Bao lâu rồi bạn chưa động vào một chiếc máy ảnh du lịch? Phải chăng máy ảnh Point and Shot ngày nào đã hết thời, bị tiếm ngôi bởi một hình thái mới?
Thời hoàng kim của máy ảnh du lịch
Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, máy ảnh du lịch (hay còn gọi là máy ảnh compact, Point and Shot) gần như một thiết bị ghi hình không thể thiếu. Độ phổ biến của nó lớn đến nỗi gần như hộ gia đình nào cũng sở hữu ít nhất một chiếc để lưu giữ khoảnh khắc cùng nhau, còn những siêu thị điện máy luôn thu hút khách hàng quan tâm và đến tìm hiểu.
Một chiếc máy ảnh compact điển hình.
Máy ảnh compact thời kỳ này được người dùng lựa chọn rất nhiều bởi một số yếu tố sau:
- Gọn nhẹ hơn rất nhiều so với máy ảnh DSLR.
- Dễ sử dụng, dễ thao tác.
- Ống kính gắn liền và có khả năng zoom rất xa, tiện lợi cho đa số mục đích sử dụng.
- Giá thành rẻ hơn rất nhiều so với máy ảnh DSLR, không cần phải mua thêm ống kính
Theo đó, doanh thu của máy ảnh compact bắt đầu chớm nở từ năm 1999 và tăng vọt sau nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ vài năm qua, khi công nghệ hình ảnh bắt đầu phát triển nhiều, dòng máy ảnh này đã không còn sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Sự lật đổ ngoạn mục của máy ảnh không gương lật
Máy ảnh không gương lật (Mirrorless) là một phát minh đánh dấu sự đột phá trong lịch sử nhiếp ảnh, bởi nó mang đến chất lượng hình ảnh ngang ngửa DSLR nhưng dáng vẻ bên ngoài chỉ xấp xỉ một chiếc máy ảnh compact hoặc nhỉnh hơn không nhiều.
Hơn nữa, dòng máy ảnh này ngày càng được tích hợp nhiều tính năng thời thượng như kết nối không dây, tương thích tốt với smartphone càng khiến máy ảnh compact bị bỏ xa.
Fujifilm X-T10, chiếc máy ảnh Mirrorless mang dáng vẻ hoài cổ được nhiều người dùng ưa chuộng.
Một số cái tên nổi bật trong làng máy ảnh Mirrorless có thể kể đến như: Fujifilm với thiết kế hoài cổ chấm phá nét cơ khí hiện đại; Olympus với thân hình nhỏ gọn, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến bên trong và cuối cùng là Sony, cái tên quá quen thuộc cũng bước chân vào thị trường này với nhiều lựa chọn cho phân khúc trung-cao cấp.
Cuộc "vùng lên" của máy ảnh không gương lật diễn ra khi Sony lần đầu tung ra dòng A7 với cảm biến Full Frame, vốn chỉ dành cho các máy ảnh DSLR chuyên nghiệp. Chính sự xuất hiện của cảm biến này trên máy ảnh không gương lật đã khiến những thương hiệu chuyên DSLR như Canon, Nikon phải dè chừng.
Smartphone lên ngôi - mối đe dọa mới nổi
Tuy nhiên, kẻ khiến máy ảnh compact "thân bại danh liệt" như ngày nay lại không phải ai khác ngoài chiếc smartphone nhỏ bé. Nếu như trước đây camera trên điện thoại chỉ ở mức tạm chấp nhận thì năm 2016 lại chứng kiến nhiều thay đổi mang tính tích cực.
Cụ thể, cảm biến trên smartphone ngày càng tăng kích thước, khẩu độ mở của ống kính giúp ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng ngày càng ấn tượng. Ngoài ra, chế độ chỉnh thông số thủ công xuất hiện trên nhiều dòng điện thoại Android lại càng đem lại trải nghiệm nâng cao trong một vẻ ngoài nhỏ nhắn.
Ngoài ra, tính đa dụng và thao tác nhanh cũng là một ưu điểm vô cùng lớn của smartphone. Chỉ với một thao tác trên màn hình, camera đã được bật lên và mọi thứ cần làm lúc này chỉ việc bố cục rồi bấm chụp.
Chính sự giản đơn trong thao tác cũng như dễ tiếp cận nên ngày càng nhiều người chọn smartphone làm thiết bị chụp ảnh chính. Không những vậy, giá thành một chiếc smartphone cũng vừa túi tiền hơn và đổi lại chúng ta còn có thể dùng chúng cho nhiều mục đích khác, không chỉ riêng chụp ảnh.
Thêm vào đó, sự phát triển của các ứng dụng chỉnh sửa ảnh như Instagram, VSCO hay Snapseed càng khiến thu hút người dùng hơn: chụp ảnh từ smartphone, chỉnh ảnh cũng từ smartphone, rồi lại chia sẻ ảnh lên mạng xã hội bằng smartphone.
Tất cả đều nhanh chóng, tiện lợi và gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh. Một số ứng dụng còn đem lại khả năng chụp "tự sướng", làm đẹp da ở một tầm cao mới.
Ảnh chụp từ smartphone chiếm đến 39%, trong khi máy ảnh DSLR chỉ 31%.
Theo thống kê của trên trang chia sẻ ảnh Flickr năm 2015, các hình ảnh khi đăng tải lên đây có đến 39% là chụp từ smartphone, trong đó DSLR chỉ chiếm 31%. Điều này cho thấy càng ngày con người càng có xu hướng chuyển sang chụp ảnh bằng smartphone.
Chất lượng camera của smartphone không chỉ dừng lại mà hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Chỉ trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của hệ thống camera kép đến từ LG G5, Huawei P9 và gần nhất là iPhone 7 Plus.
iPhone 7 Plus cùng cụm camera kép đem lại khả năng làm mờ hậu cảnh như máy ảnh chuyên nghiệp.
Camera kép trên iPhone 7 Plus có thể coi như cuộc cách mạng nhiếp ảnh di động bởi nhờ ống kính tele trên thiết bị này kết hợp cùng thuật toán xử lý đã giúp ảnh chân dung được nổi khối và "xóa phông" tốt hơn, ảnh thành phẩm như chụp bởi DSLR chuyên nghiệp.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng