Ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam theo đuổi con đường eSport chuyên nghiệp

    Du Lam, Theo ICTNEWS 

    Nhiều thanh niên Việt Nam xem chơi game và eSport không chỉ là hình thức giải trí mà còn là sự nghiệp cần theo đuổi.

    Ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam theo đuổi con đường eSport chuyên nghiệp - Ảnh 1.

    Việt Nam là nhà vô địch giải đấu Liên Quân 2019. Ảnh: Arena of Valor

    Định mệnh của Đoàn Mạnh An là trở thành bình luận viên thể thao điện tử (eSport caster) chuyên nghiệp. Vài năm trước, anh tốt nghiệp với bằng marketing và làm việc trong văn phòng. Công việc nhàm chán nên anh nghỉ việc. Thời gian sau đó, anh ở nhà, xem người khác bình luận game League of Legends (Liên minh huyền thoại) và vô tình thấy tin tuyển dụng bình luận viên cho Vietnam Esport TV. Anh quyết định nắm lấy cơ hội dù khi ấy, eSport chưa phổ biến như ngày nay.

    5 năm sau, Mạnh An là một trong các bình luận eSport nổi tiếng tại Việt Nam. Một số giải đấu anh từng tham gia là Vô địch Liên minh huyền thoại Việt Nam và gần đây là Giải đấu giao hữu MSI 2019 do Riot Games tổ chức.

    Mạnh An làm việc cho Vietnam Esport TV của Garena, bộ phận giải trí điện tử thuộc Sea Group. Là một bình luận viên, nhiệm vụ của anh là tường thuật các trận đấu cho người xem, đặc biệt là trong game Liên minh huyền thoại. Mỗi trận kéo dài tối đa 35 phút, Mạnh An phải giải thích cách game thủ lựa chọn nhân vật, chiến thuật…

    Là kênh eSport hàng đầu Việt Nam, Vietnam Esport TV có khoảng 2,95 triệu người theo dõi trên YouTube và thu hút 1,85 tỷ lượt xem, trung bình mỗi video có 650.000 lượt xem. Tại Việt Nam, video game vẫn chỉ được xem là trò giải trí giết thời gian, không phải thứ mà người ta có thể kiếm sống được. Các game thủ, dù chuyên nghiệp hay không chuyên, thường bị mọi người kỳ thị.

    Dù vậy, ngày càng nhiều người trẻ xem chơi game còn hơn cả một thú vui và lấy nó làm sự nghiệp, dù là bình luận viên, người chơi hay lập trình viên. Bùng nổ công nghệ đồng nghĩa với lĩnh vực sẽ còn nhiều hứa hẹn.

    Hoài nghi và kỳ thị

    Một trong những trở ngại lớn nhất mà caster và game thủ đối mặt chính là… gia đình. Công việc của họ mới chỉ ra đời trong 10 năm trở lại đây với sự ra đời của Hiệp hội Thể thao điện tử Việt Nam năm 2009. Dù game ngày nay trở nên phổ biến và được nhìn nhận là một bộ môn thể thao, vài người vẫn không hiểu nổi nó có gì hấp dẫn.

    Tương tự Mạnh An, bình luận viên biệt danh Thắng Thép, người gắn bó với nhà phát hành game Appota, phải thuyết phục phụ huynh về công việc của mình. Cả hai nhớ lại họ đã bị lôi ra khỏi quán café Internet như thế nào và bị trách mắng vì dành quá nhiều thời gian cho game khi còn là thiếu niên. Ngay cả khi đã làm trong ngành game, Mạn An và Thắng Thép vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được sự hoài nghi của bố mẹ.

    Mạnh An nói: "Mẹ tôi vẫn hỏi mỗi lần tôi chơi game. Tôi thường phải nhắc mẹ tôi rằng đây là công việc của mình". Tất nhiên, công việc của Mạnh An còn phức tạp hơn thế.

    Caster không cần phải là người chơi giỏi nhất nhưng họ phải hiểu rõ cơ chế của một game. Thần tượng của Thắng Thép chính là Trevor "Quickshot" Henry, một trong các bình luận viên Liên minh huyền thoại đầu tiên. Trước khi gia nhập Appota, Thắng trau dồi kinh nghiệm thông qua bình luận cho các game thủ Street Fighter tại một vài sự kiện game.

    "Bạn phải làm chủ ngôn từ và phải chơi game để khám phá nhiều hơn thay vì thắng trận. Tôi không chuẩn bị cho bất kỳ cuộc thi nào. Nó diễn ra tự nhiên vì tôi đã chơi ở nhiều vị trí khác nhau để tăng kiến thức và quen thuộc với trò chơi", Thắng chia sẻ.

    Một số caster còn livestream ván đấu và tương tác với người hâm mộ. Caster có thể thử nghiệm nhiều phong cách tường thuật khác nhau.

    Trò chơi mới

    Khoảng 2 năm trước, Mạnh An được mời vào mạng lưới Facebook Gaming độc quyền, bao gồm gần 500 nhà sáng tạo nội dung liên quan tới game tại Việt Nam. Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở đây và streamer trên Facebook Gaming cũng thu hút hàng triệu lượt xem.

    Trong làng game, chỉ có vài streamer đạt tới danh hiệu "ngôi sao". Nổi tiếng nhất phải kể tới ViruSs, PewPew, Misthy, mỗi người đều có lượng người theo dõi đông đảo, được nhận tài trợ từ nhiều nhãn hàng và cộng tác với các công ty quảng cáo.

    Mạnh An tin vào sự nghiệp streamer. Anh tự học hỏi để hiểu hơn về game và tương tác nhiều hơn với người hâm mộ. Streamer phải đi trước xu thế và chuẩn bị tâm lý để xử lý được những phản ứng tiêu cực từ người khác.

    Không có công thức để trở thành streamer hay caster thành công. Với Mạnh An, điểm mạnh nằm ở sự hài hước. Với Thắng Thép, nó lại là tính thực tế. Mạnh An cho biết "chìa khóa là thực sự hiểu người xem muốn gì. Từ khi chuyển sang chơi Teamfight Tactics, tôi có nhiều thời gian hơn để giao lưu với người xem vì nhịp độ không quá nhanh".

    Trỗi dậy và nhận diện

    Hầu hết giới trẻ Việt Nam lớn lên cùng video game. Trước khi Internet trở thành một loại tiện ích, họ thường vùi mình trong các quán café Internet để chơi game line trong nhiều giờ. Điều này thay đổi khi Internet nhanh và rẻ hơn. Facebook tiến vào Việt Nam cũng như YouTube. Video game được phát hành trên toàn cầu cùng một lúc, vì vậy giới trẻ có thể tải chúng và chơi như bất kỳ ai khác trên thế giới. Tựa game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông năm 2013 gây sốt toàn cầu, đưa cái tên Việt Nam lên bản đồ game di động.

    Hiện tại, kỳ lân công nghệ duy nhất của Việt Nam là VNG. Các startup chuyên về game có Appota, VTC Game, SohaGame. Garena – thế lực eSport của vùng – đã hoạt động ở đây được một thập kỷ. Các nhà phát hành game rót tiền vào những tựa game eSport lớn và tài trợ.

    Theo báo cáo của Appota năm 2018, Việt Nam có khoảng 18 triệu người chơi eSport và đang trên đà đạt 8 triệu người xem livestream ít nhất tuần một lần. Với 51 triệu thuê bao 3G và 4G cùng 32,8 triệu game thủ trên cả nước, Appota ước tính cứ một trong hai người có Internet di động chơi game trên điện thoại.

    Báo cáo của Appota còn dẫn số liệu từ hãng phân tích esport Newzoo, xếp hạng Việt Nam là thị trường game lớn thứ 28 thế giới, tăng từ hạng 35 năm 2017. Năm 2018, mảng eSport và video game Việt Nam ước đạt doanh thu 365 triệu USD.

    Chris Tran, phụ trách eSport cho Riot Games Đông Nam Á, nhận xét thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn nhờ khán giả trẻ, game thủ cạnh tranh và tinh thần cộng đồng hùng mạnh. Năm 2018, Riot Games bắt đầu xếp chỗ cho đội eSport Việt Nam trong các giải đấu Liên minh huyền thoại quốc tế của mình.

    Jason Ng, Phó Chủ tịch đối tác chiến lược của Garena, nói rằng chiến thắng gần đây tại giải đấu game Liên quân (Arena of Valor World Cup) 2019 của đội tuyển Team Flash chứng minh được tài năng eSport Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong 12 đội đại diện tại Free Fire World Series của Garena tại Brazil.

    Theo ông Ng, thị trường game và eSort Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng. Liên quân là một trong các game di động hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á.

    Du Lam (Theo KrAsia)


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày