói như vậy. Và phải nói rằng, đó là một niềm tin hoàn toàn sai lầm.
Tổng giám đốc của WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải lên tiếng cảnh báo vào giữa tháng 3 về sự chủ quan của người trẻ trong đại dịch lần này. "Các bạn không bất khả chiến bại," - trích lời ông Ghebreyesus dành cho người trẻ, vào ngày 20/3.
"Loại virus này có thể đưa bạn vào viện hàng tuần, thậm chí giết chết các bạn. Hiện tại, những người dưới 50 tuổi đang chiếm phần lớn số bệnh nhân cần nhập viện," - ông chia sẻ thêm.
Tiếc thay, thực tế cho thấy ông đã đúng. Ngày 29/3, một em bé sơ sinh tại bang Illinois đã thiệt mạng vì nhiễm Covid-19 . Ngày 1/4, Mỹ ghi nhận thêm một em bé sơ sinh 6 tuần tuổi tại bang Connecticut tử vong. Nếu bạn cho rằng nạn nhân chỉ là trẻ em với hệ miễn dịch còn yếu, thì cuối tuần trước, tiểu bang Los Angeles xuất hiện trường hợp thiếu niên tử vong sau khi nhiễm virus, dù trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường. Còn tại Anh, ít nhất cũng có 2 thiếu niên tử vong, một người 19, một người mới 13 tuổi, và cả hai không có tiền sử bệnh lý nền .
Virus có thể quật ngã cả người trẻ
Rất tiếc, dịch bệnh lần này sẽ chẳng có ai là đối tượng an toàn
Các nghiên cứu về đại dịch Covid-19 chỉ ra rằng, 8/10 người có triệu chứng nặng đều trên 65 tuổi. Tuy nhiên, điều này có nghĩa sẽ có 2 người trẻ hơn độ tuổi ấy. Và khi nhân lên với quy mô toàn cầu, rõ ràng sẽ có rất nhiều người trẻ phải đối mặt với tình huống sinh tử vì virus corona.
Trên thực tế, những người dưới 50 tuổi đáng lẽ phải có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn nhóm người già. "Khỏe", có nghĩa là cơ thể họ có khả năng nhận ra tác nhân ngoại xâm - như virus corona - nhanh hơn, rồi tiến hành sản xuất kháng thể chống lại virus sớm hơn. Trước khi virus có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm, hệ miễn dịch của họ lẽ ra có thể kịp giải quyết để cơ thể sớm hồi phục. Những gì họ phải chịu có lẽ chỉ là một trận sốt, những cơn ho khan và cảm giác mệt mỏi mà thôi.
Nhưng trớ trêu thay, cũng chính hệ miễn dịch của người trẻ lại là vấn đề, và vấn đề này đã được xác nhận xảy ra ở vài trường hợp tử vong vì virus chủng mới.
Trong quá trình nhận biết và chuẩn bị tấn công virus, một số tác nhân chưa xác nhận - có thể là từ gene hoặc từ môi trường - đã khiến hệ miễn dịch có những phản ứng quá đà. Khi ấy, các tế bào viêm - được gọi là cytokine (loại protein giúp tạo môi trường thù địch cho tác nhân bên ngoài) sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng rất mạnh là "bão cytokine".
Phản ứng này là một phần của hệ miễn dịch, dù không phổ biến. Nhưng khi nó xảy ra, hệ miễn dịch sẽ không thể kiểm soát sau khi kích hoạt. Quá trình tế bào sưng viêm sẽ tiếp tục xảy ra, lan rộng với tốc độ không thể kiểm soát, khiến dịch lỏng tràn vào phổi và gây khó khăn cho đường hô hấp.
Số dịch lỏng này lại là môi trường hoàn hảo để "nuôi" số vi khuẩn vốn được cơ thể kềm giữ. Vi khuẩn nhân lên, phổi cũng sưng lên, tạo ra những điểm mù trên phim chụp. Đó chính là viêm phổi, và đòi hỏi bệnh nhân phải nhập viện điều trị khẩn cấp.
Cơn bão cytokine kéo dài có thể khiến hệ hô hấp ngưng hoạt động hoàn toàn. Đường thở bị tắc nghẽn, trong khi tế bào không thể hấp thụ thêm oxy. Nếu không được chữa trị kịp thời, nạn nhân sẽ chết, bất kể là độ tuổi nào.
Có một giả thuyết khác liên quan đến hiện tượng này, liên quan đến các y bác sĩ. Trên thực tế, chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều bác sĩ và y tá trẻ, khỏe mạnh phải nhập viện điều trị vì nhiễm virus corona. Riêng tại Ý, hơn 50 bác sĩ đã thiệt mạng vì dịch bệnh. Tuy nhiên với các nhân viên y tế, việc phải liên tục tiếp xúc với nguồn bệnh chính là vấn đề.
Khi phải tiếp xúc với quá nhiều rủi ro và không may nhiễm bệnh, hệ miễn dịch sẽ không thể giải quyết kịp đợt virus đầu tiên trước khi đợt kế tiếp ập tới. Cứ như vậy, người bệnh sẽ phát triệu chứng rất nặng.
Tham khảo: LiveScience, BBC, CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng